Đáng lý là sếp băng đảng nhưng lại làm linh mục

Chúng tôi xin giới thiệu đến quý độc giả Linh mục René-Luc, một nhân vật ngoại hạng mà cuộc đời của cha như quyển tiểu thuyết. Chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu các bài dụ ngôn của cha, những bài dụ ngôn đọc để lên tinh thần, để không bị chán nản, để biết trên cuộc đời có những người đi theo Chúa Giêsu Kitô hết mình và đã kéo rất nhiều người đi theo Chúa!

lepoint.fr, Jérôme Cordelier, 2018-12-06

Sau đoạn đời tuổi trẻ sống trong bạo lực, người linh mục tương lai đi trên con đường đức tin. Hiện nay linh mục René-Luc thành lập chương trình CapMissio để đào tạo các người trẻ đi rao giảng Phúc Âm.

Gào thét cho tình yêu. Với gương mặt có nét hằn như dao khắc, đôi mắt xanh da trời, mái tóc dày, dáng mảnh khảnh và rắn chắc, cha René-Luc Giran có thể có sự nghiệp diễn viên như tài tử Jean Gabin. Nhưng người này không phải là diễn viên, người này là linh mục. Lại là linh mục đứng đầu chiến tuyến vì cha lên tiếng trên nhiều trang mạng xã hội, trên YouTube, một số bài của cha có đến 600 000 lượt xem. Cha đi diễn thuyết trên khắp nước Pháp, cha nói: “Tôi mong làm sao tiếp xúc được với những người đã xa Chúa”.

51 tuổi đã nếm đủ mùi đời. Trước khi là tông đồ của hy vọng, cha đã nếm khía cạnh đen tối của cuộc hiện sinh. Đáng lý con người của Chúa này đã có thể là trùm băng đảng.

Đã xuống địa ngục. “Quá trình đặc biệt” như cha thường nói, một tuổi trẻ quá bấn loạn bắt đầu ở Nỵmes ngày 21 tháng 4 năm 1966. Người linh mục tương lai là con thứ ba của một gia đình có năm người con, nhưng lại có đến ba người cha khác nhau – hai con trai một cha, hai con gái một cha và René- Luc ở giữa, một cha khác. Con của một quân nhân mà đến 13 tuổi René-Luc mới biết cha mình, và chỉ đến năm 19 tuổi mới gặp cha lần đầu. Trong vòng 10 năm, từ 27 đến 37 tuổi, mẹ của René-Lúc sống một mình nuôi năm người con. Cha giải thích: “Tóm lại, tôi sinh ra trong một gia đình có vấn đề: mẹ đơn thân nuôi năm con và tôi không biết cha mình.” Nhưng không phải bất hạnh chỉ chừng đó. Vì mẹ của René-Luc cuối cùng gặp một người đàn ông khác. Ông Martial sống với bà trong vòng năm năm và đưa gia đình vào một thảm kịch kinh hoàng. Cha René-Luc kể: “Ông Martial là một tên cướp, từng ở tù, đánh đập vợ, gia đình cố gắng bỏ trốn nhưng bị ông bắt lại. Trong những năm này, khi tôi 10 đến 14 tuổi, tôi trải qua một giai đoạn thật chấn thương, đúng là đi xuống địa ngục, tôi sống trong bạo lực tận cùng.”

Cho đến ngày kinh hoàng tột cùng, một ngày tháng 11 năm 1979, người cha ghẻ găng-xte lấy súng bắn vào tim trước mặt vợ và hai đứa con ghẻ, trong đó có René-Luc. Chắc chắn René-Luc sẽ không bao giờ hoàn hồn nếu vài tháng sau cha không được mạc khải, ngày 19 tháng 3 năm 1980 ở nhà thể thao của tỉnh Montpellier, khi cha nghe chứng từ của mục sư tin lành người Mỹ Nicky Cruz. Cha René-Luc kể: “Mục sư Nicky Cruz là sếp băng đảng Mau-Mau ở Bronx, New York và mục sư trở lại. Lúc đó tôi sống tuổi vị thành niên ngoài kiểm soát, tôi chỉ nghĩ đến xe mô-tô (năm 2012 cha bị tai nạn mô-tô trầm trọng, bị gãy xương chậu phải nằm bệnh viện 6 tháng), đến các cô, đến thể thao, đến chạy theo những con bò mộng nhỏ ở Camargue, đến đá banh ở Nỵmes… Tôi sống như một đứa trẻ vị thành niên không cha, không điểm mốc; tôi xuống hố như trẻ phạm pháp, tôi tham dự vài vụ ẩu đả của các băng đảng. Tôi là đứa bé hung bạo. Thậm chí tôi còn đe dọa mẹ tôi. Khi được cô hàng xóm cho biết có buổi nói chuyện này, cô dục tôi đi, nói rằng không chừng sẽ làm cho tôi thành sếp băng đảng. Tôi dính chốt, tôi đi.”

Chuyện tiếp theo thì ra khỏi lý lẽ bình thường một chút. “Tôi giao động bởi câu chuyện của mục sư Nicky Cruz, khám phá ra rất nhiều điểm giống nhau giữa đời sống của mục sư và của tôi. Khi mục sư nhắc đến Chúa, tự nhiên tôi làm một liên hệ. Mục sư đề nghị những người hiện diện lên bục với ông. Khi đó tôi cảm nhận một kinh nghiệm thiêng liêng rất mạnh. Tôi biết sau này nếu tôi sống sót thì đúng là tôi sống theo câu của tiên tri Êdêkiel (36: 26) trong Thánh Kinh: ‘Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt.’ Từ lúc đó, tôi bắt đầu đi trên con đường đức tin.”

Linh mục René-Luc với các sinh viên của CapMissio. Trong vòng một năm, các học sinh học thần học, làm các việc làm nhân đạo và trao truyền sự cam kết của mình cho các bạn trẻ.

René-Luc đến một nhóm cầu nguyện, học chơi đàn ghi-ta, thành lập ban nhạc rock đạo và đã trình diễn ở sân vận động Gerland, thành phố Lyon trước Đức Gioan-Phaolô II vào tháng 10 năm 1986. Cũng cùng năm này, René-Luc vào chủng viện và được chịu chức ngày 26 tháng 6 năm 1994. Câu chuyện của mình, cha kể trong quyển sách “Chúa ở trọn tâm hồn” (nhà xuất bản Presses de la Renaissance), phát hành năm 2008, bán 50 000 ấn bản và được dịch ra bốn thứ tiếng. Và bây giờ cha ra quyển sách “15 Dụ ngôn quy về điều chủ yếu” cũng do nhà xuất bản Presses de la Renaissance và Plon ấn hành. Linh mục truyền giáo nhiệt tình, thiện cảm, luôn chơi thể thao hết mình, sau mười năm chơi rugby trong đội Tarn, bây giờ cha chơi trượt nước ở Montpellier. Nhưng đừng gọi cha có sức chịu đựng bền bỉ, chữ này có vẻ không phù với cha. Cha nhấn mạnh: “Còn hơn là bền bỉ, tôi sống kinh nghiệm của trở lại. Đó là hy vọng thiêng liêng đã biến đổi đời tôi, chứ không phải sự tháp tùng tâm lý dẫn tôi đến việc quay 180 độ.” Khi mình là người công giáo, mình thích sống lại hơn là bền bỉ chịu đựng.

 

 

Chúa ở trọn tâm hồn

 

René-Luc, nxb. Presses de la renaissance

 

  1. Anh em khác cha khác mẹ?

 

Chuông trường trung học khu phố  Nîmes reo. Bấy giờ là tháng 9 năm 1978, tôi 12 tuổi và đang học lớp năm. Anh Cacou ở cùng trường. Anh hơn tôi một tuổi nhưng anh vừa bị ở lại lớp. Vậy là chúng tôi học cùng lớp.

Hai anh em cao gần bằng nhau, nhưng anh lực lưỡng hơn tôi và chúng tôi không giống nhau: anh tóc nâu, tôi tóc vàng, mắt của anh xanh lục, mắt tôi xanh lơ, anh có cái mũi chung chung, tôi có cái mũi giống người Hy Lạp. Anh thích chơi loại thể thao cá nhân và quần vợt. Tôi thích chơi loại thể thao tập thể và đá banh. Anh thích đọc tiểu thuyết và đọc rất nhiều, còn tôi mê truyện tranh. Các khác nhau bên ngoài không làm chúng tôi xa nhau, chúng tôi giống nhau như hai mảnh ghép của trò chơi ghép hình.

Ngày tựu trường, chúng tôi sắp hàng hai chờ báo hiệu của giáo sư để vào lớp. Tôi không thoải mái cho mấy.

Ở trường trung học trước ở Aies có bầu khí ba-gai vui hơn. Ở Nîmes thì khác, nghiêm nhặt hơn. Cũng may là có anh Cacou bên cạnh tôi. Có anh cả bên cạnh thì mình yên tâm hơn.

Khi chúng tôi đã vào chỗ, giáo sư kêu tên:

– Durant (1)!

– Có mặt!

– Dupont!

– Có mặt!

Giáo sư đều giọng đọc tên từng học sinh. Cứ mỗi tên mới, ông nhướng mắt lên nhìn học trò. Tất cả đều quay lại nhìn người bạn mới được đọc tên. Đa số chúng tôi đều biết nhau. Những tiếng cười chọc ghẹo giúp tôi biết đứa nào là đầu têu. Khi giáo sư đọc tên tôi, tôi không thoải mái cho lắm. Tôi có cảm tưởng mọi người đều nhìn tên học trò mới là tôi. Để cho xong, tôi trả lời ngay:

– Có mặt!

Người cuối danh sách là anh Cacou của tôi. Anh cũng là học sinh mới, nhưng anh không có vẻ bối rối, ngược lại là khác. Anh tươi cười trả lời ‘có mặt’ lại còn nhìn quanh lớp, anh lượng định bạn bè: anh không sợ ai hết

và tôi hãnh diện về anh!

Chuông vừa reo giờ ra chơi là đã thấy anh ngoài sân. Tôi ra với anh sau vì có một bạn đến hỏi xấc tôi:

– Ê, vì sao hồi nãy bạn nói dối?

– Chuyện gì vậy?

– Bạn nói cái người cao to ngồi bên cạnh bạn là anh của bạn!

– Thì đúng, đó là anh của tôi.

– Vậy sao? Vậy thì tại sao hai anh em không mang cùng họ?

– Chúng tôi có thể không cùng họ, nhưng đó là anh tôi.

– Chuyện này là không thể được, bạn kể chuyện xạo!

Một nhóm bạn bao quanh chúng tôi. Chúng tò tò như muốn vạch mặt tôi. Thằng hỏi tôi oai phong tự cho mình như quan tòa trước cái nhìn kinh ngạc của những tên mà nó ngầm cho là bồi thẩm đoàn của tôi. Nó lại lên giọng tố cáo:

– Vậy hai anh em có cùng mẹ à?

– Dĩ nhiên chúng tôi có cùng mẹ!

– Còn cha?

– Chúng tôi không cùng cha.

– Vậy thì đơn giản, Cacou không phải là anh của bạn, nó là anh ghẻ!

“Anh ghẻ?” Máu của tôi nổi xung lên. Mỗi lần nghe chữ này tôi không chịu được. Trong gia đình năm anh em tôi, chữ “anh khác cha” hay “em khác cha” là chữ bị loại ra. Tôi hiểu trong một vài gia đình ‘tái xây dựng lại’, người ta không thể tránh không dùng chữ này, nhưng trong gia đình tôi, không có chuyện dùng chữ này. Chúng tôi được may tất cả năm anh chị em đều từ một bụng mẹ sinh ra. Chúng tôi lớn lên với nhau, vậy tại sao phải nói anh khác cha, em khác cha? Đã có đủ đau khổ trong cuộc sống chúng tôi thì xin đừng thêm chữ nào để làm tăng thêm nỗi khổ đã có ở đó.

Tôi nhìn thằng bạn chăm chăm và khẳng khái nói:

– Chúng tôi không phải là anh em khác cha, chúng tôi là anh em, tôi nói cho bạn biết trước.

– Không, anh em khác cha!

Như thế là quá, tôi xáp lại gần và hét lên:

– Bạn bắt đầu làm tôi tức lên rồi! Nếu tôi nói với bạn đó là anh tôi, không phải là anh khác cha thì việc gì mắc mớ đến bạn?

Hai khuôn mặt chúng tôi chỉ cách nhau mấy xăng-ti-mét. Đôi mắt chúng tôi ngầu lên như núi lửa sắp phun. Rõ ràng là hắn ta cao to hơn tôi. Tôi có thể hối tiếc cho sự dũng cảm để bảo vệ anh tôi. Nhưng khi đó, anh tôi tò mò không biết chuyện gì xảy ra ở nhóm bao quanh tôi, anh đến gần chúng tôi.

Nhóm giãn ra. Cao to như thợ đốn gỗ – sau này anh làm nghề này thật -, Cacou không rắc rối như tôi để được mọi người hiểu, còn anh, nhanh như chớp mọi người phải hiểu! Tên bạn gây hấn lùi lại ngay:

– Được, được, dù sao đó là chuyện của bạn.

Anh tôi không cần nhấc ngón tay hay mở miệng. Như ảo thuật, cả nhóm chạy ra sân chơi. Anh Cacou đến gần tôi. Tôi ấp a ấp úng giải thích cho anh chuyện xảy ra, rồi tôi cám ơn anh.

– Đi, Lulu, xong rồi, anh vừa nói vừa xoay vai tôi. Đừng nghĩ tới chuyện này nữa. Dù sao chúng cũng không hiểu được. Đi, đi, chuông reo rồi, đến giờ vào lớp rồi. 

  *

*   *

Vài ngày sau, chúng tôi có giây phút thật đậm đà: anh vừa có một bức hình của cha tôi, người cha từ đó đến nay tôi chưa hề gặp. Tôi thật xúc động khi anh cho tôi bức hình!…

Vài tháng sau, cả hai chúng tôi quỳ ngoài đường trước thi thể máu me của người lấy chỗ cha tôi… Và các học sinh không dám nói chúng tôi là anh em khác cha! Không, dứt khoát không, họ không thể hiểu sợi dây liên kết sâu sắc nào đã gắn kết chúng tôi.

 

Còn tiếp ... Chúa ở trọn tâm hồn tập 02