John Phạm

 

Khi nhận định về não trạng của con người thời đại, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói: “Não trạng ngày nay xem ra đối nghịch với Thiên Chúa có lòng thương xót và có khuynh hướng loại bỏ khỏi đời sống và lấy đi khỏi lòng người chính khái niệm lòng thương xót.” 1 Sở dĩ như thế là vì con người ngày nay với sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã tự coi mình làm chủ và thống trị trái đất. 2 Đây là phản ảnh của một xã hội tiêu thụ, một thứ chủ nghĩa cá nhân buồn thảm, một đời sống nội tâm tự khép kín... dẫn đến tình trạng loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời sống của con người. 3 Tuy nhiên, đây không phải là thực trạng mới có ở thời đại chúng ta, mà nó đã xuất hiện từ những ngày đầu khi con người phạm tội (x. St 3,5) nhưng ở mức độ và cách biểu hiện khác.

Ngược dòng lịch sử cứu độ, khi Thiên Chúa tuyển chọn các tổ phụ và ban lời hứa cho các đấng ấy, khi Người chọn Israel làm dân riêng và ký kết giao ước với họ... chúng ta nhận ra rằng con người chúng ta thường bất trung và phạm tội, trong khi Thiên Chúa thì luôn trung tín và sẵn sàng thứ tha cho chúng ta. Qua đó cho thấy, “Thiên Chúa không muốn bất kỳ ai hư mất. Lòng thương xót của Người lớn lao hơn tội của chúng ta đến vô cùng, liều thuốc của Người mạnh mẽ hơn bệnh tật của chúng ta đến vô tận.” 4 Bởi vì, “Thiên Chúa giàu lòng thương xót.” 5 Chính Đức Phanxicô đã xác tín: “Lòng thương xót là thẻ căn cước của Chúa. Thiên Chúa của Lòng thương xót, Thiên Chúa có lòng thương xót. Với cha đây thực sự là chân tính của Thiên Chúa.” 6

Dưới đây người viết sẽ trình bày một cái nhìn về lòng thương xót của Thiên Chúa được thể hiện qua sự trung tín và thứ tha của Thiên Chúa trong Thánh Kinh Cựu Ước.

Khái niệm về “lòng thương xót”

Chúng ta sẽ xét trên bình diện ngôn ngữ và trong Thánh Kinh Cựu Ước.

Trong tiếng Việt, từ “thương xót” được dịch từ “misericordia” trong tiếng Latinh và từ “mercy” trong tiếng Anh. Trong tiếng Latinh, “misericordia” thường được giải thích theo tầm nguyên là ghép bởi “miserum” và “cor:” trái tim xúc động trước nỗi khổ của người khác. 7 Để có một định nghĩa, Thánh Tôma Aquinô đã dựa theo sự phân tích tầm nguyên của Thánh Augustinô (misericordia, cor miserum), như là sự thông cảm (compassio) đứng trước nỗi khổ của tha nhân (compassio super miseria aliena).

Theo nghĩa trong Thánh Kinh, từ “misericordia” được dùng để dịch nhiều từ ngữ với ý nghĩa khác nhau trong tiếng Hipri và Hy Lạp. Trong tiếng Hipri có hai từ chính: “hesed” và “rahamim.” “Hesed” bao hàm tình thương mang theo sự trung tín dựa trên một lời hứa, ra như có suy xét (trong Cựu Ước dùng khoảng 245 lần). “Rahamim,” trắc ẩn, cảm thông, dịu dàng, âu yếm, gắn với “rechem” (bụng dạ, lòng ruột), ra như muốn nêu bật tình cảm tự nhiên phát xuất từ liên hệ ruột thịt (trong Cựu Ước dùng khoảng 38 lần). Ví dụ trong lần thứ hai Thiên Chúa mặc khải về Danh của Người cho ông Môsê khi đi qua trước mặt ông: “Ta thương ai thì thương (hen), xót ai thì xót (rahamim)” (Xh 33,19). Trong tiếng Hy Lạp có ba từ, thứ nhất là “éleos:” diễn tả thái độ cảm thông (động từ elein: tỏ lòng thương xót; tính từ eleêmon: biết thương xót; eleêmosyne: việc từ thiện), được dùng để dịch “hesed.” Từ thứ hai là “splanchna:” gắn liền với lòng dạ, nơi xảy ra thái độ cảm thông (tương đương với rahamim trong tiếng Hipri) và động từ splanchnízomai (tỏ ra cảm thông). Từ thứ ba là “oiktirmos” (danh từ) và “oiktimôn” (tính từ): diễn tả sự xúc động trước nỗi khổ của tha nhân, trắc ẩn; tuy nhiên từ này ít thông dụng. 8

Như vậy ở khía cạnh từ ngữ và ý nghĩa của “lòng thương xót” (misericordia), chúng ta nhận thấy “misericordia” không chỉ là một giá trị nhân bản, nhưng nó chính là một nhân đức thành phần của “caritas” (đức mến), khiến cho ta cảm thông với nỗi khổ của tha nhân, theo ngôn ngữ của Thánh Tôma Aquinô. 9 Còn trong Thánh Kinh với từ quan trọng để hiểu về lòng thương xót là “hesed,” nó không chỉ là một cảm xúc đơn giản như cảm giác đau đớn trước nỗi khốn khổ của con người, mà trên hết nó là sự ân cần hoàn toàn nhưng không của Thiên Chúa dành cho con người. Được gán cho Thiên Chúa, từ này phác họa một món quà của ân sủng Chúa, món quà không được chờ đợi, không xứng đáng, độc lập với sự trung tín của con người, vượt lên trên mọi hy vọng của con người và làm tan vỡ mọi phạm trù đặt ra. 10

Sự trung tín

Tuy nhiên, lòng thương xót của Thiên Chúa vượt trên mọi thước đo và chuẩn mực của con người. Các khuôn chữ thông minh mang tính cách con người cũng không thể diễn tả hết về lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúng ta chỉ có thể hiểu sâu hơn khi chiêm ngắm lòng thương xót của Thiên Chúa trải dài suốt lịch sử cứu độ đối với nhân loại. Vì lòng thương xót của Thiên Chúa bao trùm toàn thể vũ trụ và lịch sử cứu độ, như Thánh vịnh 57,11 ca ngợi: “Tình thương của Ngài cao ngất trời xanh, và lòng thành tín vượt ngàn mây thẳm” (quoniam magnificata est usque ad caelos misericordia tua, et usque ad nubes veritas tua). Cách riêng, nó được thể hiện qua sự trung tín và thứ tha của Người.

Khởi đi từ công trình tạo dựng, bởi “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,16), nên Người đã tạo dựng mọi sự đều tốt đẹp (x. St 1,4.10.12.18.21.25.31). Cách đặc biệt, Người đã tạo dựng nên con người giống hình ảnh Người, chúc phúc và giao cho họ canh tác đất đai... (x. St 1,27-30; 2,15). Thế nhưng, chẳng bao lâu sau, con người đã sa ngã phạm tội, đi ra ngoài tình thương của Chúa, đánh mất sự thân mật hài hòa không chỉ với Thiên Chúa, với thiên nhiên, với đồng loại và với chính bản thân mình (x. St 3). Từ đó gây ra biết bao nhiêu đau khổ, làm cho sự dữ lan tràn ngày một nhiều trên mặt đất (x. St 6,5). Tuy nhiên, chính khi con người sa ngã phạm tội, chúng ta mới nhận thấy được lòng thương xót của Thiên Chúa bao la dường nào. 11 Để thức tỉnh con người và giúp họ sám hối trở về, Thiên Chúa đã tuyên phạt họ, nhưng đồng thời Người vẫn bảo vệ, chở che họ khỏi những hiểm nguy, với Ađam và Eva Người cho quần áo (x. St 3,21), với Cain Người ghi dấu bảo vệ (x. St 4,15), với Nôê sau trận hồng thủy, Thiên Chúa đã đổi mới công trình tạo dựng, bảo đảm trật tự vũ trụ, chúc lành cho nhân loại mới và đặt sự sống của loài người dưới sự che chở của Người... vì con người là hình ảnh Thiên Chúa (x. St 8,23; 9,1.5; Tv 145,8-9). 12

Mặc dù Thiên Chúa đã tỏ lòng thương xót với con người, nhưng con người vẫn “ngựa quen đường cũ,” lại tiếp tục sa ngã phạm tội. Quả thực, lòng kiêu ngạo của con người thì không có điểm dừng. Nó đã xây dựng tháp Babel cao ngất trời cao. Nhưng vì trung tín trong giao ước với Nôê, nên thay vì trừng phạt bằng lụt hồng thủy, Thiên Chúa cho xảy ra tình trạng hỗn loạn về ngôn ngữ, con người không còn hiểu nhau được nữa, vì thế con người đã chia cách nhau và tràn lan khắp mặt đất (x. St 11). Tuy nhiên, Thiên Chúa đã không để con người phải cô đơn và thất vọng trong số phận. Vì “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu” (miserator et misericors Dominus) (Tv 103,8). Do đó, Người đã chống lại sự hỗn loạn và thảm họa do con người gây ra. 13 Quả thực, “lòng thương xót của Chúa bao trùm mặt đất” (misericordia Domini plena est terra: Tv 33,5; 119,64), và “Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên” (Tv 145,9). 14

Với việc kêu gọi ông Abraham, Thiên Chúa đã bắt đầu một trang sử mới với con người (x. St 12,1-3). Có thể nói, với việc kêu gọi Abraham, Thiên Chúa bắt đầu viết một trang sử cứu độ con người. Tất cả muôn dân trên mặt đất này được chúc phúc qua Abraham (x. St 12,3). Trong câu chuyện của ông Abraham, người ta sẽ đọc được những lời nói diễn tả tình thương và sự trung thành của Thiên Chúa (x. St 24, 12.14.27; 32,11). Đó là khởi đầu của câu chuyện nói về hành động tràn đầy lòng thương xót của Thiên Chúa đối diện với biết bao tội lỗi của con người gây ra, đối diện với hỗn loạn và thảm họa của tội lỗi. 15 Lòng thương xót của Thiên Chúa thật mạnh mẽ và đem lại hiệu quả. Lòng thương xót cũng là cách mà Thiên Chúa chống lại sự dữ, để ngăn cản nó dành chiến thắng. Người làm điều đó mà không sử dụng bạo lực, không áp đặt bất kỳ sức mạnh nào; nhưng hoàn toàn trong sự thương xót. Với lòng thương xót Thiên Chúa đã tạo cho con người những cơ hội mới, và tái lập sự sống mới với không gian được Chúa chúc lành. 16

Có thể nói, biến cố Xuất Hành là một mạc khải rõ ràng về lòng thương xót của Thiên Chúa, khi Người nghe tiếng kêu than của dân Israel, và Người nhớ lại lời hứa với các tổ phụ nên đã can thiệp để giải thoát dân khỏi cảnh áp bức nô lệ bên Ai Cập (x. Xh 3,6-8;). 17 Qua đó cho thấy Thiên Chúa đau xót trước nỗi khổ đau của dân mà Người đã hứa sẽ bảo vệ. 18 Quả thật, Thiên Chúa luôn đi trước chúng ta (nos primerea), Người tiên liệu cho chúng ta, đó là sự kinh ngạc về lòng thương xót của Thiên Chúa. Thiên Chúa tiên liệu rằng chúng ta cần lòng thương xót của Người. Người chờ đợi, chờ đợi chúng ta chừa cho Người dù chỉ là một khe hở nhỏ nhất để Người có thể thực hiện sự tha thứ và lòng nhân của Người trong chúng ta, đó là xác tín của Đức Phanxicô. 19

Lòng thương xót của Thiên Chúa còn biểu lộ rõ rệt hơn nữa trên cuộc lữ hành tiến về Đất Hứa. Dân Israel chóng quên tình thương đã nhận được, quên đi giao ước, và muốn quay về thờ lạy các thần linh khác. Thái độ bất trung của dân đã làm cho Chúa “nổi giận”; điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, sự nổi giận của Thiên Chúa không phải là sự tức giận mang tính cách tình cảm (emotionel), mà là thái độ mạnh mẽ của Thiên Chúa chống lại tội lỗi và những bất công. Cho nên, sự tức giận ở đây có thể nói là một cách thức diễn đạt đầy năng động và mạnh mẽ về sự thánh thiện của Thiên Chúa mà tiên tri Hôsê đã diễn tả (x. Hs 2,16-25; 11,1-8). 20 Vì thế, chính lúc sắp thi thố sự công bình thì cũng là lúc Người nhớ lại tình thương và đã tha thứ, vì “Thiên Chúa nhân hậu và từ bi (misericors et clemens), hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín (patiens et multae miserationis et vera), giữ lòng nhân nghĩa (custodit misericordiam) với muôn ngàn thế hệ...” (Xh 34,6-7; x. Tv 103.145).

Đây là đoạn văn căn bản của sự mặc khải về các ưu phẩm của Thiên Chúa. 21 Người ta đếm được có mười ba đặc tính, trong đó có mười một đặc tính nói về lòng thương xót – nhân hậu và hai đặc tính đả động đến sự công bình của Thiên Chúa. Qua đó, cho ta thấy lòng thương xót vượt xa đức công bình, bởi vì ai có tội thì sẽ bị phạt cho đến ba bốn đời; nhưng lòng nhân nghĩa thì lâu bền hơn, vì kéo dài đến muôn ngàn thế hệ. Hơn nữa, sự tiến triển của quan niệm về lòng thương xót không chỉ nằm ở chỗ nó lớn hơn đức công bình, nhưng là nó được biểu lộ qua đức công bình (x. Is 54,7-10). 22 Thiên Chúa trừng phạt tội lỗi của dân để bày tỏ lòng thương xót của mình. Người muốn qua hình phạt đó sẽ giúp dân biết cảnh tỉnh mà trở về, để lãnh nhận các phúc lành của Người. Như vậy, lòng thương xót của Thiên Chúa được biểu lộ qua sự tha thứ lỗi lầm cho dân Người (x. Xh 34,9; Ds 14,19-21). 23 Có thể nói ý tưởng trên được Đức Phanxicô tóm lại như sau:

“Lòng thương xót là một yếu tố quan trọng, thậm chí là bắt buộc cho quan hệ nhân sinh, nhờ đó mà tình thân ái mới tồn tại. Chỉ mình công lý là không đủ. Với lòng thương xót và sự tha thứ, Thiên Chúa vượt quá công lý, Người hàm chứa và mở rộng công lý trong một sự kiện còn lớn lao hơn, để chúng ta cảm nghiệm được tình yêu thương, cội nguồn của công lý đích thực.” 24

Sự tha thứ

Lòng thương xót của Thiên Chúa cũng không chỉ dừng lại ở sự biểu lộ uy quyền tối thượng (sự tha thứ) và sự tự do, mà còn nói lên sự trung tín của Người. Có thể nói hành trình tiến về Đất Hứa của dân Israel là một hành trình đưa đến sự kinh ngạc được tạo nên bởi lòng thương xót của Thiên Chúa dành dân Người. Thiên Chúa trong lòng thương xót, luôn trung tín với chính mình và với dân của Người bất chấp sự bất trung của họ. 25 Sự bất trung của Israel với giao ước mà họ đã ký kết với Thiên Chúa trong sa mạc ở trên núi Xinai (x. Xh 19,4-6).

Tiên vàn “misericordia” là một đặc tính của Thiên Chúa, biểu lộ bản tính của Thiên Chúa, là một ưu phẩm tuyệt đối của Người. 26 Thiên Chúa Đấng giàu lòng thương xót, đã đưa dân định cư trong miền đất Canaan, miền đất mà Thiên Chúa đã hứa ban, hướng dẫn và cùng đồng hành với họ. Thế nhưng, sự phản bội, bất trung của dân Israel là vô hạn. Họ đã tiếp tục làm điều dữ đi ngược lại với Lề Luật của Chúa. Nhưng vì lòng thương xót, Thiên Chúa đã cảnh tỉnh họ giúp họ ăn năn sám hối bằng những hình phạt như các tai ương... sau đó dân chúng nhận ra lầm lỗi và kêu xin sự tha thứ của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã thương tha thứ và giải thoát họ khỏi các tai ương hoạn nạn. Đây là một tiến trình của lịch sử cứu độ được biểu lộ rõ trong Cựu Ước, được tóm lại qua bốn chữ mà sách Thủ lãnh đã trình bày là “tội – phạt – hối – cứu,” thể hiện sự trung tín và thứ tha của Thiên Chúa. 27 Qua đó cho thấy, “lòng thương xót làm cho lịch sử của Thiên Chúa nơi dân tộc Israel trở thành lịch sử cứu độ.” 28 Khi diễn tả về lòng thương xót của Thiên Chúa qua sự trung tín và thứ tha trong tiến trình của lịch sử thời Cựu Ước, chúng ta sẽ nhận được nơi các sách, các ngôn sứ những sứ điệp rất rõ ràng, cách đặc biệt qua Hôsê và Êdêkien.

Ngôn sứ Hôsê – “vị ngôn sứ của tình yêu,” 29 qua ơn gọi ngôn sứ, qua cuộc đời với mối tình trắc trở, qua lời rao giảng đã phản ảnh về tình trạng của dân Israel đang bất trung và bội tín với Thiên Chúa. Tuy nhiên, ngôn sứ cũng cho thấy Thiên Chúa vẫn thương xót dân của Người. Khi dân sám hối trở về họ nhận được sự tha thứ của Thiên Chúa (x. Hs 11,8). Qua ngôn sứ Hôsê, chúng ta nhận thấy một Thiên Chúa biểu lộ sự cảm thông và sẵn sàng tha thứ cho dân. 30 Một Thiên Chúa không ngừng đào sâu hơn mối tương quan với dân Người, vì Người là tình yêu. 31 Sự hiện hữu của Người là sự hiện hữu cho và với con người, đặc biệt khi con người rơi vào hố sâu tối tăm. Lòng thương xót của Thiên Chúa luôn gắn liền với sự trung tín và tha thứ của Người. Quả thật, như Đức Phanxicô khẳng định: “Thiên Chúa không mỏi mệt để tha thứ, chính chúng ta mỏi mệt để van xin lòng nhân từ của Người.” 32

Với ngôn sứ Êdêkien, vị ngôn sứ có nhiều động tác mang tính biểu tượng. 33 Chúng ta sẽ nhận thấy sứ điệp nổi bật về sự trung tín và tha thứ của Thiên Chúa, nhất là trong chương 16. Đây cũng là chương đã tạo ấn tượng sâu đậm nơi Đức Phanxicô, vì thế qua những chia sẻ của ngài sẽ giúp ta nhận thấy lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho dân Israel và cho chúng ta. Ngôn sứ Êdêkien đã so sánh Giêrusalem với một thiếu nữ được Thiên Chúa cứu sống, chăm sóc, trang điểm... nhưng vì cuồng dại với vẻ đẹp của mình, cô đã biến mình thành một con điếm. Tuy vậy, Thiên Chúa không bao giờ quên giao ước của mình, và Người đặt cô trên hết các chị em để Giêrusalem sẽ ghi nhớ và xấu hổ (x. Ed 16,63) khi cô được tha thứ cho những chuyện đã làm. Đức Phanxicô chia sẻ, đây là một trong những mặc khải quan trọng nhất: Con sẽ tiếp tục là dân được chọn, và mọi tội lỗi của con sẽ được tha thứ. Vậy nên lòng thương xót liên kết sâu sắc với sự trung tín của Thiên Chúa. Thiên Chúa trung tín vì Người không thể chối bỏ chính mình, đây là lời mà Thánh Phaolô đã giải thích trong thư gửi ông Timôthê: “Nếu chúng ta bất tín, Người vẫn thành tín, vì Người không thể chối bỏ chính mình. Bạn có thể chối bỏ Chúa, bạn có thể phạm tội chống lại Người, nhưng Thiên Chúa không thể chối bỏ chính mình. Người vẫn thành tín” (2 Tm 2,13). Đoạn trích trong sách Êdêkien dạy chúng ta biết hổ thẹn, cho chúng ta thấy phải hổ thẹn thế nào: “Với tất cả quá khứ tồi tệ và tội lỗi của chúng ta, Thiên Chúa vẫn thành tín và nâng chúng ta dậy.” 34

Sẽ còn nhiều hình ảnh, nhiều câu chuyện, nhiều ngôn sứ và nhiều nhân vật khác... được Thánh Kinh trình bày để diễn tả lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa qua sự trung tín và thứ tha của Người. Tất cả đều hướng đến nội dung: là tội nhân, chúng ta đang đứng trước một Thiên Chúa biết hết tội lỗi của chúng ta, những bội bạc, chối bỏ, và khốn cùng của chúng ta, nhưng “lòng thương xót của Thiên Chúa! Tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta quá lớn lao và sâu đậm; đó là một tình yêu bất diệt, một tình yêu luôn nâng đỡ, hỗ trợ, nâng chúng ta lên và dẫn chúng ta về.” 35

Tóm lại, lòng thương xót không chỉ là thành phần trong khái niệm Thiên Chúa, mà còn tiêu biểu cho cuộc sống của toàn thể dân Israel, của từng người dân: nó là nội dung của sự thân mật giữa họ với Thiên Chúa, nội dung cuộc đối thoại giữa họ với Người. 36 Để kết thúc phần trình bày về lòng thương xót của Thiên Chúa qua sự trung tín và thứ tha, người viết xin trích lại Lời Chúa nói với dân Người qua ngôn sứ Isaia: “Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi, giao ước hòa bình của Ta cũng chẳng chuyển lay, Đức Chúa là Đấng thương xót ngươi phán như vậy” (Is 54,10).

 

https://www.nguoitinhuu.org/

 


Ghi Chú

1. Gioan Phaolô II, Thông điệp Dives In Misericordia, số 2 (30.11.1980), bd. Hội đồng Giám mục Việt Nam - Ủy ban Giáo lý Đức tin, http://catechesis.net. Truy cập ngày 20 tháng 01 năm 2016.
2. x. Phanxicô, Tông sắc Misericordiae Vultus, số 11 (11.4.2015), bd. Hội đồng Giám mục Việt Nam - Ủy ban Giáo lý Đức tin, http://giaolyductin.net. Truy cập ngày 21 tháng 01 năm 2016.
3. x. Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 2 (24.11.2013), nd. Lm. Nguyễn Văn Trinh, (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2014), 11-12.
4. Phanxicô, Tên Của Chúa Là Thương Xót, nd. Thái Hòa, 30.
5. Gioan Phaolô II, Thông điệp Dives In Misericordia, số 1.
6. Phanxicô, Tên Của Chúa Là Thương Xót, op. cit., 15.
7. Đức Hồng y Walter Kasper đã nhấn mạnh đến điểm này khi nói: “Người ta chỉ có thể hiểu lòng thương xót nếu người ta chú ý đến khái niệm về ‘trái tim’ trong Kinh Thánh (lev, levav). Trong Kinh Thánh, trái tim không đơn giản là sự phác họa về một bộ phận thiết yếu của cơ thể người, nhưng về mặt nhân học, trái tim thể hiện trung tâm của con người, trung khu của mọi thứ tình cảm và của khả năng phán đoán. Kinh thánh đặt những tình cảm của con ngươi ở một vị trí quan trọng, những tình cảm này cũng được gán cho Thiên Chúa.” (Walter Kasper, Lòng Thương Xót – Cốt Lõi Của Tin Mừng Và Chìa Khóa Của Đời Sống Kitô Hữu, nd. Lm. Nguyễn Khương Duy, AA., - Nt. Nguyễn Thị Chung, RNDM., - Nt. Phạm Bích Giang, OA., (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2016), 52).
8. Phan Tấn Thành, OP., “Lòng Thương Xót: Kinh Thánh Và Thần Học,” (2015), http://VANHOADATMOI.NET. Truy cập ngày 21 tháng 01 năm 2016; Walter Kasper, Lòng Thương Xót – Cốt Lõi Của Tin Mừng Và Chìa Khóa Của Đời Sống Kitô Hữu, op. cit., 52-53.
9. Phan Tấn Thành, OP., “Lòng Thương Xót: Kinh Thánh Và Thần Học,” (2015), http://VANHOADATMOI.NET.
10. Walter Kasper, Lòng Thương Xót – Cốt Lõi Của Tin Mừng Và Chìa Khóa Của Đời Sống Kitô Hữu, op. cit., 53.
11. Bênêđíctô XVI, Thông điệp Deus Caritas Est, số 9 (25.12.2005), bd. Hội đồng Giám mục Việt Nam - Ủy ban Giáo lý Đức tin, http://www.simonhoadalat.com. Truy cập ngày 24 tháng 02 năm 2013.
12. Walter Kasper, Lòng Thương Xót – Cốt Lõi Của Tin Mừng Và Chìa Khóa Của Đời Sống Kitô Hữu, op. cit., 55.
13. Nguyễn Ngọc Thế, SJ., “Từ Ngữ Thương Xót Trong Cựu Ước Và Lòng Thương Xót Của Thiên Chúa Trong Câu Chuyện Sáng Tạo,” (2015), http://sites.google.com. Truy cập ngày 22 tháng 01 năm 2016.
14. Phan Tấn Thành, OP., “Lòng Thương Xót: Kinh Thánh Và Thần Học,” (2015), http://VANHOADATMOI.NET.
15. Nguyễn Ngọc Thế, SJ., “Từ Ngữ Thương Xót Trong Cựu Ước Và Lòng Thương Xót Của Thiên Chúa Trong Câu Chuyện Sáng Tạo,” (2015), http://sites.google.com.
16. Walter Kasper, Lòng Thương Xót – Cốt Lõi Của Tin Mừng Và Chìa Khóa Của Đời Sống Kitô Hữu, op. cit., 56.
17. Gioan Phaolô II, Thông điệp Dives In Misericordia, số 4.
18. Phan Tấn Thành, OP., “Lòng Thương Xót: Kinh Thánh Và Thần Học,” (2015), http://VANHOADATMOI.NET.
19. x. Phanxicô, Tên Của Chúa Là Thương Xót, op. cit., 30.
20. Nguyễn Ngọc Thế, SJ., “Lòng Thương Xót, Sự Thánh Thiện, Sự Công Chính Và Trung Thành Của Thiên Chúa,” (2015), http://dongten.net. Truy cập ngày 22 tháng 01 năm 2016.
21. x. Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, số 210-211.214.
22. x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Dives In Misericordia, số 4.
23. Phan Tấn Thành, OP., “Lòng Thương Xót: Kinh Thánh Và Thần Học,” (2015), http://VANHOADATMOI.NET.
24. Phanxicô, Tên Của Chúa Là Thương Xót, op. cit., 52.
25. x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Dives In Misericordia, số 4.
26. Phan Tấn Thành, OP., “Lòng Thương Xót: Kinh Thánh Và Thần Học,” (2015), http://VANHOADATMOI.NET.
27. x. Nguyễn Ngọc Rao, OP., Lịch Sử Dân Thiên Chúa Trong Cựu Ước, (trọn bộ 2 tập), 51-52.
28. Phanxicô, Tông sắc Misericordiae Vultus, số 7.
29. Nguyễn Ngọc Rao, OP., Các Sách Ngôn Sứ, (2006), 70.
30. Nguyễn Ngọc Thế, SJ., “Sự Bất Trung Của Con Người Đối Diện Với Lòng Thương Xót Trung Tín Của Thiên Chúa,” http://www.longthuongxotchua-memedju.org. Truy cập ngày 03 tháng 3 năm 2018.
31. Nguyễn Ngọc Rao, OP., Các Sách Ngôn Sứ, op. cit., 77-78.
32. Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 3.
33. Nguyễn Ngọc Rao, OP., Các Sách Ngôn Sứ, op. cit., 231.
34. Phanxicô, Tên Của Chúa Là Thương Xót, op. cit., 17.
35. Phanxicô, Giáo Hội Giàu Lòng Thương Xót, nd. Lm. Nguyễn Minh Triệu, S.J., (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2015), 20.
36 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Dives In Misericordia, số 4.