Cương vị môn đệ kitô kêu gọi tất cả chúng ta phải mang tính ngôn sứ, là người bênh vực cho công lý, là tiếng nói cho người nghèo và bảo vệ sự thật. Nhưng không phải tất cả chúng ta, theo bản chất hay có ơn gọi đặc biệt để không tuân hành luật dân sự, đi tuần hành biểu tình, dẫn đầu các vụ đình công như các nhân vật Dorothy Day, Martin Luther King, Daniel Berrigan và những nhân vật mang chiều kích ngôn sứ khác. Tất cả chúng ta đều được kêu gọi làm ngôn sứ, nhưng với một số người, điều này chỉ có nghĩa là dùng chậu nước cái khăn để rửa chân cho người khác hơn là giương cao biểu ngữ.

Có một phương thức làm ngôn sứ rất mạnh dù có vẻ lặng lẽ và riêng tư, nhưng không bao giờ cá nhân. Và những quy luật của nó cũng giống như quy luật của những người nhân danh Chúa Giêsu đang giương biểu ngữ và biểu tình. Những luật này, những luật của tinh thần ngôn sứ kitô là gì?

Thứ nhất, ngôn sứ là người khấn đức yêu thương chứ không khấn tha hóa. Có một sự phân biệt then chốt giữa việc khuấy động vấn đề và tiên tri bằng tình yêu, một phân biệt giữa hoạt động vì vị kỉ và hoạt động vì đức tin và đức cậy. Một ngôn sứ chấp nhận bị hiểu lầm, nhưng không bao giờ tạo hiểu lầm, một ngôn sứ luôn đi tìm một trái tim dịu dàng chứ không tìm trái tim giận dữ.

Thứ hai, công lao của người ngôn sứ là từ Chúa Giêsu chứ không từ ý thức hệ. Các ý thức hệ có thể có nhiều sự thật và có thể dùng để bênh vực chân thành cho công lý. Nhưng người dân có thể tránh xa ý thức hệ, khi thấy nó chính xác là ý thức hệ, một kiểu chuẩn mực ăn nói cho hợp lý và từ đó biện hộ cho việc họ bác bỏ sự thật mà ý thức hệ này đưa ra. Những người chân thật thường tránh xa các tổ chức như Hòa bình xanh, Nữ quyền, Thần học giải phóng, Thuyết Chủng tộc phê phán và nhiều ý thức hệ khác vốn thật sự bao gồm nhiều sự thật, lý do chỉ vì các sự thật này bị gom trong một ý thức hệ. Những người chân thật sẽ không rời xa Chúa Giêsu. Trong cuộc đấu tranh vì công lý và sự thật, chúng ta phải luôn cảnh giác một chuyện là sự thật của chúng ta được rút ra từ Phúc âm chứ không từ một ý thức hệ nào.

Thứ ba, ngôn sứ thì cam kết phi bạo lực. Theo linh mục Dòng Tên Daniel Berrigan, một ngôn sứ luôn tìm cách bỏ khí giới của bản thân thay vì dùng vũ khí, để trở thành kẻ tội phạm bất lực ở thời mà quyền lực là tội phạm. Một ngôn sứ xem trọng lời Chúa Giêsu khi họ xin chúng ta, ai tát má này thì chìa má kia. Một ngôn sứ là hiện thân của cách sống theo chân lý cánh chung, trên thiên đàng sẽ không có súng ống.

Thứ tư, ngôn sứ ở phía tiếng nói Thiên Chúa, cho người nghèo và cho địa cầu. Bất kỳ việc giảng dạy hay hành động chính trị nào không đem lại điều tốt cho người nghèo thì không phải là Phúc âm của Chúa Giêsu Kitô. Chúa Giêsu đến để đem tin mừng cho người nghèo, cho “cô nhi, góa phụ và khách lạ” (quy tắc trong Kinh thánh để xác định những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội). Mục sư Forbes đã nói câu nói lừng danh: ‘Không ai lên thiên đàng mà không có thư giới thiệu của người nghèo.’ Chúng ta không buộc phải tương ứng với Giáo hội.

Thứ năm, ngôn sứ không tiên đoán tương lai nhưng gọi tên hiện tại theo tầm nhìn của Thiên Chúa. Một ngôn sứ tìm hiểu xem ngón tay Thiên Chúa chỉ vào đâu trong cuộc sống hàng ngày, để cho thấy sự trung tín hay bất tín của chúng ta với Thiên Chúa, cũng như để cho thấy tương lai của chúng ta trong kế hoạch mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Đó là thách thức của Chúa Giêsu khi Ngài bảo chúng ta hãy đọc dấu chỉ của thời đại.

Thứ sáu, ngôn sứ lên tiếng từ đức cậy. Ngôn sứ không dựa trên tầm nhìn và năng lực từ mơ tưởng hay tinh thần lạc quan, nhưng là từ đức cậy. Đức cậy kitô giáo không dựa trên tình hình thế giới hôm nay tốt hay xấu. Đức cậy kitô giáo dựa trên lời hứa của Thiên Chúa, lời hứa được ứng nghiệm trong sự phục sinh của Chúa Giêsu, bảo đảm với chúng ta, chúng ta có thể phó mình cho đức mến, chân lý và công chính, kể cả khi thế giới giết chúng ta vì thế. Tảng đá chắn ngôi mộ rồi sẽ được lăn ra.

Thứ bảy, tâm hồn và chính nghĩa của ngôn sứ không bao giờ biệt lập. Chúa Giêsu quả quyết với chúng ta: trong nhà Ngài có nhiều chỗ. Tính ngôn sứ kitô giáo phải bảo đảm, không ai hay nhóm nào có thể biến Thiên Chúa thành thượng đế của riêng nhóm mình hay quốc gia mình. Thiên Chúa bình đẳng đối với tất cả mọi dân, mọi nước.

Cuối cùng, ngôn sứ không chỉ lên tiếng hay nói về bất công, mà còn có thể hành động và hành động một cách can trường, dù phải hy sinh mạng sống. Ngôn sứ là người khôn ngoan, những là người hành động, dù phải mất bạn bè, mất danh vọng, mất tự do hay thậm chí mất mạng sống. Một ngôn sứ có đủ tình yêu vị tha, hy vọng và can trường hành động, bất chấp tất cả. Một ngôn sứ không bao giờ cố tìm cách tử đạo, nhưng nếu phải, thì họ chấp nhận.

Tôi nghĩ điểm cuối cùng này là điểm thách thức nhất với các ngôn sứ “thầm lặng”. Những người minh triết không nổi tiếng, không dẫn đầu biểu tình, nhưng đó cũng chính là thách thức. Một ngôn sứ có thể phân định lúc nào bỏ tấm biểu ngữ xuống và lấy chậu nước cái khăn ra để rửa chân, lúc nào bỏ chậu nước cái khăn xuống để cầm tấm biểu ngữ giương lên.

J.B. Thái Hòa dịch