la-croix.com, Christel Juquois

 

Những vụ Đức Mẹ hiện ra giả, các dấu thánh giả, các tiết lộ đáng ngờ về cuộc đời của Chúa Kitô… Làm thế nào để biết đâu là thật đâu là giả của các hiện tượng vẫn còn thu hút đám đông này? Ông Joachim Bouflet, sử gia về tôn giáo vừa xuất bản quyển sách Các vụ bịp bợm Thần bí (Impostures mystiques, nxb. Cerf), để phân tích những hiện tượng này và đề xuất một số tiêu chuẩn giúp chúng ta có thể phân biệt đâu là thật đâu là giả.

Ông Joachim Bouflet, sử gia về tôn giáo vừa xuất bản quyển sách Các vụ bịp bợm Thần bí (Impostures mystiques, nxb. Cerf) để phân tích những hiện tượng này và đề xuất một số tiêu chuẩn phân biệt. FEHIM DEMIR / EPA

Tại sao những hiện tượng siêu nhiên – các lần hiện ra ở Mễ Du, những mặc khải thiêng liêng của bà Maria Valtorta (1897-1961) là những vụ được biết đến nhiều nhất lại thành công như vậy?

Joachim Bouflet: Những người hành hương đến Mễ Du hoặc những nơi khác, hoặc những người đọc và tin vào những điều mặc khải của bà Maria Valtorta trước tiên họ mong muốn được trấn an trong những lúc họ gặp khó khăn trong đời. Họ cần tin vào một tương lai tốt đẹp với lời hứa Thiên đàng trở thành hiện thực cho họ.

Học thuyết Giáo hội không đủ cho họ, quá phức tạp, quá trí tuệ, tóm lại là quá khắt khe, vì nó đòi hỏi một hình thức khổ hạnh. Các sách Phúc âm quá khô khan, không chạm vào tình cảm của họ. Tôi ấn tượng thấy yếu tố tình cảm có một vai trò lớn trong các vụ bịp bợm thần bí này.

Cuối cùng, nhiều người cần tin vào những điều kỳ diệu và phi thường để sống. Dù trong Tin Mừng, Chúa Giêsu không bao giờ nói về phép lạ Ngài chữa lành, Ngài nói về các dấu hiệu. Những dấu hiệu này được ban để củng cố đức tin, chúng không nhằm chứng minh tính xác thực của những gì chúng ta tin.

Giáo hội quan tâm đến những hiện tượng này, vì Giáo hội xác nhận – và thường là không xác nhận – tính xác thực của chúng. Để làm gì?

Với Giáo hội, những tiết lộ riêng tư của những người có thị kiến được cho là không cần thiết cho đức tin. Nhưng theo thẩm quyền của Giáo hội, Giáo hội có quyền và nghĩa vụ đưa ra phán quyết về những tiết lộ này. Giáo hội cũng phải kiểm soát lòng mộ đạo bình dân để tái tập trung vào Tin Mừng. Thật vậy, Tin Mừng thường bị rớt xuống vị trí thứ hai hoặc thậm chí thứ ba.

Điều này được thấy rõ trong trường hợp của bà Maria Valtorta, bà tuyên bố đã nhận những tiết lộ từ chính Chúa Giêsu, mục đích là làm cho các sách Phúc âm được dễ hiểu hơn. Bà đã viết các bài viết của bà như một phúc âm thứ năm. Giáo hội chưa bao giờ công nhận tính xác thực của những thị kiến và những lời mà Chúa “đã đọc” cho bà. Nhưng tôi thấy trong quyển Phúc âm bà viết và tất cả “tác phẩm” dài hơn 13.000 trang của bà đầy rẫy những lỗi thời gian, sai sót và lệch lạc về giáo lý, thậm chí cả những tình tiết khiếm nhã, vậy mà vẫn tiếp tục được phổ biến rộng rãi.

Điều gì có thể giúp chúng ta phát hiện đây là một sự bịp bợm thần bí?

Trước tiên, đó là nói dối hay bịa đặt. Chúng ta không thể phán xét trong tất cả mọi trường hợp, nhưng tôi nghĩ luôn có một lúc nào đó người đó biết mình đang nói dối. Rồi trở thành thói quen, lời nói dối được lặp đi lặp lại, họ bịa chuyện nhưng lại không nhất thiết nhận ra. Về phía đàn ông, nhiều người tự nhận mình là linh mục, thậm chí là giáo hoàng tương lai.

Chúng ta biết được khi thấy người có thị kiến đặt mình lên trên hết. Sự giả mạo càng thấy rõ khi những người này hay những người chung quanh họ tìm lợi ích vật chất từ “kinh nghiệm thần bí” của họ. Dĩ nhiên sự giả mạo cũng cho thấy qua những “thông điệp thiên đàng” họ đưa ra, khi đó học thuyết và giảng dạy của họ đáng nghi ngờ, không tương hợp với học thuyết và giảng dạy của Giáo hội. Vì khi mình thêm một điều gì đó vào học thuyết, trong hầu hết các trường hợp, chúng ta thường bị nhầm lẫn.

Cuối cùng, các hình thức chi phối và lệch lạc tà phái đôi khi không may đã phát triển giữa những người được cho là có thị kiến và những người đi theo họ, đó là một bằng chứng khác của sự lừa đảo. Như trường hợp của ông William Kamm ở Úc, người đã bị kết án nhiều lần trong những năm 2005 và 2007 vì tội tấn công tình dục các cô gái tuổi vị thành niên.

Trên thực tế, tiêu chuẩn cuối cùng là thời gian. Nhiều hiện tượng đề cập đến trong quyển sách của tôi, cả những hiện tượng gần đây, cuối cùng đã bị lãng quên sau khi chúng là chủ đề từng thu hút đám đông. Thời gian là tiêu chuẩn lớn nhất cho tính xác thực. Và không may, chúng ta sống trong thời văn minh của tốc độ và của tức thời, chúng ta dễ dàng bị cuốn theo nó.

Theo một số tiêu chuẩn này, các cuộc hiện ra ở Mễ Du cho thấy nhiều dấu hiệu lừa đảo, và chưa bao giờ Giáo hội công nhận. Vì sao sau đó Giáo hội lại cho phép hành hương?

Vì trước hết, cần đưa lòng mộ đạo bình dân vào khuôn khổ và để được đồng hành, hơn là để mặc họ. Sau đó người ta thường im lặng trước những mặt xấu của Mễ Du. Bắt đầu là những lời đe dọa và vu khống của những người ủng hộ việc hiện ra chống lại với những người nghĩ rằng các vụ này là sai.

Tuy nhiên, phải công nhận có nhiều ân sủng ở đây, dù chúng ta không biết có bao nhiêu vụ trở lại hoặc ơn gọi được tìm thấy và kéo dài bao lâu vì không ai theo dõi chúng. Trên thực tế, các ân sủng không tùy thuộc vào tính xác thực hay các cuộc hiện ra, chúng tùy thuộc vào đức tin của con người, như Chúa Kitô đã nói trong các Tin mừng. Một vụ hiện ra giả tạo có thể có các trường hợp trở lại, thậm chí được chữa lành. Những thành quả tốt đẹp của một hiện tượng thần bí không phải là một tiêu chuẩn của tính thực tế, nhưng là cách sử dụng tốt mà người ta đã làm.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch