fr.aleteia.org, Matthew Becklo, 

 

Bạn đã nghe câu này ở đâu chưa? Chắc chắn df có nghe, nhưng ở đâu?

“Tôi không thực sự hứng thú với tôn giáo. Tôi tin ở  năng lượng tâm linh vượt lên tôn giáo. Dù sao thì đây là những gì tôi đã cố gắng đưa vào âm nhạc của tôi.” Khi tôi đọc lời thú nhận này của ca sĩ nhạc dân ca Noah Gundersen, tôi chợt nhớ ra một điều: Tôi đã từng nghe câu này trước đây. Nhưng ở đâu?

Lúc đó tôi hiểu tôi đã nghe nói về tâm linh và tinh thần cởi mở này ở khắp nơi chung quanh tôi. Phong trào “tâm linh nhưng không tôn giáo” đã trở thành mốt qua việc nhấn mạnh vào tình yêu, cảm xúc và niềm tin vào sức mạnh siêu nhiên. Tin vào sức mạnh siêu nhiên sẽ vượt ra khỏi nhà thờ, giáo điều và ngay cả các quan niệm tôn giáo truyền thống có về Chúa.

Để hiểu điều này, xin quý độc giả đọc ý kiến của các tên tuổi lớn của nền âm nhạc Mỹ hiện nay:

Lady Gaga: Tôi là một người tâm linh… Thực sự không có tôn giáo nào  lên án hay loại bỏ ai, tôi thực sự tin vào tình yêu và tha thứ cho tất cả mọi người.

Justin Timberlake: Tôi nghĩ để khẳng định tôi, tôi sẽ dùng chữ tâm linh hơn là tôn giáo.

Beyoncé: Tôi thích đức tin và tâm linh hơn là tôn giáo. Tôi nghĩ mình phải làm điều tốt chung quanh mình và không phán xét người khác.

Jay Z: Nếu tôi phải xác định các xác tín tôn giáo của tôi, tôi sẽ nói tôi chỉ tin vào một Chúa. Nhưng tôi không tin tôn giáo.

Katy Perry: Tôi bị nuôi dạy một cách nghiêm khắc và cứng nhắc nên bây giờ đời sống của tôi thoải mái hơn nhiều… Tôi tuân theo rất nhiều vào tâm linh, đặc biệt là tất cả những gì xoay quanh Thời đại mới (New Age), tôi đã đem nó vào cuộc sống hàng ngày của tôi.

Pink: Tôi rất hướng về tâm linh. Đó là những gì bảo vệ tôi trong cuộc sống. Tôi không tin vào tôn giáo có tổ chức. Làm thế nào một nhóm cá nhân có thể đúng và tất cả những người khác lại sai?

Quý vị đã chán chưa? Quý vị phải hít thở không khí trong lành trước khi nghe lại những người bảo vệ chủ nghĩa hiện sinh vô thần. Chúng tôi sẽ tránh cho quý vị những cụm từ như “tôi thực sự không phải là người của tôn giáo, nhưng tôi nghĩ Chúa và tự do ý chí là những trò lừa. Chúng ta bị ném vào vũ trụ này, nơi nỗi kinh hoàng và cái chết chế ngự”.

Các nghệ sĩ “tâm linh nhưng không tôn giáo” dường như ngày càng phải tổ chức loại diễn từ này. Vì thế họ tránh chủ nghĩa giáo điều đang chiếm ưu thế hiện nay, đồng thời tách mình ra khỏi chủ nghĩa duy vật xung quanh. Họ không thể nói chính xác điều gì là đúng, nhưng họ sẽ không hoàn toàn tin vào câu hỏi về siêu việt (rằng một sinh vật siêu nhiên là nguồn gốc của sự hiện diện của chúng ta ở đây). Nói tóm lại, diễn từ của thời thượng này sẽ là “con đường trung gian” giữa chủ nghĩa vô thần mới và tôn giáo của ngày xưa.

Rõ ràng, các người trẻ của Thế hệ Y thường có khuynh hướng đồng ý với các siêu sao của họ. Khi đó nghệ thuật chỉ là phản ánh của xã hội. Chẳng hạn năm 2010, tờ USA Today cho biết 72% Thế hệ Y xác định “họ nghiêng về tâm linh hơn tôn giáo” và năm ngoái Trung tâm nghiên cứu Pew đã báo cáo tỷ lệ những người xác định họ không theo tôn giáo cụ thể nào (nhưng không tự nhận mình là người vô thần hay người theo thuyết bất khả tri) tăng đến chóng mặt ở Mỹ.

Trong quyển sách Tôn giáo xấu Bad Religion,, nhà báo chuyên mục Ross Douthat lập luận khá thuyết phục rằng tâm linh mà ông gọi là “Oprah-Chopra”, tâm linh của “Chúa tự-tạo” không gì khác hơn là một tà giáo gần như kiểu ngộ đạo. Ông nói “Tôn giáo của ‘Chúa tự-tạo’ như ký sinh trên các hình thức tín ngưỡng giáo điều hơn (…). Nó cũng có thể cho thấy một loại hời hợt nào đó vì những hoán cải tâm linh thực sự thường đi đôi với việc tái tập trung vào một tâm linh chung”.

Các tác giả khác từ giới văn hóa và ở các nền tảng khác nhau, cũng đưa ra những nhận xét tương tự. Chẳng hạn tác giả Lillian Daniel của Huffington Post gọi “tâm linh nhưng không tôn giáo” là nhàm chán. Và đúng vậy, ông khẳng định để trưởng thành, tâm linh cần có một cộng đồng.

Giáo dân Alan Miller còn đi xa hơn. Thời trang “tâm linh nhưng không tôn giáo” là điều tệ nhất vì nó mang lại khả năng “nối tiếp” nhau. Ông nói, xu hướng tâm linh mới này mang lại rất ít khả năng cho sự biến đổi cá nhân. Không có gì để truyền cảm hứng hoặc biến đổi chúng ta.

Giáo sĩ David Wolpe cũng nói theo hướng này: “Tâm linh là một cảm xúc; tôn giáo là một nghĩa vụ. Tâm linh xoa dịu; tôn giáo huy động.”

Do đó, mấu chốt của những lời chỉ trích nằm ở chỗ “tâm linh nhưng không tôn giáo” suy cho cùng chỉ là một loại triết lý tự điều chỉnh. Nó thiếu sự kiểm soát và cân bằng của cộng đồng và truyền thống mang lại. Như linh mục James Martin đã nói: “Tôn giáo có thể điều chỉnh tôi khỏi xu hướng nghĩ rằng tôi là trọng tâm vũ trụ, tôi có tất cả các câu trả lời, tôi biết Chúa hơn bất cứ điều gì trên thế giới, và tôi là người duy nhất mà Chúa nói rõ ràng nhất”.

Dĩ nhiên, không có gì ở đây cho rằng tôn giáo không cần tâm linh, không cần nghiên cứu cá nhân và đôi khi còn nghi ngờ. Như linh mục Martin đã lưu ý: “Không có tâm linh, tôn giáo trở thành một danh sách những giáo điều vô vị, không dính gì đến tinh thần của đức tin. Đó là điều mà Chúa Giêsu đã cảnh báo chúng ta phải chống lại. Và, nếu không có tôn giáo, tâm linh có thể nhanh chóng làm chúng ta tự buông thả, khác xa với những lợi ích mà một cộng đồng có thể mang lại.”

Nói cách khác, tôn giáo và tâm linh có mối liên hệ mật thiết với nhau và không thể tồn tại nếu thiếu nhau.

Nhưng bất kể “tâm linh không tôn giáo” có đứng vững được hay không, thì có một điều dường như rõ ràng. Đúng vậy, nếu xu hướng hiện tại vẫn cứ như thế và lời chứng của các nhà sản xuất thời trang tiếp tục rời xa các hình thức tín ngưỡng truyền thống, thì “tâm linh không tôn giáo” sẽ nhanh chóng trở thành, hoặc có lẽ cũng đã thành, chuẩn mực của tư tưởng.

Còn với giới trẻ Thế hệ Y nổi loạn hơn một chút thì tôn giáo hai ngàn năm tuổi có thể là con đường để họ đi.

 

Marta An Nguyễn dịch