Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi (Tv 118/119,105). Đó là một câu trong thánh vịnh ca tụng Lời Chúa.

Sách Tin Mừng thứ tư, chương thứ sáu kể:

Sau đó, Đức Giê-su sang bên kia biển hồ Ga-li-lê, cũng gọi là biển hồ Ti-bê-ri-a. 2Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm. 3Đức Giê-su lên núi và ngồi đó với các môn đệ. 4Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái.

5Ngước mắt lên, Đức Giê-su nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Phi-líp-phê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” 6Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi. 7Ông Phi-líp-phê đáp: “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh  cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút.” 8Một trong các môn đệ, là ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, thưa với Người : 9“Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu !” 10Đức Giê-su nói : “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi.” Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. 11Vậy, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý. 12Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ : “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.” 13Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng. 14Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giê-su làm thì nói : “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian  !” 15Nhưng Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt , đi lên núi một mình.

Cả bốn sách Tin Mừng đều kể lần Chúa bẻ bánh nuôi đám đông lần này (Mt 14,13-20 ; Mc 6,30-44; Lc 9,10-17; Ga 6,1-14). Mát-thêu và Mác-cô còn kể thêm một lần thứ hai (Mt 15,22-30; Mc 8,1-30). Nhưng chỉ có Tin Mừng theo thánh Gio-an kể về bài giảng tiếp theo ở hội đường Ca-phác-na-um ngày hôm sau, trong đó Chúa Giê-su nói về man-na, của ăn Thiên Chúa đã cho rơi xuống từ trời ban đêm như sương sa để nuôi dân của Chúa trong hoang địa (x. Xh 16,1-26; Ds 11,1-9), và giải thích rằng Chúa là Man-na đích thật do Thiên Chúa gởi đến từ trời. Tổ tiên họ ăn man-na như của ăn thay vì bánh, nhưng rồi phải chết. Còn Chúa Giê-su là Man-na đích thật, ai ăn sẽ được sống đời đời.

Nhưng ăn bằng cách nào? Trong sách Đệ Nhi Luật, là sách được coi như lời di chúc và từ biệt của Mô-sê, ông đã nói với dân”:

Tất cả mệnh lệnh mà tôi truyền cho anh (em) hôm nay, anh em hãy lo đem ra thực hành để anh em được sống, được trở nên đông đúc và được vào chiếm hữu đất mà ĐỨC CHÚA đã thề hứa với cha ông anh em. 2Anh (em) phải nhớ lại tất cả con đường mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), đã dẫn anh (em) đi suốt bốn mươi năm nay trong sa mạc, để bắt anh (em) phải cùng cực ; như vậy Người thử thách anh (em) cho biết lòng dạ anh (em), xem anh (em) có giữ các mệnh lệnh của Người hay không. 3Người đã bắt anh (em) phải cùng cực, phải đói, rồi đã cho anh (em) ăn man-na là của ăn anh (em) chưa từng biết và cha ông anh (em) cũng chưa từng biết, ngõ hầu làm cho anh (em) nhận biết rằng người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng ĐỨC CHÚA phán ra. 4Bốn mươi năm qua, áo anh (em) mặc đã không rách, chân anh (em) đã không sưng lên.

5Suy nghĩ lại, anh (em) phải nhận biết rằng ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), giáo dục anh (em), như một người giáo dục con mình. 6Anh (em) phải giữ các mệnh lệnh của ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), mà đi theo đường lối của Người và kính sợ Người. (8,1-6).

Chúa Giê-su đã trả lời Xa-tan khi nó cám dỗ Ngài trong hoang địa.

Tại Ca-pha-na-um, đám đông đi tìm, gập thấy Chúa thì bắt chuyện, nhưng Chúa phanh phui ngay tâm địa của họ khi kéo đi tìm Chúa, và bắt đầu dạy cho họ sống điều Mô-sê đã nhắn nhủ, đồng thời cho họ biết Chúa là Man-na đích thật, bao gồm cả hai: Man-na và Lời Thiên Chúa, Chúa Cha ban cho họ để được sống đời đời:

“Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy ?” 26Đức Giê-su đáp : “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. 27Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận.” 

Chúa giải thích cho họ phải ăn thứ Man-na này cách nào: tin, nghe và giữ Lời Chúa và phải ăn thịt và uống máu của Chúa nữa. Cuộc tranh luận trở nên sôi nổi giữa họ với Chúa và cả giữa họ với nhau, gợi lại bầu khí trong hoang địa khi dân phản đối, kêu trách Mô-sê và bàn nhau nổi loạn, quay về Ai-cập (x. Xh 16; Ds 11).

Kết thúc cuộc tranh luận ở Ca-pha-na-um, đám đông cho là chói tai, nhưng Chúa không nhượng bộ, trái lại Chúa nhấn mạnh hơn.

Chính các môn đệ cũng xầm xì với nhau, cho là chói tai, “Ai mà nghe nổi!”. Chúa cho họ chìa khóa để hiểu: “Điều đó anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư? Vậy nếu an hem thấy Clon Người lên nơi đã ở trước kia thì sao?” Nơi Chúa đã lở trước kia là trong Vinh Quang của Chúa Cha. Nghĩa là chỉ khi Chúa đã được tôn vinh thì mới có thể “ăn thịt và uống Máu Chúa” cùng với Lời Chúa.

Kết thúc buồn: “Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không đi theo Chúa nữa.” Nhưng vẫn còn nhóm Mười Hai ở lại. Chúa yêu cầu họ tự nói rõ tâm ý họ thế nào, nhưng không phải bằng cách năn nỉ, mà yêu cầu họ tự do đáp ứng: “Vậy Đức Giê-su hỏi Nhóm Mười Hai: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao ?” 68Ông Si-môn Phê-rô liền đáp : “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai ? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. 69Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.” 

Lời tuyên xưng mạnh mẽ và dứt khoát của ông Phê-rô ở đây tương đương với lời tuyên xưng do các Tin Mừng Nhất Lãm kể lại khi Chúa hỏi trực tiếp: “Còn anh  em, anh  em bảo Thầy là ai?” (Mt 16,13-16; Mc 8, 27-30; Lc 9,18-21). Hẳn là Chúa Giê-su mát ruột !

Các Tin Mừng Nhất Lãm kể bữa Tiệc Ly là bữa Tiệc mừng lễ Vượt Qua, nên kể việc Chúa lập bí tích Thánh Thể, như lễ Vượt Qua mới (Mt 26,26-29 ; Mc 14,22-25 ;  Lc 22,19-20 ; 1Cr 11,23-25). Tin Mừng Gio-an thì từ đầu đã giới thiệu Chúa Giê-su là « con Chiên của Thiên Chúa đấng xóa tội trần gian » (1,29), nên kể cái chết của Chúa là cuộc sát tế Chiên Vượt Qua, Máu của Chúa vừa là Máu Chiên Vượt Qua (Xh 12,1-13) ; máu xá tội (Lv 16,1-34) và Máu Giao Ước (Xh 24,1-8). Diễn từ sau bữa Tiệc Ly (Ga 13-17) tương tự diễn từ giã biệt của Mô-sê (sách Đệ nhị Luật), khác ở chỗ Mô-sê nhắc lại hành trình từ khi dân được giải thoát khỏi ách nô lệ Ai-cập và Giáo Ước Xi-nai, để căn dặn dân phải trunh thành với Giao Ước khi đã vào Đất Hứa ; còn Chúa Giê-su công bố Luật của Giao Ước Mới và nói về sứ mạng của các môn đệ cũng như những thử thách, gian truân mà các môn đệ phải sống, vì được sai vào thế gian chứ không phải vào một miền đất nào. Điều Chúa hứa cho họ là sẽ được tham dự sự sống vinh quang vĩnh cửu với Người trong
lòng Chúa Cha. Mô-sê kết thúc diễn từ bằng lời chúc lành cho dân, còn Chúa Giê-su kết thúc bằng lời « nguyện hiến tế », dâng mình cho Chúa Cha, cầu xin cho các môn đệ và mọi người sẽ tin vào Chúa nhờ lời các môn đệ. Mô-sê giã từ rồi một mình lên núi và « biến »  theo lệnh của Thiên Chúa, chẳng ai tìm thấy mộ của ông, còn Chúa Giê-su giã từ rồi vác thập giá lên đồi, như I-xa-ác vác củi lên núi, để hiến tế chính mình và thiết lập Giao Ước Mới.

Lời tựa Tin Mừng  Gio-an (1,1-18) giới thiệu Chúa Giê-su là Lời Thiên Chúa, hằng ở nơi Thiên Chúa, nhờ Người muôn vật được tạo thành. Lời đã hiện diện qua công trình tạo dựng và Giao Ước Xi-nai, nay thành xác phàm, nên một người trong chúng ta và cắm lều ở giữa chúng ta, để kể ra cho chúng ta biết về Cha của Người, không phải để cho chúng ta nghe mà thèm, nhưng  để hoàn thành Giao Ước Mới, và tuyên bố « Cha của Thầy cũng là Cha của anh em » đấy  (20,17). 

Thư Hip-ri giải thích : Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta  qua các ngôn sứ 2nhưng vào thời sau hết này , Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử . Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng  muôn vật muôn loài. 3Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể  Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời quyền năng  của mình mà duy trì vạn vật. Sau khi đã tẩy trừ tội lỗi, Người lên ngự bên hữu Đấng Cao Cả trên trời » (Hr 1,3).

Lời giải thích của thư Hip-ri phối hợp với Tin Mừng Gio-an giúp chúng ta hiểu tại sao phải « ăn và uống » Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa Giê-su để được sống đời đời. Trong tiếng Việt, chúng ta có câu : « Cá không ăn muối cá ươn - con không ăn lời cha me trăm đường con hư ». Cá ăn muối là cá để cho muối thấm vào làm cho nó không bị hư và thêm hương vị. Ai bị huyết áp cao mà phải kiêng muối thì có kinh nghiệm, không chỉ cá thôi, mà đồ ăn không có muối khó nuốt thế nào ! Ngày nay người ta chế ra muối, đường nhân tạo để đánh lừa khẩu vị người bịnh… nhưng làm sao bằng đường và muối tự nhiên! Dư đường, dư muối trong máu thì bịnh, nhưng Lời Chúa và Máu Thịt của Chúa thì không bao giờ dư ! Con ăn lời cha mẹ là sống theo lời cha mẹ dạy, để cho lời cha mẹ thấm vào cuộc sống của mình.

Thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã thiết lập những ngày lễ để ghi nhớ và truyền cha mẹ phải kể lại cho con cháu những gì Thiên Chúa đã làm để cứu dân và đã dạy để họ được trở thành dân của Thiên Chúa và sống làm dân của Thiên Chúa (x. Xh 13,8-16 ; Đnl 6,4-9). Tại núi Xi-nai, chính Thiên Chúa khắc luật Giao Ước vào hai tấm bia bằng đá và trao cho ông Mô-sê giữ như « Bia Chứng Ước », nhưng khi xuống núi, thấy cảnh dân tổ chức lễ hội quanh con bê bằng vàng do ông A-ha-rôn đúc cho họ, coi đó là vị thần đã đưa dân lên khỏi Ai-cập, ông nổi giận và tự tay đập vỡ hai Bia Chứng Ước (Xh 32). Thiên Chúa truyền ông phải tự tay đẽo hai bia đá, một mình vác lên núi, Thiên Chúa đọc lại Luật Giao Ước và truyền cho ông tự tay khắc lại trên bia đá… Nhưng Lời từ bia đá vào đến tâm hồn và trở thành cuộc sống là con đường xa hơn 40 năm sa mạc, ông Mô-sê nhận ra và nói với dân:

Chính anh em đã thấy những gì ĐỨC CHÚA đã làm trước mắt anh em, tại đất Ai-cập, chống lại Pha-ra-ô, cùng mọi bề tôi và cả nước vua ấy,2đó là các thử thách lớn lao mắt anh (em) từng thấy, là các dấu lạ điềm thiêng lớn lao ấy. 3Nhưng cho đến ngày hôm nay, ĐỨC CHÚA đã không cho anh em lòng để biết, mắt để thấy, tai để nghe(Đnl 29,1-3) 

Sách Thánh : Lời Chúa thành lời người

Trước khi Lời Chúa thành huyết nhục trong lòng Trinh Nữ Ma-ri-a nhờ màu nhiệm Nhập Thể, thì Lời Chúa đã thành lời người, như thư Hip-ri nói : « Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ ».

Thiên Chúa chỉ có MỘT LỜI, là Hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là Con hằng ở trong lòng Cha, hằng hướng về Cha « đồng bản thể với Đức Chúa Cha », Lời hướng về chúng ta để tỏ cho chúng ta biết Thiên Chúa qua công trình tạo dựng : « Nhờ Người mà muôn vật được tạo thành », rồi nói với chúng ta bằng ngôn ngữ loài người qua Lời Giao Ước Xi-nai cho Mô-sê rồi qua các ngôn sứ, là những người được sai đến nhờ quyền năng Thánh Thần, cuối cùng Người đã đích thân  xuống thế làm người giống chúng ta mọi đàng, trừ tội lỗi, sống giữa chúng ta để nói vời chúng ta và kể cho chúng ta về Cha của Người cũng là Cha của chúng ta. Các tông đồ là những chứng  nhân được tuyển chọn và được đầy Thánh Thần để rao giảng cho chúng ta, kể cho chúng ta về đời sống, việc làm, cái chết và sự phục sinh của Người. Lời các tông đồ rao giảng cũng như lời các ngôn sứ là Lời Thiên Chúa. Lời ấy được thế hệ đã trực tiếp nghe truyền lại cho chúng ta, rồi có những người được Thánh Thần « linh hứng » -soi sáng dạy dỗ và giúp viết thành sách, đó là Sách Thánh.

Thánh Thần luôn hiện diện đã giúp cho Hội Thánh nhận ra sách nào là Sách Thánh, là Lời Thiên Chúa được viết bằng mực và giấy, thánh sách như Mô-sê đã khắc trên bia đá. Dân Chúa trong Cựu Ước cũng như Tân Ước đã nhận biết và truyền lại cho chúng ta trong truyền thống sống động của phụng vụ và đời sống.

Hai nguồn là Thánh Truyền và Thánh Kinh không tách rời nhau được, vì từ Thánh Truyền mới có Sách Thánh, và chúng ta được biết sách nào là Sách Thánh. Nhưng để bảo đảm cho các thế hệ tiếp nối trong lịch sử hiểu được Sách Thánh viết bằng ba ngôn ngữ : Hip-ri, A-ram và Hy Lạp ở nhiều thế kỷ nối tiếp trong lịch sử và văn hóa, Chúa còn thiết lập quyền giáo huấn, trao trách nhiệm cho một số người được tuyển chọn và được ơn Thánh Thần do các tông đồ và những người kế vị trao cho bằng lời cầu nguyện và nghi thức đặt tay, để giảng dạy cho người mọi thời hiểu biết ý nghĩa đich thật, là ánh sáng và nguồn nước hằng sống, chứ không để cho người ta tự giải thích theo ý mình, như thư thứ hai của thánh Phê-rô đã cảnh giác :

Thật vậy, khi chúng tôi nói cho anh em biết quyền năng và cuộc quang lâm của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, thì không phải chúng tôi dựa theo những chuyện hoang đường thêu dệt khéo léo, nhưng là vì chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người. 17Quả thế, Người đã được Thiên Chúa là Cha ban cho vinh quang và danh dự, khi có tiếng từ Đấng tuyệt vời vinh hiển phán với Người : “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hết lòng quý mến.” 18Tiếng đó, chính chúng tôi đã nghe thấy từ trời phán ra, khi chúng tôi ở trên núi thánh với Người.

19Như vậy chúng tôi lại càng thêm tin tưởng vào lời các ngôn sứ. Anh em chú tâm vào đó là phải, vì lời ấy như chiếc đèn tỏ rạng giữa chốn tối tăm, cho đến khi ngày bừng sáng và sao mai mọc lên soi chiếu tâm hồn anh em. 20Nhất là anh em phải biết điều này : không ai được tự tiện giải thích một lời ngôn sứ nào trong Sách Thánh. 21Quả vậy, lời ngôn sứ không bao giờ lại do ý muốn người phàm, nhưng chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên Chúa

Trong dân cũng đã từng xuất hiện những ngôn sứ giả ; giữa anh em cũng vậy, sẽ có những thầy dạy giả hiệu, đó là những kẻ sẽ lén lút đưa vào những tà thuyết dẫn tới diệt vong. Vì chối bỏ vị Chúa Tể đã chuộc họ về, họ sẽ mau chóng chuốc lấy hoạ diệt vong. 2Nhiều người sẽ học đòi các trò dâm đãng của họ, và vì họ, con đường sự thật sẽ bị phỉ báng. 3Vì tham lam, họ dùng lời lẽ gạt gẫm anh em để trục lợi. Án phạt họ đã sẵn sàng từ lâu, và hoạ diệt vong đã gần kề. (2Pr 1,19-2,8).

Vấn đề ngôn ngữ

Trong khi ở phương Đông Sách Thánh đã được dịch ra và đọc bằng các ngôn ngữ của các dân tộc ngay từ những thế kỷ đầu, thì Hội Thánh ở phương Tây, lại coi tiếng La-tinh của đế quốc Rô-ma như một « ngôn ngữ thánh », phụng vụ và Sách Thánh không được dùng thứ tiếng nào khác suốt cho tới thế kỷ 20. Trong trường đào tạo hàng giáo sĩ, triết học và thần học cũng như các môn khác phải giảng dạy bằng tiếng La-tinh cho tới thời canh tân của Công Đồng Va-ti-ca-nô II. Bản thân tôi thuộc thế hệ tiếng La-tinh ấy.

Sách Thánh được biên soạn qua nhiều thế kỷ, phần lớn bằng tiếng Hip-ri, một phần bằng tiếng A-ram, một phần bằng tiếng Hy Lạp. Mỗi ngôn ngữ lại có biến chuyển hay phát triển qua từng giai đoạn lịch sử, qua sự tiếp xúc, giao thoa giữa các nền văn hóa và ngôn ngữ khác, vì thế các nhà chuyên môn phải nghiên cứu lịch sử của từng ngôn ngữ và nghiên cứu xem mỗi sách hoặc mỗi phần trong một cuốn sách được viết vào thời kỳ nào.

Thêm vào đó phần lớn những gì được viết thành sách lại dựa trên những truyền thống do người trước kể lại, vì các ngôn sứ trong Cựu Ước cũng như các tông đồ rao giảng bằng lời, rồi có khi chính các ngài viết lại hoặc các môn đệ của các ngài viết lại. Nhưng người được sai đi rao giảng cũng như người viết đều được ơn Thánh Thần soi sáng, gọi là ơn « linh hứng », nên lời giảng và sách mới là « Sách Thánh », là « Lời Chúa » được diễn tả thành lời người.

Cũng như Chúa Giê-su là « Lời » đã « nhập thể », đã thành người phàm do quyền năn Thánh Thần thì Lời Chúa được các ngôn sứ hay các tông đồ rao giảng hoặc các tác giả được linh hứng chép thành sách là Lời Chúa thành lời người, mang tất cả những đặc tính của văn chương, lời văn, văn thể, cách nói và theo cá tình của mỗi tác giả nữa. Có khi ngôn sứ như Giê-rê-mi-a đọc cho ông Ba-rúc viết (Gr 45,1).Thánh Phao-lô cũng đọc cho « thư ký viết » rối ký tên, như ta thấy thánh Phao-lô viết ở cuối thư Ga-lát : 11Anh em thấy những chữ to này : chính tay tôi viết cho anh em đó (6,11)[1] ;

Nhưng các ngôn sứ và các tác giả được linh hứng không phải là thư ký ngồi nghe Thiên Chúa đọc và viết ra, hay như ngày nay « thâu » lời giám đốc nói rồi viết lại.  Các vị ấy nói và viết theo cá tính, giọng văn của mình. Đọc sách ngôn sứ A-mốt chẳng hạn, một ông nông dân được Thiên Chúa sai đi, với ngôn ngữ mộc mạc, không trau chuốt, gọi các vương phi ở triều đình Sa-ma-ri, là những « con bò cái xứ Ba-san »[2]. Ngược lại, ngôn sứ Hô-sê có ngôn ngữ ngọt ngào, âu yếm…

Ngoài ra còn có các tác giả loại « sách khôn ngoan », không rao giảng nhưng viết trục tiếp, hoặc như sách châm ngôn, sưu tập những lời dạy khôn ngoan được truyền tụng. Sự hình thành của các thánh vịnh lại phức tạp hơn.

Nói sơ qua bấy nhiêu để anh chị em thấy tại sao phải có những trường đào tạo chuyên môn, những nhà nghiên cứu, nhưng không phải để « hù » cho anh chị em nản lòng, mà để anh chị em thấy chúng ta phải chuyên cần đọc Lời Chúa và cầu xin ơn Thánh thần để hiểu và sống Lời Chúa. Lời Chúa Giê-su hứa với các tông đồ cũng là hứa cho chúng ta, các tín hữu của mọi thời đại :

 “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. 13Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. 14Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em. 15Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói : Người lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em. (16,12-15).

Thánh Thần đã dẫn các môn đệ tới sự thật toàn vẹn về Chúa Giê-su, và các ngài đã truyền lại cho chúng ta bằng lồi rao giảng và Sách Thánh trong « Hội Thánh duy nhất, thánh, công giáo và tông truyền », với những người được các tông đồ cầu tuyển chọn, cầu nguyện và đặt tay trao Thánh Thần và sứ mạng gìn giữ và truyền lại cho các thế hệ tín hữu, cứ như thế mà Hội Thánh tiếp cho đến tận thế, vẫn là Hội Thánh do Chúa Giê-su thiết lập và các tông đồ truyền lại nhờ sự kế thừa liên tục : với Lời Chúa, các bí tích và phụng vụ lưu giữ Truyền Thống từ ban đầu và huấn quyền gín giữ giáo lý được tinh tuyền và giúp cho tín hữu mọi thế hệ sống đức tin theo thời đại, địa phương của mình.

Sách Thánh trong tay mỗi tín hữu để đọc, hiểu, tin và sống.

Nhờ cuộc canh tân của Công Đồng Va-ti-ca-nô, Kinh Thánh có thể được dịch ra moi thứ tiếng, và nhờ kỹ thuật hiện đại, mọi tín hữu có thể có cả Sách Thánh trong tay, trong túi, trong điện thoại và các phương tiện điện tử ngày càng tối tân.

Ngày nay thật là dễ dàng nếu muốn có Sách Thánh trong tay, trong túi, nhiều khi chẳng phải tốn xu nào. Nhưng bốn điều tiếp theo mới là quan trọng và đòi hỏi nhiều ở mỗi người : 1/ có dành thời giờ để đọc không ? 2/ Đọc có hiểu không ? 3/ có tin Lời Chúa không ? 4/ có sống không, đó là thiết yếu.

Trong khuôn khổ các bài trên ZOOM và YOUTUBE này, trước hết, trong 6 lần thứ bảy, mỗi lần một tiếng rưỡi, tôi cố gắng trao cho anh chị em những cái « chìa khóa » để anh chị em tự đọc bốn sách Tin Mừng và sách Công Vụ.

Nếu Chúa cho có thời giờ và điều kiện, chúng ta sẽ tiếp tục…

Đọc và Hiểu

Tin Mừng theo thánh Lu-ca kể về một người thông luật đến « thử tài » Chúa Giê-su :

Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng : “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?” 26Người đáp : “Trong Luật đã viết gì ? Ông đọc thế nào ?” 27Ông ấy thưa : “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.” 28Đức Giê-su bảo ông ta : “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.”

29Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng : “Nhưng ai là người thân cận của tôi ? »

Câu trả lời của Chúa cho chúng ta thấy bản văn viết trên giấy trắng mực đen vẫn có đấy, nhưng ông đọc thế nào lại là chuyện khác[3]. Chúa khảo bài ngược lại ông thông luật. Ông trả lời đúng. Chúa khen ông thuộc bài, và bảo ông : ông đọc đúng rồi, ông làm đi !

Bị hố, ông ta kéo Chúa vào cuộc tranh luận giữa các nhà thông luật : « Ai là người thân cận của tôi ? ». Chúa kể một dụ ngôn rồi đổi lại cách đặt vấn đề :

Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp ?” 37Người thông luật trả lời : “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giê-su bảo ông ta : “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy. »

Đoạn Tin Mừng này dạy chúng ta phải biết đọc đúng, hiểu đúng và làm đúng. 

Sách Công Vụ kể về ông quan người Ê-thi-óp :

Thiên sứ của Chúa nói với ông Phi-líp-phê : “Đứng lên, đi về hướng nam, theo con đường từ Giê-ru-sa-lem xuống Ga-da ; con đường này vắng.” 27Ông đứng lên đi. Khi ấy có một viên thái giám người Ê-thi-óp, làm quan lớn trong triều của bà Can-đa-kê, nữ hoàng nước Ê-thi-óp. Ông này làm tổng quản kho bạc của bà. Ông đã lên Giê-ru-sa-lem hành hương  28và bấy giờ đang trên đường về. Ngồi trên xe nhà, ông đọc sách ngôn sứ I-sai-a. 29Thần Khí nói với ông Phi-líp-phê : “Tiến lên, đuổi kịp xe đó.” 30Ông Phi-líp-phê chạy lại, nghe thấy ông kia đọc sách ngôn sứ I-sai-a, thì hỏi : “Ngài có hiểu điều ngài đọc              không ?” 31Ông quan đáp : “Mà làm sao tôi hiểu được, nếu không có người dẫn giải ?” Rồi ông mời ông Phi-líp-phê lên ngồi với mình. 32Đoạn Kinh Thánh ông đang đọc là đoạn này : Như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, Người chẳng mở miệng kêu ca. 33Bởi Người bị hạ xuống, nên bản án của Người đã được huỷ bỏ. Dòng dõi Người, ai sẽ kể lại, vì cuộc sống của Người trên trần gian đã bị chấm dứt.

34Viên thái giám ngỏ lời với ông Phi-líp-phê : “Xin ông cho biết : vị ngôn sứ nói thế về ai ? Về chính mình hay về một ai khác ?” 35Ông Phi-líp-phê lên tiếng, và khởi từ đoạn Kinh Thánh ấy mà loan báo Tin Mừng Đức Giê-su cho ông.

Đoạn sách Công Vụ này cho chúng ta cái chìa khóa chung để hiểu Tân Ước, vì Tất cả Tân Ước xoay quanh màu nhiệm Chúa Giê-su Ki-tô và đời sống Ki-tô hữu là « bước đi như Chúa Giêsu đã bước đi » (dịch sát 1Ga 2,6)[4]. Kiểu nói giống tiếng Việt : « Đường đi nước bước » để nói về lối sống. Tôi nhớ bài hát : « Xin chỉ cho con đường đi của Chúa, xin dạy bảo con nước bước bước của Ngài ». Chính ông Mo-sê cũng đã cầu xin Thiên Chúa sau cách hành xử của ông trong vụ dân thờ con bê bằng vàng : « nếu quả thật con đã được nghĩa với Ngài, xin khấng tỏ cho con biết đường lối của Ngài, để con biết Ngài » (33,13).

 

Buổi đầu hôm nay, tôi trao cho ang chị em cái chìa khóa chung : Cựu Ước là chìa khóa đọc tân Ước.

 

Lm. Giuse Nguyễn Công Đoan SJ.

 

[1] x. 2 Tx 3,17 ; 1 Cr 16,21.24.

[2] Amos 4,1 – Bò đực, bò cái Ba-san nổi tiếng là to lớn, tượng trưng cho thú dữ hung bạo. Thánh vịnh 21/22,13 : Quanh con cả đàn bò bao kín, Thú Ba-san ùa đến bủa vây!

[3] Ở miền Bắc có nhiều chuyện cười bằng cách đọc những khẩu hiệu của nhà nước cộng sản. Tôi nhắc một câu khẩu hiệu về giới hạn sanh đẻ : Gia đình hai con vợ chồng hạnh phúc. Người viết khẩu hiệu vô tình hay cố ý, viết thành hai hàng : Gia đình hai con vợ - chồng hạnh phúc !