Bài Mới

 

Ronald Rolheiser, 

 

Nhà báo David Brooks của tờ New York Times từng viết một bài về một người bạn lâu năm đã chết vì tự tử. Trong phần mô tả bạn mình và sự suy sụp chìm vào chứng bệnh tự tử, Brooks đã cho chúng ta thấy một vài điều về cách chúng ta vẫn còn rất lâu mới hiểu được về tự tử. (New York Times, 09-2-2023)

Bạn của ông, Peter, không có vẻ gì là một người sẽ tự tử. Ông có một hôn nhân tuyệt vời, hai người con trai yêu thương, bạn bè nồng hậu, và sự nghiệp bác sĩ mãn nguyện, vừa giúp ông được vui, vừa có thể giúp người khác. Ông khỏe mạnh về thể chất, năng động và thích thể thao. Nhưng đến một lúc, ông bắt đầu chìm vào trầm cảm, chứng bệnh tàn phá đến mức mọi yêu thương trên đời này đều bó tay. Cuối cùng, ông tự tước đi mạng sống mình.

Điều mà Brooks nêu bật khi thuật lại hành trình cuộc đời của bạn mình, là một điều mà tất cả mọi người cần phải đọc. Ông nêu bật chuyện gì?

Trước hết, trong hầu hết trường hợp, tự tử là một chứng bệnh. Người ta không chọn chìm vào dạng trầm cảm này, và nó ập đến cũng không khác gì chứng ung thư, tiểu đường hay đau tim. Họ gặp một căn bệnh và họ không thể tự mình thoát khỏi nó, cũng như những người mắc bệnh nặng không thể nào tự chữa lành bằng sức mạnh ý chí và thái độ sống. Đâu thể cứ muốn là thoát khỏi sự trầm cảm tự tử. Hơn thế nữa, trầm cảm tự tử không phải là thứ mà bất kỳ ai trong chúng ta, những người ngoài cuộc, có thể hiểu được.

Thứ hai, sự trầm cảm này rất kinh khủng, là cơn ác mộng kinh hoàng nhất. Tác giả William Styron đã mô tả trong hồi ký của mình, Bóng tối hữu hình (Darkness Visible) rằng, “Tôi cảm nghiệm một chấn động nội tâm đáng chú ý mà tôi chỉ có thể mô tả là một nỗi tuyệt vọng hơn bất kỳ nỗi tuyệt vọng nào. Nó phát xuất từ màn đêm lạnh lẽo, tôi đã không nghĩ có tồn tại một nỗi thống khổ đến như thế”. Rồi sự đau khổ đó còn kết hợp với sự thật rằng một phần của chứng bệnh (hầu hết) là người đó cảm thấy không thể nào xác định rõ nỗi đau này chính xác là do điều gì. Do đó, họ đơn độc với nó, cảm thấy mình lạc loài, và sự cô độc đó đến từ một cảm giác quá mạnh rằng sẽ tốt hơn cho mọi người nếu loại bỏ mình khỏi gia đình và bạn bè bằng cách tự tử.

Hơn nữa, khi đối diện với trầm cảm tự tử, thuốc thang và trị liệu tâm lý có thể phần nào hữu ích, nhưng chúng cũng có giới hạn.

Chúng ta phải làm gì khi gặp một người đang chịu trầm cảm gây tê liệt này? Để cố trả lời câu hỏi đó, chúng ta có thể mở đầu với việc gì chúng ta không nên làm.

Tác giả Brooks chia sẻ một vài nỗ lực, dù chân thành nhưng xét tận cùng là sai lầm, khi cố giúp đỡ bạn mình. Ví dụ ông nhắc Peter nhớ lại những phúc phần tuyệt vời và cuộc đời diễm phúc của Peter. Rồi sau này, ông mới nhận ra “làm thế có thể làm cho đương sự đau khổ, cảm thấy tệ hơn vì không thể tận hưởng những thứ rõ ràng có thể tận hưởng”. Cũng vậy, chúng ta không nên hỏi người đó có suy nghĩ tự hại mình không. Người đó vốn đã hại mình quá nhiều đến mức độ thâm tâm của họ chỉ muốn chặn đứng nỗi đau, và tự tử được xem là phương thế duy nhất để làm vậy.

Vậy chúng ta nên làm gì? Brooks nói rõ: “Các chuyên gia nói rằng nếu biết ai đó đang bị trầm cảm, thì được phép nói thẳng về chuyện tự sát. Các chuyên gia nhấn mạnh bạn sẽ không gieo suy nghĩ đó vào đầu họ đâu. Vì nó vốn có sẵn trong đầu họ rồi. Và nếu là thế, người đó cần đến sự giúp đỡ chuyên môn”. Các chuyên gia cũng đồng ý rằng chúng ta nên thử liều hỏi thẳng xem người đó có ý nghĩ tự tử không. Nếu người đó không nghĩ đến chuyện tự tử, thì sẽ tha thứ cho bạn vì đã hỏi câu đó, nhưng nếu người đó đã nghĩ đến chuyện tự tử mà bạn lại quá ngại không dám hỏi, thì sự ngập ngừng của bạn có thể cản trở việc cứu lấy người đó.

Brooks chỉ ra rằng mặc dù trong những năm qua, thuốc men và tâm lý học đã có nhiều phát triển, nhưng tỷ lệ tự tử ngày nay lại cao hơn 30% so với 20 năm trước, và một phần năm người trưởng thành ở Mỹ đang bị các bệnh về tâm thần.

Cuộc đời của tôi đã gánh chịu nhiều về tự tử, từ bà con, bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp, bạn học, học trò cũ và những bậc đàn anh. Theo kinh nghiệm của tôi, trong mỗi một cái chết đó, người chết là một người tốt lành, chân thật, ân cần, nhạy cảm, quá nhạy cảm đến độ vào một thời điểm nào đó trong đời, họ quá bầm dập, quá đau đớn, quá bất lực trước chứng bệnh này đến nỗi không thể tiếp tục sống nữa. Mỗi một cái chết đó để lại một nỗi đau buồn thương tâm ghê gớm mà một phần lớn là do chúng ta không hiểu được điều gì gây nên cái chết của họ.

Khi nghĩ về việc bạn mình tự tử, Brooks kết lại rằng, “con quái vật đó lớn hơn Peter, lớn hơn bất kỳ ai trong chúng ta”. Và đến giờ nó vẫn vậy. Nói đơn giản, chúng ta vẫn còn lâu mới hiểu được sự khỏe tâm thần và sự mỏng manh của nó.

 

 

J.B. Thái Hòa dịch