Quý độc giả thân mến,
Có lẽ nhiều người đang muốn biết việc bầu chọn Giáo hoàng sẽ diễn ra như thế nào? Hẳn nhiên đây là thời gian vô cùng đặc biệt. Nói là đặc biệt không vì tính chất chính trị như những cuộc bầu cử dân sự, nhưng là vì tính chất thánh thiêng của Mật nghị Hồng y. Qua các ngài, chính Thiên Chúa sẽ chọn một Giáo Hoàng tiếp theo cho Giáo hội. Để làm được điều này, Giáo hội đã soạn cả một Tông hiến rất chi tiết.
Tông hiến Universi Dominici Gregis do Đức Gioan Phaolô II ban hành ngày 22/02/1996, với một số điều chỉnh bởi Đức Bênêđictô XVI sau này. Tông huấn này quy định cách thức tổ chức Giáo hội trong thời gian Tông Tòa trống ngôi và tiến trình bầu chọn vị Giáo hoàng mới. Bài viết dưới đây xin tóm gọn thành 10 điểm chính để quý vị có thể hình dung bối cảnh hiện tại. Dĩ nhiên quý vị có thể đọc toàn bản văn thì càng tốt.
-
Vai trò giới hạn và trách nhiệm của Hồng y đoàn trong thời gian Tông Tòa trống ngôi
Trong thời gian Tông Tòa trống ngôi, Hồng y đoàn không có thẩm quyền điều hành Giáo hội như Giáo hoàng. Các ngài chỉ được quyền giải quyết những công việc thường nhật và những vấn đề không thể trì hoãn. Mọi hành động vượt quá giới hạn này đều “vô hiệu” (số 1–2). Chẳng hạn, Tông hiến nhấn mạnh: “Trong thời gian Tông Tòa trống ngôi, Hồng y đoàn không có quyền hành hay thẩm quyền đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của Giáo hoàng khi ngài còn sống hoặc đang thi hành nhiệm vụ.” (số 1)
Điều này cho thấy tinh thần tôn trọng vị trí tối cao và duy nhất của Giáo hoàng trong Giáo hội Công giáo.
-
Các phiên họp Toàn thể và Riêng biệt: cơ cấu tổ chức trong giai đoạn trống ngôi
Ngay sau khi Tông Tòa trống ngôi, các Hồng y phải họp thành hai loại phiên họp: Phiên họp Toàn thể (tất cả các Hồng y) và Phiên họp Riêng biệt (Hồng y Nhiếp chính cùng ba Hồng y phụ tá được bốc thăm). Tông hiến quy định: “Tất cả các Hồng y không bị ngăn trở hợp pháp đều phải tham dự Phiên họp Toàn thể… Các Phiên họp Riêng biệt giải quyết các công việc thường nhật.” (số 7–8).
Việc phân chia này giúp duy trì những hoạt động tại Roma một cách tốt đẹp, đồng thời chuẩn bị tốt nhất cho tiến trình bầu Giáo hoàng.
-
Quy định về Hồng y cử tri: tuổi tác, số lượng và quyền hạn
Chỉ những Hồng y chưa tròn 80 tuổi trước ngày Tông Tòa trống ngôi mới có quyền bầu Giáo hoàng, với tổng số không quá 120 vị (số 33). Tuy Tông hiến không đưa ra lý do, nhưng chúng ta có thể hiểu: “Để tránh đặt gánh nặng lớn lao lên những vị cao niên đáng kính.” (số 33).
Không một Hồng y cử tri nào có thể bị loại trừ khỏi quyền bầu chọn hoặc quyền được bầu chọn trong cuộc bầu chọn Giáo hoàng. (số 35).
-
Mật nghị Hồng y: nguyên tắc biệt lập nghiêm ngặt
Mật nghị phải diễn ra trong Thành Vatican, tại Nhà nguyện Sistine và Nhà Thánh Marta (nơi cư trú), với yêu cầu biệt lập tuyệt đối: “Tất cả khu vực bầu chọn phải đóng kín đối với những người không có thẩm quyền.” (số 41–43).
Các Hồng y cử tri không được phép ra ngoài, không tiếp xúc với ai, nhằm tránh mọi áp lực, ảnh hưởng từ bên ngoài, để quyết định bầu chọn thực sự tự do trước mặt Thiên Chúa. Điều này nằm trong lời tuyên thệ: “chúng tôi hứa và tuyên thệ sẽ giữ bí mật nghiêm ngặt với mọi người, dù là giáo sĩ hay giáo dân, về tất cả những gì liên quan đến việc bầu chọn Giáo hoàng Rôma và những gì diễn ra tại nơi bầu chọn, trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến kết quả bỏ phiếu; chúng tôi hứa và tuyên thệ sẽ không tiết lộ bí mật này dưới bất kỳ hình thức nào, trong suốt hoặc sau cuộc bầu chọn Giáo hoàng mới.” (số 53).
-
Bảo mật nghiêm ngặt và chế tài xử phạt
Từ khi bắt đầu mật nghị đến khi công bố tân Giáo hoàng, việc giữ bí mật là tuyệt đối. Tông hiến quy định: “Những ai tham gia vào bất kỳ công việc nào liên quan đến cuộc bầu chọn, và những người dù trực tiếp hay gián tiếp có thể vi phạm tính bảo mật theo bất kỳ cách nào, dù bằng lời nói, chữ viết, dấu hiệu hay bất kỳ cách nào khác, đều bị ràng buộc tuyệt đối phải giữ bí mật. Nếu vi phạm, họ sẽ chịu vạ tuyệt thông tiền kết, dành riêng cho Tông Tòa.” (số 58).
Điều trên áp dụng cho mọi hình thức liên lạc: thư tín, điện thoại, internet, và cũng cấm ghi âm, ghi hình (số 44–47).
-
Chỉ bầu bằng bỏ phiếu kín: loại bỏ các hình thức khác
Các hình thức bầu cử như “theo cảm hứng – quasi ex inspiratione” hay “qua ủy quyền – per compromissum” đều đã bị bãi bỏ (số 62). Do đó chỉ còn duy nhất hình thức bỏ phiếu kín, vì Tông huấn cho rằng: Hình thức này đảm bảo tính minh bạch, đơn giản và tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia hiệu quả và đầy đủ của các Hồng y cử tri. (số 62)
Sự thay đổi này phản ánh tính nghiêm túc, công bằng và phù hợp. Để trở thành tân Giáo hoàng,và “để cuộc bầu chọn Giáo hoàng Rôma hợp lệ, ứng viên phải nhận được hai phần ba số phiếu, được tính dựa trên tổng số Hồng y cử tri có mặt.” (số 62).
-
Tiến trình bỏ phiếu chặt chẽ và chi tiết
Việc bỏ phiếu có 3 giai đoạn: chuẩn bị, bỏ phiếu, và kiểm phiếu (số 64–70).
Mỗi ngày, các Hồng y có thể bỏ phiếu tối đa bốn lần (hai buổi sáng, hai buổi chiều), nhằm thúc đẩy tiến độ mà vẫn bảo đảm chín chắn (số 63). Nếu sau nhiều vòng chưa chọn được Giáo hoàng, hai ứng viên có số phiếu cao nhất sẽ vào vòng cuối và phải đạt đa số hai phần ba (số 75).
Tông hiến yêu cầu: “Phiếu bầu phải được viết tay, gấp lại hai lần, và đọc tuyên thệ trước khi bỏ vào thùng phiếu.” (số 65–66). Nội dung của phiếu cũng được Tông huấn tiết lộ: “in sẵn dòng chữ Eligo in Summum Pontificem (Tôi bầu chọn làm Giáo hoàng); ở nửa dưới phải để trống một khoảng để viết tên người được chọn.” (số 65).
-
Chấp thuận và công bố tân Giáo hoàng
Ngay sau khi trúng cử, ứng viên được hỏi: “Ngài có chấp nhận cuộc bầu chọn theo giáo luật đặt ngài làm Giáo hoàng không? Và ngay khi nhận được sự chấp thuận, vị Hồng y hỏi tiếp: Ngài muốn được gọi bằng tông hiệu nào?” (số 87)
Nếu đồng ý, “thì ngay lập tức vị ấy trở thành Giám mục Giáo phận Rôma, Giáo hoàng đích thực và là Thủ lãnh của Giám mục đoàn, đồng thời nắm giữ và có thể thi hành quyền tối thượng và trọn vẹn trên toàn thể Giáo hội hoàn vũ.” (số 88). Tiếp đó, Vị Hồng y trưởng đẳng Phó tế sẽ loan báo: “Habemus Papam! – Chúng ta đã có Giáo hoàng!”. Ngay sau đó, vị tân Giáo hoàng ban Phép lành Tòa Thánh Urbi et Orbi từ ban công Vương cung Thánh đường thánh Phê-rô.
-
Toàn thể Giáo hội hiệp thông trong cầu nguyện
Không chỉ các Hồng y, nhưng toàn thể Dân Chúa cũng tham gia cách thiêng liêng trong quá trình bầu chọn qua lời cầu nguyện: “Giáo hội hoàn vũ đồng tâm nhất trí chuyên cần cầu nguyện, noi gương cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên.” (số 84).
Các tín hữu được mời gọi cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng các Hồng y, để lựa chọn vị Mục tử đích thực cho thời đại.
-
Những điều nghiêm cấm để bảo vệ sự tự do và trong sáng
Thật thú vị rằng Tông huấn còn đề cập đến việc cấm mại thánh, cấm các cam kết ngầm, cấm mọi can thiệp của thế quyền: “Mọi hành vi mua bán chức vị, mọi thỏa thuận trước mật nghị, mọi áp lực từ bên ngoài… đều bị nghiêm cấm, kèm theo hình phạt vạ tuyệt thông tiền kết.” (số 78–82).
Đức Gioan Phaolô II khuyên các Hồng y: “đừng để cho mình bị dẫn dắt trong việc chọn Giáo hoàng bởi tình bạn hay ác cảm, hoặc bị ảnh hưởng bởi sự ưu ái hoặc mối quan hệ cá nhân với bất kỳ ai, cũng như bị chi phối bởi sự can thiệp của những người có thẩm quyền, bởi các nhóm gây áp lực, bởi những gợi ý từ các phương tiện truyền thông, hoặc bởi sức ép, sợ hãi hay sự tìm kiếm danh vọng. Thay vào đó, chỉ hướng đến vinh quang của Thiên Chúa và lợi ích của Giáo hội, và sau khi cầu nguyện xin ơn Chúa soi sáng, các vị hãy bỏ phiếu cho người, ngay cả bên ngoài Hồng y đoàn, mà theo phán đoán của mình, là người thích hợp nhất để cai quản Giáo hội hoàn vũ một cách phong nhiêu và hữu ích..” (số 83).
Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J.
Hình Infographic Tiến trình Bầu Giáo hoàng & Mật nghi Hồng y