WHĐ  – Trong bài giảng tĩnh tâm Mùa Chay 2023 cho giới trẻ tại giáo xứ Đa Minh (Ba Chuông Saigon) với chủ đề “Những nấm mồ trên mạng xã hội”, Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm, giám mục Mỹ Tho, khi nói về những tác động và ảnh hưởng mạnh mẽ của mạng xã hội, đã dùng hai hình ảnh nổi bật trong Kinh Thánh, đó là dụ ngôn Người Samari nhân hậu (Lc 10,29-37) và câu chuyện Chúa Giêsu đứng trước mộ Lazaro (Ga 11,1-45) để dẫn giải rằng mặc dù mạng xã hội có nhiều điểm tích cực nhất định nào đó, nhưng bên cạnh cũng đầy dẫy những ảnh hưởng tiêu cực đáng lưu ý, nhất là đối với giới trẻ Công giáo chúng ta ngày nay. Trong phần kết luận, Đức Giám mục Mỹ Tho đã nói:

Lắng nghe tiếng gọi, ‘Hãy ra khỏi mồ’. Nói đến những nấm mồ trên mạng xã hội làm cho chúng ta dễ có cảm giác Giáo Hội không có thiện cảm với mạng xã hội, và khuyến khích chúng ta tẩy chay mạng xã hội. Không! Không phải thế. Giáo Hội không tẩy chay mạng xã hội vì mạng xã hội có thể mang lại rất nhiều lợi ích và làm cho đời sống chúng ta phong phú hơn. Hơn nữa đây còn là sứ mạng của Giáo Hội: loan báo Tin Mừng bằng các phương tiện truyền thông, hiện diện ở nơi con người đang hiện diện: “Người trẻ - cũng như các thế hệ lớn hơn – xin Giáo Hội gặp gỡ họ nơi họ đang hiện diện, gồm cả mạng xã hội”. Vấn đề là hiện diện như thế nào? Chúa muốn chúng ta hiện diện như thế nào trên mạng xã hội?

Suy nghĩ về mạng xã hội trong ánh sáng Tin Mừng hôm nay, chúng ta hãy hình dung Chúa Giêsu đang đứng trước cánh cửa tâm hồn mỗi người giống như Ngài đứng trước mồ của Lazaro, và Ngài cũng kêu lên “Hãy ra khỏi mồ”. Hãy ra khỏi nấm mồ của thế giới ảohãy ra khỏi nấm mồ của gian dối; hãy ra khỏi nấm mồ của hận thù và chia rẽ! Hãy bước vào mạng xã hội trong tư cách môn đệ của Chúa, nghĩa là trở thành người loan báo sự thật và gieo rắc tình yêu trong thế giới mạng xã hội.”[1]

Như vậy, người Kitô hữu chúng ta hãy mạnh dạn ra khỏi nấm mồ của thế giới tiêu cực của mạng xã hội, thế giới tràn ngập những gian dối, lọc lừa, phản bội, chia rẽ, hận thù, để can đảm bước vào mạng xã hội tích cực trong tư cách là môn đệ Chúa Kitô. Chúng ta sẽ biến thế giới ảo thành thế giới của sự thật, biến thế giới đố kỵ ghen ghét thành thế giới của tình thương và sự tha thứ. Với căn tính Kitô hữu của mình, nhờ Chúa Thánh Thần hướng dẫn, nhờ ơn khôn ngoan và khả năng phân định, chúng ta sẽ sử dụng mạng xã hội cách sáng suốt, tự tin, đúng với những giáo huấn và đường hướng mà Hội thánh đề ra.

Cách đây gần một năm, ngày 25-5-2022, trả lời phỏng vấn của Truyền Thông Gx Ba Chuông Saigon nhân Ngày Thế Giới Truyền Thông lần thứ 56 với chủ đề “Hãy lắng nghe bằng con tim”, Đức cha Phê-rô Nguyễn Văn Khảm, giám mục Mỹ Tho cũng đã nói như sau:

“…Trong thời kỹ thuật số ngày nay, mỗi chúng ta đều là chủ thể truyền thông, hoặc bằng cách đưa bài viết, tin tức, hình ảnh lên mạng; hoặc bằng cách phản hồi qua việc comment, like, share… Ở cả hai tư cách (người đưa tin và người nhận tin) chúng ta đều cần ý thức trách nhiệm của mình là người môn đệ Chúa Giêsu và tự hỏi xem: hành động của tôi có làm gia tăng sự hiệp thông và tình yêu thương trong Hội Thánh không, hay là gây chia rẽ và xung đột? Hành động của tôi có phục vụ cho sự thật hay lại cổ võ sự dối trá? Có gieo rắc cái đẹp của Phúc Âm không hay lại phá hủy vẻ đẹp đó?

Tư cách Công giáo, tư cách môn đệ Chúa Kitô không chỉ thể hiện ở việc đi nhà thờ mà thôi, dù việc đó rất tốt, nhưng còn ở ngay lúc ngồi trước màn hình máy tính, lên mạng, vào mạng xã hội: tôi xem gì, đọc gì, nói gì, phản ứng thế nào… Tất cả đều phản ánh tư cách môn đệ của chúng ta. Nếu mỗi người Công giáo ý thức được điều này thì bằng chính những việc nhỏ bé hằng ngày, chúng ta trở thành những tông đồ trên máy tính, góp phần làm cho men Tin Mừng thấm nhập và lan tỏa nhiều nơi.[2]

Như vậy, vấn đề của người Công giáo chúng ta hôm nay tự xét coi mình đã sử dụng mạng xã hội như thế nào cho phù hợp với tư cách của một Kitô hữu. Nhất là chúng ta có coi đó như là một phương tiện hữu hiệu, chính đáng để loan báo Tin Mừng Chúa Kitô cho hết mọi người xung quanh xa gần.

Chúng ta cũng biết rằng, “Mạng xã hội trở thành một ‘lục địa mới’, với hơn nửa dân số thế giới tham gia mà đa số là người trẻ, và thời gian họ hoạt động trên đó mỗi ngày một nhiều hơn. Đây đúng là một lục địa bao la đang cần rất nhiều mục tử đến đồng hành và chăm sóc. Thật vậy, nhu cầu đối với Giáo hội hiện nay là làm thế nào để các mạng xã hội mang lại lợi ích từ sự tham gia đầy đủ của những người tin, những người khao khát chia sẻ sứ điệp của Đức Kitô và giá trị của phẩm giá con người vốn được giáo huấn của Đức Kitô khích lệ. Các tín hữu ngày càng nhận thức rằng nếu Tin Mừng không được phổ biến cả trong những môi trường kỹ thuật số, thì có thể sẽ vắng bóng trong kinh nghiệm của nhiều người, những người vốn coi không gian này là điều quan trọng. Môi trường kỹ thuật số không phải là một thế giới song song hay chỉ là một thế giới ảo, nhưng là thành phần của thực tại thường nhật của nhiều người, nhất là của giới trẻ.”[3]

Xin nhắc lại, ngày 13-11-2022, trên trang web của HĐGMVN (WHĐ) có đăng bài viết tựa “Giáo hội và mạng xã hội: ứng dụng mạng xã hội vào sứ mạng loan báo Tin Mừng” của LM George Nwachukwu, theo đó tác giả có nêu ý kiến như sau:

Là người Công giáo, ơn gọi của mỗi người chúng ta cũng như của Giáo hội là trở thành người đem Tin Mừng của Chúa Giêsu đến cho mọi người. Chúng ta được kêu gọi để trở thành người chia sẻ với người khác những niềm vui và những gọi mời của đức tin. Vì tầm quan trọng của sứ vụ này, nên chúng ta cần sử dụng tất cả những phương tiện tốt nhất hiện có.

Theo dòng lịch sử, phương tiện mà Giáo hội sử dụng để thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng đã được hỗ trợ bởi các công nghệ theo từng thời kỳ. Đối với Thánh Phaolô Tông đồ, đó là hệ thống đường sá La Mã. Đối với thời kỳ Cải Cách, đó là máy in. Đối với chúng ta ngày nay, đó là sức mạnh của Internet, thứ đang nằm trong tầm tay của gần như tất cả mọi người. Điều này có được là nhờ công nghệ hiện đại và sự ra đời của các mạng xã hội. Trong thời đại này, chúng ta có thể tiếp cận và giảng dạy cho hầu hết mọi người trên thế giới thông qua một thiết bị đơn giản mà chúng ta cầm trên tay. Thiết bị đó có thể là một máy tính xách tay hoặc một chiếc điện thoại di động trong túi chúng ta. Thế giới đã thay đổi và mở ra những cơ hội lớn cho Giáo hội trong thời đại hôm nay.[4]

Nhân đây, trong khuôn khổ bài viết về đề tài người Công giáo trước vấn nạn tham gia mạng xã hội, chúng ta cùng tìm hiểu mấy vấn đề sau:

- Mạng xã hội là gì?

- Đôi nét về “Hội chứng nghiện mạng xã hội”

- Các mặt tích cực và tiêu cực đáng lưu ý của mạng xã hội

- Kitô hữu có nên tham gia mạng xã hội?


I. MẠNG XÃ HỘI LÀ GÌ?

II. ĐÔI NÉT VỀ “HỘI CHỨNG NGHIỆN MẠNG XÃ HỘI”

III. KHÍA CẠNH TÍCH CỰC VÀ TIÊU CỰC CỦA MẠNG XÃ HỘI

1. Những khía cạnh tích cực (hay ưu điểm) của mạng xã hội

1.1. Công nghệ cao, tính năng dễ sử dụng, dịch vụ rẻ tiền, phổ biến

1.2. Công dụng đa dạng

1.3. Môi trường giao tiếp thuận lợi

1.4. Phương tiện giải trí gọn nhẹ, không tốn kém

2. Những khía cạnh tiêu cực (hay khuyết điểm) của mạng xã hội

2.1 Dễ gây nghiện

2.2 Tốn kém thời gian và sức lực

2.3 Nguyên nhân gây một số bệnh

2.4 Ảnh hưởng tiêu cực từ tin giả, người gian, kẻ xấu

IV. KITÔ HỮU VÀ VIỆC THAM GIA MẠNG XÃ HỘI

1. Các Đức Giáo hoàng nói gì về truyền thông và mạng xã hội

2. Các Đức Giáo hoàng dùng mạng xã hội

3. Kitô hữu cần tham gia mạng xã hội như thế nào?

 

I. MẠNG XÃ HỘI LÀ GÌ?

Trước đây, khi chưa biết đến mạng xã hội, bản thân người viết hình dung đó như là một cái gì ghê gớm lắm. Giống như một thứ bệnh “xã hội” lây lan trong cộng đồng khiến nhiều người mắc phải, đau khổ và chìm đắm trong đam mê tội lỗi! Nhưng sau khi đã “kết” mạng xã hội rồi thì mới thấy đây quả là một “lục địa mới” đầy hấp dẫn và tươi đẹp. Chúng ta cũng biết rằng, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã gọi đó là agora (quảng trường hay Sân chư dân) mới, một không gian công cộng rộng mở, nơi con người chia sẻ ý tưởng, thông tin, ý kiến, và là nơi cũng có thể nảy sinh những mối tương quan và những hình thức cộng đoàn mới[5].

Sau đây ta thử tìm hiểu đôi nét về mạng xã hội.

Mạng xã hội trong tiếng Anh là Social network. Theo tổng hợp trên Wikipedia, mạng xã hội với cách gọi đầy đủ là “dịch vụ mạng xã hội” hay “trang mạng xã hội”, là nền tảng trực tuyến nơi mọi người dùng để xây dựng các mối quan hệ với người khác có chung tính cách, nghề nghiệp, công việc, trình độ,… hay có mối quan hệ ngoài đời thực.

Mạng xã hội có nhiều dạng thức và tính năng khác nhau, có thể được trang bị thêm nhiều công cụ mới, và có thể vận hành trên tất cả các nền tảng như máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng hay điện thoại thông minh.

Mạng xã hội cho phép người dùng chia sẻ câu chuyện, bài viết, ý tưởng cá nhân, đăng ảnh, video, đồng thời thông báo về hoạt động, sự kiện trên mạng hoặc trong thế giới thực. Nếu như trong mô hình mạng xã hội truyền thống, ví dụ như sự kiện hội chợ, đã tồn tại từ lâu trong lịch sử thì mạng xã hội trên web giúp người dùng kết nối với những người sống ở nhiều vùng đất khác nhau, ở thành phố khác hoặc trên toàn thế giới.

Mạng xã hội là kênh kết nối, chia sẻ và tiếp nhận thông tin ngày càng trở nên phổ biến và mở rộng. Những tác động của nó tới đời sống con người cũng ngày càng rõ rệt, được thể hiện trên cả hai phương diện tích cực và tiêu cực[6].

II. ĐÔI NÉT VỀ “HỘI CHỨNG NGHIỆN MẠNG XÃ HỘI”

Chúng ta biết rằng, “trên thế giới, số lượng người dùng mạng xã hội tính đến tháng 01 năm 2021 đạt hơn 4,2 tỷ người dùng, chiếm khoảng 53% tổng dân số toàn cầu. Con số này sẽ tiếp tục tăng trong tương lai gần. Facebook vẫn là nền tảng mạng xã hội được nhiều người truy cập nhất với hơn 2,7 tỷ người dùng tích cực, tiếp theo là YouTube (2,2 tỷ), WhatsApp (2 tỷ), Facebook Messenger (1,3 tỷ), WeChat (1,2 tỷ), Instagram (1,158 tỷ), TikTok (0,689 tỷ),... Có tới 86% người trẻ từ 18 đến 29 tuổi sử dụng Facebook và là thành phần chiếm đa số người dùng mạng xã hội này. Một người dùng mạng xã hội thường có trung bình 9 tài khoản khác nhau và dành ra trung bình mỗi ngày 2 giờ 24 phút trên mạng xã hội, tăng hơn 1 giờ đồng hồ so với năm 2015.

“Riêng tại Việt Nam, như cầu sử dụng mạng xã hội xem ra ngày càng gia tăng. Thống kê cho hay, Việt Nam là nước có số lượng người dùng mạng xã hội cao hơn mức trung bình thế giới. Dân số Việt Nam hiện nay là 97.980.706, đứng thứ 15 thế giới, nhưng số lượng người dùng Facebook tại Việt Nam thì vươn lên 8 bậc, đứng thứ 7 thế giới với hơn 69 triệu người, chiếm 70,1% toàn bộ dân số. Đó là chưa kể đến số lượng người dùng các mạng xã hội nổi tiếng khác như ZaloYouTubeTiktok,...

“Với số lượng người dùng lớn như vậy, trong các gia đình Việt Nam, từ ông bà, cha mẹ, cho đến trẻ em, hầu hết mọi người đều có tài khoản mạng xã hội để nối kết và đăng tải các sự kiện lớn nhỏ trong đời sống mỗi người. Trong đó, người trẻ hoạt động tích cực nhất. Theo thống kê, đa số người dùng Facebook tại Việt Nam có độ tuổi còn khá trẻ từ 18 - 34 tuổi (chiếm hơn 23 triệu người). Đặc biệt, thời gian người Việt sử dụng mạng xã hội cũng nhiều hơn mức trung bình thế giới. Theo một nghiên cứu của Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp, trung bình một ngày, người Việt Nam bỏ ra khoảng 6 giờ 53 phút để lướt Web nếu dùng máy vi tính cá nhân và Tablet; 2 giờ 33 phút nếu dùng điện thoại di động; và dành 2 giờ 39 phút cho mạng xã hội, nhiều hơn mức trung bình của thế giới 15 phút.”[7]

Như vậy, ta có thể thấy ngay rằng ngày hiện nay mạng xã hội đã trở thành “người bạn đường” rất thân thương của nhiều người, nhất là đối với những người trẻ. Sự thân thiết mạnh mẽ đến nỗi người ta coi đó như một hội chứng cuồng mạng xã hội. Quả thực nhiều người cuồng điên vì lệ thuộc quá nhiều vào mạng xã hội. Ta hãy thử xem một trường hợp điển hình được báo chí kể lại sau: Cô gái tên T. 27 tuổi có thói quen cứ dừng đèn đỏ là lôi điện thoại ra kiểm tra và trả lời tin nhắn trên mạng xã hội. Cô thường tốn thời gian đi đường nhiều gấp đôi người khác. Cô thừa nhận “Quãng đường người khác đi hết 15 phút thì tôi có thể cần tới 30 phút!”. Chiếc smart-phone gần như không rời khỏi tay vì cô luôn có cảm giác “sợ lỡ mất thông tin quan trọng!”.

Trên thực tế, còn cả trăm, nghìn trường hợp khác cho thấy người ta gắn bó với mạng xã hội như thế nào. Ngay cả khi đi khám bệnh, đi làm giấy tờ ở công sở, chờ đợi ở sân bay, trên xe đò, xe buýt, ở quán ăn, quán cà-phê…thậm chí ngay cả đang đi xe máy, xe hơi người ta cũng tranh thủ vào mạng xem có gì mới lạ! Bản thân tôi, người viết, còn chứng kiến nhiều bạn trẻ, khi đi lễ Chúa nhật, không quên cầm theo điện thoại để kết nối… Có người ngồi ngoài sân, ngoài đường vừa “xem/ nghe” lễ vừa kết nối. Có người khi vừa vào trong nhà thờ chưa kịp làm dấu đọc kinh đã rút cái smart-phone ra để “lướt mạng”, nhắn tin…Tất cả điều này cho thấy nhiều người đang bị nghiện mạng xã hội.

Theo các chuyên gia, tại Việt Nam, tình trạng lệ thuộc mạng xã hội được đánh giá là rất phổ biến. Theo báo cáo Digital 2021 của công ty quảng cáo kỹ thuật số We Are Social (Anh), Việt Nam có khoảng 72 triệu người dùng mạng xã hội, tương đương hơn 73% dân số. Nhóm 25-34 tuổi và 18-24 tuổi lần lượt là hai nhóm sử dụng nhiều nhất nên hay xuất hiện tình trạng lệ thuộc nhất. “Chỉ cần ra quán cà phê, ta sẽ thấy các bạn trẻ cắm đầu vào điện thoại cả buổi mà không tương tác trực tiếp với nhau”. Báo cáo Digital 2021 cũng cho thấy mỗi ngày, người Việt dùng Internet trung bình 6 tiếng 47 phút, trong đó 2 tiếng 21 phút dành riêng cho mạng xã hội. Với những người lệ thuộc “chuyên nghiệp” thì thời gian truy cập hàng ngày lên tới 5-6 tiếng. Có người khẳng định, “Trước khi đi ngủ, tôi cũng phải lướt mạng ít nhất một tiếng đồng hồ!”[8]

Khi nói một ai đó lệ thuộc quá nhiều vào mạng xã hội thì có nghĩa là họ đang mắc phải hội chứng nghiện-mạng-xã-hội. Theo các nhà chuyên môn thì hiện tượng này không phải là mới. Chương trình Nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS) thuộc ĐH. KHXH-NV Hà Nội trong báo cáo có tên “Tác động tâm lý của mạng xã hội với tâm lý người dùng” năm 2017 cho hay là có 20% người Việt vào mạng xã hội trên ba tiếng đồng hồ mỗi ngày, có 54% truy cập hơn một tiếng một ngày, có 39 % rất đau buồn nếu mạng xã hội bị đóng cửa, có 37% khẳng định nó là phần quan trọng của cuộc sống và có 35% khó chịu, lạc lõng nếu không được truy cập trong 1-2 ngày… Đặc biệt, khi tiến hành thực nghiệm 72 giờ không mạng xã hội, có hơn 43% người tham gia vi phạm cam kết ngay sau sáu tiếng đầu tiên. Những trạng thái cảm xúc thường thấy là mất kết nối với bạn bè, lạc hậu do không nắm được các thông tin đang diễn ra và bứt rứt, như thiếu thốn một thứ gì đó. Các chuyên gia cho rằng những người nghiện mạng xã hội luôn có những dấu hiệu đặc trưng của tình trạng nghiện như ngày càng gia tăng thời lượng sử dụng, trăn trở và tìm kiếm, khó chịu khi tìm cách giảm sử dụng...do đó đối với một số người từ bỏ mạng xã hội là điều không tưởng. Có người tuyên bố thẳng thừng là không có nó (MXH) thì họ sẽ chết mất!

LM Giuse Vũ Hữu Hiền trong bài “Giáo hội, người trẻ và mạng xã hội” đăng trên trang web của HĐGMVN (WHĐ) ngày 12-12-2021 khi đề cập đến vấn đề nghiện mạng xã hội, đã cho biết như sau:

“Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng: việc lạm dụng mạng xã hội sẽ tạo ra một kiểu kích thích tương tự như những kích thích được tạo ra bởi các hành vi gây nghiện khác. Một nghiên cứu cho thấy: việc nhận được “lượt thích (like)” trên mạng xã hội sẽ kích hoạt các mạch não tương tự như trong não của các thiếu niên được kích hoạt bằng cách ăn sôcôla hoặc trúng thưởng. Khi một thanh thiếu niên đăng nội dung nào đó trực tuyến và nhận được lượt thích (like), chia sẻ (share) và nhận xét tích cực (comment) từ bạn bè của họ, não bộ sẽ tiết ra dopamine - một chất hóa học tạo khoái cảm. Đối với một số người, điều này có thể bắt đầu một chu kỳ gây nghiện khiến họ dành nhiều thời gian hơn trên mạng xã hội.” Về vấn đề liệu có thể cai-nghiện-mạng-xã-hội được không, tác giả bài viết trên cho hay:

“Tình trạng nghiện mạng xã hội ở người trẻ thường là kết quả của các vấn đề tiềm ẩn, chẳng hạn như căng thẳng mãn tính, lo lắng hoặc chấn thương thời thơ ấu. Do đó, việc điều trị bệnh nghiện này tại Học viện Newport luôn bao gồm việc ngưng sử dụng điện thoại và mạng xã hội. Khi cai nghiện như thế, họ sẽ có các triệu chứng giống như khi cai thuốc: lo lắng, tăng nhịp tim, run rẩy... Sau vài ngày, họ được hướng dẫn trở lại với môi trường “sống thực”, hình thành tình bạn trực diện, kết nối lại với thiên nhiên và khám phá các hoạt động ngoại tuyến đầy tính sáng tạo và lành mạnh.”[9]

Các chuyên gia cho biết mặc dù trên thực tế số người tìm đến sự trợ giúp vì mắc chứng lệ thuộc mạng xã hội còn khá ít song điều này không có nghĩa đây không phải là vấn đề cần lưu tâm. So với các chứng nghiện như nghiện rượu hay nghiện mua sắm, chứng lệ thuộc mạng xã hội không bị lên án, khó nhìn thấy ngay hậu quả nhưng vẫn tác động nặng nề tới sinh lý, tâm lý cá nhân và cả xã hội.

Riêng trong phạm vi người Công giáo chúng ta, tôi nghĩ là con số người nghiện mạng xã hội không phải là nhỏ, nhất là bộ phận giới trẻ ngày nay. Phải thừa nhận một điều này là mạng xã hội thực sự đã là một cám dỗ rất mạnh mẽ đối với nhiều người, thuộc nhiều lứa tuổi. Một đứa bé hai, ba tuổi đã biết mở youtube quẹt quẹt bấm bấm để xem các chương trình chúng nó thích. Bên cạnh đó, các cụ ông cụ bà sáu bảy mươi tuổi cũng mò mò để vào các trang mạng xã hội theo dõi tin tức, nghe nhạc, nghe giảng, hay chát chít tám chuyện với bạn bè, với người thân xa, gần. Riêng giới trẻ và trung niên là thành phần chiếm đa số người dùng mạng xã hội thì quá sành sỏi trong các thao tác có trên máy tính cá nhân, máy tính bảng hay trên các smart-phone, để giao lưu trực tuyến, chia sẻ câu chuyện, bài viết, ý tưởng cá nhân, đăng ảnh, gửi video, đồng thời thông báo về hoạt động, sự kiện trên mạng hoặc trong thế giới thực vv.

Hiện nay, mọi người đều thống nhất ý kiến cho rằng mạng xã hội như con dao hai lưỡi, nếu ta khôn ngoan, tỉnh táo thì mạng xã hội là một người bạn tốt, một người thầy giỏi, còn nếu ta u mê, dại dột thì nó trở thành một nhân tố tác hại khôn lường.

Sau đây, chúng ta sẽ tìm hiểu hai mặt tích cực và tiêu cực của mạng xã hội dựa theo nhận định của các chuyên gia và căn cứ kinh nghiệm cá nhân của những người thường xuyên sử dụng mạng xã hội.

III. KHÍA CẠNH TÍCH CỰC VÀ TIÊU CỰC CỦA MẠNG XÃ HỘI

Trên trang elle.vn ngày 30-3-2016 có đăng bài tựa “10 lợi ích khi sử dụng mạng xã hội”, ngay từ đoạn đầu tác giả đã viết như sau:

“Kể từ khi có kết nối mạng trên toàn cầu (internet) và nhất là sau khi điện thoại thông minh hay máy tính bảng được chế tạo, việc sử dụng mạng xã hội (Facebook, Instagram, Viber, Zalo, Skype, Whatsapp, Youtube, Linked, Twitter, vv…) đã không còn xa lạ với hầu hết người dùng, kể cả trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn tuổi.

“Mặc dù nhiều người dùng phàn nàn về sự thiếu kiểm soát trong việc sử dụng rộng rãi các mạng xã hội như: có khả năng gây nghiện cao, mất nhiều thời gian, công sức và tiềm ẩn nhiều rủi ro về đời sống cá nhân hay sự cân bằng cảm xúc do quá mải mê hay ganh đua số lượng fan hoặc cạnh tranh, so sánh hay chỉ trích thái quá, nhưng mạng xã hội/ social network vẫn tiếp tục được sử dụng ngày càng rộng rãi là vì những lợi ích tuyệt vời do xu thế này đang mang lại mà chúng ta không thể phủ nhận. Tất cả những gì chúng ta cần làm là có một chiếc điện thoại thông minh hay máy tính bảng, máy tính cá nhân có cài đặt sẵn tính năng sử dụng social network mà chúng ta muốn tham gia, tạo lập một tài khoản hay đăng ký một số điện thoại là ta sẽ có được những lợi ích rõ ràng cho cuộc sống này…”[10]

1. Những khía cạnh tích cực (hay ưu điểm) của mạng xã hội

Sau đây, chúng ta thử liệt kê ra một số ưu điểm nổi bật của mạng xã hội.

1.1. Công nghệ cao, tính năng dễ sử dụng, dịch vụ rẻ tiền, phổ biến

Như trên đã có dịp đề cập, hiện nay trên thế giới và tại VN, số người dùng mạng xã hội ngày càng tăng. Đó là xu thế tất yếu của thời đại công nghệ 4.0. Trước đây, khi chưa có mạng internet, mạng di động, mạng xã hội thì không ai nghĩ rằng chỉ với một chiếc điện thoại thông minh nhỏ bằng bàn tay là người ta có thể sử dụng cách quá dễ dàng các tính năng sẵn có để kết nối, giao lưu, học hành, liên lạc, chia sẻ hay tiếp nhận thông tin với bất kỳ một ai ở bất kỳ nơi đâu và trong bất cứ thời điểm nào.

Mạng xã hội đang phổ biến hiện nay tại VN là Facebook, Zalo, Youtube, Tiktok…và số người đang sử dụng mạng xã hội ước chừng khoảng trên 73% dân số. Ai cũng biết rằng, việc sở hữu và thực hành mạng xã hội có những ưu điểm rõ rệt, đó là dễ sử dụng, không tốn kém, nhanh gọn và rất phổ biến. Phổ biến là vì bất kỳ ai cũng có thể lập tài khoản mạng xã hội riêng cho mình, đồng thời bất kỳ ai cũng có thể tham gia là thành viên các trang mạng, hay giao lưu kết bạn với bất cứ ai sống trên hành tình này. Một em bé dăm ba tuổi cũng có thể sử dụng thành thạo Youtube, một cụ già, một chị bán rau bán cá ngoài chợ hay một bác lái xe ôm cũng hằng ngày vào mạng Facebook để xem-nghe-nhìn những gì có trên mạng.

1.2. Công dụng đa dạng

Có thể kể mấy công dụng chính của mạng xã hội hiện nay như sau: kết bạn giao lưu, học tập, tiếp nhận và chia sẻ thông tin, kinh doanh mua bán, trau giồi các kỹ năng, giảng dạy, phổ biến kiến thức cá nhân, lập các nhóm cùng chung chí hướng và sở thích vv.

Thực vậy, “Mạng xã hội góp phần tích cực vào sự phát triển nhận thức, tư duy và kỹ năng sống của con người: Mạng xã hội đang ngày càng trở thành nơi cung cấp tin tức, kiến thức về tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chỉ với một vài thao tác đơn giản, người dùng sẽ luôn nhận được những thông tin cập nhật kịp thời về lĩnh vực, vấn đề mà mình quan tâm theo dõi. Qua đó giúp họ có thể nắm bắt được các xu thế của đời sống phục vụ cho công việc và cuộc sống của mình. Bên cạnh đó, trên mạng xã hội có nhiều trang dạy kỹ năng sống như ngoại ngữ, nấu ăn, sửa chữa, giao tiếp, tâm lý, thể thao… giúp người dùng có những kỹ năng cơ bản cần thiết trong cuộc sống hiện đại mà không cần đến lớp hay đóng học phí.”[11]

1.3. Môi trường giao tiếp thuận lợi

Ngày nay, các chuyên gia đều đề cập đến công dụng kết nối các mối quan hệ của mạng xã hội như là một lợi ích tuyệt vời và hấp dẫn. Họ đã nhận định:

“Đặc điểm nổi bật chính của các mạng xã hội chính là thúc đẩy quá trình tương tác với người thân, bạn bè. Nếu như trước kia chúng ta không có điều kiện, cơ hội gặp gỡ bạn bè, người thân, chúng ta phải liên lạc với họ qua thư từ, điện thoại khiến chúng ta tốn khoản tiền dịch vụ không nhỏ.

“Khi mạng xã hội xuất hiện, chúng giúp chúng ta thoải mái cập nhật trạng thái, liên hệ với người thân, bạn bè ở bất cứ nơi đâu, chỉ cần chúng ta có trong tay chiếc máy tính hay là điện thoại thông minh. Thời đại công nghệ hiện nay, con người chúng ta có thói quen hay chia sẻ bày tỏ những cảm xúc trên mạng xã hội. Bất cứ khi nào chúng ta cũng có thể kịp thời cập nhật ngay những câu chuyện, suy nghĩ của họ mà không cần phải nghe lại lời kể của ai. Những người thân, bạn bè đã một khoảng thời gian dài không gặp cũng có thể chat chit, trò chuyện trực tuyến với họ hàng ngày mà không gây tốn kém tiền bạc, cảm giác thật như vừa mới gặp họ vậy. Vì vậy trò chuyện thông qua các trang mạng xã hội sẽ giúp chúng ta gắn bó, đến gần với nhau hơn.”[12]

1.4. Phương tiện giải trí gọn nhẹ, không tốn kém

Chúng ta đều biết rằng, hầu hết các bạn trẻ nam nữ đều ưa thích các phương tiện giải trí như phim ảnh, ca nhạc, biểu diễn nghệ thuật vv. Ngày trước khi chưa có mạng xã hội thì họ phải đến rạp hay đến các tụ điểm vui chơi giải trí hay ít ra theo dõi các chương trình giải trí trên màn ảnh TV…Nhưng nay khi đã có mạng xã hội, họ có thể xem trực tiếp “live” các chương trình giải trí truyền đi trên Youtube, Facebook mà không tốn kém một đồng nào. Nhiều bạn còn quy tụ nhóm bạn yêu văn nghệ từ khắp nơi cùng hát, cùng chia sẻ niềm vui qua việc cài đặt các ứng dụng thích hợp.

Thực vậy, “Cái gì cũng có trên social-network cả! Nào là nghe nhạc miễn phí, xem phim online, chơi trò chơi điện tử trực tuyến, quá nhiều thứ để giải trí đang luôn sẵn sàng chờ các bạn trẻ đăng ký làm thành viên và tham gia chơi trong mạng lưới rộng thậm chí trên toàn quốc hay toàn thế giới như trò chơi Võ lâm truyền kỳ, trò chơi Angry Brids, hay phim và clip nhạc đều có phụ đề các loại ngôn ngữ khác nhau cho bạn lựa chọn. Chắc chắn trong lịch sử văn minh loài người, chưa bao giờ có cái thời đại nào các bạn trẻ lại được giải trí dễ dàng, thuận tiện và thoải mái như hiện nay.”[13]

2. Những khía cạnh tiêu cực (hay khuyết điểm) của mạng xã hội

Như trên đã nói, mạng xã hội là con dao hai lưỡi, có mặt tích cực, ưu điểm thì bên cạnh đó cũng có mặt tiêu cực, khuyết điểm. Dựa vào thực tế và kinh nghiệm của người dùng mạng xã hội, ta có thể tạm liệt kê ra mấy điểm sau:

2.1 Dễ gây nghiện

Chúng ta đều biết rằng, mạng xã hội là thứ dễ gây nghiện như nghiện ma túy, nghiện rượu, nghiện thuốc hút, nghiện game…Một khi đã nghiện rồi thì khó bỏ, khó thoát khỏi sự ràng buộc kỳ lạ của nó. Ngay cả những người mang danh là trí thức cũng có thể rơi vào tình trạng nghiện mạng một cách không ngờ. Thậm chí có nhiều bạn trẻ thẳng thắn nói rằng bỏ cái gì thì bỏ chứ không bỏ “mạng”! Tuy nhiên, hiện nay cũng có một số bạn trẻ đi ngược lại cái xu thế nghiện mạng qua hành động tự nguyện nhằm “thanh lọc” bản thân khỏi sự ràng buộc quá đáng của mạng xã hội. Các chuyên gia nhận định là nhiều bạn trẻ Việt Nam trong thời gian gần đây đang dùng các biện pháp khác nhau để giảm thiểu thời gian sử dụng, “thanh lọc” các trang mạng xã hội cá nhân của mình. Lý do là vì việc sử dụng mạng xã hội nhiều có thể dẫn đến chất lượng giấc ngủ thấp, gây hại cho sức khỏe tâm thần. Vì vậy, gần đây, nhiều bạn trẻ Việt Nam đang lựa chọn xu hướng thanh lọc mạng xã hội để hướng tới một cuộc sống tốt hơn.

2.2 Tốn kém thời gian và sức lực

Theo báo cáo về thị trường số 2022 của We Are Social, số người dùng mạng xã hội tại Việt Nam chiếm hơn 78% dân số. Trung bình mỗi ngày, người Việt dùng mạng xã hội trong thời gian 02 giờ 28 phút, tương đương với mức trung bình của thế giới. Thực tế, thời gian dùng mạng xã hội của nhiều người còn cao hơn nữa. Có thể từ 4-6 giờ mỗi ngày. Có người sáng sớm vừa thức giấc đã lướt mạng và đến tối trước ngủ cũng dành thời gian dài để vào mạng. Điều đó sẽ là nguyên nhân gây tốn phí thời gian và sức lực của nhiều người. Thay vì dành thời gian để học tập, nghiên cứu, đọc sách, đi dạo chơi hay du lịch thì người ta cắm cúi vào chiếc điện thoại thông minh từ sáng đến tối để tự thỏa mãn đam mê! Nhất là việc sử dụng mạng xã hội thường dẫn đến mức độ lo lắng và căng thẳng cao, và điều này sẽ trở thành nguyên nhân gây ra một số bệnh như trầm cảm, mất ngủ, lo âu…

Các nhà nghiên cứu mạng xã hội đã nhận xét, thế hệ trẻ hầu như quá mải mê với mạng xã hội thay vì dành thời gian đó để làm những công việc thực tế hữu ích. Họ lãng phí quá nhiều thời gian trên các nền tảng này đến mức có khi họ phải mua các bài giải đề thi nơi các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến. Họ dành hàng giờ trên mạng xã hội để theo dõi, kiểm tra thông tin cập nhật và phản ứng với các hoạt động của bạn bè.

2.3 Nguyên nhân gây một số bệnh

Như trên đã đề cập, nếu người dùng lạm dụng mạng xã hội thì dễ mắc phải những chứng bệnh về tâm thần và sức khỏe bị sa sút. Chứng bệnh điển hình nhất nơi người dùng mạng xã hội lâu giờ trong ngày, đó là chứng căng thẳng, lo âu, cáu gắt và khó ngủ. Rồi lâu ngày tình trạng trên có thể dẫn đến những sa sút về sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe về mặt tâm thần.

Trong bài viết “Giáo hội, người trẻ và mạng xã hội” đã dẫn của tác giả LM Vũ Hữu Hiền có đề cập vấn đề này như sau: “Nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy việc sử dụng mạng xã hội có thể làm gia tăng trầm cảm nơi thanh thiếu niên. Ví dụ, một nghiên cứu vào năm 2018 cho thấy: những người từ 14 đến 17 tuổi sử dụng mạng xã hội 07 giờ mỗi ngày có nguy cơ bị trầm cảm, cần được chuyên gia sức khỏe tâm thần chữa trị hoặc cần dùng thuốc điều trị tâm lý. Các cuộc khảo sát bổ sung đối với thanh thiếu niên Hoa Kỳ cho thấy các triệu chứng trầm cảm ở thanh thiếu niên và tỷ lệ tự tử tăng lên trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến 2015, những năm mà việc sử dụng điện thoại thông minh và công nghệ tăng theo cấp số nhân.”[14]

2.4 Ảnh hưởng tiêu cực từ tin giả, người gian, kẻ xấu

Có thể nói ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất của mạng xã hội hiện nay, đó là nó gây nên rất nhiều đau thương, tan vỡ, tù tội cho cá nhân và gây bất ổn, xáo trộn, ly tán cho xã hội. Tự tử cũng vì mạng xã hội. Đâm chém cũng vì mạng xã hội. Lừa đảo cũng qua mạng xã hội. Ngoại tình, ly hôn cũng do mạng xã hội. Tù tội cũng bởi mạng xã hội. Ăn gian nói dối cũng nhan nhản trên mạng xã hội. Công kích, bôi nhọ, sát phạt nhau cũng dùng mạng xã hội…Chúng ta biết rằng, ngày nay hiện tượng tin giả (Fake news) rất phổ biến trên mạng xã hội. Người ta tung tin giả để lừa gạt, để câu “Like”, câu “View”, để nổi tiếng hay để vu khống nhau vv. Người dùng mạng xã hội nhiều khi không biết đâu là thật đâu là giả, thật thật giả giả lẫn lộn không thể phân biệt nổi. Nhiều người trẻ vì non dạ nên đễ bị lừa, bị gạt, bởi kẻ gian người xấu thì nhan nhản trên mạng xã hội.

Tóm lại, mặt xấu, mặt tiêu cực tác hại của mạng xã hội thì đã rõ nhưng không phải vì thế mà chúng ta loại trừ, tẩy chay, không dùng mạng xã hội. Bởi trên thực tế, nếu chúng ta biết tận dụng ưu điểm và các mặt tích cực của mạng xã hội thì nó sẽ có thể trở nên một nguồn tài nguyên dồi dào phục vụ con người, xã hội và cả Giáo hội nữa. Thực vậy, “Giáo Hội không tẩy chay mạng xã hội vì mạng xã hội có thể mang lại rất nhiều lợi ích và làm cho đời sống chúng ta phong phú hơn. Hơn nữa đây còn là sứ mạng của Giáo Hội: loan báo Tin Mừng bằng các phương tiện truyền thông, hiện diện ở nơi con người đang hiện diện: Người trẻ - cũng như các thế hệ lớn hơn – xin Giáo Hội gặp gỡ họ nơi họ đang hiện diện, gồm cả mạng xã hội.” (ĐGM Nguyễn Văn Khảm, tĩnh tâm Mùa Chay 2023 tại Gx Đa Minh, Ba Chuông SG, bài đã dẫn).

IV. KITÔ HỮU VÀ VIỆC THAM GIA MẠNG XÃ HỘI

Như trên đã nói, số người dùng mạng xã hội trên thế giới hiện chiếm tỷ lệ khá cao và càng ngày có chiều hướng gia tăng (thống kê tháng 1.2021, số người sử dụng mạng xã hội trên toàn thế giới đã là 4,2 tỷ người, nghĩa là 53,6% dân số thế giới 7,8 tỷ). Tất nhiên trong số đó bao gồm không ít Kitô hữu chúng ta theo xu thế chung cũng say mê và tham gia mạng xã hội. Trong quá trình sử dụng mạng xã hội, có nhiều tín hữu đã nghiêm túc tự đặt câu hỏi cho mình: “Là người Công giáo, tôi có được tham gia mạng xã hội không? Nếu tham gia thì tôi có tội gì không?...

1. Các Đức Giáo hoàng nói gì về truyền thông và mạng xã hội

Vào lễ Thánh Phanxicô Salêsiô 24-1-2013, Đức Giáo hoàng Bênêđictô đã gửi sứ điệp nhân Ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 47 với nội dung đề cập đến mạng xã hội. Ngài nói: “Các mạng xã hội kỹ thuật số đang tạo nên một ‘agora' (quảng trường hay sân chư dân) mới, một không gian công cộng mở, nơi đó con người chia sẻ các ý tưởng, thông tin, ý kiến, tạo ra những mối tương quan và hình thái cộng đồng mới.” Vì là một ‘quảng trường mới' đã được mở ra cho toàn nhân loại, nên tất nhiên, mạng xã hội cần phải được Giáo hội lưu ý. Do đó, Đức Bênêđictô đã muốn xem xét thật kỹ việc phát triển các mạng xã hội và vai trò của các tín hữu trên mạng xã hội hôm nay.

Đức Giáo hoàng nhận định rằng: “Các mạng xã hội phát sinh từ những khát vọng sâu xa trong lòng người vì chúng mời gọi mọi người tham gia vào việc xây dựng “các mối tương quan và kết bạn, tìm lời giải đáp cho những vấn nạn và tiêu khiển, rèn luyện trí tuệ cũng như chia sẻ kiến thức và các bí quyết. Khi liên kết những người có chung những nhu cầu cơ bản, các mạng xã hội trở thành một yếu tố dệt nên xã hội.

Đức Giáo hoàng cũng cho rằng: “Các mạng xã hội sẽ góp phần thúc đẩy những hình thức đối thoại và tranh luận, củng cố những mối dây liên kết hiệp thông giữa con người với nhau, xây dựng được tình bạn nhân loại, với điều kiện người ta phải biết sử dụng những phương tiện này trong tinh thần trách nhiệm, tôn trọng sự thật và quan tâm bảo vệ bí mật đời tư; những người đang sử dụng mạng xã hội cần phải cố gắng tỏ ra đáng tin cậy, vì ở đây người ta không chỉ chia sẻ các ý nghĩ và thông tin mà còn thực sự thông truyền chính bản thân mình.[15]

LM George Nwachukwu trong bài viết tựa “Giáo hội và mạng xã hội: ứng dụng mạng xã hội vào sứ mạng loan báo Tin Mừng” trên trang WHĐ ngày 13-11-2022 đã viết như sau: Ngày nay, các mạng xã hội và các phương tiện đi kèm trong việc truyền tải thông tin đang phát triển nhanh hơn nhiều so với những gì chúng ta có thể nắm bắt. Vào Ngày thế giới truyền thông xã hội lần thứ 36 năm 2002, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đặc biệt nhắc đi nhắc lại về internet khi ngài nói: “Giáo hội tiếp cận phương tiện mới mẻ này với thái độ thực tiễn và tin tưởng. Cũng như những phương tiện truyền thông khác, đây là một phương tiện chứ không phải là cùng đích tự thân. Internet có thể ban tặng những cơ hội tuyệt vời để loan báo Tin Mừng nếu nó được sử dụng cách thành thạo và khi ta ý thức rõ đến mặt mạnh và mặt yếu của nó.”

Tác giả bài viết chia sẻ tiếp: Sau khi suy xét việc sử dụng các mạng xã hội, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói: “Khi sử dụng các công nghệ hiện đại và các mạng xã hội, điều quan trọng là phải biết cách đối thoại và phân định để biểu lộ một sự hiện diện đầy lắng nghe, thân tình và khích lệ. Các con đừng sợ! Hãy để mình hiện diện theo cách này, hãy biểu lộ bản sắc Kitô hữu của mình khi các con trở thành công dân của thế giới kỹ thuật số. Một Giáo hội bước theo con đường này là một Giáo hội học được cách đi cùng với tất cả mọi người.”[16]

Ngoài ra, trong bài phát biểu trước Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội vào ngày 27-6-2015, Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng đã kêu gọi: “… Nhiệm vụ của các mục tử là giảng dạy và hướng dẫn các tín hữu để họ đạt đến ơn cứu độ và sự hoàn thiện của bản thân, cũng như của toàn thể gia đình nhân loại. Với sự trợ giúp của các phương tiện truyền thông này, nhiệm vụ của các vị mục tử sẽ đạt hiệu quả hơn. Hơn nữa, các tín hữu phải cố gắng làm cho tinh thần Kitô giáo thấm đượm vào những phương tiện truyền thông này, để chúng có thể hoàn toàn đáp ứng những kỳ vọng lớn lao của nhân loại và đúng theo ý định của Thiên Chúa.[17]

2. Các Đức Giáo hoàng dùng mạng xã hội

Thật là bất ngờ khi chúng ta biết rằng cả Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI và Đức Giáo hoàng Phanxicô đều đã sử dụng mạng Twitter rất sớm và rất hiệu quả. Tác giả Thảo Nguyên, trong bài “Đức Giáo Hoàng và mạng xã hội” đăng trên cgvdt.vn ngày 18-12-2015 đã cho biết như sau[18]:

Kể từ thời Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, mạng xã hội đã trở thành một phương tiện quen thuộc để Tòa Thánh mở rộng vòng tay với cộng đồng. Các vị đứng đầu Giáo hội Công giáo đã không “làm ngơ” mạng xã hội khi nó ngày càng trở nên quen thuộc với các “công dân mạng”. Tác giả bài báo cho biết tiếp:

Ngày 12.12.2012, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã chính thức gia nhập mạng Twitter với tên truy cập là Benedict XVI, để cập nhật tình trạng cũng như những thông điệp của mình tới giáo dân. Bất cứ ai cũng có thể đăng ký để theo dõi các thông điệp của Đức Giáo hoàng bằng nhiều thứ tiếng thông qua địa chỉ @Pontifex. Từ đó, Tòa Thánh đã trở thành thành viên “tích cực” của truyền thông xã hội. Trong thông điệp đưa ra trong ngày Truyền thông Thế giới 24.1.2013, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đánh giá: “Mạng Xã Hội chính là cánh cửa của sự thật và đức tin, không gian mới cho việc chia sẻ Tin Mừng và hy vọng”. Sự kiện Đức Giáo hoàng tham gia Twitter được xem là phương thức để kết nối hiệu quả hơn với giới trẻ. Twitter của ngài lúc đó thu hút khoảng 2,5 triệu người đăng ký theo dõi.

Ngày 17.3.2013, trang này đã hoạt động trở lại với tin nhắn Twitter đầu tiên của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Ngài gởi thông điệp ban phép lành đến mọi người: “Các bạn thân mến, tôi chân thành cảm ơn các bạn và xin các bạn tiếp tục cầu nguyện cho tôi. Giáo hoàng Phanxicô”. Tài khoản Twitter của Đức Giáo hoàng @Pontifex hiện có 9 ngôn ngữ, kể cả tiếng Ả Rập. Theo một nghiên cứu năm 2015 từ Twiplomacy, tài khoản Twitter của Đức Giáo hoàng có trên 25 triệu người theo dõi bằng các ngôn ngữ khác nhau, bỏ xa các nhà lãnh đạo thế giới hay những ngôi sao hàng đầu có ảnh hưởng nhất trên mạng xã hội. Tài khoản @Pontifex trong phiên bản tiếng Anh của ngài đạt mức trung bình khoảng 8.200 lượt chia sẻ với mỗi câu tweet của Đức Phanxicô”…

Đặc biệt, tin tức cũng cho hay vào ngày 20-1-2019 trong bài huấn dụ lúc đọc kinh Truyền Tin, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã ra mắt một ứng dụng di động và nền tảng trực tuyến mới, để ngài chia sẻ những ý cầu nguyện của mình, đồng thời mọi người trên khắp thế giới có thể dùng nó để chia sẻ ý cầu nguyện của họ. Sau đó, mọi người có thể “click vào để cùng cầu nguyện” với nhau. Linh mục Dòng Tên Federic Fornos, giám đốc quốc tế của Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu của Đức Giáo hoàng, cho biết: Chỉ trong ba ngày đầu tiên, đã có 167.000 người tải ứng dụng “Nhấp để cầu nguyện”. Và nút “click để cầu nguyện” trên các ý cầu nguyện cá nhân đã được click hơn 1 triệu lần chỉ trong ba ngày - từ ngày 20 đến ngày 22-1-2019. Cộng đồng cầu nguyện trực tuyến trên điện thoại còn tham gia nhiều hơn nữa vào các tài khoản của Đức Giáo hoàng nơi hai mạng xã hội Twitter và Instagram.

Như vậy ta có thể thấy rằng chính các vị chủ chăn đứng đầu Hội thánh cũng tham gia mạng xã hội một cách tích cực và có hiệu quả. Riêng tại VN chúng ta, hiện chưa có thống kê có bao nhiêu Kitô hữu sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, Zalo, Youtube, Twitter… và cũng chưa có một cuộc khảo sát nhằm thăm dò ý kiến của họ thế nào đối với mạng xã hội nói chung và Facebook nói riêng. Chúng ta tin rằng số người Công giáo sử dụng mạng xã hội, đặc biệt Facebook, Zalo và Youtube không phải là ít và trong số họ có người đã có nhận thức tốt, đúng đắn khi sử dụng mạng xã hội.

3. Kitô hữu cần tham gia mạng xã hội như thế nào?

Đức Giáo hoàng Phanxicô luôn cổ võ các tín hữu tham gia mạng xã hội nhưng ngài nhấn mạnh đến cách sử dụng sao cho có ích lợi cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Nếu người sử dụng không tuân thủ những nguyên tắc khôn ngoan và cẩn trọng thì họ sẽ gây tai hại rất lớn. Trong sứ điệp mang tên “Chi thể của nhau – Từ các cộng đồng mạng sang cộng đồng nhân loại” nhân ngày Thế giới Truyền thông Xã hội 2019, Đức Phanxicô đã đưa ra lời cảnh báo như sau: “Khi mạng xã hội được sử dụng để làm gia tăng những khác biệt, gây nghi ngờ, truyền bá dối trá và tạo ra những thành kiến, thì việc sử dụng đó sẽ khiến cho mạng xã hội mang những tính chất phản xã hội, phản Kitô giáo và tàn phá nhân loại”.

Tuy nhiên xét về mặt đạo đức tích cực của người dùng mạng xã hội, Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng nhấn mạnh là “Giáo hội Công giáo và tất cả những người có thiện chí đều vẫn nhìn ra những tiềm năng to lớn của mạng xã hội khi người ta biết sử dụng nó một cách tốt đẹp: Nó sẽ giúp đưa mọi người xích lại gần nhau, chia sẻ cho nhau những thông tin hữu ích và những chương trình đào tạo hữu dụng.

Tới đây, ta tự hỏi vậy làm thế nào để Kitô hữu chúng ta có thể sử dụng mạng xã hội cách tốt đẹp theo như chỉ dạy của các đấng bậc trong Giáo hội, trong khi mạng xã hội thì luôn có khuynh hướng lôi kéo ta vào vòng xoáy của háo danh ham lợi, của đam mê ích kỷ, của sa đọa tội lỗi, của gian dối lọc lừa, của những hành vi đi ngược lại với Lời Chúa và Tin Mừng Kitô giáo... Dưới đây ta thử bàn qua về một số thái độ và cách ứng xử cần có của người tín hữu trong việc sử dụng mạng xã hội.

Trước hết, người tín hữu chân chính sẽ phải biết tự chủ khi sử dụng mạng xã hội. Họ tự chủ để làm chủ ảnh hưởng của mạng không cho nó lèo lái mình theo xu hướng độc hại, vô bổ. Nhiều người đã so sánh mạng xã hội như một cái chợ bách hóa, bày bán đủ thứ “thượng vàng hạ cám”. Do vậy, chúng ta phải tỉnh táo, khôn ngoan và biết phân định, điều gì là đúng, là phải, là có lợi, và điều gì là sai trái, giả dối, nguy hại cần xa tránh hay loại bỏ. Một facebooker (người dùng mạng Facebook), chẳng hạn, khi mở trang của mình ra thì hàng loạt các tin, nội dung mới xuất hiện. Với tư cách là người nhận tin, chúng ta sẽ nhanh chóng phân loại, sàng lọc để tiếp nhận thông tin. Trên mạng xã hội, xuất hiện các tin tức, bài tham luận và hình ảnh từ các nguồn thông tin khác nhau, vô cùng đa dạng. Nào là những clip quảng cáo đủ kiểu đủ loại. Nào là những chiêu trò hấp dẫn, độc lạ tìm cách lừa gạt người sử dụng mạng. Nào là những những câu chuyện hay những trạng thái (status/ tus cư dân mạng gọi là “tút”) riêng tư được mọi người tự do chia sẻ trên “tường” của mình mà bất kỳ ai cũng có thể đọc được. Vấn đề của chúng ta là những người sử dụng mạng phải khôn ngoan và thông minh, biết gạn đục khơi trong thì ta sẽ có một kho tàng trong tay…

Riêng trong môi trường tương tác giữa các Kitô hữu trên mạng xã hội, trong đó có cả giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo dân, chúng ta có thể tiếp nhận thông tin qua việc xem-nghe-đọc rất nhiều nội dung bổ ích và mới lạ. Ta có thể tiếp cận các bài giảng, bài chia sẻ, bài giảng huấn trên Facebook, trên Youtube. Luôn cập nhật nhanh, kịp thời và đầy đủ. Ta có thể học hỏi giáo lý hay được hướng dẫn tham khảo các văn kiện của Tòa Thánh, của giáo phận trên các trang website Công giáo hay trên các trang mạng xã hội của các Kitô hữu. Điều này cho thấy, mạng xã hội sẽ người bạn đường vô cùng hữu ích nếu chúng ta biết đồng hành cách tỉnh thức và khôn ngoan.

Bên cạnh việc tiếp nhận thông tin, người dùng mạng xã hội cũng có thể chia sẻ (share) tất cả những gì mình muốn người khác có được như mình. Do đó, nếu chúng ta gieo vãi (share) những gì không tốt, không thực, không chân chính…thì vô hình trung chúng ta góp phần làm băng hoại môi trường giao tiếp, gây thiệt hại cho chính bản thân mình và làm băng hoại nhiều lớp người trong cộng đồng.

Mạng xã hội có những cách thức hấp dẫn chúng ta chẳng hạn khi ta đăng bài hay đăng hình ảnh hay chia sẻ sự kiện gì đó, nếu phù hợp với xu hướng của cộng đồng mạng thì lập tức ta sẽ nhận được nhiều người vào xem và thích, ta gọi đó là “views”, là “likes”. Và chắc chắn lúc đó tác phẩm của mình như bài viết, dòng trạng thái, hình ảnh, sự kiện…cũng sẽ được nhiều người share trên trang của họ. Để không vướng mắc vào cái bẫy của views và likes mà cư dân mạng gọi là xu hướng câu “views”, câu “likes”, ta phải tỉnh táo để cân nhắc xem nên đăng/ post gì, nên chia sẻ gì, nên phổ biến gì, nhất là ta đừng để bị ru ngủ bởi những lời khen, lời bình luận/ comments có cánh khiến ta rơi vào ảo tưởng cho rằng mình là người nổi tiếng!

Cuối cùng, như trên đã nói, người Kitô hữu tham gia mạng xã hội luôn mang một tâm thế tích cực của người yêu mến việc tông đồ, biết sử dụng các kỹ năng đa dạng của truyền thông để loan báo Tin Mừng. Đối với Kitô hữu, mạng xã hội, ngoài việc phục vụ giải trí, giao lưu và học hỏi, còn có một vai trò rất lớn đối với họ. Đó là xây dựng mối tương tác tốt đẹp giữa cá nhân và cá nhân loại bỏ những nghi kỵ thù hằn, đó là phát triển môi trường liên kết lành mạnh, đầy yêu thương và bác ái giữa mọi thành phần trong Dân Chúa và trong cộng đồng mạng. Mạng xã hội còn là nơi để chúng ta làm chứng và rao truyền Tin Mừng Tình Yêu của Chúa Kitô. Đó là cách thế chúng ta hiện diện trên mạng xã hội để thực thi sứ mệnh tông đồ giáo dân của mình cách tích cực và hiệu quả.

Thực vậy, “Tư cách Công giáo, tư cách môn đệ Chúa Kitô không chỉ thể hiện ở việc đi nhà thờ mà thôi, dù việc đó rất tốt, nhưng còn ở ngay lúc ngồi trước màn hình máy tính, lên mạng, vào mạng xã hội: tôi xem gì, đọc gì, nói gì, phản ứng thế nào… Tất cả đều phản ánh tư cách môn đệ của chúng ta. Nếu mỗi người Công giáo ý thức được điều này thì bằng chính những việc nhỏ bé hằng ngày, chúng ta trở thành những tông đồ trên máy tính, góp phần làm cho men Tin Mừng thấm nhập và lan tỏa nhiều nơi.[19]

Aug. Trần Cao Khải

Nguồn: hdgmvietnam.com