Ronald Rolheiser, 

Chương đầu tiên của sách Khải Huyền nói đến một thách thức lớn ẩn trong ngôn ngữ huyền bí của sách này. Thánh Gioan, viết theo giọng Thiên Chúa, nói một điều như thế này: Ta biết các việc ngươi làm, nỗi vất vả và lòng kiên nhẫn của ngươi… Ngươi có lòng kiên nhẫn và đã chịu khổ vì danh Ta mà không mệt mỏi. Nhưng Ta trách ngươi điều này: “ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu”. Đau, thật đau!

Thật dễ để không thấy được điều này ngay trong chính bản thân mình. Chúng ta thay đổi, trưởng thành, thêm tuổi và đôi lúc chúng ta không nhìn lại bản thân thật kỹ để thấy có gì đã thay đổi trong ta. Do đó, chúng ta có thể tận tụy, chăm chỉ, tìm kiếm chân lý, chân thật, đức hạnh mọi mặt, trừ một điều là sự tốt lành này được tạc trên giận dữ, cay đắng và thù hận mà khi còn trẻ chúng ta chưa thấy rõ. Khi thêm tuổi, chúng ta dễ hy sinh vì chính nghĩa hơn là giữ tấm lòng yêu thương và không để sự phán xét chua cay và thù hận tinh vi tác động.

Điều quan trọng là chúng ta phải có chính nghĩa và chiến đấu và chân lý, nhưng như T.S. Eliot cảnh báo: “Cám dỗ tận cùng chính là sự phản bội lớn nhất, làm việc đúng đắn vì lý do sai trái”. Nếu tác giả sách Khải Huyền tái xuất thời nay và phân tích chúng ta, cả bảo thủ lẫn tự do, tôi cho rằng ngài cũng sẽ nói những lời đã nói với người dân Tiểu Á hai ngàn năm trước: “Anh chị em tận tâm, thế là tốt, nhưng anh chị em đã đánh mất tình yêu thời còn trẻ”. Những chính nghĩa của chúng ta có lẽ đúng, động cơ của chúng ta có lẽ tốt đẹp, nhưng trong chúng ta cũng có thù hận người khác, nói xấu họ, những cung cách không thể hiện rõ khi chúng ta còn trẻ hơn. Chúng ta cần phải hiểu chuyện này.

Có người từng châm biếm rằng chúng ta dùng nửa đời đầu để đánh vật với điều răn thứ sáu, với ngọn lửa tình, rồi dùng nửa đời sau để đánh vật với điều răn thứ năm, với ngọn lửa thất vọng, giận dữ và thù ghét. Thời tôi còn trẻ và bồng bột, tôi từng xưng tội “có tơ tưởng xấu” liên quan đến điều răn thứ sáu. Giờ, đã có tuổi và chín chắn, tôi xưng tội “có suy nghĩ xấu” liên quan đến điều răn thứ năm.

Tôi sợ rằng tình yêu trong tôi bây giờ ít hơn thời tôi còn trẻ. Tôi vào chủng viện ở độ tuổi 17 và suốt 8 năm sau đó, tối sống trong một cộng đoàn lớn với 45 người. Chúng tôi đều trẻ và bồng bột, nhưng đời sống cộng đoàn của chúng tôi gần như tuyệt vời. Đó là những năm tháng hạnh phúc. Ngày nay, toàn bộ nhóm đó của chúng tôi đều đã trên 70 tuổi, đều trưởng thành. Tuy nhiên, nếu bây giờ cố sống lại với nhau, hẳn chúng tôi sẽ giết nhau mất. Chúng tôi trưởng thành hơn, dù có lẽ là tình yêu thương trong chúng tôi ít hơn so với thời trẻ.

Tôi phải thừa nhận, nói như thế thì có hơi đơn giản hóa. Chúng ta thật sự bớt yêu thương sao? Tình yêu đơn thuần được định nghĩa qua sự nồng hậu, thân thiện và tử tế với nhau sao? Nó còn hơn thế. Tình yêu chân thật có thể mang tính ngôn sứ, giận dữ và gay gắt. Hơn nữa, có nhiều thứ hợp lại để tự nhiên làm chai đá dần sự nhạy cảm, phóng khoáng và sôi nổi thời trẻ, khiến gương mặt chúng ta đanh lại. Sự bộc phát, hớn hở và thoải mái của chúng ta bị chai đá dần qua những mai một tự nhiên của ngây thơ và qua những đòn mà cuộc sống giáng lên ta, là thất vọng, thất bại, chối bỏ, cái chết của những người thân yêu, mất sức khỏe, ý thức ngày càng rõ ràng về sự khả tử. Những thứ này cũng làm bước chân chúng ta bớt sức bật, bớt dễ chịu so với thời còn hồ hởi của tuổi trẻ, như thế không hẳn có nghĩa là chúng ta đã bớt tình yêu.

Nhưng tôi vẫn bị ám ảnh bởi hình ảnh mà tác giả Margaret Laurence đưa ra qua nhân vật Hagar Shipley trong tiểu thuyết Thiên thần đá (The Stone Angel) của bà. Khi Hagar có tuổi, bà ngày càng cay đắng và chỉ trích người khác, mà chẳng nhận ra mình đã thay đổi đến thế nào. Một hôm, khi đứng ngoài gõ cửa, bà nghe cô bé nói với mẹ “cái bà già kinh khủng đó đang đứng ngoài cửa”.  Nghe như thế, bà đau đến tận xương, bà vào phòng tắm, mở hết đèn lên, và lần đầu tiên sau nhiều năm, bà nhìn kỹ gương mặt mình và bàng hoàng trước những gì bà thấy. Bà không còn nhận ra gương mặt mình nữa. Nó đã trở thành một thứ khác hẳn cái bà hình dung về mình. Gương mặt bà bây giờ là gương mặt của một bà già cay đắng, thù hận.

Chúng ta cần làm việc bà đã làm, nhìn kỹ mặt mình trong gương. Tốt hơn nữa, chúng ta đặt một loạt ảnh của mình, từ thuở nhỏ, thiếu niên, thanh niên, trung niên, và hiện tại, để xem khuôn mặt mình qua năm tháng nó đã thay đổi như thế nào. Đáng buồn, có lẽ chúng ta sẽ thấy có một chai đá nào đó, không phải do lão hóa cho bằng do cay đắng, ghen tương và thù hận.