Loạt bài được mình lược dịch từ bài viết của tác giả Simay Gökbayrak trên trang tin sức khỏe Healthline. Đây sẽ là những thông tin hữu ích cho những ai muốn tìm hiểu về trầm cảm, một chứng bệnh đang ngày càng có nhiều người mắc phải. Cô Simay Gökbayrak là tiến sĩ tâm lý, chuyên gia tâm lý lâm sàng, có nhiều năm kinh nghiệm ở New York (Mỹ). Những chia sẻ của cô sẽ giúp bạn hiểu thêm về trầm cảm, có đủ kiến thức để ứng phó nếu bản thân hoặc người thân, bạn bè không may mắc phải.

 

Trầm cảm là gì?

 

Buồn, đau khổ và những cảm giác tuyệt vọng, thất vọng ngắn ngủi nhẹ nhàng,... là một phần của kinh nghiệm sống trong đời người. Hầu hết chúng ta trải qua những cảm giác này thường xuyên nhưng không không kéo dài quá lâu. Thông thường, tinh thần sẽ cải thiện trong vòng vài ngày hoặc khi tình hình thay đổi. 

Tuy nhiên, khi tâm trạng buồn bã hoặc xuống thấp kéo dài trong 2 tuần hay lâu hơn, đó là dấu hiệu của trầm cảm nặng hay rối loạn trầm cảm nặng. Bạn có thể thấy tinh thần sa sút không còn hứng khởi, ăn mất ngon, cảm giác trống rỗng hay tê liệt cảm xúc, mất hứng thú ngay cả với những việc từng yêu thích.

Trầm cảm không được chữa trị có thể ảnh hưởng tới sức khỏe cảm xúc, thể chất, đời sống cá nhân, các mối quan hệ. Tuy vậy, sự hỗ trợ từ một chuyên gia sức khỏe tâm thần có thể tạo nên khác biệt lớn trong các triệu chứng của bạn, bạn có nhiều lựa chọn điều trị bao gồm: trị liệu tâm lý, thuốc, các phương pháp bổ sung như châm cứu hay thôi miên.

 

Các loại trầm cảm

 

Có vài loại trầm cảm với các triệu chứng biểu hiện ra ngoài theo nhiều cách khác nhau đôi chút.

Rối loạn trầm cảm nặng (major depressive disorder)

 

Khi mọi người nói “trầm cảm”, thông thường họ đang nói về trầm cảm lâm sàng hay trầm cảm nặng. Theo ước tính của Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia (NIMH) Hoa Kỳ, 19,4 triệu người trưởng thành có ít nhất một cơn trầm cảm trong năm 2019 ở Mỹ, chiếm 7,8%.

Các cơn trầm cảm nặng phổ biến hơn ở những đối tượng sau:

  • Phụ nữ (chiếm 9,6% so với 6% ở đàn ông).
  • Người từ 18-25 tuổi (chiếm 15,2%).
  • Những người tự nhận mình có hai chủng tộc hay dân tộc (13,7%).

Rối loạn trầm cảm dai dẳng (persistent depressive disorder)

 

Rối loạn trầm cảm dai dẳng hay rối loạn trầm cảm kinh niên (dysthymia), là một loại trầm cảm mãn tính kéo dài 2 năm hoặc lâu hơn. Thông thường, rối loạn này là những cảm giác buồn và tuyệt vọng nhẹ nhàng, đi kèm với các triệu chứng trầm cảm khác.

Sự thay đổi tâm trạng liên quan tới trầm cảm dai dẳng có thể ít nghiêm trọng hơn, nhưng dạng trầm cảm này vẫn gây nhiều đau khổ. Theo ước tính, tỉ lệ người Mỹ mắc loại này có thể là 3%.

 

Rối loạn lưỡng cực (bipolar disorder)

 

Không phải tất cả mọi người bị rối loạn lưỡng cực cũng bị trầm cảm nhưng cũng có nhiều người mắc phải:

  • Rối loạn lưỡng cực dạng 1 là chứng hưng cảm nhưng cũng có thể có trầm cảm.
  • Rối loạn lưỡng cực dạng 2 là trầm cảm và chứng hưng cảm nhẹ.
 

Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy, khoảng 1% con người sẽ bị rối loạn lưỡng cực dạng 1 ở một thời điểm nào đó trong đời. Theo một nghiên cứu đánh giá năm 2015 tổng hợp từ 25 nghiên cứu trên cộng đồng và quần thể thì:

 
  • Tỉ lệ rối loạn lưỡng cực dạng 1 suốt đời là 1,06%, và 0,71% con người bị chứng này trong một năm nào đó.
  • Tỉ lệ rối loạn lưỡng cực dạng 2 suốt đời là 1,57%, và tỉ lệ người bị chứng này trong một năm nào đó là 0,5%.

Hưng cảm là trạng thái sảng khoái, hưng phấn quá độ nhưng cũng mau giận dữ, cau có.

 

Trầm cảm theo mùa (seasonal depression)

 

Rối loạn trầm cảm nặng theo mô hình mùa trong năm đôi khi còn được gọi là rối loạn ảnh hưởng theo mùa, bao gồm những thay đổi về trạng thái xảy ra theo những thay đổi của các mùa. Với nhiều người, loại trầm cảm này bắt đầu vào mùa thu và kéo dài qua mùa đông, nhưng cũng có một số trải qua các triệu chứng trầm cảm theo mùa vào mùa xuân và mùa hè.

Theo Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ, khoảng 5% người Mỹ trưởng thành trải qua trầm cảm theo mùa với các triệu chứng thường kéo dài khoảng 40% thời gian trong năm. Trầm cảm theo mùa ảnh hưởng phổ biến hơn tới các đối tượng: phụ nữ, thanh niên, người sống ở độ cao.

Theo một nghiên cứu năm 2021, các triệu chứng trầm cảm theo mùa quay lại hàng năm trên gần 70% người bị tình trạng này.

 

Trầm cảm sau sinh (postpartum depression)

 

Cảm giác buồn và mệt mỏi tạm thời, đi kèm theo sự thay đổi trong tâm trạng rất phổ biến với phụ nữ sau sinh. Những “nỗi buồn trẻ thơ” này có thể do nhiều nguyên nhân như: thay đổi hormone, thiếu ngủ, áp lực chăm sóc bé mới sinh.

Nhưng nếu các thay đổi tâm trạng này trầm trọng hơn, hay kéo dài hơn một-hai tuần, bạn có thể bị rối loạn trầm cảm nặng vào lúc bắt đầu sinh, hay trầm cảm sau sinh như chúng ta vẫn gọi.

Theo một nghiên cứu năm 2021, khoảng 6,5 đến 20% phụ nữ mắc trầm cảm sau sinh, tình trạng này ảnh hưởng phổ biến hơn ở những phụ huynh sau: thiếu niên, sống ở vùng ngoại ô, sinh non.

Trầm cảm sau sinh có thể dẫn tới sự thu mình với xã hội, mất cảm giác ngon miệng, những cảm xúc không mong muốn. Nó cũng tác động tới mối quan hệ giữa bạn và con. Một điều quan trọng cần lưu ý là, tình trạng này không xảy ra vì bất kỳ điều gì bạn đã làm hoặc không làm với tư cách là một người mẹ.

 

Trầm cảm rối loạn thần kinh (psychotic depression)

 

Rối loạn trầm cảm nặng với các đặc trưng rối loạn thần kinh là trầm cảm bao gồm rối loạn thần kinh, ảo giác, ảo tưởng hoặc hoang tưởng. So với nghiên cứu về các dạng trầm cảm khác thì nghiên cứu về trầm cảm có đặc trưng rối loạn thần kinh còn khá hạn chế. Tuy vậy, một số chuyên gia cho rằng loại trầm cảm này phổ biến hơn so với những quan điểm trước đây.

Theo một nghiên cứu năm 2021, trầm cảm có đặc trưng rối loạn thần kinh ảnh hưởng tới:

 
  • 4 người trong mỗi 1.000 người trưởng thành
  • 14-30 người trưởng thành ở độ tuổi trên 60

Ngoài ra, nghiên cứu trên cũng lưu ý là các triệu chứng của rối loạn thần kinh xảy ra trong một cơn trầm cảm ở:

  • 10-19% người trưởng thành trong các mẫu cộng đồng
  • 25-45% người trưởng thành được chăm sóc nội trú
  • 24-53% người cao tuổi được chăm sóc nội trú

Trầm cảm phổ biến như thế nào?

 

Trầm cảm là một tình trạng phổ biến. Theo một ước tính năm 2019 được Healthline trích dẫn, khoảng 280 triệu người trên thế giới bị trầm cảm. Tỉ lệ người trầm cảm so với dân số toàn thế giới là 5% người trưởng thành và 5,7% người trên 60 tuổi.

19,4 triệu người trưởng thành ở Mỹ trải qua ít nhất một đợt trầm cảm trong năm 2019, chiếm 7,8% dân số người trưởng thành, theo ước tính của NIMH.

Thế nhưng, vì nhiều người bị trầm cảm không nhận được sự giúp đỡ để vượt qua các triệu chứng của họ, con số bị trầm cảm thực tế có thể cao hơn:

  • Một nghiên cứu năm 2021 cho thấy, gần 60% người bị trầm cảm không tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia một phần là vì xấu hổ.
  • Trên 75% người sống ở các quốc gia thu nhập thấp hoặc trung bình không bao giờ được điều trị trầm cảm do các rào cản điều trị, theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO.

 

Nguồn: https://vnreview.vn