Nt. Thécla Trần Thị Giồng, CND.

Hoạn nạn nung nấu tâm can!

“Có con chim hằng ngày nương náu nơi cành khô của một cây đại cổ thụ giữa cánh rừng hoang. Ngày kia có trận cuồng phong làm bật gốc của cây đại thụ, bắt buộc con chim đáng thương kia vỗ cánh ngàn dặm đi tìm nơi trú ẩn khác. Cuối cùng, nó bay đến một cánh rừng khác, với những cây cối nặng trĩu hoa trái….”

Một đời sống kỷ luật, với những đòi hỏi nơi bản thân và việc đương đầu với nghịch cảnh giúp chúng ta cố gắng. Thêm vào đó, chúng ta sẽ có thêm sức mạnh nếu biết tận dụng khả năng sẵn có, và cả những tiềm năng chưa được khai thác để có thể vượt qua khó khăn và nghịch cảnh – chính khi cố gắng, xoay sở để vượt qua, mà làm bật lên sức mạnh tự bản thân, đó chính là nội lực.

Nội lực là sức mạnh bên trong mà mỗi chúng ta cần có để có thể đảm nhận cuộc đời mình cách thành công.

Nội lực cũng có thể ví như khung sắt bên trong của những cây cột, chính nhờ khung sắt này đã giữ cho toà nhà cuộc đời chúng ta đứng vững không sụp đổ.

Nội lực là chất liệu giữ cho cuộc đời mình không nghiêng ngửa, trước những bão táp cuộc đời

Nội lực chính là sức mạnh riêng để chúng ta có thể sống độc lập, trong hành vi cũng như trong suy nghĩ, không để mình bị ai hay những gì bên ngoài cuốn lôi.

Nội lực là sức mạnh giúp ta giữ được nét độc đáo của riêng mình không đánh mất căn tính của mình.

Nội lực cũng chính là sức mạnh giúp chúng ta chỗi dậy sau những sai lầm hay sự quật ngã của nghịch cảnh.

Nội lực là sức mạnh tinh thần, nó mang nhiều dáng vẻ: nội lực chính là ý chí, sự cương quyết, sức chịu đựng, lòng kiên trì, và tính tự chủ.

Nội lực là tài sản tốt nhất mà con người có thể tạo nên và chiếm hữu, không phải chỉ vì nó bảo đảm cho thành công, nhưng bởi vì một người thiếu nội lực, ý chí yếu ớt thì xem ra luôn gắn liền với thất bại.

Những người thiếu nội lực là những người bạc nhược, yếu mềm, thiếu năng lực, nơi họ không có niềm vui, và cũng chẳng có sức sống. Họ sống co cụm, sợ hãi và chẳng dám làm gì. Một cuộc sống như thế thì buồn nản, đơn điệu và vô hồn, có sống cũng như chết, vì thế mà chúng ta không lạ gì khi Shakespeare nhận định rằng:

“Người bạc nhược chết nhiều lần trước khi chết”

Chuẩn bị hành trang cho mình vào đời với một sức mạnh tự thân, là bảo đảm cho chúng ta một tương lai thành công hay ít nhất cũng tránh bớt những thất bại.
Nội lực là thứ tài sản không sợ bị ai cướp mất, như tiền bạc, địa vị và ngay cả trí thông minh cũng không đánh đổi được nó. Trái lại, với nội lực, con người có thể vượt khó trong học hành, trong nghề nghiệp, có thể tạo ra tiền, địa vị cùng uy tín và sự nể trọng.

LÀM SAO ĐỂ XÂY DỰNG NỘI LỰC?

Trước hết xin các bạn trẻ đừng chấp nhận một đời sống quá dễ dãi, quá tiện nghi, đầy đủ.

“Kẻ nào tấm thân được nhàn nhã thì ý chí thường yếu ớt, hẹp hòi.”

(Gia Ngữ)

Ai cũng có thể nhận thấy rằng “chính trong lửa mà sắt đã được tôi thành thép !
Nghịch cảnh chính là thầy dạy, nhưng lắm lúc ta lại từ chối cơ hội LỚN LÊN này.

“Sự thịnh vượng là một ông thầy lớn,

nhưng nghịch cảnh lại là bậc thầy vĩ đại hơn.

Sự đầy đủ mơn trớn lòng ta,

sự thiếu thốn tôi luyện và làm cho lòng ta cứng cáp.”

(Hazlitt)

Lưu Dung, một nhà giáo, nhà văn và cũng là họa sĩ. Nhưng điều nổi bật nơi ông chính là sự quan tâm đến việc giáo dục con cái trong từng chi tiết rất cụ thể của cuộc sống thường nhật, đã có lần ông khuyến dụ con mình. Chúng ta có thể học thêm từ người cha này:

“Chưa phải là thành tựu trừ phi con có năng lực nội tại,

tự mình kích phát chính mình, một xung lực chủ động,

liên tục vượt qua chính mình và

một tinh thần kiên trì cho tới cùng, kiên định không lay chuyển.”

Thật vậy, những gì bên ngoài chỉ là tạm bợ, không an toàn và không bảo đảm cho cuộc sống của chúng ta có giá trị và an vui lâu dài.

Các bạn trẻ khi bước vào đời chúng ta coi chừng bị “sập bẫy”, những cái bẫy rất hợp với nhu cầu và ước vọng của con người, nhưng không khéo thì chúng ta có thể tự vùi lấp đời mình đấy! Cái bẫy của tiền bạc, của chỗ đứng,…

Tiền? Tiền có giá trị rất lớn cho cuộc sống, nhưng cũng là con dao hai lưỡi, nó có thể tạo cho con người sự dễ dãi, ươn lười; có thể đưa chúng ta vào một cuộc sống hưởng thụ, và rồi có thể sa đọa, và sau đó là tai họa …!!! Nhất là tiền có thể tạo quyền lực và sức mạnh. Vì thế, nó dễ làm cho con người trở nên tự mãn, và cuộc đời xảy ra nhiều vấp váp cũng bởi cái tính khó trị này. Các bạn sẽ nói: “đời không có tiền thì còn làm được gì? Phải, nhưng cái bẫy của nó là: để có tiền chúng ta rất nhiều khi phải hy sinh những giá trị khác…

Địa vị, chỗ đứng? Nhiều bạn trẻ đã cố gắng xây đắp và tìm cho mình một chỗ đứng trong xã hội, đó là bằng chứng của sự thành đạt. Nhưng có ai dám bảo đảm rằng một người sẽ ở mãi vị trí cao? Danh vọng là một cạm bẫy lớn dễ làm cho người ta bị tha hoá, biến chất đấy các bạn. Chỉ xin được nhắc các bạn coi chừng thôi!!!

Trí thông minh? Đây là món quà rất quý giá của đời người. Tuy nhiên, nếu có trí cao mà không tận dụng thì có cũng như không. Hoặc dùng trí cao trong những việc làm bất chính thì lại càng nguy hiểm hơn. Biết bao đau thương và hủy diệt bản thân cùng người khác đều do những người thông minh gây nên như Hitler hay các tên trùm khủng bố, các nhóm làm ăn phi pháp, chèn ép đạp đổ người khác… Xã hội đầy rẫy những người thông minh hàng ngày ngồi “tán dốc và lý sự” bên ly cà phê trong những quán cóc bên vệ đường. Họ đã làm gì cho bản thân và người khác?

Nội lực? Phải, nội lực chính là gia sản mà chúng ta tự tạo cho mình.

Nội lực như kho tàng được chôn dấu, không bị ai đánh cắp, cũng có thể ví nội lực như một cái phanh (thắng) an toàn khi xe cuộc đời xuống dốc.

Nội lực là sức đẩy như nhiên liệu, làm cho xe cuộc đời lăn bánh.
Nội lực luôn giúp con người theo chiều hướng tích cực. Vì thế, giá trị của mỗi người tỉ lệ thuận với nội lực họ có.

Một người cha và đồng thời đã và đang là một vị đại sứ Việt nam ở nhiều nước khác nhau, có lần tâm sự cùng tôi như sau :

“Khi tôi còn bé, nhà nghèo, mỗi sáng phải dậy thật sớm đi bộ bảy cây số với một tấm nylon quấn quanh khi trời mưa để đến trường. Những ngày mùa đông rét lạnh ở miền Bắc thật khủng khiếp, đường xa, bụng đói, hằng ngày đi ngang qua thúng xôi của bà bán hàng trên đường đi, tôi thấy thèm quá, mỗi lần có ai đến mua, thúng xôi được giở lên, sao mùi thơm của nó tuyệt vời thế !!!. Nhưng nhờ cuộc đời niên thiếu cực nhọc ấy, tôi đã được như ngày nay. Tôi đang lo lắng cho hai con trai tôi, tôi sợ cuộc sống quá đầy đủ sẽ làm mất đi sức mạnh vượt khó của chúng.”

Nỗi lo rất chính đáng của một người cha!

“Không có việc gì có giá trị ở đời mà không đổi bằng: thời gian, lao nhọc, bị hiểu lầm, chịu đau khổ và quyết chí thành công.”

(V.Cousin)

 

Điều quan trọng là chính ở sự quyết chí đó. Cũng như chú chim nhỏ kia. Nếu không có trận cuồng phong làm bật gốc cây cổ thụ, mất đi nơi nương náu thì chắc chú sẽ không chịu khó cất cánh bay xa, và rồi tìm được những kho tàng mới, bầu trời mới.

Biết bao cuộc đời thành tựu và có giá trị khởi phát từ giới nghèo và giới trung lưu, từ những người chẳng có chút vốn vật chất nào trừ cái vốn nội lực. Gần như hằng ngày đối diện với một số sinh viên có vẻ “bèo nhèo” … Tôi vẫn hằng thao thức, mong làm sao để: nỗ lực của bản thân chính là món ăn hằng ngày cho các bạn trẻ trong tiến trình lớn lên.

Ngoài ra, niềm tin vào chính mình, vào người khác, vào cuộc đời hay vào tương lai, là điều tối cần mà các bạn trẻ cần đầu tư để xây dựng. Vì niềm tin cũng chính là nội lực, là động lực vươn tới, để bắt tay, để lao vào những ước mơ, những dự tính.

Với niềm tin đó, người ta sẽ có hy vọng và không ngại khó dấn bước vào đời với đôi tay giang rộng, để đón lấy cuộc sống với muôn màu, muôn vẻ của nó.

“Niềm tin tạo nên sự nỗ lực bất khuất. Đây chính là chìa khóa làm nên kỳ tích.”

(Chung Ju Yung)

Đã đến lúc chúng ta phải bỏ lối chờ đợi những quà tặng bất ngờ của trời đất, mà phải tự mình làm nên cuộc sống vì:

“Cuộc sống của chúng ta đáng giá như thế nào đều do những cố gắng đã bỏ ra”

(Francois Mauriac)

Nguồn: dongducba.net