Mathilde de Robien

Tác phẩm “Hãy săn sóc tâm hồn bạn” (Prenez soin de votre âme, nxb. Cerf) của tác giả Jean-Guilhem Xerri vừa nhận được giải Văn học Tôn giáo năm 2019, ông là nhà phân tâm học, sinh học y khoa, cựu bác sĩ nội khoa các bệnh viện Paris, tốt nghiệp Viện Pasteur, nhưng lại là chuyên gia chẩn đoán tâm hồn. Dựa trên các đề nghị của các Giáo phụ trong sa mạc, ông mời gọi chúng ta ‘tái’ khám phá lại nội tâm, đừng bỏ mặc nó, để trau dồi đức tính giản dị, phương thuốc chữa cho các căn bệnh lớn của thế kỷ này.

Nội tâm của chúng ta bị ảnh hưởng và thể hiện qua các dấu hiệu khác nhau: con số các căn bệnh rối loạn tâm trí ngày càng gia tăng, tình trạng nghiện ngập ảnh hưởng đến các em càng ngày càng trẻ, tiêu thụ quá mức trong gia đình, bạo lực, hiếu động quá mức… Làm sao con người ngày nay lại vướng vào tình trạng này? Tác giả Jean-Guilhem Xerri phân tích nghiêm túc các chủ đề này trong quyển sách “Hãy săn sóc tâm hồn bạn”.

Tác giả bác bỏ định nghĩa đang thống trị, con người chỉ thuần túy theo chủ nghĩa tự nhiên và duy vật, phủ nhận hoàn toàn chiều kích thiêng liêng. Mà phủ nhận chiều kích này là tự cắt cụt một phần con người của mình. Tác giả chất vấn, “đâu là một cái gì có thể thay thế ngoài sự chán nản hoặc tiêu thụ quá mức để bù đắp cho sự trống rỗng này?”

Để chứng minh sức khỏe tâm lý của con người cũng tùy thuộc vào chất lượng đời sống tâm linh, tác giả Jean-Guilhem Xerri dựa trên lời giảng dạy của các Giáo phụ để lại. Từ các thế kỷ đầu kitô giáo, để tránh thế giới xô bồ, các nhà hiền triết đã ở ẩn và đã trải nghiệm một cuộc sống giản dị, thanh đạm, một lối sống mà với thời gian đã chứng minh cho chúng ta thấy, đó là lối sống tốt lành, thậm chí được xem là quan trọng cho những tâm hồn nào đang chao đảo, nhất là ở thời buổi này. 

Con Người, một sinh vật sống như những sinh vật khác?

Mở đầu, tác giả ghi nhận xã hội chúng ta đang sống ngày càng trở nên tồi tệ: khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội, môi sinh ngày càng tăng, rối loạn tâm lý bùng nổ, đời sống thiêng liêng bị coi thường, thậm chí bị bỏ mặc để chạy theo tiêu thụ quá mức. Và nếu tất cả các chuyện này có liên hệ với nhau? Bỏ Chúa và tôn giáo có hại cho lối sống và sức khỏe tinh thần của chúng ta không? Nếu định nghĩa theo bây giờ, con người là thuần tự nhiên và duy vật, thì định nghĩa này có tác động trên lối sống của chúng ta không?

Đó là những gì tác giả Jean-Guilhem Xerri chứng minh khi dò lần lại lịch sử triết lý qua bao nhiêu thế kỷ và sự tiến hóa của tầm nhìn con người. Vào thời Thượng cổ, triết gia Aristote đã khẳng định, con người là động vật duy lý, và nó được tạo ra từ duy lý và từ động vật tính của một cơ thể và một tâm hồn hợp nhất. Vào thời cổ điển, tư tưởng nhị nguyên Đê-các đưa đến một sự tách biệt giữa linh hồn và thể xác. Con Người không phải là một động vật vì nó có tâm hồn và thân xác là cái máy. Ở thế kỷ 19 và 20, chủ nghĩa cấu trúc đã biến con người thành một đối tượng của khoa học. Con người không còn bản chất riêng của nó: nó không tồn tại như vậy, mà chỉ là các quan hệ nối kết người này người kia. Nó bị lên thớt cắt ra, quan sát theo hành vi ứng xử, theo văn hóa, tâm lý và động lực…v.v.

Vào cuối thế kỷ 20, với sự ra đời của di truyền học, của khoa học thần kinh, con người được xem như một sinh vật sống như các sinh vật khác, đó là quan niệm chiếm ưu thế ngày nay. Chúng ta đang chứng kiến một hiện tượng tự nhiên hóa, sinh lý hóa của bản thể. Theo tác giả, cái nhìn theo chủ nghĩa tự nhiên và duy vật về con người là nguyên nhận của sự bất ổn đã xảy ra chung quanh nó. Phủ nhận chiều kích thiêng liêng của con người, đó là cắt cụt một phần của chính mình. Xã hội giảm thiểu con người xuống chỉ còn các khía cạnh sinh lý và tâm lý. “Sự mất mát này chắc chắn làm tổn thương con người, thậm chí có thể tử vong. Chủ nghĩa cấu trúc (structuralisme) ngày hôm qua và chủ nghĩa duy trọng tâm vào thần kinh (neuro-essentialisme) ngày nay đảm bảo cho công việc khoái đau khổ (ma-sô) hủy hoại con người và nội tâm của nó.”

Trầm cảm, nghiện ngập, hiếu động thái quá, tiêu thụ quá mức… biểu hiện sự đau khổ do bị cắt cụt chiều kích thiêng liêng. Vì thế điều cấp bách là phải chăm sóc tâm hồn bằng cách khám phá các lời giảng dạy của các Giáo phụ ngày xưa để lại cho chúng ta.

Lời giảng dạy của các Giáo phụ

Các Giáo phụ sa mạc là các tín hữu kitô sống trong vùng sa mạc Mesopotamia, Ai Cập, Syria và Palestina giữa thế kỷ thứ 3 và 4, họ sống ẩn dật trong các túp lều, các hang động hoặc phi thường hơn, họ sống trên cột hay trên cây! Họ đi tìm cuộc sống cô tịch, chiêm niệm, thinh lặng, làm việc tay chân trong mục đích làm sao để phát triển đời sống thiêng liêng. Rất nhanh chóng, họ thành lập các cộng đoàn tu viện và nhiều người từ khắp nơi về đây xin các nhà hiền triết này khuyên bảo.

Từ kinh nghiệm sống chưa từng có này, các lời giảng dạy của các Giáo phụ được gom lại qua các đối thoại, các câu chuyện kể cho thấy các vị đã có các quy luật hỗ trợ cho đời sống nội tâm mà Đức Gioan-Phaolô II cho rằng “trong xã hội văn minh ồn ào hiện nay, đây là lời mời gọi để có cuộc sống cô tịch sáng tạo, để con người quyết tâm dấn thân trên con đường đi tìm sự thật, sống không mặt nạ, không lẩn khuất, không giả tạo.”

Chúng ta có thể học được hai bài học tuyệt vời này từ các Giáo phụ: bài học thứ nhất, mỗi người đều không hoàn chỉnh khi sinh ra, được gọi để có nhân tính và đời sống thiêng liêng là nguồn gốc cho  sự trở thành này. Bài học thứ nhì, con người được tạo thành với ba chiều kích: cơ thể, tâm hồn và tinh thần. Với xác quyết về sự kết hợp mật thiết giữa cơ thể, tâm hệ và tâm linh, các Giáo phụ mà ngày nay chúng ta xem họ là các nhà trị liệu tâm lý đầu tiên đã đưa ra các lời khuyên để chăm sóc các “căn bệnh của tâm hồn”, một vấn đề thời sự nóng bỏng. Các lời khuyên này là các bài tập thực hành để có cuộc sống giản dị, thanh đạm.

Giản dị để chữa lành tâm hồn mình

Để giải thích cách làm sao có cuộc sống giản dị, tác giả Jean-Guilhem Xerri mượn ẩn dụ của nhà điêu khắc: “Để tạo ra tác phẩm của mình, nhà điêu khắc không thêm gì vào vật liệu, ngược lại, ông bớt cái gì dư để làm nổi bật lên cái gì đã có, bỏ dạng thô bề ngoài để thấy được thực chất. Cũng vậy, chúng ta được mời gọi để sống đơn giản, lộ ra những gì chúng ta đã có trong lòng, để đời sống bên trong của chúng ta được tỏa ra.”

Chăm sóc tâm hồn mình bằng cách loại bỏ các thứ phù phiếm, đó là tri túc, bằng lòng với nhu cầu chừng mực, xa lánh những gì có thể làm rối loạn tâm hồn và làm mất cân bằng tâm-thân-trí. Ngày nay có rất nhiều chuyện làm rối loạn đời sống nội tâm: tiếng động ồn ào, hình ảnh, quảng cáo, thừa mứa vật chất, khiêu dâm hóa mọi sự, chủ trương phải luôn sẵn sàng ngay, thỏa mãn ngay, v.v… Kết quả là, muốn tập sống giản dị ở xã hội này, chúng ta buộc phải có một quyết định dứt khoát. Vì thế tác giả  Jean-Guilhem Xerri thúc đẩy chúng ta: “Lối sống này không phải chỉ dành cho vài nhà tu khổ hạnh hay cho các tu sĩ, nhưng nó đã trở thành một nhu cầu cấp thiết, về mặt môi sinh bên ngoài cũng như môi sinh cho tâm hồn”. Trong Thông điệp Chúc tụng Chúa Laudato Si’ của ngài, Đức Phanxicô kêu gọi chúng ta nên có một “đời sống giản dị hạnh phúc”. Lối sống giản dị được sống một cách tự nguyện và có ý thức là lối sống giải thoát: nó mang lại tinh thần sẵn sàng cho những gì đã đẹp và đã sâu đậm của cuộc sống.

Một cách cụ thể, tác giả Jean-Guilhem Xerri mời gọi chúng ta cách mạng hóa lối sống của mình, làm chậm hơn, thinh lặng hơn và liên tục. Chẳng hạn, chỉ làm mỗi chuyện một lần, không làm gián đoạn một hành động, để trí óc nghỉ ngơi giữa các giai đoạn chuyển tiếp hơn là vội đi tìm điện thoại cầm tay, đi chậm lại, biết nói không với các yêu cầu, chỉ mua sắm những gì cần thiết, không mua theo hứng, để đúng chỗ công việc của mình, thinh lặng trong phòng v.v…

Một số người sẽ cho đây là lối sống không đáng kể, có người thì nói đây là lối sống xa hoa họ không thể làm được, có người còn nói phải sống với thời của mình! Đúng vậy! Nếu chúng ta muốn sống, hãy lựa chọn lối sống giản dị: nó sẽ trở thành cấp thiết đối với các tâm hồn không ai dẫn lối như tâm hồn chúng ta.

Marta An Nguyễn dịch

(phanxico.vn)