Blandine Ardant

 

Duy trì liên lạc thường xuyên với con cháu không phải là chuyện dễ dàng cho một số ông bà cha mẹ khi phải ở xa con cháu, khi không thường xuyên gặp, khi có các trường hợp tế nhị không tiện liên lạc… nhưng chúng ta vẫn còn một phương tiện liên lạc, đó là thư từ, một lời thăm hỏi, một lời nhẹ nhàng luôn làm ấm lòng người.

 

Và đây là 10 lý do để các bạn cầm bút:

 

1. Duy trì liên lạc

Dù vắng mặt, chữ viết duy trì được liên lạc, đứa bé khi nhận thư nó có cảm giác người viết thư đang ở bên cạnh mình.

Laura 13 tuổi viết: “Trong thời gian con ở trại hướng đạo, con sốt ruột chờ thơ bà ngoại, thơ của ba con, các bức thư này như những chuyến thăm nhỏ đến nơi xa xuôi này”.

2. Làm phong phú mối quan hệ

Viết là một hình thức giao tiếp khác. Các gia đình ở xa nhau, các gia đình có cha mẹ đi làm xa hiểu điều này. Bà Marie-Odile kể: “Trong thời gian vắng mặt lâu vì công việc, chồng tôi cố gắng gần gũi với con. Ông viết cho mỗi đứa con một thư riêng để khích lệ con. Con đọc một lần, cất thư, rồi đọc lại. Quan hệ cha con sâu đậm một cách khác. Trong thời gian nghỉ hè, khi chồng tôi ở Kosovo, các con tôi có một quyển vở, chúng vẽ, chúng viết tin tức… Pauline, 10 tuổi, rất dễ dàng biểu lộ sự dịu dàng của mình! Cô bé trút tất cả cảm xúc của mình và khi viết xong, quyển vở được gởi đi cho cha.

3. Biểu lộ tình cảm

Đôi khi viết cảm xúc dễ hơn là nói, vì sự dè dặt sẽ mờ đi dưới ngòi viết. Bà Marie nói: “Chắc chắn viết ‘Tôi yêu bạn’ dễ hơn là nói”.

Khi xa nhau, những lời yêu thương đi thẳng vào quả tim. Bà Blandine nhớ lại: “Khi còn ở tuổi thiếu niên, tôi ra nước ngoài, tôi thấy cuộc chia tay này thật khó khăn. Tất cả các câu trong thư của mẹ tôi gởi đều làm tôi cảm động, tôi xem chúng là liều thuốc của tình yêu, đúng như vậy vì tôi đang thiếu tình thương”.

Viết là thời gian mình dành cho người mình viết. Bà ngoại Geneviève kể: “Khi viết cho các cháu, tôi gởi cho chúng tất cả tình cảm của tôi. Dù xa, chúng cảm thấy ông bà đang ở đó với chúng”.

4. Chia sẻ cuộc sống hàng ngày

Điều quan trọng là nên kể mọi chuyện đang xảy ra trong nhà, chuyện lớn, chuyện nhỏ, chuyện giúp mình cảm thấy ấm áp trong gia đình… nhưng cũng đừng quên quan tâm đến các sinh hoạt của con cháu, chúng thích gì, mỗi tuổi có một sở thích riêng, các em nhỏ thì các trò chơi, các em lớn thì bạn bè của chúng… Các em sẽ cảm động thấy mình được quan tâm.

5. Gửi tin nhắn

Một cách đặc biệt để gởi lời nhắn, nhắc đến một thái độ nào đó, các điểm mạnh, điểm yếu cần nói ra.

Với bà Blandine, “giây phút thuận lợi nhất là khi các em đi trại hướng đạo. Đó là lúc các em đang tập có đời sống xã hội và dễ tiếp nhận cái đẹp. Tôi nhân cơ hội này để nhắc cho từng cháu, các con là thành phần của một gia đình, với ông bà, các con rất quan trọng, tôi viết cho các cháu biết tin gia đình và nói với các cháu, các con lớn nhanh quá”.

Bà Marie thì rất vui khi viết cho các con: “Tôi thường đi thẳng vào điều thiết yếu, tôi viết ngắn gọn những gì tôi cần nhắn nhủ chẳng hạn, quan trọng là phải trung thực, phải vui…”

Còn bà Chantal khi con ở xa, bà viết cho con biết gia đình luôn cầu nguyện cho con.

Cuối cùng khi có một chuyện gì quan trọng để đề cập thì viết là một hình thức dễ làm.

6. Khuyến khích

Một điểm lợi khác của viết thư: một dịp để khuyến khích. Bức thư giúp nâng cao các đức tính nhân bản, thể thao hoặc nghệ thuật của đứa trẻ, khuyến khích chúng trau dồi, đặc biệt sau một năm học gay go.

Trong giai đoạn khó khăn của tuổi mới lớn, an ủi có một sức mạnh to lớn khi các em đọc lại lời khuyến khích của ông bà, cha mẹ, cái nhìn của người này bổ túc cho cái nhìn của người kia…

Một số thư chạm được vào người nhận suốt đời,  thậm chí có thể là điểm tựa cho họ rất lâu sau đó.

Cô Sophie, kết hôn được mười lăm năm kể: “Khi tôi đính hôn, mẹ tôi gửi cho tôi lá thư nhỏ đơn giản nói chồng sắp cưới của tôi là một người đàn ông đích thực. Câu này đã ghi khắc vào tâm hồn tôi”.

7. Hiểu nhiều, thương nhiều

Ông Olivier kể: “Trong các thư của tôi, tôi kể nhiều về đời của tôi, các đam mê, các dự án mà suốt năm tôi không có giờ kể”.

Viết giúp cho những người rụt rè hoặc cho những người quá bận rộn diễn tả những gì trong tâm hồn mình.

Ông không quên các thư của người cha của ông, tuy ngắn gọn nhưng sâu đậm: “Tôi thích chữ viết của ông, nhẹ nhàng nhưng dứt khoát. Với tôi, đọc những gì cha tôi viết là một cách để tôi hiểu cha tôi hơn và như thế tôi thương cha nhiều hơn”.

8. Đặt lại suy nghĩ của mình

Dưới tác động của tức giận hoặc quá nhiệt tình, lời nói có thể đi quá mức. Ngược lại, viết giúp bạn nói rõ cảm xúc của mình, sắp xếp suy nghĩ, đào sâu suy nghĩ, không biết cảm xúc của người kia, không bị gián đoạn.

Bà Geneviève kể: “Viết tự chính nó là một cách suy nghĩ, nó cho phép mình nói lên quan điểm của mình. Tôi thường bình tĩnh viết cho các con nói lên những gì tôi nghĩ, và dần dần tôi thấy rõ hơn”. Cha mẹ và các ông bà của trẻ vị thành niên nên viết!

 9. Gom kỷ niệm

Các lá thư được lưu giữ, được đọc lại, chúng là ký ức của năm tháng, phản ánh của cuộc sống, chúng ta sẽ thấy nó sâu đậm hơn khi khi ông bà rời xa chúng ta. Các bức thư nói lên các tư cách, tâm trạng, sở thích, các xác tín… dù chúng ta không có các bức thư quý giá như các bức thư danh tiếng của bà Sévigné!

10. Làm chứng cho tình yêu

Bà Blandine, bà Chantal viết những câu ngắn, các bà để dưới gối khi mình vắng mặt hoặc nhanh chóng bỏ vào phong bì để gởi “vài lời yêu thương”…

Trong mỗi chuyến đi, ông nội Benoỵt gởi một bưu thiếp cho từng tám đứa cháu của ông.

Bà Sophie có tài hí họa, khi bà rời các con để đi tĩnh tâm mùa hè, bà vẽ “lưu niệm” cho chúng: “Khi tôi vẽ cũng giống như tôi cho các con một món quà. Những gì tôi viết không phải là chuyện phi thường, nhưng với tôi quan trọng là phải làm cho bức thư thật đẹp, gọn gàng, chân thực và nhẹ nhàng”.

Bà Chantal cũng làm đa dạng bức thư của bà: “Tôi để vào đó những gì làm các con cười, một chút hài hước, một bức vẽ, một bức hình. Có khi tôi còn gởi bánh ga-tô cho con trai đầu đang ở nội trú; nó có thể chia sẻ với các bạn. Trao đổi không những chỉ qua viết mà còn qua tâm tình. Thỉnh thoảng tôi gởi cát, gởi cánh hoa hồng nhỏ. Tôi cố gắng chạm vào các giác quan của các cháu”.

Còn ông Luc thì ông gởi phong bì hoa trắng cho cháu gái đang tĩnh tâm để rước lễ lần đầu.

Tất cả tùy thuộc vào sự nhạy cảm của từng người, sẽ có nhiều cách để các chữ, các suy nghĩ nói lên. Vì thế xin các bạn bắt đầu!

 

Marta An Nguyễn dịch (phanxico.vn)