Chúng ta hãy tìm lại nguồn tài lực thiêng liêng

lefigaro.fr, Charles Jaigu, 2020-06-26

 

Phỏng vấn triết gia Damien Le Guay, tác giả của nhiều quyển sách nói về sự rối loạn của người đương thời đứng trước cái chết, lần này, triết gia dám đề nghị các bài tập thiêng liêng trong truyền thống chiêm niệm của các Giáo phụ trong đan viện.

Le Figaro – Quyển sách của ông chỉ trích mạnh các hứa hẹn giả tạo của việc “phát triển cá nhân”. Làm thế nào ông có thể đi đến điểm này?

Triết gia Damien Le Guay – Từ lâu tôi đã quan tâm đến tương quan của xã hội chúng ta với cái chết. Tôi viết nhiều sách về chủ đề này và tôi dành nhiều thì giờ để đến với những người chăm sóc, những người tháp tùng trong các nhà chăm sóc chờ chết, trong các tang lễ bên cạnh những người đang chịu tang. Khi quan sát các rối loạn của họ đứng trước cái chết, đứng trước sự qua đời của người thân đã là chất liệu để tôi có ý tưởng viết quyển sách này. Nói chung mọi người không còn cậy vào các nghi thức xưa cổ, nhất là các nghi thức của công giáo đã có ở Pháp ít nhất là cả ngàn năm nay đã đảm trách các vấn đề này. Đứng trước các hiện tượng như cái chết của người thân, họ “lạc lối.” Các nghi thức chắp nối và linh đạo thế tục hiện nay dường như không giúp họ được nhiều để xử lý, để vượt qua tất cả thay đổi hung bạo của một ký ức bị đau thương.

Các phương pháp phát triển cá nhân không giúp được gì trong tình trạng này sao? Và các nhà tâm lý ở bệnh viện không hữu ích sao?

Giúp cho nhiều người, có. Tôi biết một số trường hợp rất tuyệt vời. Nhưng đứng trước thảm kịch cái chết, khoa tâm thần đầu hàng. Họ cho rằng nếu thời gian chịu tang dài hơn ba tháng mới thành bệnh lý và họ chọn thuốc an thần làm cách giải quyết đồng loạt và nhanh chóng bằng. Vào thời của ông, giáo sư Édouard Zarifian đã tố cáo sự lệch lạc này, nhưng tiến trình giải quyết này chỉ có tăng thêm từ đó mà thôi. Thành công của “phát triển cá nhân” dựa trên sự tuyệt vọng tâm lý này, trên các thất bại của việc chăm sóc.

Ông tố cáo “một lãnh vực lớn”…

Đúng vậy, phát triển cá nhân chiếm lãnh vực tài liệu mà bây giờ như triết gia François Jullien nói, “đó là một thùng rác to lớn mà người ta để mọi thứ, bất cứ thứ gì vào đó”. Đứng trước các tham vọng tâm linh điên cuồng không thể giải quyết được gì cho các đau khổ của chúng ta, từ lâu tôi đã tự hỏi, làm thế nào giúp “dòng điện tâm linh” của người đương đại đã mất định hướng nạp điện lại. Điều này áp dụng trong thời gian để tang, nhưng cũng áp dụng cho tất cả các tuyệt vọng, các lo âu, các cám dỗ của chúng ta. Trở nên kỹ sư cho chính mình để làm chạy mạch điện là một chuyện; hồi phục, thắp sáng lên, chiếu rọi nội tâm là một chuyện khác. Chúng ta hãy nói một cách đơn giản: các phương pháp này tốt để giải tỏa tâm trí hơn là lắp đầy tâm trí. “Làm trống” và theo dõi hơi thở là chuyện tốt. Nhưng điều này không cung cấp lý do để sống.

Làm thế nào phong trào phát triển cá nhân lại phát triển nhanh như vậy?

Đời sống nội tâm là một phương thức của hạnh phúc xã hội. Chủ nghĩa kinh tế mở rộng lãnh thổ hoạt động, mở rộng yêu sách quản lý của nó cho đến tận bên trong ý thức của cá nhân.  Theo một cách nào đó, có một sự xâm nhập của quy định tự do, thậm chí vào được quyền riêng tư của mọi người. Bạn không chỉ phải tạo ấn tượng bên ngoài, cho cảm tưởng bạn nắm vững các quy tắc “sống chung”, một công thức rỗng, nhưng thêm nữa, bạn phải còn phải làm chủ chính mình bên trong. Do đó, sự “phát triển cá nhân” là để uốn nắn các ý định và các lương tâm ương ngạnh. Cá nhân tự do phải tự chính mình quản lý bằng cảm xúc áp dụng các phương pháp “tốt” tự quản lý mình.

Thực chất đây là loại trị liệu thế tục, không có tính chất tôn giáo…

Trên thực tế, chúng ta không còn liên quan đến Chúa. Chúng ta không nhắm đến đời sống bên kia. Con người được khuyến khích thanh lọc trái tim khỏi các suy nghĩ không sinh lợi. Một cách nào đó, các phương pháp uốn nắn cá nhân “tái dùng” lại các nguồn sinh lực “thiêng liêng” xưa cổ, họ chỉ giữ lại các lời khuyên thực tế. Tôi trở thành là người giải tội cho chính mình, là người xưng tội mà không đi qua một tòa án nào khác ngoài lương tâm của tôi. Sự cứu rỗi kitô giáo biến mất cho lợi ích duy nhất là làm sạch sẽ lương tâm.

Ông nói một trong các điểm hỗ trợ cho các trị liệu này là các tài liệu khoa học về não bộ. Có sai không?

Đây là một lệch lạc có tiềm năng. Bộ não trở thành bắp thịt duy nhất của lương tâm. Phải làm cho nó mạnh, phải loại đi các cảm xúc tiêu cực, phải uống thuốc bổ. Do đó có sự hội tụ giữa chủ nghĩa vật chất thực dụng và khoa học thần kinh. Từ đó chiêm niệm thay đổi mục tiêu của nó: nó không còn giúp để trở thành một người tốt hơn, luôn luôn như vậy ở phương Tây. Nó nhằm mục đích đạt hiệu năng hơn, qua việc làm ngưng đau khổ nội tâm và tăng hiệu quả tinh thần. Đây không còn mở ra với hạnh phúc, nhưng biến chúng ta thành một vận động viên của bộ não. Tâm hồn biến mất. Nó bị chết đuối trong đám lẫu tâm linh-vô thần.

Nhưng có phải dùng đúng đắn bộ não – một danh từ khác để nói về tinh thần – vẫn không phải là mục đích sao?

Chắc chắn! Và tất cả những gì đưa chúng ta trở lại con đường ý thức, ý nghĩa của một sự mật thiết, sự cần thiết để khám phá tâm trí mình đều đi đúng hướng. Sự chiêm niệm này là tích cực. Nhưng chúng ta có nên dừng lại ở đó không? Vì sao không tìm trong truyền thống đan viện mà tôi biết rành, đã từ lâu làm cho con người sống từ hai ngàn năm nay? Chân trời thần kinh không phải là chân trời tối hậu của nó. Chúng ta không phải chỉ là một mớ phi thường của hàng trăm tỷ tế bào thần kinh. Đời sống thiêng liêng không dính gì với đời sống sinh học. Con người sinh học không nói gì về các đam mê, các khát vọng thân thiết, các nhu cầu yêu và được yêu của chúng ta. Về tất cả những gì tôi gọi là “các lý do sống của chúng ta”. Chúng ta không phải là các tế bào thần kinh nhóm lại, nhưng là lời được tập họp lại, các câu chuyện đan xen nhau, các cảm nhận trái ngược nhau, các khát vọng vô tận. Và đó là lãnh vực của lời, lời săn sóc tâm hồn. Một lời nói từ tâm hồn này qua tâm hồn kia hay lời nói hướng về người khác.

Làm thế nào ông hướng chúng tôi về tình trạng này, nơi ngôn ngữ giải thoát khỏi trọng lượng của các ảnh hưởng?

Trong quyển sách này tôi có hai ý: nối lại các câu hỏi tâm linh của những người không-Chúa như các văn hào Kafka hay Rilke, và tìm lại nghệ thuật chữa lành các bệnh thiêng liêng mà  các Giáo phụ trong sa mạc đã triển khai. Năm 1917 khi nhà văn Kafka nói rằng không ai có thể sống một “cuộc sống không biện minh, ông nói nhu cầu cốt tử của một sự tin tưởng làm nền tảng. Không có đời sống mà không tin tưởng nơi một người khác đã thành lập ra tôi, và người khác này có thể là Chúa. Khi Giáo phụ Cassien, vào đầu thời kitô giáo, đã gọi tên các “bệnh tâm hồn” là các bệnh như tham lam, buồn bã, phù phiếm, kinh ngạc…, ngài nhấn mạnh đến sự cần thiết phải đặt tên cho nguyên nhân đau khổ. Không chữa khỏi mà không chỉ đúng tên của bệnh; không có bệnh tâm hồn mà không có khối u thiêng liêng.

Thiêng liêng là chữ thường được dùng, ông định nghĩa nó như thế nào?

Như một lực sống, đó là tinh thần, không thể giảm thiểu xuống như sự hỗ trợ sinh học của nó, bộ não và ngược lại cũng không thể khép kín trong một tâm hồn đóng kín. Thiêng liêng  là những gì thể hiện tinh thần trong vật chất và vật chất trong tinh thần. Cái mà nhà văn Péguy gọi là “linh hồn xác thịt”.

Vậy tâm linh không phải là thế giới tinh khiết của những tâm hồn thoát khỏi vật chất?

Tôi từ chối linh thiêng hóa tâm hồn để chống lại thể xác và nói như người Hy Lạp nói, thể xác là nhà tù của tâm hồn. Thiêng liêng là vô tận trong cái hữu hạn và như thế chúng ta tránh được sự hỗn mang nội tâm của mình. Bởi vì sâu thẳm trong tôi, có một sự thiếu thốn, mở ra để hướng về nơi khác. Là tâm linh là những gì kéo tôi ra khỏi xác tín của tôi, lười biếng của tôi và làm cho tôi chuyển động. Động thái mở ra với thế giới và với người khác này là một kinh nghiệm nên thơ trước khi là một cảm nhận thiêng liêng.

Đây là nơi ông dám quay về với siêu việt – với Chúa?

Chúng ta hãy nói rằng tâm linh là la bàn chỉ  phía bắc bên ngoài tôi và hướng tới nơi tôi muốn đến. Nó ra lệnh cho tôi từ bên ngoài. Chúng ta có thể đặt tên cho nơi bên ngoài này là Chúa, dù tôi không thích chữ này, chữ che giấu Chúa. Thầy Eckhart nói, “Phải từ bỏ Chúa cho chính Chúa”.

Trong quyển sách của ông, ông đề nghị ba bước: “chiến đấu chống lại kẻ thù của nội tâm”, “thoát khỏi cái nghèo của trái tim” và “có tin tưởng và tạo tin tưởng”…

Ba bước phối hợp với các –bài tập”. Trước hết, có trong tôi “các kẻ thù nội tâm”, các đam mê xấu xa, các ký ức đau khổ, các lo lắng vượt quá sự kiểm soát. Làm thế nào nhận ra chúng,  đánh bật chúng, chiến đấu chống lại chúng? Sau đó, tôi cầu cứu đến lực mạnh hơn tôi. Như thầy Eckhart nói, một Thiên Chúa mà chúng ta không thể đặt tên, hay như thi sĩ Beaudelaire nói, “kho chứa chung của tình yêu vô tận này”. “Người tâm giao vĩnh cữu” giúp tôi từ bên ngoài. Và cuối cùng tôi đề nghị một con đường củng cố niềm tin cốt tử, niềm tin làm cho tôi sống. Niềm tin như một cách để tìm lại “phần không thể hủy hoại được trong chính mình”, để biện minh cho cuộc sống của một người dưới mắt họ và dưới mắt người khác, đi tìm “cột neo” sâu thẳm, đi tìm mũi khoan xa tắp trong sâu thẳm tâm hồn tôi để tìm ra “đại dương yên tĩnh”.

Về cơ bản, không phải các bài tập tâm linh trước hết là dùng lời đó sao?

Đúng vậy, đi ra các nhọc nhằn, các ám ảnh của chúng ta, đơn giản là học để định danh nó. Có phải chúng ta luôn nói chuyện với ai đó không? Luôn có một người thứ ba. Và người thứ ba này có thể chính là Chúa.

Marta An Nguyễn dịch