Các thánh, nhất là những vị sáng lập dòng, chắc hẳn được xem là những người có óc sáng tạo. Với sự thúc đẩy và hướng dẫn của Thiên Chúa, với ý muốn vinh danh Thiên Chúa và cứu rỗi các linh hồn, các ngài đã “sáng tạo” một nẻo đường nên thánh rất riêng và cũng rất phù hợp với tinh thần Tin Mừng. Mỗi vị thánh, như những bông hoa thánh thiện với màu sắc và hương thơm khác nhau, làm cho vườn hoa của Vương Quốc Thiên Chúa trở nên tươi đẹp tuyệt vời. Chắc hẳn, mỗi Kitô hữu đều gắn bó hoặc yêu mến một hoặc một số vị nào đó. Bản thân tôi rất yêu mến và quý trọng đời sống của các vị sau đây.

Các thánh ẩn tu. Thế kỷ thứ III Kitô giáo bị bách hại nặng nề. Tuy nhiên, vào năm 313, hoàng đế Constantinus ra chiếu chỉ Milan cho phép mọi công dân tự do theo bất kỳ tôn giáo nào. Một số Kitô hữu muốn sống tinh thần tử đạo trong thời đại mới bằng lối sống khổ chế, cầu nguyện và lao động. Thánh Phaolô Ẩn Tu (khoảng 227-341) còn được gọi là Phaolô thành Thebes hay Phaolô Ẩn Sĩ tiên khởi, được coi là ẩn sĩ Kitô giáo đầu tiên. Quả là một sáng kiến nên thánh táo bạo và quyết liệt!

Thánh Bênêđictô (480-547). Thánh nhân chọn lối sống ẩn mình tại Subiaco, nước Ý. Ngài sống trong một cái hang trong vòng 3 năm, sau đó chuyển đến đồi Monte Cassino và thiết lập lối sống đan tu. Ngài và các đan sĩ của ngài sống theo nguyên tắc ora et labora, nghĩa là “cầu nguyện và lao động”, phân chia đều thời gian trong ngày giữa chiêm niệm và lao động. Tại đan viện, cứ mỗi 3 giờ lại có tiếng chuông vang lên, nhắc nhở các đan sĩ cầu nguyện.

Thánh Phanxicô Assisi (1181-1226). Thiên Chúa muốn thánh nhân xây dựng, không phải một tòa nhà vật chất, nhưng đúng hơn là những con người đến phụng thờ Người nơi đó. Phanxicô nhận ra sứ mạng của mình là rao giảng sự canh tân tinh thần cho dân Chúa. Được Đức giáo hoàng Innôcentê III chuẩn nhận, ngài thành lập Dòng Anh Em Hèn Mọn (OFM). Thánh nhân được nhìn nhận là bổn mạng của loài vật và những người yêu loài vật vì ngài dành nhiều thời gian chiêm niệm ngoài trời và truyện trò với các tạo vật.

Thánh Ignatiô Loyola (1493-1556). Ngài lập Dòng Chúa Giêsu (Dòng Tên). Thánh nhân nhận thấy lợi ích của việc huấn luyện người nam trong các tác phẩm thần học và triết học, cũng như trong địa lý, khoa học, toán học, ngôn ngữ và khoa học nhân văn khác. Ngài muốn chinh phục các lầm lạc và bè rối bằng chân lý và sự hiểu biết. Đó là lý do tại sao các tu sĩ Dòng Tên cho đến ngày nay là một trong những cộng đoàn tu trì được giáo dục cao. Điều này thật thích hợp cho những ai muốn nên thánh trong việc tiếp cận với tri thức.

Thánh Vinhsơn Phaolô (1581-1660). Ngài thiết lập Dòng Truyền Giáo để hoạt động cho 2 việc ưu tiên: phục vụ người nghèo và giáo dục hàng giáo sĩ. Chính sự dốt nát và biếng nhác của nhiều giáo sĩ là duyên cớ gây nên tình trạng phá sản về tôn giáo và luân lý. Thế nên, ngài đã quyết tâm sửa đổi thực trạng và đã đóng góp rất nhiều trong việc huấn luyện hàng giáo sĩ.

Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu (1873-1897). Thánh nữ được biết đến nhiều nhất bởi linh đạo “Đường Thơ Ấu”. Trong việc tìm kiếm sự thánh thiện, không nhất thiết phải thực hiện những việc làm cao siêu, vĩ đại, chỉ cần làm những công việc bình thường nhưng với một tình yêu phi thường. Quả là một sáng kiến nên thánh tuyệt vời cho mọi người, ở mọi bậc sống.

Mẹ Têrêsa Calcutta (1910-1997). Không chỉ những người Công Giáo yêu mến thánh nhân, mà hầu hết mọi người trên thế giới đều quý mến ngài. Trong lời nguyện cùng mẹ thánh có câu: “Mẹ trở nên người đem tình yêu của Chúa, cho những người nghèo khổ nhất trong số những người nghèo.” Thế nên, sáng kiến nên thánh của mẹ là bày tỏ tình yêu dành cho Thiên Chúa qua tình yêu nồng cháy dành cho những người khốn khổ nhất trong số những người khốn khổ. Một sáng kiến nên thánh quả là đáng khâm phục!

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II (1920-2005). Thánh nhân được cả thế giới biết đến qua những chuyến Tông du nhằm “đến với muôn dân”, qua những bài giáo huấn ở nhiều thể loại khác nhau, vừa rộng vừa sâu sắc, qua các sáng kiến mục vụ trong nhiều lãnh vực. Thật khó mà nói hết những “sáng kiến” của ngài cho toàn thể Giáo Hội. Chúng ta cùng tạ ơn Chúa vì đã ban cho Giáo Hội một vị thánh giáo hoàng vừa đa tài, vừa thánh thiện như thế.

Chúng ta vừa lướt qua một số ý tưởng liên quan đến lãnh vực sáng tạo. Quả thật, óc sáng tạo hiện diện nơi mỗi người và có thể được triển nở và thể hiện trong nhiều lãnh vực khác nhau. Cuộc sống vốn phong phú và tươi đẹp, nếu chúng ta cung cấp thêm cho cuộc sống chút hương vị của óc sáng tạo, cuộc sống ấy càng trở nên tươi đẹp, mặn mà, dễ thương hơn. Ước mong mỗi người chúng ta, nhất là các bạn trẻ, luôn trải nghiệm những nét đẹp trong từng công việc, để mỗi một việc, dù là lớn hay nhỏ, bình thường hay phức tạp, đều mang dáng dấp của sáng tạo. Có như thế, công việc ấy sẽ trở nên thú vị, bình an, nhẹ nhàng, và nhất là công việc ấy sẽ giúp chúng ta ngày càng hướng thượng và hướng thiện, hướng đến Thiên Chúa là cội nguồn của mọi sự sống, cội nguồn của mọi sự sáng tạo.

Lm. Giuse Đặng Chí Lĩnh / Nguồn: WGPSG