CỘNG ĐOÀN ĐỨC MẸ MÂN CÔI

TĨNH TÂM MÙA CHAY 2023

   

 

Giảng Phòng:          cha Richard Winter

Chuyển ngữ:           cha JB Nguyễn Ngọc Thế

Viết tường thuật:   chị Huệ, chị Thuần, chị Trinh.

Hình ảnh:                 anh Mạnh.

 

 

  

Buổi tĩnh tâm hôm nay cha Richard, nguyên chánh xứ Giáo Xứ Heilig Kreuz ở Erlangen, dẫn dắt mọi người thông qua những câu chuyện đầy thú vị và ý nghĩa.

 

Câu chuyện đầu tiên cha kể khởi đi từ Cựu Ước.

Thời Cựu Ước có những nhân vật rất quen thuộc như Môi-Sen, Abraham, Gia-cóp, Giu-se…

Hôm nay cha kể câu chuyện về ngôn sứ Elia.

 

Ngôn sứ Elia xuất hiện vào khoảng năm 800 tcn. Người ta không rõ thời thơ ấu của Elia như thế nào. Bỗng chợt Elia xuất hiện và báo tin  Thiên Chúa sẽ hiện diện, đây là Thiên Chúa duy nhất và có quyền trên mọi loài thụ tạo. Ngôn sứ Elia hết mực tin tưởng, yêu mến Thiên Chúa. Những lời cầu xin của Elia thường được Thên Chúa  làm cho toại nguyện.

 

Vị Vua lúc bấy giờ có  hoàng hậu thờ ngẫu tượng. Bà thờ thờ Baal và rất nhiều thần thánh, ví dụ thần quyền lực, thần sang giàu…Trong khi đó Elia kêu gọi dân chúng chỉ thờ một Thượng Đế duy nhất.

 

Khi đó ông Elia và  những người theo hoàng hậu thờ ngẫu tượng thách đố với nhau. Hai bên sẽ lập bàn thờ và cầu khẩn với thần linh của mình, bên nào thấy xuất hiện lửa từ trời xuống thì bên đó thắng.

Ngay từ sáng sớm , người của hoàng hậu khoảng 400 tư tế dựng một bàn thờ lớn, thờ thần Baal . Họ làm hết sức lực, không ngơi nghỉ. Trong khi đó, ông Elia chỉ có một mình, ông lập một bàn thờ nhỏ. Tới giờ trưa, ông đi ăn trưa và nghỉ ngơi. Ông nói vói họ: “ Các ông cứ cầu khẩn đi, thần của các ông đi ăn trưa , ngủ trưa hết rồi không có ai nghe các ông cầu khẩn đâu.”


Sau giấc ngủ trưa, ông Elia dậy nấu nước, pha “cà phê”. Uống cà phê xong khoảng 5h chiều ông Elia quỳ xuống cầu nguyện. Khi ông đang cầu nguyện thì lửa từ trời xuống đốt cháy của lễ và Elia đã thắng cuộc. Ngôn sứ Elia đã vui mừng hét lên , đó là Thiên Chúa của tôi , một Thiên chúa duy nhất có sức mạnh, đầy quyền năng. Ngài luôn tỏ lộ tình yêu và quyền năng khi chúng ta cầu khẩn với Ngài.Thần Thánh của các ông không thể làm được những việc như Thiên Chúa của tôi đã làm.

Đang khi vui mừng vì thắng cuộc thì bỗng có một sự kiện từ trời khiến Elia  trở nên hoảng sợ, bất lực. Ông chạy trốn vào sa mạc, vùi mình vào cát để trốn thoát mọi sự. Khi đó ông cảm nghiệm: “Chúa ơi Chúa đâu rồi? Sao Chúa bỏ con? Biến con thành bất lực như thế này?”

 

Câu chuyện về ngôn sứ Elia là câu chuyện truyền khẩu, nó không mang tính lịch sử. Tuy nhiên đó cũng là trải nghiệm của mỗi chúng ta. Đôi khi chúng ta cảm nghiệm Chúa ở bên nâng đỡ, chúa cho chúng ta thắng cuộc nhưng có đôi lúc chúng ta lại cảm thấy rằng hình như Chúa đã bỏ rơi chúng ta. Có khi hôm nay chúng ta đang rất phấn khởi, ca hát , hò reo . Nhưng rồi tự nhiên có một sự việc nào đó làm  ta ngã xuống, bất lực, bất an hoàn toàn. Và khi đó chúng ta cũng đặt câu hỏi Chúa ơi, Chúa đâu rồi? Và đây cũng là điều giúp chúng ta đặt câu hỏi, chất vấn bản thân: Điều đó có ý nghĩa gì với niềm tin của tôi vào Chúa Giê-su Ki-tô đây?

 

 Sau câu chuyện ngôn sứ Elia trong Cựu Ước, cha giảng phòng tiếp tục dẫn chúng ta đến với câu chuyện gần hơn, mới hơn . Một câu chuyện mang tính lịch sử, đó là câu chuyện của Tuần Thánh và của Thập Giá Chúa Giê-su .

 

Chúng ta tưởng niệm gì trong tuần Thánh?

Hôm nay Lễ Lá chúng ta cùng với Chúa Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem, với những reo hò, những cành lá tung hô đầy niềm vui và hân hoan.

 

Thứ Năm Tuần Thánh chúng ta cùng với Chúa Giê-su dự bữa Tiệc Ly, đi với Chúa vào vườn cây Dầu để cầu nguyện.

 

Thứ Sáu Tuần thánh chúng ta tưởng niệm con đường Thương Khó của Chúa Giê-su, Ngài vác Thánh Giá, chịu roi đòn , chịu xỉ nhục và chịu chết trên cây Thập Giá. Chúng ta cũng đi sâu hơn vào trong chính biến cố này, cảm nghiệm Chúa bị bỏ rơi và Ngài đã kêu lên “Lạy Cha! Lạy Cha! sao Cha lại bỏ con?” Chúa đã kêu lên lời này vì Chúa hoàn toàn tin tưởng vào Chúa Cha. Khi người ta kêu lên “Lạy Chúa , Chúa ở đâu?”, cũng chứng tỏ người ta tin Chúa, nếu không có niềm tin người ta không thể kêu được như thế. Đây là một trải nghiệm rất sâu.

 

Thứ Bảy Tuần Thánh Chúa Giê-su ở trong tận cùng, nghĩa là Ngài đi vào trong Luyện Ngục , vương quốc của những người đã qua đời. Luyện Ngục là nơi các linh hồn sống lẻ loi, cô đơn , không người thân, không bạn hữu. nơi đó họ chỉ hướng về Thiên Chúa mà thôi. Và Chính Chúa Giê-su Ngài đã chịu chết và Ngài đã xuống thật sâu nơi luyện ngục để rồi từ đó Chúa Cha cho người sống lại, đưa người lên trời và khi về trời chúa Giê-su cũng đem theo cả chúng ta nữa. Có một họa sĩ tên là El Greco đã vẽ một bức tranh Chúa Giê-su về trời từ nơi luyện ngục . Một cánh tay Chúa ôm rất nhiều người nam cũng như nữ, cả người già lẫn trẻ em, trong đó có cả các giám mục và linh mục. một tay Chúa kéo theo cả đoàn người thật dài, ngón tay út của Chúa cong lại như một móc câu và móc thêm được người nữa.

 

Chiêm ngắm Thánh Giá:

 

Khi chiêm ngắm cây thập tự từ phía sau, chúng ta thấy có một thanh dọc và một thanh  ngang. Thanh dọc diễn tả sự nối kết của đất với trời, từ tận cùng chúa Giê-su đã sống lại vinh quang và đem tất cả chúng ta lên trời cao với Ngài. Thanh ngang như đôi cánh tay dang rộng của Chúa để ôm tất cả chúng ta trong vòng tay yêu thương của ngài.

 

Cách đây hai nghìn năm, ở thời kỳ đầu Thánh Giá chưa có dung mạo của Chúa Giê-su, người ta chỉ để trống một thanh dọc và một thanh ngang. Khoảng năm 700-800 sau CN ở Irland người ta đã nhận ra Thánh Giá là nơi gặp gỡ giữa trời cao và đất thấp. Chính vì thế người Irland đặt ở giữa tâm điểm của Thánh Giá một vòng hoa hay một cục đá.

 

Một thời gian dài sau đó ở Pháp người ta đã đưa hình ảnh Chúa Giê-su đặt lên Thánh Giá. Tuy nhiên người Pháp không đưa hình ảnh Chúa Giê-su chịu đóng đinh một cách đau thương với nhiều thương tích, mà họ đặt hình ảnh Chúa Giê-su làm vua với áo choàng đỏ và đôi tay dang rộng với sứ điệp đây là Đấng Cứu Thế, chính ngài sẽ ôm ấp tất cả chúng ta trong vòng tay và Ngài cứu độ nhân loại. Hiện nay một vài nơi còn ảnh tượng này , ví dụ nhà thờ…..thuộc giáo phận Bamberg. Hoặc nhà thờ Dom ở Frankfurt –Main có tượng Chúa Giê-su làm vua rất đẹp.

 

 Để giúp mọi người dễ nhớ, dễ hiểu về Thiên Chúa Ba Ngôi cha Richard kể một câu chuyện vui: Ở vùng Main có một vị Hồng Y, ngài rất giỏi và am hiểu. Ngài giảng rất hùng hồn, nhưng bài giảng của ngài quá cao siêu đến độ người nghe chẳng hiểu gì. Một hôm ngài nghĩ ra một sáng kiến, vào một ngày nọ khoảng 5 giờ chiều, Đức Hồng Y đứng ở sân nhà thờ nhìn xuống các vườn nho nơi có các giáo dân đang làm đồng về, ngài dùng hết tất cả sức lực , lấy hơi thật sâu và ngài hét thật lớn rằng:

 

CHÚA CHA - TẠO DỰNG

CHÚA CON - CỨU CHUỘC

CHÚA THÁNH THẦN - LỬA THÁNH HOÁ

 

Cha Richard đã chỉ cho mọi người cách làm dấu Thánh Giá đầy ý thức và thật ý nghĩa của một vị linh mục người châu Mỹ La Tinh như sau: Nhân danh Chúa Cha Đấng đã nghĩ tới chúng ta, tạo dựng và rất mực yêu thương chúng ta. Chúa Con Đấng đã làm người và đã xuống tận cùng để cứu chuộc chúng ta. Và nhân danh Chúa Thánh Thần bên trái cũng như bên phải ôm ấp tất cả chúng ta vào vòng tay của Ngài.

 

Cha nói về ý nghĩa của việc chúc lành bằng cách ghi dấu Thánh Giá lên trán của người khác. Đây là việc làm rất tốt lành và ý nghĩa. Khi ghi dấu Thánh Giá lên trán cho người khác với lời chúc lành, người nhận chúc lành cảm nhận từ ngón tay người chúc lành sự bình an một cách sâu xa. Cha chia sẻ câu chuyện của một bà góa già vùng Gamisch Patenkirchen, bà đã chia sẻ câu chuyện của bà trong một buổi tĩnh tâm như sau: Bà có hai người con trai, cả hai đã ngoài 50 và đã có gia đình. Một người ở Hamburg và một người ở Berlin. Mỗi năm hai anh em cùng về thăm mẹ vào một dịp. Một lần nọ khi hai người về thăm mẹ xong đến khi họ đi về hết thì bà ngồi buồn trên ghế và thiếp đi. Bỗng dưng có tiếng gõ cửa, bà bước ra mở cửa và cả hai con trai cùng bước vào, họ thưa với mẹ. Thưa mẹ mẹ đã quên một việc rất quan trọng. Bà hỏi việc gì? Họ đáp: Mẹ đã quên một việc mẹ thường làm cho tụi con từ khi còn thơ ấu. Đó là mẹ đã dùng ngón tay ghi dấu Thánh Giá lên trán cho chúng con để chúc lành. Hôm nay chúng con đi đường xa và còn có cả gia đình chúng con nữa nên việc chúc lành quan trọng biết chừng nào. Sau đó hai anh quỳ xuống trước bà Mẹ và bà đã chúc lành cho hai con cùng gia đình của cả hai. Một câu chuyện rất dễ thương và ý nghĩa.

 

 Trở về với việc chiêm ngắm Thánh Giá. Mãi cho tới thời kỳ Barock, đó là thời kỳ đen tối với các vấn đề của đại dịch, chiến tranh…lúc đó người ta rơi vào tình trạng đau khổ cùng cực và con người bấy giờ đã cảm nhận những đau khổ đó là Thánh Giá mà họ phải mang vác. Nhưng trước họ đã có người phải chịu nỗi đau cùng cực hơn và từ đó họ đặt tượng Chúa chịu nạn lên cây thập tự cho đến ngày nay.

 

Thời đại chúng ta đang sống, châu Âu thì chiến tranh, Châu Phi còn nhiều nơi đói khổ, Châu Mỹ trẻ em dùng súng bắn người…Vì vậy chúng ta luôn cần sự chúc lành từ Thiên Chúa. Thiên Chúa ngài không bỏ rơi chúng ta. Điều quan trọng chúng ta không đánh mất niềm tin, niềm hy vọng vào Thiên Chúa, Đấng yêu thương giải thoát chúng ta.

 

Vào khoảng những năm 100-110 Thánh Gioan đã viết sách Khải huyền với những câu truyện mang lại sự thỏa mãn cho con người từ những gì chúng ta hy vọng.

 

Cha Richard kết thúc buổi Tĩnh Tâm với tấm hình ngôn sứ Elia ngồi trên chiếc xe rực lửa bay về trời cao, chiếc áo choàng ngôn sứ để lại cho học trò của mình là Samuel và Elisha.

Và hình ảnh Môi-sen khi thấy bụi gai cháy thì hoảng sợ nhưng khi bước đến gần thì chính lửa của Thiên Chúa bao trùm lấy Môi-sê  chứ không thiêu rụi ông.

Khi người ta yêu nhau, người ta muốn thuộc trọn về nhau. Thiên Chúa cũng vậy, Ngài muốn chúng ta thuộc trọn vẹn thuộc về Ngài.