Bài giảng sau đây là của cha Rodney Kissinger, SJ.[1] Phần đầu cho biết ý nghĩa, cách thức và nội dung mạc khải Thiên Chúa Ba Ngôi. Phần tiếp theo nói về mối liên hệ giữa mầu nhiệm trọng đại này và cuộc sống chúng ta: Thiên Chúa Ba Ngôi là nguồn mạch, khuôn mẫu, cùng đích đời ta. Mấy câu kết nhắc nhở: Chúa Giêsu coi tình yêu là dấu hiệu người môn đệ Chúa...

Lm. Marcello ĐOÀN MINH chuyển ngữ và đặt các tiêu đề

 

 

Ý nghĩa mạc khải Thiên Chúa Ba Ngôi

Mạc khải Thiên Chúa Ba Ngôi là một trong những bằng chứng rõ ràng nhất Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Ta không tỏ mình cho người ta không yêu. Và ta tỏ mình ra cho ai nhiều hay ít tùy ta yêu nhiều hay yêu ít. Qua mạc khải Thiên Chúa Ba Ngôi, Thiên Chúa bày tỏ chính nội tâm sâu xa nhất và bản tính thật của Ngài. 

Cách thức mạc khải Thiên Chúa Ba Ngôi

Và Thiên Chúa mạc khải cách tiệm tiến và từng cấp độ một tùy theo khả năng tiếp thu và nhu cầu của ta. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa minh nhiên mạc khải Ngài là Thiên Chúa duy nhất. “Nghe đây, hỡi Israel! Thiên Chúa, Chúa chúng ta là Thiên Chúa độc nhất”(Đnl 6,4). Trong Tân Ước, Thiên Chúa mạc khải Ngài vừa là duy nhất nhưng đồng thời Thiên Chúa có Ba Ngôi vị, hay gọi là duy nhất trong Ba Ngôi vị. Ba Ngôi vị nơi Thiên Chúa được nói đến trong 05 biến cố chính của Phúc Âm, đó là truyền tin, Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Gio-đan, bữa Tiệc Ly, đồi Cavariô và Chúa thăng thiên.

Nội dung mạc khải Thiên Chúa Ba Ngôi

Điểm đầu tiên trong mạc khải này – một mạc khải mà lý trí tự nhiên nếu không được giúp đỡ không bao giờ hiểu thấu, đó là Thiên Chúa tối cao không phải chỉ có một ngôi đơn độc như Israel tin nhận, nhưng Ngài có ba ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi đã được xác minh và định tín cách long trọng trong 04 công đồng đầu tiên của Giáo Hội và đã được tuyên xưng trong kinh Tin Kính và trong thánh lễ trải qua các thế kỷ. 

Thiên Chúa Ba Ngôi là nguồn gốc đời sống của ta

Thiên Chúa Ba Ngôi là nguồn gốc đời sống của ta. Tuy Ba Ngôi hoạt động chung với nhau trong mọi công trình nhưng theo phép biệt ứng, việc tạo dựng được qui về Chúa Cha,việc cứu chuộc về Chúa Con và việc thánh hóa về Chúa Thánh Thần. Nhưng Ba Ngôi là nguyên nhân tác động hữu hiệu của mọi hoạt động hướng ngoại. Vì thế Ba Ngôi là nguồn gốc của Kitô giáo. Không có Thiên Chúa Ba Ngôi thì ta không thể hiểu Kitô giáo là gì. Giáng Sinh, Phục Sinh và Đức Chúa Thánh thần hiện xuống có nghĩa gì nếu không có Ba Ngôi. Thánh lễ bắt đầu và kết thúc với dấu Thánh giá, tức là việc tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi, mọi lời nguyện dâng lên trong thánh lễ là dâng lên Chúa Cha, nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh thần.

Thiên Chúa Ba Ngôi: Khuôn mẫu đời sống cộng đoàn

Thiên Chúa Ba Ngôi là khuôn mẫu đời sống chúng ta. Chúng ta được tạo thành giống hình ảnh Thiên Chúa, theo như hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi. Chiêm niệm Thiên Chúa Ba Ngôi ta sẽ học được nhiều điều về chính mình và về cách ta phải sống ở đời. Thiên Chúa Ba Ngôi là cộng đoàn của các ngôi vị. Không có các cá nhân cộc lốc, tự cung tự cấp đủ mọi sự cho mình, đứng riêng rẻ một mình. Có Ba ngôi vị bằng nhau sống với nhau trong một cộng đồng. Mỗi Ngôi vị đều cần có Hai Ngôi vị kia để là Thiên Chúa. 

Chúng ta cần đến nhau để sống cho ra một con người. Chúng ta là hữu thể xã hội. Chúng ta cần phải tùy thuộc lẫn nhau. Điều này thật hiển nhiên khi chào đời cũng như lúc lìa đời. Đứa trẻ mới sinh sẽ chết nếu bị bỏ rơi và người già bị bỏ mặc cũng chết. Từ khi mở mắt chào đời đến lúc nhắm mắt lìa đời người này lệ thuộc vào người kia. Nhờ những tương quan đó mà ta khám phá ra mình là ai và trở nên con người mà Thiên Chúa phú ban tiềm năng để trở thành. 

Cộng đoàn Kitô hữu: Cộng đoàn yêu thương

Cộng đoàn các ngôi vị này là cộng đoàn tình yêu. Yếu tính của Thiên Chúa Ba Ngôi là tương quan trong tình yêu giữa các ngôi vị: Cha, Con và Thánh Thần. Tình yêu cũng phải là bản sắc của cộng đoàn Kitô hữu. Chúng ta cắm rễ sâu và lớn lên trong tình yêu. Chúng ta tất cả đều cần phải yêu và cần được yêu. Tình yêu thì sáng tạo, vươn tới viên mãn và chữa lành. Tình yêu chữa lành cả người trao ban tình yêu và người đón nhận tình yêu.

Duy nhất trong sự khác biệt

Trong Thiên Chúa Ba Ngôi không có sự đồng nhất nhưng là duy nhất trong khác biệt. Mỗi ngôi vị là duy nhất và cả ba đều chia sẻ chung một bản tính Thiên Chúa trong sự duy nhất hoàn toàn. Mỗi người trong chúng ta đều là cá nhân độc đáo duy nhất, nhưng chúng ta chia sẻ chung một cội nguồn, một bản tính và một vận mệnh chung. Cộng đoàn Kitô hữu bắt đầu bằng sự duy nhất trong khác biệt này. Chính sự khác biệt này làm cho Thiên Chúa được vinh quang.

Nhưng tiếc thay, khi thấy có sự khác biệt chúng ta đâm ra lo sợ, nghi ngại và thù ghét. Cái phá hoại cộng đoàn là yêu sách vô lý đòi cho có sự đồng nhất. Nếu ai cũng như nấy thì thế giới này buồn rầu, nhạt nhẻo biết bao nhiêu. Từ ‘công giáo’ có nghĩa là duy nhất trong khác biệt. Cộng đoàn Kitô hữu là dân Thiên Chúa, gia đình Thiên Chúa, như chúng ta đọc trong kinh “Lạy Cha”. Nguyên tắc sống của chúng ta là: duy nhất trong điều cốt yếu, tự do trong các điều tùy phụ và bác ái trong tất cả. Nếu bắt buộc ai cũng sống đức tin như răm rắp như nhau thì thật vô lối vì nơi tạo vật cũng như trong Đấng Tạo Hóa vốn không có sự đồng nhất.

Thiên Chúa Ba Ngôi là cùng đích đời ta

Thiên Chúa Ba Ngôi là định mệnh đời ta. Đó là cùng đích ta nhắm tới. Đời sống mai hậu không giống như là chương trình TV chạy lại. “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề được nghe Thiên Chúa dọn sẵn cho những kẻ yêu mến Ngài.” Cũng như ở đời này cao điểm tình yêu là hiệp nhất thì ở đời sau cao điểm tình yêu cũng sẽ là hiệp nhất, không phải với tạo vật nhưng với Tạo Hóa. Chúng ta có giàu tưởng tượng đến mấy cũng không bao giờ nắm bắt được thực tế cuộc sống trên trời thế nào.

“Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4, 16). Tình yêu là cội nguồn, sứ vụ và định mệnh của tôi. Anh là ai, sống ở đâu, thành phần nào, làm nghề gì, việc đã làm được nhiều hay ít, hay hay dở, điều đó không quan trọng. Điều cần là anh phải có tình yêu nếu không có tình yêu mọi sự chẳng là gì cả. Tình yêu là “thuật giả kim” biến đổi những phận sự xem ra vô tích sự thành thứ vàng ròng thiêng liêng. (1 Cor 13,1-3).   

Tình yêu: Dấu hiệu môn đệ Chúa Kitô

Tình yêu là tiêu chuẩn người môn đệ do Chúa Giêsu đặt ra: “Do điều này mà mọi người nhận biết anh em là môn đệ Thầy là anh em yêu thương nhau.” (Ga 13,35). “Thầy ban cho anh em một giới răn mới: là hãy yêu thương nhau.Như Thầy đã yêu anh em anh em hãy yêu thương nhau.” (Ga 13, 34). Tình yêu là dấu hiệu không thể bài bác, có thể kiểm tra ngay tức khắc ai đó có phải là người Kitô hữu thật không. Đây là điều người ta nhận thấy nơi các Kitô hữu thời sơ khai: “Kìa xem họ yêu nhau dường nào”. (Tertuliano Apology, 39.6).

Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần

Như đã có trước vô cùng và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng. Amen. 

 -----------------------------

[1] Cha Rodney Kissinger, SJ. là một tu sĩ Dòng Tên trong hơn 70 năm và Lm trong 60 năm. Linh đạo dày dạn của cha là kết quả của hơn 60 năm xây dựng và đưa ra các bài tập tinh thần cho các linh mục, tu sĩ và giáo dân.

Xem http://www.frksj.org/homily_The_Trinity.htm. Ngày vào mạng 27.5.2015