Thứ Năm Tuần Thánh

Ngày 6 tháng 4 năm 30

 

Các sách Tin Mừng không ghi lại gì về buổi sáng hôm nay. Nhưng từ buổi chiều thì có rất nhiều chi tiết, có thể nói là từng giờ một.

Những sự việc quan trọng :

 

– Bữa ăn Vượt qua

– Rửa chân

– Lập Bí tích Thánh Thể

– Những lời cuối của Đức Giêsu với các môn đệ

– Cầu nguyện trong Vườn Cây Dầu

– Đức Giêsu bị bắt

– Những phiên xử ban đêm

 

  1. Bữa ăn vượt Qua

 

Chuẩn bị nơi chốn

 

Theo Mc 14,13-16 thì việc chuẩn bị này có một số chi tiết hơi lạ :

– Chính Đức Giêsu đã thu xếp trước các chi tiết à Đức Giêsu coi bữa ăn Vượt Qua năm nay có tầm quan trọng hơn các năm trước.

– Dấu hiệu để hai môn đệ nhận ra được người dẫn đường là một người đàn ông mang vò nước : thông thường, lấy nước về nhà là việc của đàn bà. Cho nên khi một người đàn ông làm việc này thì rất dễ nhận ra.

– Khi theo người đàn ông ấy đến nơi thì hai môn đệ thấy một căn phòng “rộng rãi”, “trên lầu” và “đã được chuẩn bị sẵn sàng”

Chắc hẳn đây là nhà của một người thân tín với Đức Giêsu, một môn đệ và là người khá giả. Nhiều nhà chuyên môn đã đoán người đó là Nicôđêmô hay Giuse Arimathia, những môn đệ ẩn danh của Đức Giêsu. Người ta cũng đoán ngôi nhà này nằm ở góc Tây Nam của tường thành Giêrusalem. Về sau người ta đã xây lên tại chỗ này một ngôi nhà thờ mà sử gia Guillaume de Tyr gọi là “nhà thờ đầu tiên và là mẹ của các nhà thờ”. Tiếc là từ thế kỷ 16 nó đã thuộc quyền sở hữu của Hồi giáo vì người hồi giáo cho rằng nơi đây có mộ của Đavít, mà Đavít là người rất có thiện cảm với Hồi giáo !

 

Bàn ăn

 

– Nếu theo đúng giờ quy định thì bữa ăn này bắt đầu sau 5 giờ 30 chiều.

– Tư thế của những người ăn là nằm, hơi nghiêng, đầu tựa vào tay trái chống lên.

– 3 dãy bàn (hay giường) được xếp thành chữ “U”. Khoảng trống không có bàn được chừa cho người phục vụ đi vào. Thực khách nằm quay đầu vào trong và đưa chân ra ngoài.

– Dãy bàn chính giữa – đáy chữ “U” – là bàn danh dự. Chỗ giữa của bàn này là chỗ danh dự, chỗ số I,. Sát ngay bên trái là chỗ số II ; bên phải là chỗ số III. Có lẽ Đức Giêsu được bố trí chỗ I, Gioan chỗ II và Phêrô chỗ III. Ta cần xác định rõ như thế để dễ hình dung cảnh Phêrô nhờ Gioan hỏi Đức Giêsu xem ai là người phản Thầy. Còn Giuđa thì có lẽ ở chỗ cuối của một trong hai dãy bàn kia. Sở dĩ Giuđa ơ chỗ đó là vì Giuđa là quản lý, phải có chỗ thuận tiện để đi ra đi vào mà không cản trở ai cả.

 

Bữa ăn

 

Dựa theo chương Pesahim của sách Talmud, ta biết diễn tiến bữa ăn nghi lễ ấy như sau :

1/ Bắt đầu là mọi người tạ ơn Chúa vì đã ban rượu cho bữa ăn và vì ngày lễ Vượt qua này.

2/ Chấm bánh không men vào một thứ nước sốt màu đỏ được gọi là haroseth.

3/ Uống hai ly rượu đầu tiên. Giữa hai ly là vài giọt nước pha muối mặn để tưởng nhớ những giọt nước mắt thời phải làm nô lệ Ai cập.

4/ Hát Thánh vịnh 114 là Thánh vịnh kể chuyện xuất hành và nước biển rẻ đôi.

5/ Ăn thịt chiên nướng cùng với rau đắng. Những thức ăn này nhắc nhớ thời lang thang cực khổ trong sa mạc.

6/ Uống ly thứ ba và ly thứ tư : Ly thứ ba được gọi là “chén chúc tụng” vì vừa uống vừa đọc lời chúc tụng Chúa.

7/ Hát bài ca Hallel. Đây là một thánh ca tạ ơn khá dài, gồm 4 Thánh vịnh từ 115 đến 118.

 

Bầu khí của bữa ăn vượt qua rất vui vẻ. Sách Talmud viết : “Nó ngon như dầu Ô liu, và bài ca Hallel phải làm vỡ tung mái nhà”. Còn quyển ngụy thư Công vụ thánh Gioan kể rằng đang khi hát bài ấy, các tông đồ nắm tay nhau nhảy múa bao quanh Đức Giêsu.

Phần Đức Giêsu thì tuy cũng vui nhưng trong lòng Ngài pha lẫn một nỗi buồn kín đáo, vì Ngài biết đây là bữa ăn vượt qua cuối cùng trong đời mình. Ngài nói : “Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ Vượt qua này nữa, cho đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong Nước của Thiên Chúa” (Lc 22,16).

 

  1. Rửa chân

 

Giữa bữa ăn, bỗng Đức Giêsu đứng dậy, rời bàn ăn và đi rửa chân cho các môn đệ mình.

Đây là một việc làm bất thường, vì : (1) Không phải là thanh tẩy theo nghi thức vì nó được thực hiện giữa bữa ăn chứ không phải lúc đầu hay cuối bữa ăn ; (2) Người lớn mà rửa chân cho người nhỏ ; (3) Chính Phêrô cũng nhận ra sự bất thường này nên đã không cho Đức Giêsu rửa chân cho mình.

Tính cách bất thường ấy nhằm khắc sâu vào tâm khảm các môn đệ bài học mà Đức Giêsu muốn dạy họ : bài học phục vụ cách khiêm tốn. Trước đó không lâu, các môn đệ đã tranh dành địa vị với nhau ! (x. Lc 22,24)

 

  1. Lập Bí tích Thánh Thể

 

“Đang bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói ‘Anh em hãy cầm lấy mà ăn. Đây là mình Thầy’. Rồi Ngài cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ với nói ‘Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26,26-28).

Nhiều người muốn phủ nhận Bí tích Thánh Thể nên đưa ra những giải thích rất lạ về việc này :

 

a/ Có người lập luận rằng việc Đức Giêsu làm chỉ là nghi thức chúc tụng Thiên Chúa vì đã ban thức ăn.à Thực ra, theo thánh Matthêu mô tả thì cử chỉ của Đức Giêsu không giống nghi thức chúc tụng được quy định trong luật. Một tài liệu của nhóm Essêni ghi : “Khi đã dọn bánh để ăn và rượu để uống xong thì chủ tế là người đầu tiên giơ tay lên chúc phúc bánh và rượu”. Đức Giêsu không “giơ tay lên chúc phúc”, mà “cầm lấy, dâng lời tạ ơn, bẻ ra và trao”. Ngoài ra, trong những lời Đức Giêsu nói, chúng ta thấy rất rõ sự liên kết giữa bánh với Mình Ngài, cùng rượu với Máu Ngài.

 

b/ Có người không phủ nhận được sự liên kết giữa bánh và rượu với Mình và Máu Đức Giêsu, nhưng cho rằng ở đây Đức Giêsu muốn cho các môn đệ Ngài làm giống các dân tộc sơ khai là ăn thịt và uống máu các thần linh để được thông chia quyền lực của các thần linh ấy.à Thực ra, việc các dân tộc sơ khai làm chỉ là một việc mê tín dị đoan : không phải chỉ nguyên nhờ việc ăn uống thịt máu thần linh là được thông chia quyền lực các thần linh ấy. Điều quan trọng nhất là ý hướng, tình trạng trong sạch của tâm hồn lúc đó và lòng yêu mến của người ấy. Nếu chỉ là một hành vi ma thuật thì Giuđa cũng làm hành vi đó nhưng hắn đâu có được thần linh hóa gì đâu !

 

c/ Nhiều phái Tin Lành ngày nay cho rằng bánh và rượu không thực sự trở thành Mình và Máu Đức Giêsu, chỉ là tượng trưng thôi.à Nhưng chúng ta nên lưu ý rằng các tông đồ ngày xưa không nghĩ như vậy, các ngài thực sự tin đó là Mình và Máu Chúa. Chẳng hạn đoạn thư sau đây của Thánh Phaolô : “Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình.” (1Cr 11,27-29)

 

  1. Đêm tối của Giuđa

 

Cuối bữa ăn, “Tâm thần Ngài xao xuyến. Ngài tuyên bố ‘Thật Thầy bảo thật anh em, có một người trong anh em sẽ nộp Thầy” (Ga 13,21).

Tin Mừng Gioan kể tiếp : “Các môn đệ nhìn nhau, phân vân không biết Người nói về ai. Trong số các môn đệ, có một người được Đức Giêsu thương mến. Ông đang dùng bữa, đầu tựa lòng vào Đức Giêsu. Ông Simon Phêrô làm hiệu cho ông ấy và bảo ‘Hỏi xem Thầy muốn nói về ai ?’ (Ga 13,22-24)

Như đã nói ở trên, Gioan đang nằm phía bên tay trái của Đức Giêsu. Ông chỉ cần đổi thế nằm, nghiêng qua bên phải là đầu ông sẽ nghiêng vào lòng Đức Giêsu. Còn Phêrô thì đang nằm phía bên kia Đức Giêsu nên không thể nói lớn tiếng với Gioan mà chỉ ra hiệu.

Đức Giêsu trả lời : “Thầy chấm bánh đưa cho ai thì chính là kẻ ấy” (Ga 13,26). Tin Mừng Mt thì ghi : “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy” (Mt 26,23).

 

Như thế là có tới 2 chi tiết : (1) Giuđa đưa tay vào đĩa Đức Giêsu ; (2) Đức Giêsu chấm bánh trao cho Giuđa.

 

– Về chi tiết Giuđa đưa tay vào đĩa thức ăn của Đức Giêsu : Trong những thủ bản được tìm thấy ở Biển Chết có câu : “Khi nhiều người ăn chung với nhau, thì thức ăn và rượu được dọn chung trên bàn. Không ai được đưa tay lấy miếng ăn đầu tiên hay ly rượu đầu tiên trước vị chủ tế”. Còn tục lệ của các dân Phương Đông mà ngày nay những người ả rập miền Syria và Transjordanie vẫn còn giữ thì việc cùng đưa tay một lượt vào đĩa thức ăn của ai là một cử chỉ vô phép.

 

– Về chi tiết chủ tiệc chấm bánh trao cho một người nào đó, thì đó là một cử chỉ rất ưu ái.

 

Như vậy, việc Giuđa tự ý đưa tay vào đĩa thức ăn của Đức Giêsu cho thấy hắn đã vô phép không còn tôn trọng Đức Giêsu nữa. Tuy nhiên Đức Giêsu vẫn ưu ái với hắn : Ngài chấm thức ăn đưa cho hắn để vừa tránh cho hắn khỏi bị coi là vô lễ, vừa làm một cử chỉ ưu ái với hy vọng sẽ một lần chót thức tỉnh lương tri của hắn, cứu hắn khỏi tội phản Thầy.

 

Tuy nhiên, như Daniel Rops viết, “Có những lúc lòng người đầy thù hận cho nên một cử chỉ thân thiện chẳng những không đem người đó trở về với ánh sáng, ngược lại còn khiến người đó dấn sâu hơn vào đêm tối”. Đó là trường hợp của Giuđa : “Sau khi ăn miếng bánh, Giuđa liền ra đi. Lúc đó trời đã tối” (Ga 13,30).

 

  1. Những lời trối trăn

 

Theo thói quen của những người phương Đông, thỉnh thoảng sau bữa ăn tối, nhất là khi có chuyện quan trọng, người ta ngồi lại nói chuyện với nhau thêm một thời gian nữa, có khi kéo dài tới khuya.

 

Tối Thứ Năm tuần thánh, Đức Giêsu cũng làm như thế. Về cuộc nói chuyện này, các Tin Mừng Mt và Mc không ghi lại gì cả. Còn Tin Mừng Lc thì chỉ ghi lại vài dòng (Lc 22,31.38). Nhưng Tin Mừng Ga thì ghi rất dài, đến 4 chương (Ga 14-17). Đối với Tin Mừng Ga, bài nói chuyện này của Đức Giêsu cũng quan trọng không kém Bài giảng trên núi trong Tin Mừng Mt. Ngài cho các môn đệ thân yêu của mình hay là Ngài sắp ra đi ; Ngài khuyên họ hãy yêu thương nhau, hãy gắn bó với Ngài như cành nho gắn liền với cây nho ; Ngài báo trước là họ cũng sẽ bị thế gian bách hại như đã bánh hại Ngài ; nhưng Ngài hứa sẽ cho Thánh Thần đến phù trợ họ ; Ngài còn hứa là họ sẽ chiến thắng thế gian, cho nên hãy can đảm lên và đừng sợ v.v. Sau bài nói chuyện dài ấy, Đức Giêsu còn cầu nguyện cho các môn đệ và cho Giáo Hội.

 

  1. Trong vườn Cây dầu

 

Sau đó Đức Giêsu rời phòng Tiệc Ly đi đến một khu vườn trồng cây ô liu. Tin Mừng Mt và Mc gọi tên là Ghếtsêmani, nghĩa là máy ép dầu, có lẽ vì nơi đó có một máy ép dầu cho nông dân trong vùng.

 

Ngày nay tại nơi này vẫn còn 8 cây ô liu cổ thụ. Người ta nói rằng chúng đã có diễm phúc chứng kiến cảnh Đức Giêsu cầu nguyện và hấp hối. Chắc không phải vậy, bởi vì cho dù loại cây này có thể sống hơn 1000 năm, nhưng vùng này là nơi diễn ra những tránh đánh nhau ác liệt giữa quân do thái và quân đội Rôma của tướng Titus, khi đó tất cả những cây cối đều bị cháy rụi cả.

 

Về tình trạng của Đức Giêsu khi cầu nguyện trong vườn Cây Dầu, Tin Mừng Mt viết : “Ngài cảm thấy buồn rầu xao xuyến” (Mt 26,37) ; Tin Mừng Mc ghi “Ngài cảm thấy hãi hùng xao xuyến” (Mc 14,33) ; Tin Mừng Lc thì ghi “Ngài lâm cơn xao xuyến bồi hồi” và còn ghi thêm chi tiết “Và mồ hôi Ngài như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc 22,44).

 

Câu ghi nhận của Lc đáng chú ý nhất. Câu này gồm 2 chi tiết :

 

– Chi tiết “đổ mồ hôi” : Có 2 lối giải thích : (1) Những giọt mồ hôi của Đức Giêsu cũng là những giọt mồ hôi thường, nhưng đổ ra nhiều và hình dáng giống như những giọt máu. Việc Đức Giêsu đổ mồ hôi nhiều như thế biểu lộ tâm trạng của Ngài lúc đó rất “buồn rầu” nếu dùng từ của Mt, hoặc rất “hãi hùng” nếu dùng từ của Mc ; (2) Vì Luca là y sĩ, cho nên có người cho rằng Luca muốn nói tới những giọt mồ hôi đặc biệt, không còn là mồ hôi nữa mà là máu, hay ít ra có xen lẫn máu (các sách xưa gọi là “mồ hôi máu”). Theo bệnh học thì hiện tượng này (từ chuyên môn tiếng Pháp là hématidrose) có thể xảy ra trong trường hợp người ta sợ hãi quá sức ; cũng như có người sau một đêm quá sợ hãi thì tóc bạc trắng ra hết. Không biết sự thật lúc đó Đức Giêsu đổ mồ hôi hay đổ máu. Nhưng chắc chắn tâm trạng Ngài là rất sợ, như những từ mà Mt và Mc dùng (“buồn rầu xao xuyến”, “hãi hùng xao xuyến”). Ai mà không sợ khi trực diện với cái chết ! Người già biết mình sắp chết thì sợ nhưng đành chịu vậy, còn người trẻ thì khó mà chịu được. Đức Giêsu khi đó chỉ mới khoảng 30 tuổi, độ tuổi đang tràn đầy sinh lực. Thế mà Ngài biết mình sắp chết !

 

– Chi tiết “Ngài lâm cơn xao xuyến bồi hồi” : Chữ hy lạp mà thánh Luca dùng trong câu này là Agonia (thường được dịch là “hấp hối”). Trong ngôn ngữ hy lạp, Agonia không chỉ là một tình trạng sắp chết, mà còn là “chiến đấu”, đúng là một cuộc chiến đấu giữa sức sống và sự chết, chiến đấu giữa ý muốn của Thiên Chúa và sự yếu đuối của thân phận làm người. Cuối cùng Đức Giêsu đã thuận theo ý Thiên Chúa và hy sinh ý muốn sinh tồn tự nhiên của thân phận làm người. Khi Ngài nói “Xin đừng theo ý Con, mà xin theo ý Cha” thì hai ý muốn chỉ còn là một.

 

  1. Đức Giêsu bị bắt

 

Giuđa biết chỗ Đức Giêsu đang cầu nguyện, vì đây không phải là lần đầu Ngài đến đó cầu nguyện, nên hắn đã dẫn người tới bắt Ngài.

Việc bắt Đức Giêsu phải tiến hành nhanh gọn, trước hết là phải bắt được Ngài trước khi Ngài rời khỏi nơi kín đáo này mà đi đến nơi khác đông người hơn thì sẽ rất bất tiện ; kế đến là phải làm cho xong trước khi có tiếng kèn báo hiệu bắt đầu lễ Vượt Qua.

 

Những người đi bắt không biết rõ mặt Đức Giêsu, nên Giuđa đã quy ước với họ một dấu hiệu “Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh bắt lấy” (Mt 26,48).

 

Một số chi tiết đáng lưu ý về cuộc bắt giữ này :

 

(1) Tiến hành giữa ban đêm trong khi nạn nhân không có ý định trốn tránh. Đây là cách hành xử không quang minh chính đại của một cơ quan thi hành luật. Đức Giêsu đã vạch rõ ra sự mờ ám này :

“Các ông đem gươm giáo gậy gộc đến như để bắt một tên cướp sao ? Ngày ngày tôi vẫn ngồi giảng dạy ở Đền thờ thì các ông không bắt” (Mt 26,55) ;

 

(2) Đức Giêsu đã nói trúng tim đen của họ : nếu họ bắt Đức Giêsu đang khi Ngài giảng dạy thì dù sau đó Ngài có bị kết án tử thì dư luận vẫn ngưỡng mộ Ngài vì coi Ngài là một ngôn sứ chịu tử đạo. Họ cố tình bắt Đức Giêsu (và sau đó xử tử Ngài) như bắt và xử một tên gian ác. Làm như thế, ngay cả cái chết của Ngài cũng bị mất đi ý nghĩa cao đẹp, như tựa đề của một bài viết : “Người ta đã cướp đi cả ý nghĩa cái chết của Ngài” (On a volé le sens de sa mort) ;

 

(3) Trong mọi nền văn hóa, cái hôn là biểu lộ sự yêu thương (như mẹ hôn con) và kính trọng (như trò hôn tay thầy). Giuđa thì dùng cái hôn để nộp Thầy, dùng một cử chỉ cao đẹp để thực hiện một ý đồ xấu xa.

 

  1. Những phiên xử ban đêm

 

Theo 3 quyển Tin Mừng nhất lãm thì Đức Giêsu sau khi bị bắt liền được giải tới dinh Thượng Tế Caipha. Tin Mừng Gioan nói rõ hơn rằng Đức Giêsu bị giải tới dinh cựu Thượng tế Anna trước, sau đó mới tới dinh Thượng Tế Caipha.

 

Tới dinh Anna

 

Bắt Đức Giêsu xong, người ta vội dẫn Ngài tới dinh Anna (Ga 18,12).

Ông này là ai ? Ông làm Thượng Tế từ năm 7 đến năm 14. Nhưng hôm nay ông không còn làm Thượng Tế nữa. Dù vậy người ta đã giải Đức Giêsu đến ông trước tiên bởi vì tuy ông không còn làm Thượng Tế nhưng vẫn còn có thế lực rất mạnh. Sử gia Flavius Joseph cho biết rằng ông đã dùng thế lực của mình để đưa 5 người con trai của ông và cả người con rể là Caipha lên chức Thượng Tế. Có thể nói ông mới thực sự là người lãnh đạo tinh thần của dân do thái. Về lập trường của ông này đối với Đức Giêsu, Tin Mừng Gioan ghi nhận : “Chính ông này đã đề nghị với người do thái là nên để một người chết thay cho dân thì hơn” (Ga 18,14)

Hình như Anna không thẩm vấn Đức Giêsu gì cả. Ông chỉ cần thấy Đức Giêsu bị bắt là đã an tâm, vì sự việc đang đi đúng hướng ý đồ của ông. Thấy được nạn nhân của mình rồi, Anna cho giải Đức Giêsu sang dinh Thượng Tế Caipha.

 

Tới dinh Caipha

 

Caipha được đặt lên chức Thượng Tế năm 18 đến năm 36. Ông là người giữ được địa vị này lâu hơn các Thượng Tế khác. Điều này cho thấy ông rất khéo lấy lòng chính quyền Rôma. Cũng vì muốn lấy lòng chính quyền Rôma nên ông cảm lo lắng khi thấy Đức Giêsu thu hút được một số rất đông dân chúng đi theo Ngài, cụ thể là trong cuộc vào thành Giêrusalem. Để cho Rôma khỏi coi đó là một phong trào nguy hiểm nên ông muốn dẹp sớm.

Caipha đã triệu tập một cuộc họp ngay giữa ban đêm để xét vụ án Đức Giêsu.

Có rất nhiều điều sai luật trong phiên xử này :

 

  1. Xử vào ban đêm : Sách Talmud ghi : “Những vụ án nào có liên hệ đến sinh mạng của một người thì phải diễn ra dưới ánh sáng ban ngày”. Sở dĩ họ gấp rút họp nhau ban đêm như thế là để dàn xếp trước một tội danh để kết án Đức Giêsu. Cuộc xử sáng hôm sau trước toàn thể Thượng Hội Đồng chỉ là để hợp thức hóa quyết định có sẵn tối nay mà thôi.
  2. Khi Đức Giêsu trả lời các câu hỏi của Thượng Tế Caipha về các môn đệ Ngài và giáo huấn của Ngài thì một tên thuộc hạ của Thượng Tế vả vào mặt Ngài (Ga 18,22). Sách Talmud ghi rằng quan tòa mà đánh hay ra lệnh đánh bị cáo thì sẽ bị phạt.
  3. Để có vẻ làm đúng luật, họ đã đưa hai người ra làm chứng tố cáo Đức Giêsu. Nhưng lời chứng của hai người đó lại không ăn khớp với nhau. Người thứ nhất thì nói rằng Đức Giêsu đã tuyên bố ‘Tôi có thể phá Đền thờ Thiên Chúa, và nội trong 3 ngày sẽ xây cất lại” (Mt 26,61) ; người thứ hai thì nói “Tôi sẽ phá Đền thờ này…” (Mc 14,58). Và cả hai lời chứng này đều không đúng với lời Đức Giêsu đã nói : “Các ông cứ phá Đền thờ này đi, nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2,19). Cần biết rằng sách Đệ nhị luật quy định chẳng những phải có ít là hai người làm chứng, mà lời chứng của những người này phải ăn khớp với nhau nữa. Trong vụ án bà Susanna, cũng có hai người chứng, nhưng vì lời chứng của họ không ăn khớp nhau, nên chẳng những bà Susanna được tha, mà hai người làm chứng gian ấy còn bị kết tội.
  4. Vì lời khai của các nhân chứng không khớp nhau khiến không thể kết án Đức Giêsu được, nên cuối cùng Thượng Tế Caipha đã rất xảo quyệt đặt câu hỏi gài bẫy Đức Giêsu. Ông nói : “Tôi nại đến Thiên Chúa hằng sống mà truyền cho ông phải nói cho chúng tôi biết ông có phải là Đấng Kitô Con Thiên Chúa không ?” Trước một yêu cầu của một kẻ có thẩm quyền và còn nhân danh Thiên Chúa để đòi buộc, Đức Giêsu không thể không trả lời. Ngài đáp : “Chính Ngài nói đó. Hơn nữa, tôi nói cho các ông hay : từ nay các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng toàn năng và ngự giá mây trời mà đến”. Bấy giờ Vị Thượng Tế liền xé áo mình ra và nói “Hắn nói phạm thượng. Chúng ta cần gì nhân chứng nữa ? Đấy quý vị vừa nghe hắn nói phạm đến Thiên Chúa. Quý vị nghĩ sao ? Họ liền đáp “Hắn đáng chết” (Mt 26,63-66)

 

Mặc dù lộng ngôn phạm thánh là tội đáng chết, nhưng cần lưu ý đến các chi tiết sau : (1) Sách Talmud đã quy định rằng : chỉ khi nào nói đến tên mà Thiên Chúa đã mặc khải cho Môsê, tức là tên Yahweh thì mới là phạm thượng ; còn nếu nói tới Thiên Chúa bằng những kiểu nói khác, chẳng hạn “Yah” hay “Đấng Thánh”, “Đấng toàn năng” v.v. thì không phải là tội phạm thánh. Trong câu trả lời, Đức Giêsu không hề nói tên “Yahweh” mà chỉ nói “Đấng Toàn Năng”. (2) Các thành viên khác trong Thượng hội đồng hẳn là đã nhận ra được điểm tế nhị này, cho nên họ không xé áo như Vị Thượng Tế. Nếu họ thực sự thấy Đức Giêsu phạm thánh thì không chỉ một mình Caipha xé áo mình ra, mà tất cả đều phải làm y như thế ! (3) Hơn nữa, nếu muốn kết ai tội phạm thánh thì phải theo cả một thủ tục luật định : trước hết phải có hai người chứng đứng núp phía sau một bức màn để nghe ; bị cáo được đưa ra đứng trước mặt mọi người ; vị xét xử đặt câu hỏi để bị cáo trả lời mà trong câu trả lời có gọi đúng tên cực thánh cấm kỵ ; vị xét xử yêu cầu bị cáo rút lại lời nói đó nhưng bị cáo vẫn khăng khăng không rút lại. Chúng ta thấy tất cả những quy định trên đều không được tuân thủ ; (4) Ngoài ra việc Caipha dùng chính lời nói của Đức Giêsu để kết án Ngài cũng là sai luật, vì luật đã quy định rằng lời tự thú của bị cáo không có giá trị nếu không được xác nhận bởi ít ra hai người chứng khai ăn khớp nhau. Sở dĩ luật do thái quy định như thế là để đề phòng những trường hợp bất công như bị cáo bị áp lực phải tự thú sai sự thật, hay bị cáo nản lòng quá nên muốn khai bừa để được chết cho rồi.

 

  1. Phêrô chối Thầy

 

Đang khi Đức Giêsu bị xử trong dinh Thượng Tế thì Phêrô đi quanh quẩn ngoài sân.

Ở Phương Đông, sân nhà những người giàu có rất rộng và thường có nhiều người quanh quẩn ở đó : các tôi tớ, bảo vệ và dân chúng. Người ta đốt một đống lửa rồi ngồi chung quanh tán gẫu, hoặc bàn tán về những sự kiện quan trọng đang diễn ra.

Phêrô cũng chen vào nói chuyện, mục đích là để dò la tin tức Thầy mình. Tuy nhiên giọng nói đặc biệt của miền Galilê khiến ông bị nhận diện.

Người Galilê có giọng nói khác các miền khác, đặc biệt là thường phát âm sai một số phụ âm (tương tự như có người Việt Nam cứ lẫn lộn những phụ âm L và N).

Và Phêrô đã chối Thầy 3 lần. Khi đó có tiếng gà gáy, đúng như lời Đức Giêsu đã nói trước.

Cha Lagrange đã bỏ công nghiên cứu những thời điểm gà gáy ở Giêrusalem. Ngài cho biết là ở Giêrusalem vào đầu tháng 4, khi gà gáy tức là khoảng 2 giờ 30 hoặc 3 giờ đêm.

Ngày nay tại địa điểm ấy, có một ngôi nhà thờ được đặt tên là “Thánh Phêrô gà gáy” (Saint Pierre en Galicante). Có lẽ đây là ngôi nhà thờ độc nhất trên thế giới được xây dựng để tưởng nhớ đến một tội lỗi ! Thực ra nếu chỉ là tội lỗi thì không có gì đáng tưởng nhớ. Sở dĩ tội lỗi đó được tưởng nhớ là vì nó đã được lòng nhân từ của Chúa hoán cải.

Thánh Luca viết : “Chúa quay lại nhìn ông. Ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông ‘Hôm nay gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy 3 lần’. Và ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết” (Lc 22,62)

 

  • Trước Thượng Hội Đồng Do thái giáo

 

Theo các Tin Mừng nhất lãm thì phiên xử trước Thượng Hội Đồng diễn ra vào sáng sớm hôm sau. Nhưng theo Tin Mừng Gioan thì phiên xử này diễn ra ngay trong đêm Đức Giêsu bị bắt.

 

Tên của cơ quan này theo tiếng hipri là Sanhédérin : “San” có nghĩa là trật tự, “hédérin” có nghĩa là kẻ hành xử. Vậy “Sanhédérin” là cơ quan lo bảo đảm việc tuân giữ luật để giữ gìn trật tự an ninh.

 

Thượng Hội Đồng được lập vào thời bị Hy lạp đô hộ. Cơ cấu được gợi ý từ hội đồng tư vấn của Môsê thời xuất hành (Ds 11,16) nên cũng gồm 71 thành viên (70 kỳ mục cộng thêm Môsê). 71 vị này được chọn từ 3 thành phần là Tư tế, Luật sĩ và Kỳ mục. Nhưng số lượng các thành phần không nhất thiết bằng nhau. Các điều kiện để được chọn vào Thượng Hội Đồng là : (1) Phải là dòng dõi Israel tinh tuyền, (2) Phải là cha gia đình, (3) Có tướng mạo tốt (do đó không phải là người khuyết tật hay bị hoạn), (4) Không làm những nghề ô uế như buôn bán chợ đen, cờ bạc, cho vay nặng lãi v.v.

 

Đây là cơ quan cao nhất của người do thái nên quyền hạn rất lớn : vừa là thượng nghị viện, hội đồng quản trị nước, vừa là toà án tối cao và viện hàn lâm tôn giáo… Trước thời Rôma đô hộ, chính Thượng Hội Đồng bầu ra nguyên thủ quốc gia, và trong trường hợp không có nguyên thủ thì Thượng Hội Đồng đứng ra cai trị đất nước. Nhưng một ít năm trước khi Đức Giêsu sinh ra thì chính quyền Rôma đã bãi bỏ rất nhiều quyền của họ. Dù vậy họ vẫn còn giữ được quyền xét xử những vụ án vi phạm đến Luật tôn giáo, chẳng hạn như ngoại tình, làm ngôn sứ giả, xúc phạm Danh thánh Chúa v.v.

 

Để cho phán quyết của Thượng Hội Đồng có giá trị thì (1) phải có mặt ít là 23 thành viên. Vì thế có quy định rằng nếu một thành viên nào vì một lý do nào đó muốn rút khỏi cuộc họp thì phải rảo mắt đếm số các thành viên còn lại, nếu thấy vẫn còn đủ 23 thì mới được đi ra ; (2) Phiên họp phải có 2 vị chủ tọa : một vị được gọi là Nasi và Abh-Beth-Din. Các thành viên khác ngồi chung quanh hai vị này thành một hình bán nguyệt. Ở cuối mỗi cánh của bán nguyệt là một thư ký có nhiệm vụ thu thập những lá phiếu (một vị thu phiếu kết án, một vị thu phiếu tha án) ; vị thư ký thứ ba thì ngồi giữa để kiểm soát, đề phòng trường hợp gian lận.

Rất nhiều quy định được đặt ra cho việc xử một vụ có thể dẫn đến án tử hình : (1) Người tố cáo phải được khuyến cáo như sau : “Ngươi đừng quên rằng ngươi đang mang trên mình máu của người mà ngươi kết án, và của các dòng dõi người ấy cho đến tận thế” ; (2) Phải có ít ra là hai người làm chứng. Những người này cũng được khuyến cáo như vậy ; (3) Nếu tòa tuyên án tử thì những người làm chứng là những người đầu tiên thực hiện việc giết chết tội nhân ; (4) Nếu làm chứng gian thì sẽ bị trừng phạt ; (5) Khi toà tuyên án tử thì bị cáo có quyền biện hộ ; (6) Cho dù tòa đã tuyên án tử thì án này phải được hoãn lại đến hôm sau mới thi hành. Trong đêm đó các thành viên Thượng Hội Đồng phải ăn chay, cầu nguyện và suy nghĩ lại thật kỹ xem có nhất thiết giữ y án ấy không ; (7) Đến lúc thi hành án thì cũng còn có thể thay đổi án phạt. Nhưng chỉ được đổi cho nhẹ hơn thôi.

 

Tất cả những quy định trên cho thấy là luật pháp rất cẩn thận đối với một án tử hình. Thế nhưng tất cả những quy định trên đã không được tuân thủ trong vụ án Đức Giêsu ! Các Tin Mừng Mt và Mc cho thấy là phiên xử ở Thượng Hội Đồng chỉ diễn ra rất ngắn. Thực ra, phiên xử vội vàng này chỉ nhằm hợp pháp hóa quyết định của cuộc họp đêm trước ở dinh Thượng Tế mà thôi.

Còn một vấn đề nữa : Thượng Hội Đồng có quyền tuyên án tử không ? Sách Talmud, chương viết về Thượng Hội Đồng có ghi : “Bốn mươi năm trước biến cố Giêrusalem bị tàn phá, người ta đã cất khỏi Israel quyền xét xử về sự sống và sự chết”. Một trong những lý do khiến Rôma truất quyền kết án tử hình của Thượng Hội Đồng do thái là vì dân tộc này rất thích tuyên án tử.

Vậy mà Thượng Hội Đồng do thái giáo đã tuyên án xử tử Đức Giêsu.

 

CỬ HÀNH PHỤNG VỤ

 

Phụng vụ hôm nay có 4 nghi lễ chính :

 

  1. Đức Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể
  2. Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ
  3. Việc hòa giải
  4. Cội nguồn các bí tích
  5. Lập Bí tích Thánh thể
  6. Lịch sử

 

– Thế kỷ IV, thời Thánh Augustinô ở Bắc Phi, vì Giáo Hội muốn sống từng giờ với Đức Giêsu trong cuộc vượt qua của Ngài nên đã lập ra nghi lễ chiều Thứ Năm Tuần Thánh.

– Vì ý muốn đó cho nên đây là ngày duy nhất buộc cử hành đúng vào giờ bữa ăn tối.

 

Việc cử hành

 

Nghi lễ gồm 2 phần : Thánh lễ và canh thức sau Thánh lễ

a/ Trong Thánh lễ, những phần phải chú ý nhất : bài đọc 2, lời truyền phép (anamnèse) và việc hiệp lễ.

– Bài đọc II : 1 Cr 11,23-26

Đoạn này là văn bản cổ nhất tường thuật việc Đức Giêsu lập bí tích Thánh Thể.

Sở dĩ Phaolô nhắc lại nó cho giáo dân Côrintô là vì có sự lệch lạc trong việc họ cử hành bí tích này : bữa ăn agape (trước bữa ăn cena) không còn ý nghĩa chia xẻ và hiệp thông nhưng trở thành dịp để chia rẻ (giàu với nghèo) và tranh dành (lo ăn trước để được phần ngon)

Như thế, Bài đọc II lưu ý chúng ta về tinh thần chia xẻ hiệp thông phải có mỗi khi dự Thánh lễ.

– Phần truyền phép và Rước lễ : phải chú ý là sau lời Truyền phép thì Đức Giêsu hiện diện thật sự trong bánh rượu ; và khi chúng ta rước lễ là rước Đức Giêsu thực sự vào tâm hồn chúng ta.

b/ Ý nghĩa phần Canh thức là kết hợp thân thiết với Đức Giêsu, Đấng đã chết nhưng đã sống lại và đang hiện diện trong Bánh Thánh Thể. Trong thời gian canh thức này, có thể suy niệm các giai đoạn Đức Giêsu ở vườn Cây Dầu, bị bắt, bị xử trong các tòa án rôma và do thái, bị chế nhạo. Nhưng đừng bao giờ quên sự hiện diện của Đức Giêsu, một sự hiện diện thực sự chứ không phải chỉ là tưởng nhớ.

 

Rửa chân

 

Lúc ban đầu, việc rửa chân không nhất thiết phải làm trong Thánh Lễ. Do đó ngày nay, nếu thấy làm việc này trong Thánh lễ mà ý nghĩa được nổi bật thì cứ làm. Nhưng cũng không cấm làm lúc khác ngoài Thánh lễ : thí dụ Giám mục hay Linh mục chánh sở tổ chức một bữa cơm cho người nghèo khổ và các ngài đến từng bàn để phục vụ.

Rửa chân có lẽ chỉ có ý nghĩa trong xã hội do thái ngày xưa khi người ta còn đi đường bằng chân trần. Ngày này xã hội khác, văn hóa khác. Ta có thể nghĩ ra những cử chỉ khác có ý nghĩa hơn và hợp với văn hóa xã hội ngày nay. Chỉ cần lưu ý đến ý nghĩa : Đức Giêsu làm gương phục vụ khiêm tốn, chúng ta phải noi theo.

 

Việc hòa giải

 

Ngày xưa, nghi lễ Tối Thứ Năm tuần thánh kết thúc thời gian Mùa Chay, các hối nhân được hòa giải và tha thứ, được chấp nhận trở lại bàn tiệc Thánh Thể. Từ thế kỷ IV (lúc bắt đầu có nghi thức Thứ Năm Tuần Thánh) cho tới thế kỷ VII. Ý nghĩa hòa giải là ý nghĩa chính của ngày này.

Ngày nay không có lễ nghi nào trong ngày Thứ Năm Thánh nói lên ý nghĩa này. Nhưng mỗi tín hữu phải ý thức rằng ta chỉ có thể tham dự các lễ nghi tưởng niệm mầu nhiệm vượt qua nếu ta đã hòa giải với Chúa qua bí tích hòa giải, và đã tiến bộ trong việc hòa giải với anh chị em.

 

Cội nguồn các bí tích

 

Trong ngày hôm nay còn có Thánh lễ Đức Giám Mục đồng tế với các Linh mục trong giáo phận. Trong Thánh lễ này, ĐGM làm phép dầu. Việc đồng tế của Linh mục đoàn nhắc lại việc Đức Giêsu lập Bí Tích truyền chức thánh.

– Ý nghĩa việc làm phép dầu :

                a/ Làm phép dầu trong Tam nhật Thánh : Mọi bí tích đều bắt nguồn từ mầu nhiệm vượt qua.

                b/ Làm phép dầu trong Thánh Lễ : Mọi bí tích đều liên quan tới bí tích Thánh Thể là bí tích tuyệt vời nhất.

                c/ Làm phép dầu do Giám mục có Linh mục đoàn đồng tế : Các bí tích không phải là những việc ban ơn cứu độ cho cá nhân, nhưng phải có tính cách thông hiệp với Giáo Hội.

– Ý nghĩa bí tích Truyền chức thánh : Ngoài lễ làm phép dầu mà các Linh mục trong giáo phận cùng đồng tế với Giám mục, thì Thánh lễ ban tối cũng phải được đồng tế. Do đó luật chỉ cho phép được cử hành một Thánh lễ duy nhất (ngoài lễ Dầu) : tất cả các Linh mục trong giáo xứ, kể cả các Linh mục tuyên uý các nhà dòng hay hội đoàn, và các Linh mục đang hưu cũng đều đồng tế với nhau.