Jaime L. Waters

Chúa Nhật V Mùa Chay năm C
Is 43,16–21; Pl 3,8–14; Ga 8,1–11
 
Bài Tin mừng Chúa nhật V Mùa Chay kể câu chuyện thường được gọi là “Người phụ nữ ngoại tình”, tuy nhiên cần có một ‘tên gọi’ mới để đặt đúng trọng tâm câu chuyện. Có lẽ tên gọi chính xác hơn sẽ là: “Người phụ nữ được Chúa Giêsu nhìn thấy và tôn trọng” hoặc “Chúa Giêsu khiển trách giới lãnh đạo Do Thái”. Người đọc hôm nay cần phải lưu ý đến cách thức ‘tên gọi’ ảnh hưởng đến việc giải thích một bản văn.

Phân đoạn hôm nay được trích từ Tin mừng của thánh Gioan, nhưng để nội dung bản văn phù hợp với Tin mừng này thì thật phức tạp. Các bản viết tay đầu tiên của Tin mừng Gioan không có câu chuyện này, và một số truyền thống ghi lại câu chuyện trên vào những lúc khác nhau trong Tin mừng Gioan hoặc thậm chí trong Tin mừng Luca. Dù cho lịch sử về bản văn có phức tạp, tự câu chuyện được chấp nhận như một truyền thống đích thực có thể đã lưu hành độc lập với các sách Tin mừng.

Trong bài trình thuật, các nhà thông luật và người Pharisêu đem xét xử công khai để ném đá một người phụ nữ bị bắt khi phạm tội ngoại tình. Cần lưu ý đến tác động ‘sợ hãi’ của cả hai người nam nữ khi bị bắt gặp, dù bản văn không chú ý đến việc này. Các nhà lãnh đạo Do Thái trưng dẫn luật Môsê và chuẩn bị ném đá người phụ nữ, dù khoản luật liên quan đến việc ném đá người phạm tội ngoại tình là phải xử tử cả hai (Lv 20,10; Đnl 22,22). Bản văn không nhắc đến người được cho là đồng phạm với cô, điều này không may đã phản ánh khuynh hướng chú trọng đến lỗi lầm của phụ nữ trong một số bản văn và khiến họ phải chịu phán xét và khiển trách.

Giới lãnh đạo chất vấn Đức Giêsu xem họ nên xử người phụ nữ này như thế nào. Đức Giêsu hai lần viết trên mặt đất, có lẽ để chuẩn bị trả lời hoặc ra hiệu Ngài phớt lờ sự thách thức của họ. Cuối cùng, khi trả lời, Đức Giêsu nói với các luật sĩ và người biệt phái: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” Không ai trong số họ dám ném đá, nên họ bỏ đi. Sau đó, Đức Giêsu hỏi người phụ nữ có ai đã lên án cô không. Khi cô nói không, Ngài trả lời: “Tôi cũng không lên án chị. Hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”.

Đức Giêsu có thể chỉ nói đơn giản là đừng lên án người phụ nữ này — đó sẽ là một câu trả lời tuyệt vời. Thay vào đó, Ngài đi xa hơn khi nhận ra sự kiêu ngạo và phán xét của những nhà lãnh đạo đang hành hạ cô và mời gọi họ tự vấn chính mình. Thay vì công khai nhục mạ người phụ nữ, các luật sĩ và người biệt phái nên tự xem lại bản thân và hành vi sai trái của mình.

Mặc dù phân đoạn này dựa trên chủ đề của những tuần trước về sự ăn năn và tha thứ, nhưng đồng thời nó còn chuyển tải nhiều hơn thế. Câu chuyện cho chúng ta thấy quyền lực và những vấn nạn của sự thóa mạ và sỉ nhục. Điều đó sẽ khiến chúng ta suy nghĩ về những cảnh huống tương tự hiện nay và cách thức đối xử với nhau xứng hợp phẩm giá và trân trọng, như chính Đức Giêsu đã làm.

Nhiều người trong xã hội cũng như Giáo hội thường hay phán xét và chỉ trích, nhất là những gì liên quan đến phụ nữ, đến thân xác của họ. Giống như người phụ nữ trong bài Tin mừng hôm nay, người nữ ngày nay thường phải đối mặt với gánh nặng khó khăn khi chịu xấu hổ vì các hành vi tình dục và thậm chí nhục nhã khi là nạn nhân của tấn công tình dục.

Chúng ta phải nhận thấy những gì Đức Giêsu làm và không làm trong câu chuyện. Ngài nhìn thấy và nói chuyện trực tiếp với người phụ nữ, điều mà các luật sĩ và người biệt phải trong câu chuyện không bao giờ làm. Hơn nữa, Ngài từ chối lên án và không phán xét tội lỗi của cô ngay cả khi bảo cô đừng phạm tội nữa. Ngài không xem cô là người phụ nữ bị bắt phạm tội ngoại tình, và chúng ta cũng nên có cái nhìn như vậy. Ngoài ra, khi nói chuyện với các luật sĩ và người biệt phái, Đức Giêsu hướng họ chú ý đến hành vi tội lỗi của bản thân, gợi cho họ tập trung vào việc ăn năn hơn là phán xét. Khi sắp kết thúc hành trình Mùa Chay, Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy thương xót, cảm thông và biết chú ý đến những khiếm khuyết của bản thân, nỗ lực cải thiện hết thảy mọi mặt.
 
Bài đọc: Thanhlinh.net
Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ America Magazine (28/3/2022)