Truyền thông đa phương tiện nói chung và mạng xã hội hôm nay nói riêng càng ngày càng trở nên mảnh đất màu mỡ cho việc truyền bá tư tưởng và ý thức hệ.Trên các trang mạng tràn ngập thông tin nhiều chiều, nhưng điều có thể thấy rõ hơn cả là dòng chuyển động đằng sau mang tính tiêu cực, lên án và phá huỷ đang lèo lái truyền thông. Những giá trị tốt đẹp cũng được khơi lên chỗ này chỗ kia nhưng nhanh chóng bị lấn át bởi những làn sóng của tin giả, tin sock, tin giật gân với những lý lẽ tinh vi và đầy cuốn hút. Chính sự lèo lái tinh vi với mục đích kết án và huỷ diệt đã khiến cho xã hội ngày một tiêu cực hơn.

Nơi hiện tượng tiêu cực này, tôi thấy một xã hội thiếu định hướng, thiếu phân định và người tham dự vào dễ trở nên một đám đông vô thức. Người ta dễ biến nhau trở nên công cụ huỷ diệt chính con người qua động lực lên án. Quả vậy, khi Lên án trở thành một tiền đề, như một nền tảng để người ta định hướng dư luận thì toàn bộ lối nhìn sẽ được bao trùm bởi tư tưởng phá hoại qua những hành động bới lông tìm vết hơn là khách quan tìm điểm tốt, điểm sai để điều chỉnh. Thật thế, khi có bất kỳ một hiện tượng nào xảy ra, người ta luôn đặt ra đủ mọi loại nghi ngờ mà đôi khi được gọi là thuyết âm mưu. Nếu là sự kiện tốt đẹp, họ gieo rắc vào lòng người ta sự nghi ngờ về những nguyên nhân đằng sau. Nếu là sự kiện tiêu cực, ôi thôi thì đủ mọi kiểu lên án, chửi rủa,… Nếu với những con người họ không ưa, thì họ định hướng người đọc theo những nếp nghĩ tiêu cực, thậm chí đặt ra những nghi vấn đầy tính toán thâm độc, miễn là dư luận quan tâm và thu hút đánh giá theo chiều hướng của họ. Tôi gọi đây là thứ thủ đoạn giật dây, không đáng nêu đến như một Văn hoá. Người ta che lấp sự thật to lớn bằng những thông tin giật gân. Người ta lấp liếm những sự xấu xa có tính hệ thống bằng những sự xấu xa có vẻ lớn hơn khác, dẫu cái sau chỉ là hệ quả của cái trước.

Thứ đến, có lẽ những người được coi là mang nhiều trọng trách với ảnh hưởng rộng mà cũng mang trong mình tư tưởng lên án hay định hướng tiêu cực thì mức độ tác động xấu lại càng cao. Nói đến đây, tôi chợt nhớ tới một số vị được nhiều người coi là đáng kính hay ít nhất có ảnh hưởng nhất định trong vai trò xã hội của mình. Lối nói và cách đặt vấn đề có thể cho thấy họ đang kéo bè cánh và gây chia rẽ nhiều hơn. Họ biện minh bằng những dòng chữ với ý nghĩa mơ hồ kèm theo những lời kiểu như “viết để đấy và không nói gì”. Nhưng chính lối nói lấp lửng, khiêu khích đã là một sự lèo lái và hàm ý xấu trong đó. Những dòng như thế lại có số lượng theo dõi và bình luận tương đối lớn.  Điều này thật đáng lo ngại! Nó như một thứ virut Lan truyền đi vậy. Đức Thánh Cha trong nhiều bài giảng hay huấn từ của mình thường cảnh báo người tín hữu về thói xấu này và ví nó như một thứ u nhọt gây chia rẽ. Đó là thứ nói hành nói xấu, đặt điều dối gian….đây là nền Văn hoá hiếu tử, phản Kitô.

Sự thật luôn gặp chống đối trong bất kỳ giai đoạn nào nhưng chỉ chân lý mới giải phóng thế giới một cách thực sự. Hãy xem cách Đức Giêsu hành xử đối với một mẩu tin hay sự kiện nào đó hay chiêm ngắm cách mà Người bày tỏ Thái độ về biến cố. Hãy tự hỏi nếu Chúa Giêsu sống trong thời đại của tôi đây Người sẽ phản ứng ra sao. Trước một con người hay biến cố, Chúa Giêsu có thể bày tỏ cảm xúc giận ghét hay yêu thương. Ngài có thể chỉ ra những điều xấu xa trong đó và lột tả sự thật. Nhưng không dừng lại ở đó, Người còn đưa ra phương dược để cứu vãn tình hình và cứu sống người ta. Tôi xác tín rằng, với sự dữ ngài quyết tâm loại trừ đến tận cùng, nhưng với tội nhân Người yêu mến và kiên nhẫn cũng đến tận cùng. Chính vì thế, sự dữ Cần bị loại bỏ, nhưng tội nhân luôn Cần được đưa về và chữa trị.

Có thể đưa ra tiêu chuẩn để phân định là ích chung, và ích chung được thể hiện cụ thể nơi những giá trị:

– chân lý trọn vẹn: Góc nhìn để đánh giá có toàn diện và khách quan?

– niềm vui: niềm vui có được lan tỏa?

– hy vọng: nó có đem lại cho người ta hy vọng hay truyền cảm hứng cho người khác về niềm hy vọng?

– Hiệp nhất: khởi đầu với tiền đề và lối phân tích có hướng chiều về sự hiệp nhất, liên đới giữa con người với nhau và với Thiên Chúa?

– yêu thương: liệu mục đích của bài viết có đặt trên tiêu chuẩn yêu thương và có khơi dậy tình yêu giữa người với người?

– chữa lành: lối nhìn về hiện tượng dù khách quan là xấu nhưng liệu có một phương dược để chữa lành chứ không phải để trù dập, phá hoại, xét nét và giết chết con người?

– thương xót: là người ấy là thiếu sót, là người ấy là cần thương xót, nên ai cũng đã từng được xót thương, vậy có một lối nhìn cảm thông và thương xót cho người khác không?