Khi còn nhỏ, tôi không thích tôn giáo lắm, nhưng tôi thích khoa học. Khi mười tuổi, nhóm “Young Astronomers” (các nhà thiên văn trẻ) trong trường đến thăm trung tâm “Jet Propulsion” ở California. Trong cuộc thăm viếng này, chúng tôi đứng trên một lan can nhìn xuống các khoa học gia bên dưới đang chuẩn bị phi thuyền Cassini để phóng đi. Khi tôi nhìn đến lan can này, tôi nghĩ những gì khoa học đã đem cho nhân loại: những điều như Internet, máy bay, và y khoa tân tiến.

 

Năm kế đó tôi vào lớp mười một và quyết định chỉ tin những gì khoa học có thể chứng minh. Nhưng một vài năm sau trong sự trở về đức tin Công Giáo, tôi nhận thực rằng tôi đã đặt quá nhiều tin tưởng vào khoa học, và không đủ tin tưởng vào các phương cách khám phá ra sự thật phi khoa học.

 

Khoa Học Là Gì?

 

Trong thời Trung Cổ, khoa học được định nghĩa là “sự hiểu biết các sự vật từ các nguyên do của chúng”4 (chữ Latinh scientia có nghĩa “hiểu biết”). Điều này gồm sự hiểu biết về các sự vật tự nhiên, như ngôi sao và hành tinh, cũng như hiểu biết về sự vật siêu nhiên, như thiên thần và Thiên Chúa. Nhưng năm 1837, William Whewell dùng từ “khoa học” để ám chỉ những ai tìm kiếm sự giải thích tự nhiên có hệ thống, cho hiện tượng được quan sát.

Theo định nghĩa mới này, các khoa học gia không thể dùng Thiên Chúa như một giải thích cho những gì họ quan sát. Vì Thiên Chúa hiện diện ngoài thế giới tự nhiên có thể quan sát được, Người không thể được nghiên cứu với khoa học -- nhưng điều đó không có nghĩa Thiên Chúa không hiện diện.

Máy dò kim loại không thể khám phá ra kim cương, nhưng điều đó không chứng minh là không có đá quý ở bờ biển mà ai đó đã đánh rơi hột xoàn. Cũng như máy dò kim loại, “dụng cụ suy nghĩ” chúng ta dùng để xem xét thế giới thì có giới hạn, và giới hạn khoa học là giới hạn của thế giới tự nhiên. Ngoài giới hạn đó có lẽ có một điều gì đó, tỉ như Thiên Chúa, nhưng chúng ta cần các dụng cụ khác ngoài khoa học để có thể tìm thấy.

Một số người nghĩ khoa học là dụng cụ duy nhất có thể dùng để xem xét thế giới và chúng ta không tin bất cứ gì không thể được minh chứng từ khoa học.  Thái độ này được gọi là khoa học vạn năng, và tự nó bác bỏ chính nó vì không có thực nghiệm khoa học nào chứng minh rằng chỉ có một cách hiểu biết đáng tin cậy là khoa học. Ngoài ra, chúng ta tin vào nhiều điều mà không thể minh chứng bằng khoa học.

Nếu câu trả lời cho vấn đề “Khoa học có quan trọng không?” bạn nói là có, làm thế nào minh chứng điều đó bằng khoa học? Không có thí nghiệm nào hay bộ máy nào cho thấy khoa học thì quan trọng. Thay vào đó, chúng ta dùng sự hợp lý của lý lẽ để minh chứng chân lý này và nhiều thứ khác.

Thí dụ, khoa học có thể nói với chúng ta thế giới  gì, nhưng nó không thể nói cho chúng ta biết thế giới phải như thế nào. Khoa học đem cho chúng ta máy bay và thuốc, nhưng nó cũng đem cho chúng ta bom nguyên tử và khí độc. Khoa học không thể cho thấy cái gì tốt hay xấu vì nó chỉ là một dụng cụ mà chúng ta có thể sử dụng nó tốt hoặc xấu. Chúng ta cần các dụng cụ suy nghĩ khác, như triết học và cảm nghiệm cá nhân, để hiểu các chân lý về thế giới mà khoa học không thể khám phá -- kể cả những chân lý liên quan đến ai hay cái gì đã tạo nên thế giới này.

 

Một Khoa Học Gia Tiết Lộ Những Giới Hạn của Khoa Học

Năm 1960, Sir Peter Medawar chiếm một giải Nobel Hòa Bình về sự nghiên cứu là các cơ phận và tế bào có thể cấy được. Ông cũng viết một cuốn sách tựa đề “Advice to a Young Scientist” (lời khuyên cho một khoa học gia trẻ), trong đó ông viết như sau:

“Không cách nào nhanh hơn để một khoa học gia làm cho chính mình hay sự nghiệp của mình mất tín nhiệm bằng cách dõng dạc tuyên bố rằng khoa học có biết hay sẽ biết câu trả lời cho mọi vấn đề đáng để hỏi.” 5

Tuy ông không đặt nặng vấn đề tôn giáo, Medawar tiếp tục nói rằng chúng ta phải quay về với văn hóa và tôn giáo cho “những câu trả lời thích hợp” với những câu hỏi như “Mọi sự bắt đầu thế nào?” và “Chúng ta ở đây để làm gì?”

 

Giáo Hội Công Giáo có Phản-Khoa Học?

 

Khác xa với thái độ chống đối khoa học, sách Giáo Lý Công Giáo (GLCG) -- sách giảng dậy chính thức của Công Giáo -- ca ngợi “các nghiên cứu khoa học làm phong phú kiến thức của chúng ta” (GLCG 283). Thí dụ, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói với Viện Khoa Học của Vatican rằng sự tiến hóa thì “nhiều hơn là một giả thuyết”, và Đức Giáo Hoàng Benedict XVI còn đi xa hơn nữa khi nói rằng có “nhiều minh chứng khoa học hỗ trợ cho sự tiến hóa”.6

Nhưng còn vụ Galileo thì sao? Không phải là Giáo Hội đã bách hại ông vì nói rằng trái đất xoay chung quanh mặt trời sao? Không phải là điều này cho thấy Giáo Hội Công Giáo chống với các khám phá khoa học trái ngược với những gì đã được đức tin xác định sao?

Trước hết, Giáo Hội Công Giáo không lên án quan điểm mặt trời là tâm điểm của hệ mặt trời.  Theo trang “Stanford Encyclopedia of Philosophy”, vào thời điểm này trong lịch sử “Công Giáo không có lập trường chính thức về hệ mặt trời của Copernican, và chắc chắn đó không phải là một tà thuyết (heresy)”7. Nhiều khoa học gia thời Galileo chấp nhận các lý luận của cổ Hy Lạp về một trái đất đứng yên, các lý luận đó chưa bị bác bẻ. Ngày nay chúng ta có thể dùng vệ tinh để minh chứng trái đất xoay chung quanh mặt trời, nhưng năm trăm năm trước vấn đề này không dễ giải quyết.

Thật vậy, Galileo nghĩ các hành tinh quay chung quanh mặt trời theo một vòng thật tròn, trong khi thực sự chúng xoay theo vòng bầu dục. Vì lý do này, thuyết của Galileo không được dùng cho mọi sự chuyển dịch có thể quan sát được của các hành tinh khác, đó là  một lý do ĐGH Urban VIII khuyên Galileo hãy coi lý thuyết này là tạm thời. Không may, Galileo lại chế giễu đức giáo hoàng trong cuốn “Dialogue Concerning the Two World Systems” (đối thoại về hai hệ thống thế giới), trong đó một nhân vật mang tên Simplicio, có nghĩa “dại khờ”, đại diện cho quan điểm của đức giáo hoàng. Galileo còn cho rằng Kinh Thánh phải được giải thích lại theo những gì ông tìm ra được, đó là một kết luận nằm ngoài lãnh vực chuyên môn của ông. Cả hai nhầm lẫn này đã đưa tới phiên tòa nổi tiếng của ông vào năm 1633.

Trái với sự tin tưởng phổ thông, Galileo không bị tra tấn, nhưng được cho rằng “bị ảnh hưởng của tà thuyết”. Theo người bạn Francesco Niccolini của ông, Galileo bị giam tại gia và được cấp cho một đầy tớ để phục vụ ông cho đến khi từ trần vào tuổi già.8 Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sau này đã xin lỗi vì bất cứ sự bất công nào nếu có xảy ra cho ông Galileo trong phiên xử và tái xác nhận sự tương quan tốt đẹp giữa Giáo Hội và khoa học.

Khoa Học Có Dẫn Đến Vô Thần không? 

Tuy một số khoa học gia nổi tiếng lại là người vô thần, theo Trung Tâm Nghiên Cứu Pew, 51 phần trăm khoa học gia tin có Thiên Chúa hoặc một quyền lực cao cả nào đó.9 Thật đúng là khoa học gia dễ bị coi là vô thần, nhưng Elaine Ecklund có viết trong cuốn Science vs Religion rằng chính khoa học không biến người ta thành vô thần; chỉ vì người vô thần thích theo đuổi sự nghiệp trong khoa học.

Điều này có nghĩa trong chính khoa học, không có gì làm cho nó không xứng hợp với tôn giáo. Một số đóng góp vĩ đại nhất cho khoa học lại xuất phát từ người có tôn giáo. Điều này bao gồm các tu sĩ như Gregor Mandel, người được gọi là “Cha của di truyền học hiện đại”, và các linh mục như Cha Georges Lemaitre, người được gọi là “Cha của thuyết đại thanh (big-bang)”

Vì sự thay đổi không ngừng của bản chất khoa học, Giáo Hội Công Giáo chỉ dậy về những vấn đề liên quan đến đức tin hay luân lý. Giáo Hội không thừa nhận các lý thuyết khoa học, dù rằng Giáo Hội hỗ trợ khoa học từ lâu. Thí dụ, Giáo Hội thời trung cổ tài trợ cho các khoa học gia nào đã giúp thiết lập lịch hiện đại. Ngày nay, Vatican mở một đài quan sát mà các nhà thiên văn ngoài đời có thể sử dụng thường xuyên.

Theo sử gia J. L. Heilbron, “Giáo Hội Công Giáo La Mã đã cung cấp tài chánh và hỗ trợ về xã hội để nghiên cứu thiên văn trên sáu thế kỷ, từ việc khôi phục học thuật xa xưa trong thời Trung Cổ đến thời Khai Sáng, nhiều hơn bất cứ, và có lẽ tất cả, mọi tổ chức nào khác.”10

 

Đức Tin Là Gì?

 

Khi người ta nói, “Khoa học mâu thuẫn với đức tin,” họ thường định nghĩa đức tin là “tin không có chứng cớ” hoặc “tin bất kể chứng cớ như thế nào.” Khoa học có lẽ mâu thuẫn với định nghĩa về đức tin như thế, nhưng không trái với sự hiểu biết truyền thống về đức tin.

Trong nghĩa rộng, đức tin là một loại tin tưởng chúng ta có đối với người khác hay sự vật. Tỉ như, chúng ta có thể nói, “Tôi tin rằng anh Danh sẽ hoàn tất đồ án của chúng ta.” Ngay cả các khoa học gia cũng tin rằng các quy luật tự nhiên sẽ hoạt động giống nhau trong mọi thời và mọi nơi, dù họ không thể minh chứng rằng các luật tự nhiên sẽ luôn luôn diễn tiến như vậy.

Với người Công Giáo, đức tin là “nhân đức đối thần mà qua đó chúng ta tin vào Thiên Chúa và tin tất cả những gì Người đã nói và đã tiết lộ cho chúng ta.”11 Nếu Thiên Chúa có hiện hữu thì thật hợp lý để người ta tin, hay có đức tin, nơi Thiên Chúa, cũng giống như chúng ta tin tưởng nơi người khác. Điều này bao gồm sự tin tưởng vào những gì Thiên Chúa đã tiết lộ cho một cá nhân qua những điều như cầu nguyện, hay một phương cách chung qua những điều tỉ như Kinh Thánh hay những giảng dậy của Giáo Hội.

 

Phải Hiểu Đúng Thuật Ngữ



Đức tin (nghĩa rộng): Một loại tin tưởng chúng ta đặt nơi một người hay một vật dựa trên chứng cớ và kinh nghiệm.

Đức tin (nghĩa tôn giáo): Tin tưởng vào lời hứa của Thiên Chúa dựa trên chứng cớ và cảm nghiệm về sự mặc khải của Thiên Chúa.12

Nhưng không phải là khi tin bạn không cần chứng cớ cho điều bạn tin sao? Xét cho cùng, nếu bạn có đủ chứng cớ bạn không cần đức tin. Nhưng hãy để ý điều này: theo Hội Nhẩy Dù Hoa Kỳ, 99.99 phần trăm những người nhẩy dù (skydiver) sống sót sau khi nhẩy. Bây giờ, hãy tưởng tượng bạn mang một chiếc dù mà bạn biết nó được gói ghém thật chính xác và bạn bước ra cửa phi cơ. Khi bạn nhìn xuống đất xa hai dặm và thấy các đám mây bay ngang, tôi hỏi bạn: “Bạn có lo không?”13

Có lẽ! Ngay cả với rất nhiều bằng chứng rằng bạn sẽ sống sót sau khi nhẩy ra khỏi phi cơ, bạn vẫn cần tin tưởng vào bằng chứng đó. Bạn vẫn cần phải làm một “liều lĩnh về đức tin”. Đây không phải là một sự liều lĩnh mù quáng hay tin không có chứng cớ. Nó là một sự tin tưởng hợp lý rằng đây là sự tín thác vào một kết quả được dựa trên sức nặng của bằng chứng.

Với điều đó trong đầu, chúng ta hãy xem xét bằng chứng về chân lý nền tảng của đức tin Công Giáo: sự hiện hữu của Thiên Chúa.

 

 

TẠI SAO CHÚNG TÔI TIN: KHOA HỌC

 

  • Khoa học là một dụng cụ dùng để khám phá các sự thật về thực tại, nhưng đó không chỉ là dụng cụ duy nhất, vì nó chỉ giới hạn vào việc diễn tả thế giới vật lý, tự nhiên.
  • Chúng ta phải dùng các “dụng cụ suy nghĩ” khác, như lý lẽ hợp lý, để xem xét những gì nằm bên ngoài thế giới vật lý, tự nhiên.
  • Đức tin không mâu thuẫn khoa học vì đức tin không chống với chứng cớ. Đức tin là một sự tin tưởng chúng ta có về điều gì đó và, trong nghĩa tôn giáo, đó là một sự tin tưởng vào lời hứa của Thiên Chúa.
 
Ghi chú
 
4 St. Thomas Aquinas, Summa Contra Gentiles, 1:64.
5 P. B. Medawar, Advice to a Young Scientist (New York: Basic Books, 1979), 31.
6 Pope Benedict XVI, Meeting of the Holy Father Benedict XVI with the Clergy of the Dioceses of Belluno-Feltre and Treviso, July 24, 2007, www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2007/july/documents/hf_ben-xvi_spe_20070724_clero-cadore_en.html.
7 Sheila Rabin, “Nicolaus Copernicus,” in Edward N. Zalta, ed., The Stanford Encyclopedia of Philosophy, Fall 2010 ed., plato.stanford.edu/archives/fall2010/entries/copernicus/.
8 This is found in Niccolini’s February 13 and April 16 letters in 1633 to the king of Tuscany.
9 Pew Research Forum, “Scientists and Belief,” November 5, 2009, www.pewforum.org/2009/11/05/scientists-and-belief/.
10 J. L. Heilbron, The Sun in the Church: Cathedrals as Solar Observatories (Cambridge: Harvard University Press, 1999), 3.
11 Giáo Lý Công Giáo (GLCG) 1814. Sách Giáo Lý là một tóm lược những gì người Công Giáo tin.
12 See also CCC 142-165 for a more comprehensive description of faith from a Catholic perspective.
13 I owe this example to philosopher Timothy McGrew.