Là người đánh cá khiêm tốn, Phêrô là người mà Chúa Giêsu đã chọn để trở thành người đứng đầu Giáo hội. Luôn bị giằng co giữa sự dấn thân và nghi ngờ của mình, giữa khát vọng và yếu đuối, ngài là một mầu nhiệm cũng như là điều hiển nhiên. « Không có Phêrô, sẽ không có hiệp nhất », sử gia Christophe Dickès, vừa xuất bản cuốn « Thánh Phêrô, mầu nhiệm và hiển nhiên », giải thích với Aleteia.

Ngài là người được trích dẫn nhiều nhất trong Tân Ước sau Chúa Giêsu. Thánh Phêrô, một người đánh cá chất phác từ miền Galilê, là người mà Chúa Giêsu đã chọn để trở thành người đứng đầu Giáo hội của Ngài.  « Có ba lần, chúng ta thấy Phêrô lãnh nhận một sứ mạng và cả ba lần ngài không xứng ở thời điểm đó», sử gia Christophe Dickès giải thích. « Nhưng bất chấp sự kiện thánh Phêrô không xứng đáng trong ba sự kiện này, Chúa Giêsu vẫn giao phó Giáo hội cho ngài ! Ở đây, bạn có một bản tóm tắt về lịch sử của chính Giáo hội : về sự vĩ đại nhưng cũng và nhất là những khiếm khuyết và thậm chí là những sai lầm của Giáo hội. Đối với chúng ta, đó là một mầu nhiệm… ».

Aleteia Đối với người Công giáo, thánh Phêrô tượng trưng cho điều gì ?

Christophe Dickès : Trước hết, thánh Phêrô là vị thủ lãnh đầu tiên trong lịch sử Giáo hội. Chính vì lý do này mà chúng ta nói rằng ngài là vị giáo hoàng đầu tiên, cho dù thuật ngữ « pappa » trong tiếng Hy Lạp xuất hiện muộn hơn nhiều, vào thế kỷ IV. Vào thời đó, thuật ngữ này không dành cho Giám mục của Rôma. Mãi cho đến sau này, vào thời cải cách Grêgôriô vào thế kỷ XI, mà kiểu nói Giáo hoàng trở thành độc quyền và dành riêng cho Đức Giáo hoàng ở Rôma. Thực ra, chúng ta biết ít về thánh Phêrô : chúng ta nhớ lại lời chối bỏ của ngài, sự vụng về của ngài và những nghi vấn của ngài đối với Chúa Giêsu…và đó là hầu như tất cả. Qua tác phẩm này, tôi mong muốn vén bức màn về thực tại của con người này, được trích dẫn 154 lần trong Tân Ước.  Điều này là ít ỏi đối với nhà sử học, nhưng rất nhiều đối với các sách Tin Mừng và sách Công vụ Tông đồ. Quả thế, Phêrô là nhân vật được trích dẫn nhiều nhất sau Chúa Giêsu.

Aleteia : Là một người đánh cá khiêm tốn, không có gì chuẩn bị cho ngài chiếm chỗ đầu tiên…

Christophe Dickès : Thật vậy, trong cuốn sách của tôi, tôi cố gắng cho thấy rằng thánh Phêrô là một người như những người khác. Chúa Giêsu lẽ ra có thể chọn một đại tư tế, một binh sĩ hay một người như Gioan Tẩy Giả…Không, Ngài chọn một ngư dân chất phác ở Galilê, sống ở xa Giêrusalem. Ngày nay, chúng ta sẽ nói là một « tỉnh ». Ít học thức, Simon Phêrô thực hành một hoạt động phổ biến, đánh cá, trong khuôn khổ một hợp tác xã nhỏ. Chiếc thuyền của ông là tài sản duy nhất của ông nhưng là một khoản đầu tư thực sự đối với thời đó vào một dụng cụ quan trọng : dây câu, lưới ngắn và dài cho phép hoạt động theo các kỹ thuật khác nhau như được đề cập trong các sách Tin Mừng. Đây là một trong những điểm làm tôi ngạc nhiên nhất : các Tin Mừng cho chúng ta biết các kỹ thuật đánh cá vào thời đó. Như thế, tôi đã nghiên cứu về thế giới này bằng cách cố gắng tìm hiểu người đánh cá ở Palestina vào thế kỷ I là như  thế nào.

Aleteia : Tất cả mọi người, tin hay không tin, đã từng nghe câu này : « Con là Đá và trên Đá này, Thầy sẽ xây dựng Hội Thánh của Thầy ». Câu đó nói gì về ngài và Giáo hội ?

Christophe Dickès : Những lời này được trích từ Tin Mừng theo thánh Matthêu. Ở vùng phụ cận Xêdarê-Philipphê, Chúa Giêsu giao phó Giáo hội của Ngài cho Phêrô. Đó là một thời điểm quan trọng trong Tin Mừng cho dù không được quên Tin Mừng theo thánh Luca trong đó Chúa Giêsu nói với Phêrô về việc củng  cố anh em mình trong đức tin. Cuối cùng,  một đoạn mà chúng ta cần phải thêm vào chương cuối cùng của Gioan, khi Chúa Giêsu yêu cầu chăn dắt chiên của Ngài. Có ba lần, chúng ta thấy Phêrô lãnh nhận một sứ mạng và cả ba lần ngài không xứng ở thời điểm đó. Nơi Matthêu, Chúa Giêsu nói với ông ngay sau khi giao phó Giáo hội của Ngài : « Satan, lui lại đàng sau Thầy ! ». Nơi Luca, Chúa Kitô thông báo cho ông rằng Người đã cầu nguyện để đức tin của ông không suy yếu. Nơi Gioan, thánh Phêrô nói yêu mến Chúa Giêsu nhưng trong tình bạn : đó không phải là một tình yêu vô điều kiện. Nhưng bất chấp sự kiện thánh Phêrô không xứng đáng trong ba sự kiện này, Chúa Giêsu vẫn giao phó Giáo hội cho ngài ! Ở đây, bạn có một bản tóm tắt về lịch sử của chính Giáo hội : về sự vĩ đại nhưng cũng và nhất là những khiếm khuyết và thậm chí là những sai lầm của Giáo hội. Đối với chúng ta, đó là một mầu nhiệm…

Aleteia : Ông cũng nói rằng thánh Phêrô là một điều hiển nhiên. Tại sao như thế ?

Christophe Dickès : Bởi vì không có Phêrô, thì không có sự hiệp nhất. Vâng, chúng ta có thể trách cứ Phêrô về nhiều điều và trước tiên là ba lần chối Chúa…nhưng không có Phêrô, thì chỉ có sự chia rẽ. Hãy xem chương cuối cùng của thánh Gioan trong đó Chúa Giêsu giao phó đoàn chiên cho Phêrô. Chúng ta biết rằng chương này đã được viết bởi cộng đoàn của thánh Gioan vốn rất đau buồn trước cái chết của người đứng đầu của mình là chính thánh Gioan. Lúc đó họ hiểu rằng giải pháp duy nhất đối với họ là « trở về » cộng đoàn Phêrô. Họ làm như thế trong mối ưu tư rõ ràng về sự hiệp nhất.

Aleteia: Làm thế nào Phêrô buộc phải nhận mình là « lãnh đạo » của các Tông đồ?

Christophe Dickès : Phêrô không buộc phải nhận mình. Đó là một nét nhân cách của ngài mà chúng ta gặp thấy trong Tin Mừng và sách Công vụ Tông đồ. Ngài không đòi chỗ nhất. Tôi viết rằng, ý thức rõ về những yếu đuối của mình, ngài đã không có yêu sách hay tham vọng cá nhân. Vả lại, chính ngài cũng không viết Tin Mừng. Cha Fabre giải thích cho chúng ta rằng ngài làm như thế “như một bước lùi lại”. Ngài không muốn ở trung tâm. Tuy nhiên, ngài thực sự là người đứng đầu và là phát ngôn viên của các Tông đồ. Nhất là ngài là người đầu tiên trong các Tông đồ thực hiện một hành vi đức tin ở Xêdarê-Philipphê. Ngài cũng là người dùng gươm cách vụng về ở vườn Ôliu, là người đầu tiên đi vào mồ hay phát biểu sau lễ Ngũ Tuần. Ngài cũng là người đầu tiên làm phép rửa cho một người ngoại đạo.

AleteiaLàm thế nào từ Giêrusalem ngài đã đến được Rôma?

Christophe Dickès : Chúng ta có ít yếu tố về sự hiện diện của Phêrô ở Rôma. Thế nhưng, không có bất cứ sử gia nghiêm túc nào cung cấp bối cảnh cho sự kiện rằng ngài chết ở đó. Các cuộc tranh luận tập trung nhiều hơn vào số lần lưu trú của thánh Phêrô ở kinh đô: đối với một số người, ngài chỉ đến đó một lần duy nhất. Đối với những người khác, như Đức cha Minnerath, ngài đã đến đó nhiều lần. Thật khó để giải quyết dứt khoát một vấn đề như thế, vì thiếu nguồn tin. Ngay cả năm mất của ngài cũng bị tranh cãi. Về phần tôi, tôi tin rằng ngài đã bị hành hình ở Rôma dưới thời Néron, sau trận hỏa hoạn nổi tiếng ở Rôma vào năm 64. Giai đoạn này không vẻ vang: cộng đoàn Kitô hữu bị chia rẽ như ở Đông phương. Theo Clément de Rome, vị giáo hoàng cuối thế kỷ I, chúng ta hiểu rằng khuynh hướng Do Thái – Kitô giáo không khoan nhượng đã tố cáo Phêrô với chính quyền. Đó là giả thuyết có khả năng xảy ra nhất. Truyền Thống nói với chúng ta rằng thánh Phêrô đã bị đóng đinh ngược. Thực ra, chính các Tin Mừng ngụy kinh gợi lên một sự hành hình như thế…

AleteiaTại sao chúng ta liên kết Phêrô và Phaolô ?

Christophe Dickès : Thật không may, họ quá thường bị phân ly do những lời của chính thánh Phaolô: Phêrô được dành cho việc hoán cải người Do Thái, Phaolô được dành cho việc hoán cải dân ngoại. Nhưng thánh Luca, tác giả sách Công vụ Tông đồ, cho thấy rõ tính phổ quát của sứ điệp của thánh Phêrô…Vả lại, nếu bạn nói với một Kitô hữu của những thế kỷ đầu tiên rằng cần phải tách Phêrô và Phaolô ra, thì người ấy sẽ nhìn bạn với đôi mắt tròn xoe. Tất cả các tranh ảnh của Kitô giáo thời đó cho thấy mối liên kết giữa hai người: đó là điều được gọi là sự hòa hợp Tông đồ. Người ta cũng diễn tả Phêrô lãnh nhận luật mới từ tay Chúa Giêsu dưới cái nhìn và chứng tá của Phaolô: điều mà chúng gọi là “Traditio Legis” (sự trao truyền Lề luật). Mặt ngoài của vương cung thánh đường thánh Phêrô xưa ở Rôma, được xây dựng dưới thời Constantin và bị phá hủy dưới thời Đức Giáo hoàng Jules II vào đầu thế kỷ XVI, mô tả Chúa Kitô được hai Tông đồng bao quanh.

Aleteia: Chúng ta nói về Đức Giáo hoàng rằng ngài là “người kế vị thánh Phêrô”. Tại sao?

Christophe Dickès : Đức Phanxicô không kế vị Đức Bênêđíctô XVI, Đức Bênêđíctô XVI cũng không kế vị Đức Gioan-Phaolô II. Không phải. Mỗi vị Giáo hoàng này đều kế vị thánh Phêrô.  Cũng thế về quyền bính của thánh Phêrô được  truyền lại trong một truyền thống được ghi lại trong sách Công vụ Tông đồ qua việc đặt tay. Đối với người Tin Lành, chỉ có một Giáo hoàng mà thôi : thánh Phêrô. Đối với người Công giáo, sự kế vị này nằm trong truyền thống Tông đồ vốn liên quan đến các Giám mục, những người kế vị các Tông đồ, nhưng còn cả Đức Giáo hoàng nữa, đấng kế vị thánh Phêrô.

Aleteia Với thánh Phêrô, đâu là niềm hy vọng của các Kitô hữu ?

Christophe Dickès : Niềm hy vọng này là quan trọng. Trong sách Công vụ Tông đồ, thánh Phêrô được đồng hóa  với Chúa Kitô. Về phần chúng ta, chúng ta dễ dàng đồng hóa với chính thánh Phêrô với những điểm yếu, những lỗi lầm, những nỗi sợ hãi của ngài…nhưng cả đức tin, nhiệt huyết và lòng nhiệt thành của ngài nữa…Như nhà báo Alexia Vidot đã viết rất hay, đôi khi chúng ta ở trên đỉnh núi Tabor để tôn thờ nhưng, tiếp đến, chúng ta phải đi xuống và lấy lại cuộc sống nhỏ bé của chúng ta với những thói quen nhỏ bé và những yếu đuối ít nhiều to lớn của chúng ta. Các nhà nghiên cứu của trường phái Thánh Kinh Giêrusalem nói với chúng ta, thánh Phêrô ở trung tâm của sứ điệp Tin Mừng bởi vì ngài lãnh nhận ơn tha thứ và lòng thương xót của Thiên Chúa sau khi ngài chối Chúa. Đó chẳng phải là một dấu hiệu hy vọng cho tất cả các tội nhân ? Vả lại, không phải ngẫu nhiên nếu Thư của thánh Phêrô đòi hỏi chúng ta trả lời cho niềm hy vọng nơi chúng ta.

——————————–

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : Agnès Pinard Legry, Aleteia)