cath.ch, Bernard Hallet, 2022-09-03

 

Ngày chúa nhật 4 tháng 9, hồng y Beniamino Stella, cáo thỉnh viên án phong chân phước Đức Gioan-Phaolô I, bộ trưởng danh dự Bộ Giáo sĩ tuyên bố: “Đức Gioan-Phaolô I là khuôn mặt của một Giáo hội khiêm tốn, tận tậm và thanh tịnh, hết lòng đi theo Chúa.” Hồng y và nhiều nhân chứng khác của lịch sử và di sản của giáo hoàng Gioan-Phaolô I vinh danh việc phong chân phước cho người luôn tìm cách làm theo cốt tủy Phúc âm.”

Hồng y nhấn mạnh: “Triều giáo hoàng của ngài từ ngày 26 tháng 8 đến ngày 28 tháng 9 năm 1978, chỉ là phần nổi của tảng băng.” Án phong chân phước đã mở thư khố tài liệu về cuộc đời của cựu thượng phụ Venice. Hồng y nói tiếp: “Ngài là giám mục của tôi và tôi giữ nhiều kỷ niệm đẹp nhất của ngài. Những đức tính chính của ngài: một linh mục cầu nguyện, sống khó nghèo và thiện cảm với mọi người”. Ngài cho biết, mẹ của ngài nghe ngài khuyên các chủng sinh của ngài không nên có tài khoản ngân hàng hoặc sổ chi phiếu.

Theo hồng y Stella, sự thánh thiện của Đức Gioan Phaolô I rất quan trọng cho cho Giáo hội và cho thế giới ngày nay vì gương của ngài đưa mọi người “vào trọng tâm đời sống kitô hữu. Ngài là khuôn mặt của một Giáo hội khiêm tốn, tận tâm, thanh tịnh và nhiệt tình đi theo Chúa”.

Sự thánh thiện nảy nở ở các thung lũng Veneto

Linh mục Davide Fiocco, linh mục giáo phận gốc Bellumo của Đức Gioan-Phaolô I – nơi tiến hành thủ tục phong chân phước – làm chứng cho sự vui mừng của người dân địa phương, vui mừng khi thấy “sự thánh thiện đã nở rộ giữa các thung lũng Veneto”. Sau lễ phong chân phước, thánh tích của tân chân phước sẽ được lưu giữ ở nhà thờ chính tòa Belluno.

Thánh tích là bản thảo của một suy tư Đức Gioan-Phaolô I đưa ra năm 1956 về ba nhân đức đối thần, đã được ngài nói trong một vài buổi tiếp kiến tháng 9 năm 1978 trước khi ngài qua đời. Một nghệ nhân địa phương đã làm thánh tích trong chiếc lá đóng khung.

Vật thể rất đơn giản được thiết kế từ viên đá tròn lấy từ lòng sông ở thung lũng Canale d’Agordo, nơi Albino Luciani sinh ra. Để trên một thập giá từ gỗ của một cái đà bị bung khi cơn bão mạnh thổi vào khu vực, tượng trưng cho những thử thách mà giáo hoàng đã trải qua trong cuộc đời của ngài.

 

“Luôn bình tĩnh, thanh thản và tự tin vào chính mình”

Một số nhân chứng thân cận với cựu giáo hoàng kể lại các kỷ niệm của họ với ngài. Bà Lina Petri, kể các cuộc thảo luận cuối cùng của bà với bác của mình, khả năng diễn đạt ý tưởng phức tạp một cách đơn giản hay sự quan tâm của ngài với những vấn đề thời sự. Bà đặc biệt nhớ lại, ngài nói với bà ý kiến tích cực của ngài về tang lễ tôn giáo của nhà văn Pier Paolo Pasolini qua đời trong “tai tiếng” ở Ostia năm 1975, ngài cho rằng “các tác phẩm nghệ thuật của ông đã nói lên tất cả về ông”.

Nữ tu Margherita Marin, một trong những nữ tu khám phá khi ngài qua đời ngày 29 tháng 9 năm 1978, sơ kể vài tuần lễ cô phục vụ “giáo hoàng tươi cười” khi sơ mới 37 tuổi: “Trong tháng này, tôi thấy ngài luôn bình tĩnh, thanh thản, tự tin về chính mình, như thể ngài đã là một giáo hoàng ngay từ đầu”.

Sơ nhấn mạnh: “Tôi chưa bao giờ thấy ngài nóng nảy với bất cứ ai. Ngài có ơn truyền can đảm cho người khác và nhã nhặn với mọi người”.

Những giây phút cuối cùng của ngài

Sơ giải thích: “Ngày cuối cùng của ngài cũng như các ngày khác. Trước khi đi ngủ, ngài hỏi về thánh lễ ngày hôm sau và sau đó ngài nói những lời cuối cùng: “Xin hẹn gặp các sơ ngày mai, nếu Chúa muốn, chúng ta sẽ cùng nhau dâng thánh lễ”. Sơ nói, ngài “thanh thản hơn bao giờ hết”.

Khi được báo chí hỏi về các thuyết âm mưu xung quanh cái chết của ngài, bà Stefania Falasca, phó cáo thỉnh viên án chân phước của ngài lấy làm tiếc cho sự đeo đuổi kiên trì của những người này. Bà nhắc lại, các “nguồn” lịch sử đã xác định chắc chắn giáo hoàng thực sự đã qua đời một cách tự nhiên vì cơn đau tim.

Phép lạ

Năm 2011, em bé Candela, người Argentina được lành bệnh nhờ lời cầu bàu của Đức Gioan-Phaolô I đã mở đầu cho việc phong chân phước. Bà Roxana, mẹ của em Candela giải thích trong video nhân dịp lễ phong chân phước của ngài. Linh mục Juan José Dabusti đã cầu nguyện với Đức Gioan-Phaolô I để xin cho em Candela được lành chứng bệnh viêm não cấp tính, sốc nhiễm trùng và bị chứng động kinh ác tính không chữa được.

Linh mục xúc động cho biết: “Vì sao tôi đề nghị Roxana cầu nguyện với Đức Gioan-Phaolô I để xin ngài chữa lành cho em Candela? Tôi không biết. Đó là Chúa Thánh Thần.” Ngài giải thích ngài luôn đánh giá cao tấm gương của giáo hoàng cuối cùng người Ý trong suốt quá trình của ngài, kể cả trước khi ngài là linh mục.

 

phanxico.vn