Chưa đầy 6 giờ sáng mà sao điện thoại cứ liên tục gõ những tiếng kêu “tin, tin” báo hiệu có tin nhắn, không nỡ đợi thêm vài phút… vội mở điện thoại - tin nhắn của H… trong suy nghĩ có chuyện không vui rồi đây!

Đúng như thế, không vui chút nào khi trong từng đoạn tin nhắn là hình cảnh của đứa bé nhỏ xíu bọc trong khăn vải.“Nó là bé gái khoảng 1 tuần tuổi, ai đó để bé gần cổng cô nhi viện Phú Hòa - khoảng sau 9 giờ tối hôm qua đó chị, may mà các em đi xứ về, nghe tiếng khóc và tìm kiếm… đứa bé được đặt trong cái thùng… các Chị mang vô đó!”1

Nhìn thấy đứa bé cùng với dòng tin nhắn, nước mắt đâu chờ sẵn cứ tuôn rơi, tội nghiệp con quá, may mà các Sơ về muộn và nhìn thấy con trước khi cánh cổng đóng lại.

Tạ ơn Chúa, cám ơn Người đã quan phòng để chị em Nó nhìn thấy, nếu không đứa bé trở nên mồi ngon cho lũ chó hoang hay đàn kiến đêm qua chứ còn đâu! Và, nếu không bị mấy con vật kia “thăm nom” thì mưa gió của ảnh hưởng áp thấp mấy ngày qua cũng không tha cho em, bởi em chỉ được để trong cái thùng giấy mỏng manh giữa đất trời hiu quạnh!

Đóng điện thoại và đi làm việc bổn phận, hình ảnh đứa bé còn ẩn hiện trong đôi mắt, mắt vẫn cứ cay, lòng đau nhói, xót xa, thương cảm cho thân phận của một sinh linh nhỏ bé.

 

Bao nhiêu dòng suy nghĩ của lòng thương cảm về số phận của em, nguyên nhân tại sao em bị bỏ rơi… tại sao, tại sao… đan xen giữa dòng người tấp nập đưa con tới trường. Trước mặt Nó lúc này là những đứa trẻ dễ thương, bụ bẫm được bố mẹ đưa đến trường Mầm Non Sao Mai. Có đứa được bố vác trên vai, đứa khác có cả cha mẹ mỗi người một tay dắt em vào lớp học; đứa khác nữa nũng nịu không chịu vào cổng trường đòi ông mua cái này, bà mua cái kia… phải dỗ dành năn nỉ; Tới lớp cô giáo niềm nở tiếp đón, gọi chào từng tên các học trò yêu quý “cô chào cháu, cháu chào cô” thật ấm áp tình người… Tiếng tạm biệt ba mẹ, ông bà ngọng nghiệu“Chiề...u nhớ đóô n con sớm” của các bé thật đáng yêu… Tận mắt nhìn thấy bao sự trân quý các bé có cha có mẹ, có bà có ông làm gợi lên trong Nó chút ganh tỵ, xót xa thay cho đứa bé vừa thoát chết đêm qua. Tim Nó lại nhói đau, thương cho hài nhi bé nhỏ đang phải nằm một mình cô đơn trong chiếc nôi nơi viện mồ côi. Những hình ảnh thân quen một thời Nó phục vụ sứ vụ tại Cô Nhi Viện như cuốn phim quay chậm trở về trong ký ức. Nước mắt Nó chưa thể dừng được vì nghĩ đến đứa bé 1 tuần tuổi kia phải bắt đầu tự lập, bé phải nằm một mình, chỉ có chăn mền sưởi ấm làm gì có hơi ấm từ lồng ngực mẹ truyền cho; Bé phải uống sữa bột các Sơ pha cho chứ làm gì có dòng sữa ngọt dịu, thơm lành từ bầu vú mẹ tập cho em bữa ăn đầu đời… và bao nhiêu thứ Bé phải thích nghi!

Nơi em được đón tiếp là gia đình không giống như các gia đình khác. Một mẹ phải chăm nuôi cho trên mười đứa con, đủ hạng tuổi, tình trạng sức khỏe… không phải đứa nào cũng có thể hiểu và tự phục vụ cho nhu cầu cá nhân mà phải cần đến sự trợ giúp của các Mẹ (Sơ), từ việc di chuyển cho đến vệ sinh, ăn uống…

Bé gì đó ơi, Sơ H chưa kịp đặt tên cho con phải không?
Cũng là kiếp người sao phận Con đáng thương đến như thế!
Tôi muốn gọi Con bằng cái tên “Hồng Ân”
Hoàn cảnh của Con chẳng khác gì các anh chị trong gia đình này, Con chưa biết đâu vài tháng nữa sẽ biết. Khi con tập nói, tập đi, tập chơi sẽ có anh chị lớn chơi với Con. Sự ra đời của con chẳng khác gì các anh chị con đâu!

Có lẽ, sự ra đời của Con đã không mang lại niềm vui cho bố mẹ Con; Cũng có thể vì sỉ diện mà ông bà Con buộc Mẹ con bỏ con chăng? Hoặc nữa, Mẹ con không đủ can đảm để chấp nhận Con như kết quả tình yêu, bởi người đàn ông cộng tác với mẹ hình thành nên Con giờ đã phản bội; Có khi Con được hình thành do một sự lợi dụng, một bất cẩn nào đó trong những cuộc vui của họ, mà họ muốn phi tang hậu quả !

 

Dù con được hình thành trong hoàn cảnh nào không cần quan tâm nhưng Mẹ Con đã sinh Con cho đời, Con phải vui vì Con được làm người, giờ này con còn đây là “Hồng Ân”, “Hồng Ân” được Thiên Chúa quan phòng cho các nữ tu tiếp nhận, “Hồng ân” sự sống của con đã được Thiên Chúa Yêu thương gìn giữ. Con sẽ được lớn lên trong sự chăm sóc, nuôi nấng, dạy dỗ của các Sơ cùng những đóng góp vật chất từ các ân nhân xa gần. Sự sống của con là “Hồng Ân” Con yên tâm sống khỏe, sống vui, sống hạnh phúc và lớn lên bằng cả nghị lực  trong kế hoạch mà Thiên Chúa dành cho Con nhé “Hồng Ân”!

---
Nghẹn ngào trong từng suy nghĩ về một ngày nào đó lớn lên “Hồng Ân” cũng sẽ hỏi Con có cha có mẹ không Bà - không Sơ ? tại sao con không có cha, có mẹ, tại sao con lại ở đây? Như đã có những đứa trẻ tâm sự, đặt câu hỏi như thế với Nó trong hành trình sứ vụ!

Càng cảm thông với H trong trách nhiệm nuôi dạy, chăm sóc cho 33 em trong Viện đứa này chưa kịp ra khỏi nôi… đứa khác lại được mang đến trong sứ mạng của người nữ tu Mến Thánh Giá. Người nữ tu Mến Thánh Giá Qui Nhơn ưu tiên nuôi nấng, chăm sóc, giáo dục những đứa trẻ bất hạnh cả về thể chất lẫn tinh thần.

Dù vẫn biết “Con cái là hồng ân của Chúa, con mình sinh hạ là phần thưởng Chúa ban.” (Tv 127, 3). Câu chuyện son sẻ của tổ phụ Abraham, cho thấy giá trị vô song của con cái, chúng là dấu chỉ của tình thương, phúc lành và sự trung tín của Thiên Chúa (St 15, 5). Tình trạng son sẻ hiếm muộn thường bị coi là sự ô nhục, là hình phạt (St 16, 2; 20, 18). Ngày nay quan niệm về hình phạt này không còn nữa, nhưng việc không có con vẫn mãi là một nỗi buồn, một sự bất hạnh, tạo ra một khoảng trống cô đơn nơi các gia đình. Nhiều gia đình đã phải đi khấn xin khắp nơi để có được con hay phải tốn bao nhiêu tỷ bạc để điều trị hiếm muộn.Con cái là hồng ân cao quí nhất của hôn nhân, chúng sẽ góp phần lớn lao cho hạnh phúc của chính cha mẹ chúng”2. Nhưng, thật khó lý giải -  sao vẫn còn đó nhiều đứa bé như thế này bị bỏ rơi?

 

Không phải chỉ hôm nay, trong xã hội cách đây 350 về trước, Đức Giám Mục Lambert de la motte đã nhìn thấy, cảm nhận nỗi bất hạnh của những đứa trẻ bị bỏ rơi, cha mẹ của các em phải chết vì chiến tranh loạn lạc nơi vùng Viễn Đông, Đức Cha đã nghĩ ngay đến các thiếu nữ Ngài muốn qui tụ thành Hội dòng và trao cho họ sứ mạng lớn lao này. Và kể từ khi khai sinh Hội dòng cho đến hôm nay trải qua 350 năm, từng thế hệ chuyển tiếp với thời gian, các chị em dòng Mến Thánh Giá vẫn duy trì tinh thần phục vụ dành cho những anh chị em bị bỏ quên, những đứa trẻ bị bỏ rơi…

Vẫn biết rằng : Nuôi một đứa trẻ đã khó, chăm sóc dạy dỗ một đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt lại càng “nhiêu khê”, nhưng lời dạy của Đấng Sáng Lập và Hiến Chương của Hội Dòng luôn thôi thúc chị em dấn thân, cố gắng với ơn Chúa để làm được những gì tốt nhất cho những đứa con tinh thần của mình. “Các chị em hãy lấy tình mẫu tử mà chăm sóc các em cô nhi, giúp các em phát triển quân bình, hài hòa về thể lực, trí lực và đức tin; tích góp ngân khảo để gầy dựng tương lai cho các em”3

 

Mỗi lần đón thêm một đứa trẻ bị bỏ rơi vào Viện là thêm một nỗi đau bởi vẫn còn đó nhiều người sống ích kỷ, dửng dưng, đành tâm bỏ đi “cục máu” của mình. Chăm sóc các bé mồ côi còn là lời nhắc nhở chị em Nó về cách dấn thân cho tình yêu cứu độ trong sứ mạng chuyển cầu và phục vụ ưu tiên cho giới nữ và giới trẻ. Tìm ra phương cách mới, hợp thời giúp họ biết tôn trọng phẩm giá của mình, của tha nhân và cả những thai nhi“Hãy kính trọng, bảo vệ, yêu thương và phục vụ Sự Sống, mọi sự sống con người”4

Chúng ta thêm lời cầu nguyện cũng như dấn thân hơn nữa cho sự sống các thai nhi, cho sự chăm sóc, giáo dục toàn diện dành cho các em bé mà Chúa gởi đến Hội dòng nơi các viện mồ côi mà chị em mình đang phục vụ. Xin Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã đón nhận Con Thiên Chúa làm người, trong niềm tin vào cung lòng mình, hết sức yêu thương, chăm sóc, nuôi nấng Hài Nhi – Xin Mẹ cầu thay nguyện giúp cho con người mọi thời biết tôn trọng sự sống, bảo vệ sự sống bằng mọi giá trong hành trình làm người và làm con Chúa.  Xin Chúa cho chúng ta hoàn thành sứ mạng trong niềm tin yêu hy vọng và cho con cái chúng ta càng thêm tuổi, thêm khôn ngoan, đạo đức để chính các em được hạnh phúc, được trở nên người tốt, người có ích cho Giáo Hội và xã hội. “Sinh mệnh con người là báu vật mà thế giới không thể mua; cũng không thể bù lại khi đã bị sử dụng sai; càng không thể khôi phục, làm hoàn thiện và tô điểm một cuộc đời đã bị biến thành còi cọc, méo mó và xấu xí”. (Jack London)

1. ( những dòng trong tin nhắn)
2( x. Công đồng chung Vatican II .MV 48).
3.(x HC điều 73, NQ điều 30/3).
4.( x. Bài giảng của ĐTC Bênêđictô XVI vào Chúa nhật I Mùa Vọng, 27-11-2010)

Tác giả bài viết: Nt. Anna Lê ( MTG Qui Nhơn)

 

https://gpquinhon.org/