Mai Thương.

Giáo Lý Công Giáo dạy rằng Thiên Chúa hiện diện khắp mọi nơi, trong mọi tạo vật, trong mọi người. Ngài hiện diện luôn mãi, không có một phút giây nào mà Ngài không hiện diện trong vũ trụ này[1]. Điều khẳng định này được đặt căn bản trên mạc khải của Lời Chúa trong Kinh Thánh ngay từ trong Cựu Ước.

Dầu cho Ít-ra-en cảm nhận được Gia-vê gần gũi với một số người và xa cách với một số người khác, nhưng họ luôn tin rằng Thiên Chúa hiện diện giữa Dân Người. Cho dầu Gia-vê tuyên bố đặt Danh Thánh Người hiện diện trong đền thờ (x. 1V 8,30), nhưng Ít-ra-en vẫn thâm tín rằng Gia-vê hiện diện khắp mọi nơi (x. Am 9,24). Nói rằng Thiên Chúa ở trên trời là nói đến việc Người ở khắp mọi nơi trong quyền năng sáng tạo và quan phòng của Người. Vì Người bao la vĩ đại quá nên không có một bầu trời nào có thể chứa đựng được Người. Sách Khôn Ngoan nói về sự hiện diện của Chúa nơi mọi tạo vật, Thần Khí Thiên Chúa tràn đầy vũ trụ, và tình yêu Ngài bao trùm vạn vật (x. Kn 11,24), để trao ban sinh khí cho chúng (x. Cv 17,25-28).

Thiên Chúa hiện diện trong mọi lúc vì Ngài vượt thời gian: Ngài là khởi nguyên và cùng tận (x. Is 44,6; 48,12).

Nhạy bén với lãnh vực cụ thể của cuộc sống, người Do thái biết đến sự hiện diện năng động của Thiên Chúa trong đời sống con người. Ngài không những hiện diện trong vạn vật, nhưng còn hiện diện cách đặc biệt hơn với con người, như một Ngôi vị hiện diện với một ngôi vị. Ngài lưu tâm để ý đến từng người, biết từng hành động của họ và mỗi hành động của họ đều quan trọng trước mặt Người[2].

Trong dân Israel, Thiên Chúa thường tỏ mình ra cho những ai Người ưa thích, những ai yêu mến Người và mong mỏi được gặp Người. Trường hợp Thiên Chúa tỏ hiện ra cho tiên tri Ê-li-a đáng được chúng ta lưu ý cách riêng và đem lại nhiều bài học bổ ích, vì nó có liên quan chặt chẽ đến vấn đề giao ước, cũng như cho việc xây dựng đời sống nội tâm của các tín hữu.

1. Ê-li-a bị bách hại

Cuộc gặp gỡ này có liên quan đến một chuỗi các biến cố trong lịch sử và tôn giáo của Ít-ra-en trong thời kỳ ông đang sống. Lúc ấy đất nước Do thái, sau khi vua Sa-lô-mon băng hà, bị chia đôi thành 2 vương quốc: Ít-ra-en ở miền Bắc và Giu-đa ở miền Nam.

Ê-li-a là một ngôn sứ được Chúa sai đến cho vương quốc Ít-ra-en vào khoảng giữa thế kỷ IX BC. Ông được Thánh ký đề cập đến một cách đột ngột trong sách các Vua quyển thứ nhất, liền sau khi kể lại cách vắn tắt vua A-kháp của nước Ít-ra-en kết hôn với I-de-ven, ái nữ của Ét-ba-an, con vua Si-đon, làm hoàng hậu. Sau đó nhà vua chiều theo vợ tôn thờ Ba-an, thần mà bà đang thờ. Như thế cuộc hôn nhân với người đàn bà ngoại giáo là căn cớ làm cho vua và dân chúng phản bội với Thiên Chúa để tôn thờ thần ngoại bang. Điều này khiến Ngài nổi giận bừng bừng (x. 1V 17,31-34). Hậu quả là đất nước sẽ gặp phải tai họa lớn lao: hạn hán hơn ba năm sáu tháng (x. Lc 4,25), mùa màng thất bát, dân tình đói khổ.

Ba-an là thần xứ Ca-na-an. Người ta tin vị này có quyền lực trên sấm sét, làm mưa gió, cho đất đai phì nhiêu, và đem lại mùa màng tốt tươi.

Trong bối cảnh này, Ê-li-a đi gặp vua A-kháp tại Ga-la-át và nhân danh Thiên Chúa báo tin xứ sở sẽ không có mưa cho đến khi ông báo lại… Theo văn mạch, đây là một sự thách đố thần Ba-an và chứng minh rằng chỉ có Đức Chúa, Đấng Ê-li-a đang tôn thờ là Thiên Chúa chân thật, và chỉ có Ngài mới có quyền làm cho mưa xuống trên mặt đất[3]. Một cách gián tiếp Ê-li-a chống lại hoàng hậu I-de-ven, người đưa thần Ba-an cho vua A-kháp và làm cho vua chống lại Đức Chúa.

Thời hạn hán đã xảy ra như lời Ê-li-a báo trước… sau đó Đức Chúa quyết định cho mưa rơi xuống. Ngài nói với Ê-li-a đi báo tin này cho nhà vua (x. 1V 18,1-2). Đây thêm một bằng chứng nữa chứng tỏ Đức Chúa của Ít-ra-en mới có quyền làm ra sấm sét mưa gió và để cho đất đai phì nhiêu.

Cơn hạn hán chấm dứt sau khi dân chúng chân nhận Đức Chúa là Thiên Chúa duy nhất. Để thực hiện điều này, theo lời kêu gọi của Ê-li-a, dân chúng đã trừ diệt tất cả các ngôn sứ (tư tế) của thần Ba-an, đồng thời cũng là tay chân của hoàng hậu I-de-ven, vì chúng mà dân đã đi lầm đường.

Sau khi biết tin về vụ thảm sát các tư tế của thần Ba-an, hoàng hậu I-de-ven cho người báo tin sẽ giết Ê-li-a vào sáng ngày hôm sau để trả thù cho họ. Thế là, Ê-li-a sợ hãi, vội vàng trỗi dậy, để chạy trốn qua một chặng đường dài (khoảng 200 Km) về hướng nam cho tới Bơ-e Se-va là vùng nằm ngoài ảnh hưởng của vua A-kháp và hoàng hậu I-de-ven[4]. Chưa được an tâm, ông còn cố gắng đi tiếp một ngày nữa để tiến vào vùng sa mạc Nê-gép. Tại đây, ông cầu xin Chúa cất mạng sống của ông, vì bị bách hại, khiến cho số phận của ông không khá gì hơn của tiền nhân, là những tiên tri đã từng bị giết hại (x. 1V 19,4). Trong cơn sầu muộn, ông được thần sứ Đức Chúa an ủi, cung cấp lương thực để ông có thể tiếp tục cuộc hành trình bốn mươi đêm ngày cho đến núi Khô-rép. Tại đây, ông vào một cái hang và qua đêm tại đó (x. 1V 19,8).

2. Ê-li-a gặp Chúa tại núi Khô-rép

Liền ngay sau tường thuật này, Thánh ký nói rằng: Có lời Đức Chúa nói với Ê-li-a: “Ê-li-a ngươi làm gì đây?” Ông thưa: “Lòng nhiệt thành đối với Đức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh, nung nấu con, vì con cái Ít-ra-en đã bỏ giao ước với Ngài, phá hủy đền thờ, dùng gươm sát hại các ngôn sứ của Ngài, chỉ còn sót lại một mình con mà họ đang lùng bắt để lấy mạng con”. Đáp lại lời Ê-li-a, Đức Chúa truyền lệnh cho ông: “Hãy ra ngoài và đứng trên núi trước mặt Chúa. Kìa Đức Chúa đang đi qua” (1V 19,9-11).

Người đi qua như thế nào? Bằng cách nào? Dưới dạng thức nào? Chúng ta tiếp tục nghe lời Kinh Thánh: “Gió to bão lớn xẻ núi non, đập vỡ đá tảng trước nhan Đức Chúa, nhưng Đức Chúa không ở trong cơn gió bão, sau đó là động đất, sau động đất là lửa, sau lửa có gió hiu hiu” (1V 19,11b-12).

Cuộc gặp gỡ này được chuẩn bị trước bởi các hiện tượng thiên nhiên. Kinh Thánh không nên đồng hóa chúng với Đức Chúa: Gió có mạnh đến đâu cũng chỉ là sứ giả đi tiền phong trước tôn nhan Chúa (x. Tv 104,4). Lửa chỉ là nô bộc của Ngài (x. Tv 104,4). Sau lửa có tiếng gió hiu hiu. Gió hiu hiu tượng trưng cho cuộc đàm thoại thân mật với Chúa (x. Ga 3,8), và tượng trưng cho thần khí (x. Ga 4,24). Sau đó Thánh Ký đề cập đến thái độ của Ê-li-a: “Vừa nghe tiếng đó ông Ê-li-a lấy áo choàng che mặt rồi ra đứng trước cửa hang”. Đây là thái độ phải có, như trường hợp của Mô-sê gặp gỡ Đức Chúa nơi bụi gai bốc cháy trên núi Si-nai (x. Xh 3,6b ), bởi vì không một phàm nhân nào nhìn thấy tôn nhan Chúa mà còn sống (x. Xh 3,6b ). Vì che mặt, Ê-li-a chỉ nghe tiếng Chúa hỏi cùng một câu như lúc ông đang ở trong hang: “Ê-li-a ngươi làm gì đây?”, và câu trả lời của ông cũng chỉ có vậy: “Lòng nhiệt thành đối với Đức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh nung nấu con…”.

3. Phải chăng Thiên Chúa chỉ hiện diện trong thanh vắng?

Thông thường người ta hiểu và phiên dịch câu nói trong ngôn ngữ Hip-ri “קֹול דְּמָמָה דַקָּה” (qôl demâmâ dâqqâ) là “tiếng gió mỏng manh thầm lặng” (sound of sheer silence (NRSV)), là “ngọn gió hiu hiu” (gentle breeze (NIV)), hay là “tiếng gió thì thầm mỏng manh (a still small voice). Có người cũng dịch là “sự tĩnh lặng hoàn toàn” (utter silence and calm). Sau lửa là một sự tĩnh lặng hoàn toàn: Chúa ở trong sự tĩnh lặng.

Tuy nhiên có người lại cho rằng đây là một tiếng rì rầm làm cho sợ hãi[5]. Còn ông J. Lust lại cho rằng đây là tiếng ầm ầm chói tai (a roaring and thunderous voice)[6].

Có lẽ chúng ta sẽ ngạc nhiên và không đồng ý với lối giải thích Kinh Thánh có vẻ đi ngược dòng này. Tuy nhiên, vì Lời Chúa thì phong phú, nên chúng ta hãy lắng nghe J. Lust giải thích khi ông căn cứ vào từ ngữ và văn mạch của Kinh Thánh để bảo vệ cho luận điểm của mình.

“קֹול” (Qôl) là từ ngữ thường gặp thấy trong Kinh Thánh. Nó có hai ý nghĩa: tiếng nói (voice) và tiếng động (sound)

“דְּמָמָה דַקָּה” (demâmâ và dâqqâ) là hai từ ngữ bổ nghĩa cho tiếng “קֹול” (qôl).

“דְּמָמָה” (demâmâ) nguyên gốc là dmm, có hai nghĩa đối lập nhau:

Nhỏ nhẹ, thinh lặng (nói một cách nhỏ nhẹ (to speak softly)).

Rên rỉ, gầm gừ (như thú vật gầm gừ (moan)).

“דַקָּה” (dâqqâ) do bởi gốc dqq cũng có hai nghĩa:

Mỏng manh

Nghiền như tán bột, hay như các bộ phận của máy nghiến vào nhau thật ghê rợn.

Như thế “קֹול דְּמָמָה דַקָּה” (qôl demâmâ dâqqâ) có thể được hiểu bằng hai nghĩa đối nghịch nhau:

-“Tiếng gió nhẹ nhàng”, hoặc

-“Tiếng gầm gừ” gây sợ hãi. 

“קֹול דְּמָמָה דַקָּה” (qôl demâmâ dâqqâ) có thể hiểu được là tiếng gầm thét xét theo tương quan với cuộc thần hiện của Chúa cho Môi-sen trên núi Si-nai.

Tác giả của sách các Vua có chủ đích nhấn mạnh vai trò của hai tiên tri Ê-li-a và Ê-li-sa, tiếp nối sứ mạng của Mô-sê, bảo vệ giao ước và duy trì lề luật của Đức Chúa ở giữa dân tộc Do thái, một dân không ngừng phản bội và lẩm bẩm kêu trách Người[7].

Giao Ước, giữa Thiên Chúa với dân Ít-ra-en qua Mô-sê trên núi Si-nai, vào thời của hai tiên tri này đã bị dân bỏ bê. Họ còn phá hủy bàn thờ, dùng gươm sát hại các ngôn sứ (x. 1V 19,11-14). Bởi vậy, cần phải có một sự can thiệp mạnh mẽ từ Đức Chúa để chấn chỉnh lại. Cuộc thần hiện trên núi Khô-rép loan báo sự can thiệp quyết liệt của Ngài: bạo lực và chết chóc sẽ đổ xuống trên dân tộc bất trung này. Công việc sắp tới của Ê-li-a được Chúa giao phó sẽ là xức dầu tấn phong ba người làm công cụ thi hành mệnh lệnh đoán phạt của Đức Chúa: Kha-da-ên làm vua A-ram, Giê-hu làm vua Ít-ra-en, Ê-li-sa làm ngôn sứ thay cho Ê-li-a[8]. Tuy nhiên, vẫn còn niềm hy vọng là có một số “sót lại” vẫn trung thành thờ phượng Đức Chúa (x. 1V 19,18).

Nếu như Lời Chúa truyền đạt cho Sa-mu-en về án phạt cho nhà Ê-li làm cho người nghe “ù cả hai tai” (x. 1Sm 3,11), thì án phạt cho nhà Ít-ra-en không thể là lời nói êm dịu.

Cả hai ông Mô-sê và Ê-li-a đều có kinh nghiệm về sự hiện diện của Thiên Chúa sau những hiện tượng khủng khiếp và gây sợ hãi của thiên nhiên. Bởi vậy người ta có thể đọc ba chữ “không” (not) (x. 1V 19,11-12), như là ba chữ “chưa” (not yet): có gió bão, động đất, lửa, nhưng Thiên Chúa “chưa” hiện diện trong chúng. Những hiện tượng thiên nhiên đi trước và loan báo việc Chúa ngự đến. Tường thuật Mô-sê gặp Chúa tại núi Si-nai, được kết thúc bằng tiếng “קֹול” (qôl) rất mạnh: Ông Mô-sê nói và Đức Chúa trả lời trong tiếng sấm và có tiếng tù và thổi mạnh (x. Xh 19,19). Còn trường hợp của ông Ê-li-a hẳn cũng có thể tương tự như thế: Sau gió bão, động đất, lửa được kết thúc bằng tiếng “קֹול” (qôl) và tiếng này được xác định là tiếng ầm ầm (demâmâ), và chói tai (dâqqâ), nghĩa là tiếng sấm. J. Jeremia xem ra cũng đồng ý như thế khi ông cho rằng: nếu Kinh Thánh đề cập đến tiếng “qôl” trong ngữ cảnh của cuộc thần hiện, thường được hiểu về tiếng gầm hay tiếng sấm[9].

Đây cũng là hợp lý nếu xét theo thứ tự của các biến cố thiên nhiên: sau gió bão và động đất là ánh chớp (lửa), và sau ánh chớp là tiếng sấm sét (qôl).

4. Thiên Chúa lại hiện diện trong thinh lặng

Như đã trình bày, Thiên Chúa hiện diện khắp nơi, trong mọi người và qua mọi thời. Nhưng Ngài hiện diện một cách đặc biệt trong một biến cố quan trọng, hay qua những hiện tượng thiên nhiên cho một hay những người nào đó. Chúng ta đã cùng với những người chủ trương rằng Chúa hiện ra cho ông Ê-li-a trên núi Khô-rép trong tiếng sấm sét làm cho kinh hãi, giờ đây chúng ta hãy trở về với ý kiến chung chung cho rằng Đức Chúa hiện ra với ông trong cơn gió hiu hiu, tức là trong thinh lặng.

“Qôl demâmâ dâqqâ” theo từ ngữ có thể hiểu là tiếng động của sự thinh lặng. Đây là phép nghịch hợp (oxymoron) liên kết hai tiếng trái nghĩa với nhau trong Kinh Thánh để diễn tả một điều gì đó mầu nhiệm, khôn tả, vượt quá tầm trí hiểu của con người. Thí dụ như sách Gióp 4,12-16: “Kìa có ai đang đứng đó, nhưng tôi không thể hình dung ra cái gì, tôi nghe sự thinh lặng và tiếng nói” (It stands, but I discern not its looks… I hear silence and sound). Tiếng thứ hai (dâqqâ), bổ nghĩa cho tiếng “qôl”, làm cho thêm bối rối: từ ngữ này diễn tả một cái gì đó mỏng manh, trong suốt (sheer), tinh tế, mịn màng (fine) giống như bột được xay mịn màng. Những kiểu diễn tả “tiếng thì thầm mỏng manh” (a thin, whispering sound), tiếng của sự thinh lặng trong suốt (sound of sheer silence), hay “tiếng gió hiu hiu”, chỉ gợi lên một ý nghĩa nào đó chứ không thể diễn tả được hết sự nghịch lý mầu nhiệm của nó (mysterious paradox): “Tiếng thinh lặng mong manh” gợi lên một hình ảnh mầu nhiệm mà khả năng tri giác của con người khó hay không thể nắm bắt được. Quả vậy, trên đỉnh điểm của tiến trình thần hiện (sự hiện diện của Chúa cho Ê-li-a trên núi Khô-rép), chắc hẳn Thánh Ký muốn trình bày về Đức Chúa không những vượt trên mọi hiện tượng thiên nhiên nhưng còn vượt trên mọi khả năng hiểu biết của con người. Thiên Chúa hiện diện, Người có lên tiếng, nhưng đối với một người phàm như Ê-li-a, cho dầu là một vị đại tiên tri, ông vẫn không nắm bắt được và hiểu được Đức Chúa một cách rõ ràng, nên trong trường hợp này , Đức Chúa vẫn là một Thiên Chúa hiện diện trong thầm lặng.

Ê-li-a là một tín hữu trung thành với Đức Chúa. Ông là một con người chiêm niệm, luôn sống trước tôn nhan Chúa, như đã từng hai lần ông nói lên điều đó: “Có Đức Chúa, Thiên Chúa của Ít-ra-en, tôi luôn đứng trước nhan Ngài”[10]. Thế nhưng qua câu trả lời, chứng tỏ ông vẫn cảm thấy yếu đuối và sợ hãi trước sự bách hại của hoàng hậu I-de-ven, vẫn nghi ngờ về sự hoán cải của dân Ít-ra-en (x. 1V 19,14), vẫn cảm thấy cô đơn khi cho rằng chỉ có một mình ông còn trung thành với giao ước (trong khi còn có 100 tiên tri khác được ông Ô-vát-gia-hu đem giấu trong núi (x. 1V 18,4) và bảy ngàn người tín hữu vẫn âm thầm thờ phượng Đức Chúa (x. 1V 19,18). Bởi vậy Đức Chúa đến gặp gỡ ông để nâng đỡ và an ủi như một làn gió mát thoảng qua làm cho tâm hồn ông từ mức độ sôi sục nhiệt thành, chiến đấu cho Thiên Chúa các đạo binh thiên quốc (x. 1V 19,14), được bình an để tin tưởng vào chương trình hành động rất êm ái nhưng đồng thời rất hiệu quả vì Người là Đấng làm chủ lịch sử của con người.

Ronald Knox viết lên: “Cuộc diễu hành của các hiện tượng thiên nhiên làm cho Ê-li-a phải rùng mình, không phải là không có ý nghĩa. Những sức mạnh thiên nhiên này: gió, động đất, lửa cháy tượng trưng cho những cảm xúc sôi nổi đang tràn ngập trong tâm hồn của Ê-li-a. Nhưng Chúa thì không ở trong gió, động đất, lửa… tiếng của Người thì thầm như một làn gió nhẹ tươi mát làm cho tâm hồn của ông được êm dịu. Đối lại với bạo lực và những biến động trong thế giới này, tiếng Chúa như một làn gió nhẹ đang âm thầm điều khiển số phận của tạo vật. Cách thức cầu nguyện tuyệt hảo nhất là đồng hóa chính mình, một cách dịu dàng và bình an với ý muốn ẩn kín và thầm lặng của Thiên Chúa mà không hề có một chút manh động nào của tham vọng và ý riêng” (“And the most perfect form of prayer is that which identifies itself gently and peaceably, without any gusts of passion and preference, with this secret and silent will of God”[11].

Kết Luận

Thiên Chúa hiển hiện cho Ê-li-a trên núi Khô-rép theo một cách thức vừa êm dịu vừa đáng sợ: trong tiếng ầm ầm sấm sét làm cho kinh hãi, vì phán quyết của Người đối với dân bất trung thật đáng sợ: bạo lực và chết chóc. Như J. Lust đã phân tích về khía cạnh từ ngữ, khía cạnh của cuộc thần hiện và diễn tiến hợp lý của các hiện tượng thiên nhiên: gió, động đất, tia chớp (lửa) và tiếng ầm ầm của sấm sét. Nhưng đàng khác, Thiên Chúa lại xuất hiện trong cơn gió hiu hiu như thuở Người xuất hiện cho ông bà thời nguyên sơ ở vườn địa đàng. Để an ủi tâm hồn ngập tràn xao xuyến và sợ hãi của nhà tiên tri Ê-li-a. Cả hai hiện tượng trái nghịch này không mâu thuẫn nhau xét theo thời gian của cuộc thần hiện: có lúc êm đềm mà có lúc đáng kinh hãi. Có thể (demâmâ (sự thinh lặng) và (qôl) thuộc về hai câu khác nhau: Này là tiếng thinh lặng, rồi tôi nghe tiếng động (There was a silence, then I heard a voice) [12]. Đó là cách thức hoạt động tự do của Thiên Chúa, Người có thể xuất hiện bằng bất cứ cách nào, lúc nào và diễn tiến như thế nào. Nhưng xét về khía cạnh chủ thể (về phía tiên tri Ê-li-a) có thể là Ngài chiều theo tâm trạng của ông để hiển hiện ra cách êm ái dịu dàng, trong làn gió hiu hiu, để làm cho tâm hồn ông đang sôi sục, đấu tranh cho thần quyền của Gia-vê Thiên Chúa, được bình ổn và tuân theo sự an bài êm ái nhưng mạnh mẽ của Đức Chúa.

[1] Youcat Viet Nam, NXB Tôn Giáo, 2010, tr. 64.

[2] Thomas Dubay, God Dwells within Us, Denville, New Jersey, 1971, tr.30.

[3] The Editors of Encyclopaedia Britannica, Baal.

[4] Jerome Walsh, 1 Kings, College ville, Liturgical Press, 1996, tr. 266.

[5] P.A.H. de Boer, notes on text and meaning of Isaiah 38,9-20, in OTS 09 (1951), p. 179; K.Seybold, ‘Elia am gottesberg’, EVT 33 (1973), p.13.

[6] Johan Lust, “Gentle breeze or a roaring thunderous sound: Elijah at Horeb, 1 Kings 19:12,” Vetus Testamentum 25.1 (Jan. 1975): 110-115.

[7] Laurence Boadt, Reading the old Testament, ed Paulist press, New York, 1984, p. 301.

[8] Kẻ thoát gươm của Kha-da-ên sẽ bị Giê-hu giết. Người thoát tay Giê-hu sẽ bị Ê-li-sa giết (x. 1V 19,17). Chuyện của Kha-da-ên và Giê-hu, được kể trong sách các vua quyển thứ hai. Đây là hai ông vua độc ác giết nhiều người Israel tội lỗi nhưng không thấy kể lại kẻ nào bị tiên tri Ê-li-sa sát hại.

[9] “As for the meaning of qôl itself, it may suffice to notice that in descriptions of a theophany it usually refers to the thunder as Jahveh’s roaring voice” (J.Jeremia, Theophany, WMANT, neukirchen, 1965, p.108)

[10] 1V 17,1;18,15) (As the Lord, the God os Israel lives before whom I stand (NRSV), bản dịch của ban Phụng Vụ Giờ Kinh: “Đấng tôi phục vụ”).

[11] Ronald Knox, Elias, retreat for priests, sheed and ward, 1946, New York, p.154.

[12] Theo C. Epping, J.T Nelis, Job, BOT, Roermond, 1968, p.48

 

Nguồn:

https://xitothienphuoc.net/