Lm Peter Schineller
(Học Viện Gaudium et Spes)

 

Như viên kim cương đa diện, nhiều góc cạnh, Thánh Thể mang nhiều chiều kích, nhiều phương diện khác nhau mà người kitô hữu chúng ta được kêu gọi để sống theo trong đời thường.

Với thông điệp “Về Mối Quan Tâm Xã Hội”, ĐGH Gioan Phaolô II đã đưa ra một thách đố, Ngài viết : “Tất cả chúng ta, những người tham dự vào cử hành Thánh Thể, đều được kêu mời để khám phá qua bí tích này ý nghĩa sâu sắc về những hoạt động của chúng ta trong thế giới vì sự phát triển và hoà bình; chúng ta được kêu mời để đón nhận từ Thánh Thể sức mạnh dấn thân một cách quảng đại hơn theo gương Đức Kitô, Đấng đã chịu chết vì bạn hữu mình nơi bí tích này (x. Ga 15,13). Sự dấn thân của cá nhân chúng ta, giống như cuộc dấn thân của Đức Kitô và trong sự hiệp nhất với Ngài, sẽ không ra vô hiệu, nhưng sẽ sinh hoa kết trái”(số 48). ĐGH nhấn mạnh nhiều đến bí tích Thánh Thể đem lại ý nghĩa và đường hướng cho các hoạt động của chúng ta. Tại một cuộc nói chuyện khác, ĐGH nói đến “đạo đức Thánh Thể” mà chúng ta có thể nói ở đây là lối sống Thánh Thể. Công việc của chúng ta là khai mở và phát triển khía cạnh này của Thánh Thể. Thánh lễ hướng dẫn, đẩy tới và làm nên cuộc sống của chúng ta như thế nào? Lối sống này là gì? Và nó khơi nguồn từ việc cử hành thánh lễ ra sao?

Thánh Thể – Viên Kim Cương Đa Diện

Bí tích Thánh Thể, như mọi bí tích khác, mang nhiều ý nghĩa cũng như bao hàm những mức độ ý nghĩa khác nhau. Chẳng hạn, Thánh Thể là một hành vi tôn thờ Thiên Chúa và là một cuộc tụ họp của cộng đoàn kitô hữu. Thánh Thể giúp chúng ta quay về quá khứ (Bữa Tiệc Ly, đồi Canvê, cuộc Phục Sinh), nhìn vào hiện tại (chúng ta được mạnh sức nhờ bánh ban sự sống), và hướng đến tương lai (bữa tiệc vĩnh cửu trong nước trời). Thánh Thể sẽ chỉ lối và dẫn chúng ta bước qua những gì làm chúng ta bận tâm, lo lắng. Vậy thì, sự tham dự thánh lễ dẫn dắt chúng ta, theo mẫu gương của Đức Giêsu, đến một lối sống kitô hữu sâu sắc như thế nào?

Có thế nói cách khác là : sứ vụ mà Thánh Thể dẫn đến và thách đố chúng ta là gì? Qua phép rửa, mỗi kitô hữu chúng ta đều có một sứ vụ, và sứ vụ này được làm nên và thành hình qua từng bí tích. Điều chúng ta mong muốn suy xét ở đây là qua cử hành Thánh Thể sứ vụ của kitô hữu đã được thành hình và đường hướng của nó được vạch ra cách rõ nét như thế nào?

Chứng Từ Kinh Thánh

Chúng ta muốn chỉ ra mối liên kết bền chặt giữa cử hành Thánh Thể và những hoạt động trong cuộc sống. Để làm rõ điều này, chúng ta trở lại với Kinh Thánh, bắt đầu với nhãn quan của Tân Ước, thánh Phaolô viết cho những người Côrinhtô rằng ngài chẳng hài lòng với việc họ cử hành bữa ăn của Chúa(x. 1Cr 11,17-34). Tại sao? Điều căn bản ngài nói tới là không thể có cử hành Thánh Thể cách thực sự trong cộng đoàn nếu như các thành viên không yêu thương nhau, dường như đã xảy ra chuyện thiên vị, vây cánh, khinh miệt người nghèo. Trong những trường hợp như vậy, Thánh Thể đã không thành một buổi cử hành đích thực. Cuộc sống và phụng vụ phải hòa hợp và hỗ tương lẫn nhau cách mạnh mẽ.

Nố thứ hai là ở trong Tin Mừng thánh Matthêu (x. 5,23-24), Đức Giêsu giải thích rằng, điều kiện của phụng thờ đích thực (mang của lễ đến bàn thờ) là chúng ta phải an bình và làm hoà với người lân cận trước đã “hãy đi làm hoà với người anh em trước rồi mới tới dâng của lễ”

Cuối cùng, thư của thánh Giacôbê (x. 2,1-11) chống lại chuyện kỳ thị trong nhà hội. Người giàu được nghênh đón và xếp ngồi nơi cao trọng, còn người nghèo phải chịu đứng hoặc bị gạt ra. Thánh nhân giải thích rằng “Nếu anh em tỏ ra thiên tư, anh em phạm một tội và bị Lề Luật kết án là kẻ vi phạm”. Hơn nữa, cuộc sống và phụng vụ của chúng ta phải cho thấy sự bình đẳng của mọi con cái Chúa. Cả người giàu lẫn kẻ nghèo phải được nghênh đón. Chỉ khi làm được như thế thì mới có một nền phụng tự đích thực. Thánh Giacôbê tóm kết như sau: “Có lòng đạo đức tinh tuyền và không tỳ ố trước mặt Thiên Chúa là thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân và giữ mình cho khỏi mọi vết nhơ của thế gian”(1,27). Nhãn quan này vang dội cách mạnh mẽ sứ điệp của các ngôn sứ Do Thái. Thiên Chúa đe dọa dân qua tiên tri Amôt(x. 5,21-24) “Hãy xua đi xa Ta ca vãn om sòm của ngươi!...Ngươi tấu nhạc đàn ca, Ta sẽ không nghe. Nhưng công lý hãy cuồn cuộn như nước, và đức nghĩa như khe nước chảy không ngưng”. Ngay chương đầu của sách ngôn sứ Isaia (x. 1,11-18), chúng ta đã thấy rõ sự nối kết khít khao này, quả thực, sức sống của công lý phải ưu tiên hơn cả việc phụng thờ và hy tế. “Điều Ta để ý là con số các hy tế sao? Máu của con bò, chiên và dê , Ta không ưa. Mặc ngươi cầu nguyện nhiều hơn, Ta sẽ chẳng nghe. Tay ngươi nhuốm đầy máu. Hãy rửa sạch! Hãy chấm dứt các hành vi gian ác, học làm điều lành. Hãy theo dõi công minh : hãy đỡ đần người bị áp bức, hãy xử cho kẻ mồ côi, hãy bênh đỡ người góa bụa

Lối Sống Phát Sinh – Từ Đời Sống Đến Phụng Vụ

Thánh lễ có những phần hoặc những khía cạnh mà chúng ta thường quá quen thuôc. Trước hết chúng ta cần mô tả những khía cạnh này, chúng ta sẽ thấy là từng khía cạnh trong đó đều tỏ lộ một thách đố quan trọng đối với đời sống kitô hữu – một thách đố mà người kitô hữu sẽ phải sống sau khi được chúc lành và được sai đi từ thánh lễ .

Một cách tiếp cận khác lại khởi đi từ chính cuộc sống của người kitô hữu như chúng ta vẫn vốn đang sống trong đó, sống trong thế giới của ngôi nhà, của làng mạc và thành thị. Chúng ta sẽ vạch ra những khía cạnh, những thách đố, những đòi buộc khác nhau. Sau đó chúng ta sẽ thấy là tất cả được cử hành, được thành hình và được nhắc nhớ như thế nào trong thánh lễ. Một vài ví dụ về những lĩnh vực này trong đời sống hàng ngày là : sự chia sẻ và hy sinh, lòng hiếu khách và bảo dưỡng.

Chia Sẻ

Một người chia sẻ thì không còn nghĩ cho riêng mình nữa nhưng biết đem chia sẻ những gì họ có cho người khác. Chỉ khi biết chia sẻ như thế thì cuộc sống trong gia đình của chúng ta mới trở nên dễ chịu và dễ đón nhận. Ở bàn ăn, chúng ta chia sẻ bánh và rượu. Tại nhà mình, chúng ta chia sẻ thời gian vui buồn cho nhau, chúng ta dành giờ hiện diện với những người thân quen.

Ngày xưa, có người thấy một ông lão đang mải miết trồng cây xoài ở ven làng. Anh ta hỏi:”Tại sao ông lại làm thế? Ông đã già rồi. Ông sẽ chẳng hưởng được hoa trái của cây xoài này”. Cụ già trả lời: “Tôi đã có nhiều giờ thú vị dưới nhiều cây xoài và đã ăn biết bao trái xoài do người khác trồng. Nay tôi muốn chắc rằng những người khác nữa lại có thể tận hưởng được như tôi”. Ông ta đang chia sẻ với các thế hệ tương lai đấy!

Trọng tâm của thánh lễ là chia sẻ bánh ban sự sống – bánh được bẻ ra và được phân phát. Đức Giêsu đã tự hiến mình cho chúng ta cả trong Lời lẫn trong Bánh. Chúng ta đến thánh đường với một thái độ chia sẻ được biểu lộ ra khi chúng ta đem dâng lễ vật lên bàn thờ. Tài liệu của Giáo Hội về lễ vật đã giải thích rằng của lễ hiến dâng là để cho người nghèo và cho Giáo Hội. Như vậy, thánh lễ mở màn và mời gọi chúng ta có một thái độ chia sẻ của Đức Kitô, Đấng đã hoá mình ra không, Đấng đã vì chúng ta mà hiến dâng chính mình. ĐGH Gioan Phaolô II đã nói đến một nền “ Đạo Đức Trao Ban” phát sinh từ bí tích Thánh Thể. Nơi Bí Tích Cực Thánh này, chúng ta học được bài học chia sẻ các nguồn lợi của chúng ta, và chia sẻ cả chính bản thân mình nữa. Ở nơi đây, chúng ta tưởng nhớ và cử hành việc Thiên Chúa đã không giữ Con Một Ngài cho mình nhưng đã chia sẻ, trao ban sự sống của người Con Duy Nhất này cho hết thảy chúng ta .

Hy Sinh

Một phụ nữ đến thăm người bạn, chị thán phục 2 đứa con dễ thương của bạn mình. Một lúc sau, chị đã nói, “Tôi có thể chết để có được 2 đứa con như thế!” Nghe vậy, người mẹ hăng hái đáp lại,”Đúng là phải trả giá như thế.” Vâng, để dựng xây một gia đình kitô hữu, để dưỡng nuôi một cộng đoàn, một gia đình nhân loại thì phải hy sinh mỗi ngày, phải trao hiến cả mạng sống mình.

Hy tế của thánh lễ gợi lại toàn bộ hy sinh của Đức Giêsu Kitô, Ngài toàn hiến cho chúng ta làm bánh ban sự sống và tuôn đổ máu Ngài cho chúng ta trên thập giá đồi Canvê. Ngài đã yêu thương chúng ta đến cùng. Trong thánh lễ, chúng ta nghe lời của Ngài: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Tiếp nhận sức mạnh nhờ hiệp nhất với Đức Giêsu trong lễ hy sinh của Ngài, chúng ta trở nên mạnh mẽ để có thể tuôn đổ sự sống cho người khác. Chúng ta trở thành “những người nam và người nữ cách viên mãn hơn cho tha nhân.”

Cầu Nguyện – Đặc Biệt Cầu Nguyện Cho Người Khác

Tại gia đình, chúng ta ta bắt đầu và kết thúc ngày sống bằng cầu nguyện. Chúng ta cầu cùng các thiên thần, các thánh, và xin Thiên Chúa chúc lành cho những bữa ăn. Có lẽ, chúng ta còn lần hạt mân côi nữa. Nếu một đứa con đau ốm, chúng ta xin Chúa chữa lành cho nó. Lời kinh chúc tụng và tạ ơn Thiên Chúa, lời cầu nguyện cho người khác được phúc lành đã trở thành lối sống của người kitô hữu chúng ta.

Nhưng lời kinh cao trọng nhất của kitô hữu, lời kinh mẫu mực của mọi kitô hữu sẽ được thấy ở trong thánh lễ. Thánh lễ nào, chúng ta cũng cầu nguyện cho người sống và những anh chị em đã ly trần. Lời cầu nguyện của các tín hữu vươn ra toàn thể Giáo Hội đến cả những nhà cầm quyền trị nước. Chúng ta cầu nguyện cho Giáo Hội và cho sự hợp nhất giữa các Giáo Hội. Chúng ta cầu nguyện cho những người bệnh tật và nghèo đói. Cho những lữ khách và những phụ nữ mang thai. Nếu chúng ta là người công giáo thực sự thì lời cầu nguyện của chúng ta phải trải rộng khắp hoàn vũ.

Khi rời nhà thờ, chúng ta mặc lấy tinh thần cầu nguyện đó - mang theo nó đến tận gia đình và làng xóm của chúng ta – một tinh thần yêu thương tha nhân tận đáy lòng.

Xây Dựng Cộng Đồng

Không ai là một hòn đảo, mỗi người đều là một phần của lục địa, một phần của thế giới”. Jonh Donne đã viết điều đó cách nay nhiều thế kỷ. Chúng ta được sinh ra trong một gia đình và có trách nhiệm dựng xây gia đình đó. Là một công dân tốt, chúng ta phải góp sức để cải thiện làng quê và cộng đồng của mình bởi vì chúng ta nhận thức rằng “một con én không làm nên mùa xuân”

Kinh nghiệm về ngày lễ chúa nhật cho chúng ta mẫu mực và sức lực để xây dựng cộng đồng. Tại nhà thờ, chúng ta đến với nhau như anh chị em trong gia đình của Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đều ăn cùng một bánh và nghe cùng một Sách Thánh. “Trong Đức Kitô, không còn là nam hay là nữ, không còn Do Thái hay Hy Lạp…tất cả chúng ta là một trong Đức Kitô”(Gl 3,28). Chúng ta hãy mang lấy mẫu mực hợp nhất và cộng đồng này về đến tận nhà mình và theo gương thầy Đức Giêsu, Đấng Chăn Chiên Lành, đi tìm những con chiên đã mất, quy tụ lại, và không để chúng phân tán.

Tha Thứ Và Hoà Giải

Không nhà không cửa, không quê quán, không tương quan với ai chưa phải là vấn đề. Tuy nhiên, những bất đồng bên ngoài, những căng thẳng trào dâng, những hiểu lầm lại làm con người phải than khóc, thậm chí làm ly tán cả gia đình. Vì vậy, con người chúng ta vẫn luôn luôn có một nhu cầu tha thứ và hoà giải. Không dễ dàng để thực hiện bước thứ nhất là chấp nhận yếu đuối và lầm lỗi của mình rồi xin người khác tha thứ. Song điều này lại là tuyệt đối cần thiết nếu như gia đình và cộng đồng muốn bình an và mạnh mẽ. Ngay trẻ con cãi cọ nhau cũng cần đến sự tha thứ.

Một hôm, hai đứa trẻ cãi nhau và chúng đã đi ngủ trong khi trời đổ sấm xét vang động. Bà mẹ đi vào phòng ngủ và không thấy đứa con nào nằm trên giường, chúng chui núp xuống gầm giường. Bà ta hỏi các con đang làm gì. Một đứa đáp : “Với tất cả sấm chớp đó, chúng con chui xuống đây để tha thứ cho nhau! ”

Chúng ta lấy sức mạnh ở đâu để làm điều này? Thánh lễ là cơ hội đặc biệt để chúng ta tiếp nhận được sự tha thứ của Chúa. “Xin Chúa thương xót chúng con….Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót tha tội và dẫn đứa chúng con đến sự sống muôn đời”. Trước khi rước lễ, như là dấu chỉ của thái độ hòa giải, chúng ta chúc bình an cho những người bên cạnh. Sự tham dự linh thánh trong phụng vụ tỏ cho chúng ta thấy tình thương tha thứ của Chúa và thách đố chúng ta bày tỏ sự tha thứ đó cho người khác đến bảy mươi bảy lần bảy. Với sự nâng đỡ của ân sủng mà chúng ta đón nhận được trong thánh lễ, chúng ta sẽ có sức mạnh để thực thi bước đầu tiên, ra đi để được hoà giải và làm hoà với nhau. Chúng ta được sai đi, được mạnh sức để chữa trị xã hội đang nứt rạn và tương quan con người với nhau đang tan vỡ.

Cử Hành

Trẻ em thuộc mọi thời đại đều ưa thích mừng lễ. Cuộc sống sẽ như thế nào nếu không có những vụ gặt, sinh nhật, ngày lễ, tiệc tùng, tặng quà và ca hát! Thậm chí ngay giữa những khó khăn và bất trắc, chúng ta lại càng phải mừng lễ và cần mửng lễ nhiều hơn.

Thánh lễ là việc mừng lễ cao nhất của người công giáo, là mẫu mực của mọi buổi mừng lễ. Chúng ta đến với nhau như những người bạn, người thân quen trong một gia đình để tưởng nhớ và cử hành quà tặng lớn lao nhất trong mọi quà tặng, đó là quà tặng của tình yêu Thiên Chúa nơi Đức Kitô. Chúng ta ca hát, chúng ta cùng nhau dự tiệc, chúng ta chào chúc nhau trong an bình, chúng ta góp sức ủng hộ giáo đường để việc cử hành lại có thể tiếp tục vào tuần tới và hằng tuần.

Tinh thần của lễ mừng này phải đem vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta, với gia đình và bạn bè – lại một lần nữa nhắc nhớ rằng chúng ta là những đứa con của Thiên Chúa, một Thiên Chúa là Cha đầy yêu thương chúng ta.

Phúc Âm Hóa, Chia Sẻ Tin Mừng

Mọi kitô hữu được kêu gọi để làm chứng cho Tin Mừng trong gia đình và ngoài xã hội. Thực ra, dù chúng ta có ý thức hay không thì cuộc sống của chúng ta hoặc là lôi kéo người khác đến với Chúa hoặc là làm cho họ xa cách Ngài. Một nhóm giáo dân có khẩu hiệu : “Nói ít và chỉ khi được hỏi, nhưng hãy sống thế nào để cuộc sống của các bạn trở thành lời chất vấn người khác”. Nhờ sống theo Chúa Giêsu, chúng ta sẽ lôi cuốn được người khác đến với lối sống của chúng ta .

Làm như vậy là chúng ta đang sống điều chúng ta được ủy thác thực hiện vào cuối thánh lễ “Lễ đã xong, chúc anh chị em đi bình an để loan báo Tin Mừng”. Sau thánh lễ, chính là lúc để chúng ta thực hành Lời Chúa đã được nghe trong Sách Thánh, trong bài giảng. Thánh Phanxicô Atxixi trước hết đã rao giảng bằng gương sáng và việc tốt ngài làm. Một lần ngài đã đề cập đến việc những người kitô hữu phải tiến bước để “Rao giảng Tin Mừng mọi lúc. Nếu cần thiết, thỉnh thoảng mới dùng lời

Hiếu Khách

Gia đình của chúng ta phải luôn luôn trở thành nơi chào đón bạn hữu, những người thân thuộc và kể cả những người xa lạ. Sách Talmud của Do Thái dạy”hiếu khách là một hình thức phụng thờ”. Abraham đã tiếp đón những khách lạ. Đức Giêsu nói rằng, ai tiếp đón một trẻ nhỏ là tiếp đón Thầy. Chả lẽ không phải hầu như mọi ngày chúng ta lại không tiếp đón bạn bè, bà con lối xóm vào nhà mình hay sao? Chúng ta hãy làm cho dức ái kitô hữu được tỏa lan sang tất cả mọi người không phân biệt hoàn cảnh và chủng tộc, bạn bè, bà con lối xóm.

Ở trong thánh lễ cũng vậy. Tất cả đều được đón tiếp. Người hướng dẫn sẽ chào hỏi và đưa mọi người, già lẫn trẻ, người mới nhập xứ lẫn những người kỳ cựu vào tận chỗ ngồi. Không có chỗ nào đặc biệt dành cho người giàu sang hay quyền chức. Trẻ em ngồi với người già cả, người ăn vận đơn sơ ngồi chung với người y phục lộng lẫy sang trọng. Chủ tiệc Thánh Thể chính là Chúa Giêsu Kitô, Ngài mời gọi chúng ta đến dự bàn tiệc của Ngài, đến nghe Lời Ngài, đến bẻ ra và chia sẻ bánh sự sống. Thánh lễ đưa ra cho chúng ta một khuôn mẫu làm như thế nào để trở nên một chủ tiệc tốt, để chào đón và hiếu khách.

Lớn Lên Và Biến Đổi

Luật tiến triển là luật tự nhiên có thể áp dụng cho chúng ta. Nếu chúng ta ngưng tiến triển, chúng ta sẽ chết. Đức Hồng Y Newman diễn tả như sau : “Trong thế giới cao cấp hơn hay là trong cái thế giới thấp hơn ở đây, sống có nghĩa là đổi thay, và muốn hoàn thiện thì phải thường xuyên thay đổi”. Chúng ta không cần nhắc lại là tất cả chúng ta sẽ dần dần già nua đi. Nhưng càng có tuổi, liệu chúng ta có càng khôn ngoan hơn, thánh thiện hơn, nhân hậu hơn hay biết xót thương hơn không? Thiên Chúa đặt chúng ta vào trái đất này không phải để chúng ta chỉ phát triển bản thân mà còn đóng góp vào sự tiến triển và biến đổi của cả thế giới. Người kitô hữu có trách nhiệm đem những giá trị Tin Mừng làm sức mạnh biến đổi xã hội loài người để xã hội ấy ngày càng phản chiếu một cách chính xác hơn vương quốc của Chúa. Thật là một thách đố lớn lao!

Chúng ta sẽ lấy ở đâu ra quyền lực và sức mạnh cho sự tiến triển và đổi thay này? Qua sự tham dự thánh lễ cách trung thành, chúng ta sẽ được không ngừng biến đổi nên giống hình ảnh Đức Giêsu Kitô. Khi rước lễ cách xứng hợp, chúng ta đón nhận Đức Giêsu Kitô, chúng ta sẽ được biến đổi nên giống như Người, mặc lấy tâm trí và đường lối của Người. Khi bánh và rượu được biến bản thể trở nên Mình và Máu Đức Kitô thì cộng đồng kitô hữu cũng sẽ được biến đổi thành thân mình Đức Kitô.

Hướng Nhìn Và Hy Vọng Vào Tương Lai

Nếu chúng ta không có một hướng nhìn hay một niềm hy vọng nào thì vào buổi sáng thức dậy chúng ta sẽ chán nản và chẳng thèm rời giường! Song, dù nó là cần thiết đấy, nhưng hướng nhìn và hy vọng lại có thể trở thành mây mù và bấp bênh. Chúng ta sẽ làm rõ hướng nhìn ở đâu? Nguồn hy vọng của chúng ta ở đâu? Xét như là một gia đình, một dân tộc, dân của Chúa, chúng ta đặt ưu tiên ở đâu?

Câu trả lời của kitô hữu được tìm thấy trong việc cử hành thánh lễ. Chúng ta tin sự sống có quyền năng hơn cái chết và trong mọi thánh lễ chúng ta cử hành mầu nhiệm vượt qua tiến tới sự sống mới. Chúng ta tin rằng Thiên Chúa đang kêu mời chúng ta, kêu gọi toàn thể nhân loại đến dự tiệc với Người trong nuớc trời. Bí tích Thánh Thể báo trước và hứa trước bàn tiệc thiên quốc. Ở nơi đó, Thiên Chúa sẽ là chủ tiệc. Thiên Chúa sẽ thiết đãi chúng ta những món ăn mỹ vị nhất. Người sẽ lau sạch nước mắt chúng ta. Mỗi thánh lễ, chúng ta thoáng hưởng cái nhìn này, đó là tương lai Thiên Chúa đang đặt để trước mắt chúng ta.

Dấn Thân Để Yêu Thương Và Thực Thi Công Lý

Một tài liệu thách đố nhất của công đồng Vatican II là Hiến Chế Mục Vụ “ Giáo Hội trong thế giới ngày nay”, Hiến chế bắt đầu như sau: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Đức Kitô , và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ”. Người kitô hữu dấn thân đề làm một cái gì đó khác biệt trong những ngôi làng, nơi thành phố, chốn trường học hay công sở. Đối diện với bất công và bạo lực không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Chúng ta không ngừng bị cám dỗ chạy theo đường lối thế gian, rất thông thường thì đó là đường lối của sa đọa và ích kỷ.

Chúng ta lấy sức mạnh ở đâu để giúp kitô hữu dấn thân yêu thương và thực thi công lý ? Chúng ta có thể học được những giá trị kitô hữu về lòng bác ái và chạnh lòng thương ở đâu? Mỗi lần tham dự thánh lễ là mỗi lần chúng ta canh tân lại cuộc dấn thân của mình “Này là máu Thầy, máu giao ước mới và vĩnh cửu…Các con hãy làm việc này mà n hớ đến Thầy”. Chúng ta tái dấn thân đi theo đường lối của Đức Giêsu, đường lối của 10 điều răn và tám mối phúc thật. Tóm lại, chúng ta cam kết chọn sống yêu thương hy sinh quên mình. Chúng ta không chỉ tái cống hiến chính mính mà còn đón nhận đựơc sự bảo đảm là Đức Giêsu sẽ ở với với chúng ta trong cuộc đấu tranh vì tình thương và công lý. Ngài ở với chúng ta trên hành trình chúng ta vác thánh giá mỗi ngày, thánh giá của những nỗ lực trung thành với Phúc Âm trong một thế giới đã bị tội lỗi và gian trá lún sâu vào mọi góc cạnh.

Phục Vụ

Albert Schweitzer vừa là bác sĩ, nhạc sĩ và cũng là nhà thần học, ông đã cống hiến hầu hết đời mình cho việc chăm sóc sức khoẻ những người dân ở vùng Trung Phi. Một lần kia, ông đã nói với đám thính giả sinh viên: “Tôi không biết số phận của các bạn sẽ là gì, nhưng có một điều mà tôi biết là chỉ duy những ai tìm kiếm và khám phá thấy phục vụ là thế nào thì họ mới có hạnh phúc thực sự ”. Người cha lao động cả ngày để có tiền cho con ăn học, người mẹ nào là chăm sóc con, giặt giũ, lau chùi, quét dọn, nấu nướng, lại còn cố gắng kiếm thêm chút ít thu nhập qua giờ làm thêm, các viên chức chính phủ, lính tráng, công an là những người đảm nhận trách nhiệm như một tôi tớ của dân. Xã hội sẽ bình ổn nếu như chúng ta cùng nhau dấn thân giúp đỡ, hỗ trợ và phục vụ nhau theo công việc của mình, bắt đầu từ gia đình và lan ra ngoài cộng đồng rộng lớn hơn.

Ở nơi đâu chúng ta có thể hấp thụ được tinh thần phục vụ này? Chủ yếu là là nơi thánh lễ. Chúng ta nói về thánh lễ như thể chỉ là sự tham dự chúa nhật hay phục vụ Thiên Chúa. Ngay trung tâm của thánh lễ, chúng ta nhớ lại cuộc sống của Đức Giêsu Kitô, Đấng đã đến “không phải để được hầu hạ, nhưng là hầu hạ và hiến mạng sống mình cho nhiều người”(Mc 10,45). Vào thứ năm tuần thánh, chúng ta tưởng nhớ lại việc Chúa Giêsu cúi xuống rửa chân cho các môn đệ trong bữa tiệc ly như thế nào? Ngài đã nói thêm: “Thầy đã làm gương để anh em bắt chước”(x. Ga 13,15)

Nhờ quyền năng của thánh lễ mà chúng ta có được sức mạnh để sống, để phục vụ, để suy nghĩ tốt cho người khác, và để ngày qua ngày đáp lại những nhu cầu của tha nhân .

Một Trái Tim Tri Ân

Một phần trong ngày sống của chúng ta dành ra để cảm tạ và ngơi khen Thiên Chúa vì bao điều thiện hảo và phúc lành Ngài tuôn đổ xuống trên gia đình và bạn hữu của chúng ta . Chúng ta tạ ơn Chúa vì của ăn, sức khỏe, và sự chở che của Người. Tri ân Thiên Chúa, nhận ra những hồng ân của Chúa là một phần trong cuộc sống của chúng ta như một đứa con đối với Cha trên trời và cũng là Đấng Tác Thành. Theo Meister Eckhart, “Sẽ được coi là đủ nếu lời nguyện duy nhất bạn nói lên trong suốt cụộc đời là CÁM ƠN”. Thi sĩ George Herbert quay về Chúa và hỏi: “Ngài đã cho con quá nhiều điều, xin Ngài ban thêm cho con một điều nữa, là cho con một trái tim biết cảm tạ tri ân”.

Chính ý nghĩa của từ Thánh Thể là “tạ ơn”. Trong thánh lễ, chúng ta tạ ơn Chúa vì nhiều ân huệ Chúa ban, Trước hết là hồng ân sự sống mới được ban cho chúng ta qua sự sống, cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô , con Ngài. Chúng ta hiệp nhất chính chúng ta với Thiên Chúa nhân từ, Đấng đã tạo dựng và cứu độ chúng ta.

Khi rời nhà thờ, chúng ta hãy trở về nhà mình với trái tim biết cảm tạ tri ân.

Thánh Lễ Kết Thúc, Sứ Vụ Bắt Đầu

Truyền thống của Giáo Hội gìn giữ sự quện chặt này giữa phụng vụ và cuộc sống rất tốt đẹp trong thành ngữ :” Giáo Hội làm nên Thánh Thể và Thánh Thể làm nên Giáo Hội”. Có nghĩa là, kitô hữu đến với nhau để cử hành thánh lễ trong cộng đoàn, và rồi họ sẽ ra đi loan báo Tin Mừng để hình thành Giáo Hội ngay trong gia đình và làng quê của họ.

Thánh Têrêsa Avila, tiến sị Hội Thánh , có lần ngài đã viết rất thẳng thắn và rõ ràng rằng bác ái sẽ đo lường cầu nguyện: “ Kinh nguyện đẹp nhất, làm hài lòng Thiên Chúa nhất khi nó đem lại sự cải thiện, được bày tỏ qua những việc tốt lành, chứ không phải làm thỏa mãn ý thích của chúng ta”

Một câu chuyện đơn giản sau đây nói đến điều đó. Hai người phụ nữ đến thăm một bà goá đã già nua và ốm yếu. Sau khi thăm hỏi cách vui tươi, họ đứng lên, sẵn sàng cáo biệt. Một trong hai người nói với bà lão “Chúng tôi sẽ nhớ cầu nguyện cho bà”. Bà goá đáp lại : Tôi chắc sẽ làm hai bà ngạc nhiên, nhưng làm ơn rửa dùm tôi các chén điã trong nhà bếp. Tôi có thể cầu nguyện cho mình được”.

Nếu kinh nguyện dẫn chúng ta đến với lòng bác ái, thì kết quả cuối cùng của thánh lễ, vốn là kinh nguyện cao cả nhất của Giáo Hội lại càng phải dẫn chúng ta đến đời sống bác ái và thực thi công lý, đến cuộc sống ân cần và chia sẻ với tha nhân gấp bội như thế nào! ĐGH Gioan Phaolô II nhắc nhớ chúng ta rằng: “Cử hành thánh lễ đừng đóng sập cánh cửa nhà thờ. Như các chứng nhân đầu tiên về cuộc phục sinh của Chúa, kitô hữu tụ tập cùng nhau mỗi chúa nhật đề cảm nghiệm và công bố sự hiện diện của Thiên Chúa phục sinh, chính họ được kêu gọi để rao giảng phúc âm và làm chứng nhân trong cuộc sống hằng ngày”.

 

Giuse Phạm Đình Ái, SSS, chuyển ngữ