lavie.fr, Élodie Chermann,

Đạo đức nói rằng, chúng ta sống như thế nào sẽ chết như thế đó. Triết gia Damien Le Guay và nhà xã hội học Tanguy Châtel xem lại khoảnh khắc truyền mối liên hệ của chúng ta với cái chết và với quan hệ máu mũ.

Không chỉ đơn giản là chuyển nhượng tài sản, di tặng là hành vi mang tính biểu tượng cao đặt ra câu hỏi về nguồn gốc trao truyền và về ý nghĩa của cái chết.

Báo La Vie: Ở Pháp 9/10 vụ thừa kế diễn ra không có di chúc, như thế không phải lúc nào cũng có người thừa kế trực tiếp. Có phải quá khó khăn để tự phản chiếu với chính cái chết của mình không?

Triết gia Damien Le Guay: Đúng, trong bối cảnh toàn cầu hóa quá độ chúng ta đang sống hiện nay. Làm thế nào chúng ta có thể tự nhìn lại mình sau đó, khi tất cả mọi thứ chung quanh dường như phù phiếm và chóng qua? Xã hội hoàn toàn bị chi phối bởi quy luật thị trường và sức mạnh của đồng tiền, Nhà nước và các thể chế không còn đóng vai trò bảo vệ nữa, và mối dây tin tưởng ngày xưa từng tồn tại trong các gia đình bây giờ bị phá vỡ. Kết quả: cá nhân thời này cảm thấy mình không có chỗ đứng trong thế giới ngày mai, họ cam chịu sống ngày này qua ngày khác.

Nhà xã hội học Tanguy Châtel: Chung chung về mặt lý thuyết chúng ta có thể hình dung dễ dàng cái chết của mình nhưng ngược lại, đến thời điểm thì chúng ta không thể hình dung một cách thực tế. Cách duy nhất chúng ta có thể giải quyết là xem trước việc để lại của cải vật chất. Vì thế có 20% người Pháp có hợp đồng về tang lễ của mình, nhưng chỉ có 2,5% chuẩn bị trước các chỉ dẫn của mình – một văn bản viết cho phép bất kỳ người trưởng thành nào có thể xác định trước ý muốn cuối đời của mình, trong trường hợp một ngày nào họ không thể bày tỏ ý muốn của mình. Tại sao lại có sự cách lệch như vậy? Rất đơn giản, vì các chỉ dẫn trước này buộc mình phải hình dung chính mình lúc mình qua đời, điều này làm cho họ phải đối diện với vấn đề tâm lý hơn là việc chọn quan tài, chọn các bài sẽ đọc trong tang lễ của mình.

Mối quan hệ với cái chết như thế này có phải là điển hình của người Pháp không?

Triết gia Damien Le Guay: Không, không riêng gì ở Pháp vì hầu hết các nước phương Tây đều giống nhau. Cái chết bị xem là một thất bại của y học, thay vì xem nó như một phần không thể thiếu của cuộc sống, giống như tất cả các nền văn hóa khác. Nhưng tư thế giả tạo này tạo ra một khoảng cách không thể đo lường giữa chúng ta và thế giới. Như thể chúng ta ở bên ngoài cái chết chứ không ở bên trong.

Nhà xã hội học Tanguy Châtel: Theo tôi, vấn đề địa lý thì ít hơn so với vấn đề thời đại. Trước đây, tôn giáo ở đó để chuẩn bị cái chết cho chúng ta. Tôn giáo không chỉ dạy chúng ta từ vựng để nói về cái chết mà còn làm thuận lợi cho các quan hệ xã hội xung quanh. Chúng ta đến thăm người bệnh, thăm gia đình người người đã khuất, tổ chức tang lễ, chúng ta giải quyết công việc cho họ… Kể từ sau Thế chiến Thứ hai, chỗ đứng này đã thay đổi. Trong khi tôn giáo ngày càng mất chỗ đứng thì y học lại không ngừng phát triển. Tuổi thọ càng tăng, chúng ta càng có khuynh hướng đặt cái chết qua một bên. Mặc dù chúng ta biết cái chết sẽ có tiếng nói cuối cùng, nhưng chúng ta giả vờ xem như tiếng nói này không phải nói với chúng ta, ít nhất là không phải bây giờ. Rất nhiều người sau khi làm di chúc đã cảm thấy mình nhẹ nhõm.

Triết gia Damien Le Guay: Đúng, vì việc trở thành chủ đời mình đã là một mệnh lệnh tối thượng của xã hội. Chúng ta càng ít nhờ người khác càng tốt và chỉ cậy vào chính mình. Kể cả sau cái chết của mình! Khuynh hướng thu về mình đặc biệt mạnh khi mối quan hệ gia đình căng thẳng. Trên thực tế, ngày nay, chúng ta có khuynh hướng xem tình gia đình không là gì, không dấu vết tình cảm. Nhưng chúng ta có thực sự có thành kiến về tình yêu của người thân không? Suy nghĩ hoặc không suy nghĩ về di sản có nghĩa là gì? 

Nhà xã hội học Tanguy Châtel: Chừng nào mọi thứ vẫn còn chưa ngã ngũ, thì chắc chắn chúng ta sẽ e ngại về những gì sẽ xảy ra sau đó. Nhưng khi chúng ta quyết định di sản của mình sẽ cho ai, chúng ta sẽ cảm thấy bỗng mình đã trút được một gánh nặng. Trước hết, vì chúng ta chắc chắn cái chết của mình sẽ theo hình ảnh của mình. Thêm nữa, đây là những gì các công ty bảo hiểm nói trong các quảng cáo của họ trong các hợp đồng tang lễ. Sau đó vì chúng ta nhận ra chúng ta có thể chết trước khi mọi sự hoàn tất. Khi sắp xếp công việc theo thứ trật, chúng ta không để xảy ra lộn xộn sau khi mình mất.

Ngoài khía cạnh thuần túy di sản, để di tặng lại có bị xem là muốn để một dấu vết  gì của mình trên Trái đất này không?

Triết gia Damien Le Guay: Dấu vết phù hợp với một nhu cầu nhân học thiết yếu. Bằng chứng là nơi chốn dành cho các lăng mộ và nghĩa trang ở tất cả các nền văn minh! Chúng ta không phải là những người máy có thể hoán đổi qua về, nhưng là các cá thể độc nhất, không thể thay thế. Nét riêng tư chúng ta để lại mang ý nghĩa đến cho cuộc sống chúng ta và làm cho chúng ta trở nên khác biệt. Dù chúng ta không còn trên cõi đời nhưng nhờ nó, chúng ta được lưu truyền và tiếp tục tồn tại trong lòng của những người còn sống.

Nhà xã hội học Tanguy Châtel: Ý tưởng mình bị nuốt chửng trong dòng người vô danh đã khuất thì thật đáng sợ… Nhưng khi chúng ta qua đời mà không có người thừa kế hay không có di chúc thì di sản sẽ tự động vào tay Nhà nước. Như vậy các xác tín và giá trị mà bạn bảo vệ suốt cuộc đời còn lại là gì? Bằng cách để lại thành quả lao động của mình cho một công trình, không những bạn chỉ truyền đi một cái gì đó của mình, nhưng bạn còn làm một việc bác ái. Dĩ nhiên việc làm tốt này không phải lúc nào cũng không vụ lợi. Khi cho, chúng ta thường tìm cách xoa dịu lương tâm và rửa sạch hình ảnh của mình vào giờ cuối. Như khi xức dầu.

 

Nguyễn Tùng Lâm dịch (phanxico.vn)