Đời sống kitô hữu không hẳn là một qui tắc luân lý, nhưng sẽ không ổn nếu không có đạo đức. Thế đấy, có những việc làm, hữu hình hay vô hình, dẫn chúng ta đến hạnh phúc được sống trong Chúa, kể cả những việc tầm thường.


Không cần phải là kitô hữu để trở nên người tốt. Hãy lưu tâm điều đó, có một chút nghi ngờ đấy.  Được giáo dục tốt không chỉ dành riêng cho người có may mắn và có niềm vui được gặp gỡ Thiên Chúa. Nhưng, điều đặc hữu nơi các kitô hữu, chính là ta đang mong chờ nhìn thấy họ sống phù hợp với những gì họ dựa vào: Một đời sống đạo đức hoàn hảo! Thậm chí có vẻ như người ta đang chờ họ… Có ai chưa từng thắc mắc: "Khi thấy họ tham dự thánh lễ thường xuyên… Khi nghĩ rằng đó là trường học công giáo…". Tại sao kitô hữu lại có nhu cầu đó?
 
Chúng ta không thể tách rời đời sống kitô giáo khỏi đời sống đạo đức, và hơn nữa những người xa rời đức tin, hoặc thậm chí thù địch với Giáo Hội cho rằng điều đó chẳng nghĩa lý gì: khi người ta tự xưng là kitô hữu thì người ta phải đáng kính lắm. Đây là lý do tại sao cha Maxime Charles, cựu giám đốc tu viện Montmartre, thường nhắc đi nhắc lại với sinh viên rằng: "Các bạn mang một sứ điệp… buộc tội mình". Đúng vậy.
 
Nhưng đừng lầm tưởng: Đức tin Kitô giáo không phải là luật lệ đạo đức hoặc xã hội, Giáo Hội không phải là một loại đảng phái của các giá trị, nơi mà bạn (hoặc cha mẹ bạn) đã ký cam kết bằng bí tích rửa tội như một thứ điều lệ. Giáo Hội là một thực thể sống động của những ai muốn tìm kiếm khuôn mặt Thiên Chúa, của những ai hy vọng nơi Ngài và nhìn thấy Ngài trên Nước Trời. Nhìn thấy Thiên Chúa, đối mặt với Ngài, như thánh Phaolô xác quyết, là giải đáp kitô giáo cho vấn nạn về cùng đích của con người, về hạnh phúc đích thực mà chúng ta đều tự hỏi theo nguyện vọng tự nhiên của lòng người.
 
Xây dựng hạnh phúc
 
Như Thiên Chúa tạo dựng chúng ta theo hình ảnh Ngài, như chính Chúa đã xuống thế làm người là Đức Giêsu nhằm tỏ hiện khuôn mặt Ngài cho chúng ta: càng hiểu biết và yêu mến Chúa Giêsu, niềm khao khát đi theo và được như Ngài càng thăng tiến hơn, cho đến ngày "chúng ta sẽ được như Ngài, vì chúng ta sẽ thấy Ngài như Ngài là", Thánh Gioan khẳng định (Ga1,3-2). Đó cũng chính là hạnh phúc: "Phúc cho những ai có lòng thanh khiết, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa" (Mt 5,8). Nhưng tất cả điều này đòi hỏi phải thực thi, thực thi kiên quyết: Chỉ muốn có hạnh phúc thôi không đủ, mà phải hành động.
 
Sau đó chúng ta phải tự hỏi về những gì chúng ta phải thực thi, những điều thấm nhuần tình yêu Chúa Giêsu sẽ hướng dẫn chúng ta hành động và được giống như Ngài. Đây chính là mục đích của thần học đạo đức: cân nhắc mọi việc làm, hữu hình hay vô hình, dẫn đưa chúng ta đến hạnh phúc được sống trong Thiên Chúa. Và sau đó là: chính trực, công bằng, thứ tha, yêu mến, những đức tính mà Thiên Chúa mong chờ trước hết nơi chúng ta, bởi lẽ chúng dẫn đưa ta đến gần hơn với Ngài và với tha nhân. Đó là tất cả những đức tính mà chúng ta mong đợi nơi các kitô hữu.
 
Những phương cách khác
 
Và… những nghịch lý, đây là lãnh vực mà mọi thứ có thể vượt ra ngoài tầm tay! Việc thực thi bác ái công bình không phải lúc nào cũng tương hợp với những qui tắc chuẩn mực: Thánh Phanxicô không hề ngại ngùng khi chọn lối sống nghèo khổ để giúp đỡ người nghèo. Thánh Benoît Labre chọn cách sống lang thang. Nhiều người đương thời gọi thánh Gevieve là phù thuỷ… Đó là những phương cách mà tình yêu Chúa Giêsu hướng dẫn: khác với những hành vi dẫn đến việc tự tôn vinh mình.
 
Tóm lại, tình yêu Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta luôn phải can đảm. "Lạy Chúa, xin cho những ai xưng mình là kitô hữu biết từ chối những gì không xứng đáng với danh xưng này và từ chối tìm kiếm vinh dự cho riêng mình" là lời nguyện tuyệt đẹp mà chúng ta đọc trong thánh lễ (lời nguyện nhập lễ CN15TN).
 
Và, hạnh phúc sẽ đồng điệu với việc nên thánh của chúng ta.
 

Tác giả bài viết: Huuchanh ghi lại theo ALETEIA 12.09.2020, "Un chrétien est-il forcément quelqu’un de bien?", Jeanne Larghero.