“Anh em đừng để ai gọi mình là thầy vì anh em chỉ có một thầy, còn mọi người đều là huynh đệ với nhau” (Mt 20, 8).

Bạn có thể kiếm một ai đó dạy cho mình những điều liên quan tới máy móc, khoa học hay toán học như đại số hay Anh văn, cỡi xe đạp hay sử dụng máy tính.

Nhưng trong những việc quan trọng như cuộc đời, tình yêu, thực tại, không ai có thể dạy bạn một điều gì. Họ có cho bạn điều gì thì đó chỉ là những công thức. Và một khi có công thức rồi, là bạn đã bắt thực tại phải được nhìn qua tâm trí của ai khác. Nếu đón nhận lấy các công thức, bạn sẽ bị tù hãm ngay lập tức. Bạn sẽ suy nhược và khi chết, bạn vẫn chưa biết thế nào là nhìn hay biết cho chính bản thân mình.

Hãy suy nghĩ lại như sau: có nhiều lúc trong đời, bạn trải qua một kinh nghiệm mà bạn biết rõ là sẽ phải mang theo mình cho tới khi xuống mồ vì bạn không thể nào tìm ra chữ nghĩa để diễn đạt cho người khác. Thực tế mà nói, không có từ ngữ nào trong ngôn ngữ loài người có thể truyền đạt chính xác điều bạn trải nghiệm.

Hãy nhớ tới cảm giác của mình khi thấy một con chim lượn trên mặt hồ, khi thấy một cọng cỏ thò ra ở một kẻ nứt trên tường hoặc khi nghe tiếng trẻ khóc trong đêm, khi nhìn thấy một thân thể trần truồng đẹp đẽ hay khi trông thấy một tử thi nằm chết cóng trong một quan tài. Bạn có thể truyền đạt trải nghiệm ấy thành nhạc, thành thơ hay thành tranh vẽ. Nhưng trong thâm tâm bạn biết rõ không ai có thể hiểu đích xác những gì bạn đã thấy và cảm nhận. Đó là những điều mà bạn không có khả năng diễn đạt, cũng không có khả năng chỉ vẽ cho người khác.

Đó cũng chính là điều mà một tôn sư sẽ cảm thấy khi được bạn yêu cầu dạy cho mình biết về cuộc sống, Thiên Chúa hay thực tại. Vị ấy chỉ có thể cho bạn một công thức, một lô chữ xâu với nhau thành một công thức. Nhưng những chữ này có ích gì?

Thử hình dung một nhóm du khách ngồi trên xe buýt. Cửa kính xe buýt được kéo xuống, người ta chẳng thấy chẳng nghe chẳng sờ và chẳng ngửi thấy điều gì của một đất nước hết sức lạ kì mà mình đang đi ngang qua. Trong lúc đó hướng dẫn viên cứ thao thao bất tuyệt, mô tả cho họ biết nào là những mùi vị, âm thanh và phong cảnh tuyệt vời của thế giới bên ngoài xe. Điều duy nhất mà họ nghiệm được chỉ là những hình ảnh mà hướng dẫn viên vẽ lên trong đầu óc họ. Giả như xe buýt dừng lại. Hướng dẫn viên cho họ xuống xe với rất nhiều công thức về tất cả những gì mà họ sắp thấy và sắp trải nghiệm. Lúc ấy mọi kinh nghiệm của họ đều bị điều kiện hoá, bị lây nhiễm, bị bóp méo bởi các công thức ấy, khiến họ không còn nhìn thấy chính Thực Tại nữa mà chỉ thấy Thực Tại đã được lọc qua các công thức của người hướng dẫn.

Họ sẽ nhìn Thực Tại một cách thành kiến hay thiên vị, hoặc họ sẽ chiếu những công thức của mình lên trên Thực Tại, và vì thế họ đã không nhìn thấy chính Thực Tại mà chỉ nhìn ra những bằng cớ củng cố các công thức họ đã tiếp thu.

Có cách nào cho biết cái mình đang tiếp xúc là chính Thực Tại không? Ít ra đây là một dấu hiệu cho biết điều ấy: điều nào bạn nhận thấy mà không ăn khớp với công thức đã được ai đó cung cấp cho bạn hoặc do chính bạn tạo ra, điều đó có thể là Thực Tại vì Thực Tại vốn là điều không thể diễn tả thành lời.

Nếu thế thì các bậc thầy có thể làm được gì? Họ có thể giúp bạn chú ý tới những gì là không có, chứ không thể chỉ cho bạn thấy Thực Tại. Họ có thể giúp bạn dẹp bỏ các công thức, nhưng không thể giúp bạn nhìn ra điều mà các công thức muốn dẫn bạn tới. Họ có thể vạch cho bạn thấy sai lỗi của mình, nhưng không thể giúp bạn nắm lấy sự thật.

Cùng lắm, họ có thể cho bạn biết hướng đi tới Thực Tại, chứ không thể cho bạn biết bạn sẽ thấy gì.

Bạn sẽ phải đi tìm điều ấy hoàn toàn một mình và tự mình khám phá ra điều ấy.

Một mình bước đi có nghĩa là bước ra khỏi mọi công thức, từ những công thức do người khác cung cấp, những công thức do bạn học được từ sách vở, cho tới những công thức do chính bạn nghĩ ra dựa vào kinh nghiệm trước đây của mình. Đây có thể là một điều kinh khủng nhất mà con người sẽ làm: đó là bước vào nơi mà không công thức nào biết và che chở.

Bước ra khỏi thế giới loài người như các ngôn sứ và các nhà thần bí đã làm không phải là không thèm sánh bước chung với họ mà là tránh xa các công thức của họ. Vì thế, dù có biết bao người vây quanh, bạn vẫn thực sự một mình bước đi.

Quả là cô đơn! Điều làm bạn cảm thấy đơn côi và cô độc kinh khủng như thế chính là sự thinh lặng. Bạn sẽ chỉ còn nhìn thấy sự thinh lặng. Và một khi đã trông thấy sự thinh lặng, bạn lập tức buông tất cả mọi sách vở, mọi người hướng dẫn và cả các thức giả.

Bạn sẽ trông thấy gì? Mọi sự, bất cứ điều gì, một chiếc lá rơi, thái độ của người bạn, những gợn sóng trên mặt hồ, một đống đá, một toà nhà điêu tàn, một đường phố, một bầu trời đầy sao, mọi sự. Và sau khi trông thấy những điều ấy, nếu ai đó có ý giúp bạn diễn đạt thành lời, bạn sẽ lắc đầu ngay. Không, không được, làm thế chẳng qua là tạo ra một công thức nữa thôi. Ai đó sẽ tìm cách giải thích những gì bạn trông thấy. Bạn cũng sẽ lắc đầu vì tìm ra ý nghĩa cũng là viết lên một công thức, là biến nó thành những khái niệm, rất thích hợp với đầu óc ưa suy nghĩ. Nhưng tất cả những gì bạn trông thấy đều vượt lên trên các công thức, các ý nghĩa. Một sự thay đổi lạ lùng sẽ diễn ra nơi bạn, thoạt đầu không dễ gì nhận ra nhưng sẽ biến đổi bạn tận gốc rễ. Bởi vì một khi đã trông thấy rồi, bạn sẽ không bao giờ còn y như trước. Bạn sẽ cảm thấy tự do thanh thoát, tự tin để cho rằng mọi công thức, dù có linh thiêng đến đâu, cũng vô giá trị; bạn sẽ không bao giờ gọi ai là tôn sư của mình nữa. Bạn sẽ không bao giờ hết học hỏi vì ngày nào bạn cũng quan sát và hiểu ra toàn bộ diễn tiến của cuộc đời một cách mới mẻ. Chính mỗi sự việc bạn học được đó là vị thầy của bạn.

Nếu thế, chúng ta hãy dẹp các sách vở và công thức sang một bên. Hãy mạnh dạn giã từ các bậc thầy, dù đó là bậc thầy đáng kính cỡ nào, và hãy tập nhìn sự vật cho chính mình.

Hãy mạnh dạn nhìn mọi sự chung quanh mình mà không sợ hãi, cũng không kèm theo một công thức; và chẳng mấy chốc bạn sẽ nhìn ra.

Tác giả: Anthony de Mello, S.J.
Dịch giả: Lm. Phêrô Đặng Xuân Thành
Trích sách: Tiếng gọi yêu thương