Ronald Rolheiser, 

Chúng ta không còn hiểu được u sầu. Ngày nay, chúng ta gộp tất cả các dạng u sầu lại thành một bó tạp nham và gọi đó là “trầm cảm.” Trong khi các bác sĩ tâm thần, các tâm lý gia, các nhân viên y tế đã triển khai nhiều về các chữ dùng trong việc điều trị chứng trầm cảm, thì đồng thời một cái gì quan trọng bị đánh mất ở đây. U sầu mang nhiều ý nghĩa hơn là cái chúng ta gọi là “trầm cảm.” Cho cả điều tốt cũng như điều xấu, người xưa xem u sầu như một ơn của Chúa.

Trước khi có khoa tâm lý và tâm thần học hiện đại, u sầu chính xác được xem là ơn Chúa. Trong thần thoại Hy Lạp, thậm chí sầu muộn còn có một vị thần riêng cho mình, đó là thần Saturn, được xem như một ơn phong phú nhưng hỗn hợp. Một mặt, nó có thể mang đến các cảm xúc xé nát tâm hồn như nỗi cô đơn không thể chịu đựng được, nỗi ám ảnh tê liệt, nỗi buồn không an ủi được, một nỗi buồn mênh mông, một sự tuyệt vọng muốn tự tử; mặt khác, nó cũng có thể mang lại chiều sâu, tài năng, sáng tạo, cảm hứng thơ ca, lòng trắc ẩn, sự thấu hiểu thần nghiệm và khôn ngoan.

Giờ không còn thế nữa. Ngày nay, u sầu đã không những không còn tên gọi, mà theo cách nói của bà Lyn Cowan, chuyên gia phân tích về trường phái tâm lý Jung, thì u sầu đã bị “lâm sàng hóa, bệnh lý hóa và y tế hóa” để những gì mà các nhà thơ, các triết gia, các ca sĩ nhạc blues, nghệ sĩ và các nhà thần nghiệm luôn lấy cảm hứng sâu đậm từ đó, thì bây giờ bị cho là một “bệnh có thể chữa được”, chứ không phải là một phần đau đớn của tâm hồn, không muốn điều trị nhưng muốn được lắng nghe vì nó hiểu qua trực giác sự nặng nề khôn kham phải chịu đựng mọi thứ, cụ thể là sự dày vò của số phận hữu hạn của con người, của sự bất toàn và khả tử. Theo bà Cowan, mối quan tâm của ngành tâm lý học hiện đại đối với các triệu chứng trầm cảm và sự phụ thuộc vào thuốc điều trị trầm cảm cho thấy một “sự hời hợt đáng sợ khi đối diện với các đau khổ thực sự của con người”. Đối với bà, ngoài những ý nghĩa khác, việc từ chối nhận chiều sâu và ý nghĩa của nỗi sầu muộn là đánh giá thấp nạn nhân, dìm họ trong một bạo lực muôn thuở đối với một tâm hồn đã bị dày vò.

Và đó là vấn đề khi nói đến tự tử. Tự tử thường là kết quả của một tâm hồn bị dày vò, trong đa số các trường hợp, sự dày vò này không phải là kết quả của suy đồi đạo đức, nhưng là nỗi u uất đè nặng vào thời điểm người đó quá mềm yếu, quá yếu đuối, quá tổn thương, quá căng thẳng, hoặc quá suy giảm sinh hóa để có thể cự lại được áp lực. Văn hào Nga Leo Tolstoy, người cuối đời đã tự tử chết, trước đó ông viết về gánh nặng của các nỗi u uất đôi khi đã nhận chìm ông. Và đây là một trong các dòng nhật ký của ông: “Sức mạnh làm cho tôi xa rời cuộc sống đã quá đầy, quá mạnh, quá toàn thể hơn bất kỳ một mong muốn đơn giản nào. Đó là sức mạnh giống như khát vọng sống của tôi trước đây, chỉ có điều nó đẩy tôi đi theo hướng ngược lại. Đó là khát vọng của cả toàn thân tôi để thoát ra khỏi cuộc sống này”.

Vẫn còn rất nhiều điều chúng ta chưa hiểu về vấn đề tự tử và sự hiểu lầm này không chỉ về mặt tâm lý mà còn về mặt đạo đức. Tóm lại, chúng ta thường đổ lỗi cho nạn nhân: nếu tâm hồn của bạn bệnh, đó là lỗi của bạn. Phần lớn, đó là cách chúng ta đánh giá những người chết vì tự tử. Dù trong thời gian gần đây, đa số chúng ta đã đi một con đường dài để tìm hiểu về tự tử và bây giờ chúng ta có thể cho mình cởi mở hơn, ít phán xét hơn về mặt đạo đức hơn, nhưng sự kỳ thị vẫn còn. Chúng ta vẫn chưa làm hòa với các suy sụp về sức khỏe tinh thần cũng như thể xác. Những người chết vì ung thư, đột quỵ hoặc đau tim, chúng ta không nói đến các vấn đề tâm lý và đạo đức, nhưng khi có ai tự tử thì chúng ta lại nói đến các vấn đề này. Trên thực tế, những người chết vì tự tử là các bệnh nhân “phong cùi” mới của chúng ta.

Vào thời không có thuốc chữa, bệnh nhân phong cùi bị cách ly, ngoài việc cách ly, họ còn chịu đau khổ gấp đôi, vừa bệnh vừa vị cô lập xã hội, vừa bị kỳ thị (có lẽ điều này còn đau đớn hơn). Họ bị tuyên bố là “ô uế” và phải mang dấu ấn này. Nhưng người mắc bệnh phong cùi vẫn có niềm an ủi là không bị phán xét về mặt tâm lý và đạo đức. Họ không bị đánh giá là “ô uế” trong các lãnh vực đó. Họ nhận được sự thương hại.

Nhưng chúng ta không cảm thấy thương hại với những người mà trong đầu chúng ta không tẩy được về mặt tâm lý và đạo đức. Đó là lý do vì sao chúng ta phán xét người tự tử thay vì thương hại họ. Đối với chúng ta, cái chết do tự tử làm cho con người trở nên “ô uế”, ở chỗ họ bị đặt ra ngoài những gì chúng ta đánh giá là có thể chấp nhận được về mặt đạo đức và tâm lý. Cái chết của họ không được nói đến như các cái chết khác. Họ bị phán xét gấp đôi, về mặt tâm lý (nếu tâm hồn bạn bị bệnh là do lỗi của bạn) và về mặt đạo đức (cái chết của bạn là sự phản bội). Chết vì tự tử còn tệ hơn chết vì bệnh phong cùi.

Tôi không biết làm thế nào chúng ta có thể vượt lên được chuyện này. Như triết gia Pascal đã nói, trái tim có lý lẽ của nó. Cũng vậy, điều cấm kỵ mạnh mẽ trong trái tim chúng ta chiến đấu chống lại người tự tử. Có những lý do chính đáng vì sao chúng ta có cảm giác bộc phát khi đứng trước việc tự tử. Nhưng, có thể một sự thấu hiểu sâu hơn về sự phức tạp của các sức mạnh ẩn chứa bên trong cái mà chúng ta ngây thơ gọi là “trầm cảm” có thể giúp chúng ta hiểu, trong hầu hết các trường hợp, tự tử có thể không bị đánh giá là thất bại về mặt đạo đức hay tâm lý, mà là một nỗi u sầu.

Nguyễn Tùng Lâm dịch

(phanxico.vn)