fr.aleteia.org, Antonio Guillem, 2020-07-2

Đứng trước làn sóng của việc phát triển cá nhân, một số người kẹt giữa hai suy nghĩ ngược nhau, dè chừng hoặc thích thú. Có một công cụ nào có thể giúp chúng ta tiến bộ trong cuộc sống không? Đức tin có đủ để “phát triển” không?

Tìm hiểu chính mình, chữa lành nội tâm…

Sự hăng hái trong việc phát triển cá nhân thường thiếu phân định. Triết gia Norbert Mallet giải mã khái niệm này dưới ánh sáng của đức tin.

Mục tiêu đời sống của người tín hữu kitô là sống bác ái. Vì sao có sự tìm kiếm việc phát triển cá nhân?

Norbert Mallet: Như Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta, Luật trong Cựu Ước yêu cầu: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình (Mt 22, 39). Tình yêu cho tha nhân không thể trụ được nếu không có tình yêu cho chính mình. Tình yêu của Chúa là duy nhất cho mỗi người. Cách mà Ngài đến với con người là tôn trọng nhân cách, lịch sử, nhu cầu của từng người. Chúng ta không phải là các sinh vật vô tính một cách thiêng liêng, được kêu gọi có cùng mối quan hệ với Thiên Chúa. Mỗi người đáp lại ơn gọi của mình theo khả năng của mình. Thánh Tôma Aquinô, Thánh Charles Borromeo với tài năng trí tuệ của các ngài, Thánh Alfonso de Liguori với tài năng cai quản con người…

Kết hợp với Thiên Chúa có tốt hơn là tìm kiếm hạnh phúc không?

Kết hiệp với Chúa là đỉnh cao của việc phát triển cá nhân. Chúng ta được Ngài tạo dựng để hợp nhất với Ngài trọn con người chúng ta: cơ thể, cảm xúc, trí thông minh, trí tưởng tượng, ý chí, v.v. Nguy cơ có thể có là chúng ta để qua một bên những gì mình đang có, thành quả chúng ta có. Làm việc để trau dồi chính mình, giảm bớt các rối loạn trong tính cách chúng ta, trong các hệ thống phòng thủ ngăn chặn chúng ta, tạo điều kiện cho công việc của Chúa trong cuộc sống chúng ta. Chúng ta có thể minh họa điều này qua nhân cách của Thánh Phêrô: tức giận, bùng lên mọi chuyện. Chỉ cần đón nhận trọn vẹn thông điệp của Chúa Kitô trước khi bị bốc đồng này.

Nhưng chữa lành các vết thương sẽ không bao giờ xóa bỏ tình trạng con người tội lỗi chúng ta

Thánh Tôma Aquinô nói, tác động đầu tiên của tội lỗi là ngăn chặn tình bằng hữu của chúng ta với Chúa. Tác động thứ nhì là một số lộn xộn trong các khả năng chúng ta (trí thông minh, ý chí, độ nhạy cảm). Những điều này vẫn tốt nhưng chúng không còn hài hòa. Ân sủng của Chúa tái dựng tình bằng hữu giữa Chúa và con người, nhưng nó không giải quyết được các lộn xộn giữa  các khả năng của con người.

Sự hoán cải của chúng ta là đi tìm để những điều này làm việc chung với nhau. Để được hoán cải, chúng ta nhận được ơn của Chúa, ơn này làm đảo lộn đời sống chúng ta, và thường chúng ta đặt lại chỗ đứng các giá trị đạo đức. Tất cả mọi người, tùy theo tính khí của mình đều chịu một đam mê nổi trội chi phối. Chúng ta có một đức tính đặc biệt để phát triển nhằm hợp nhất nhân văn và nhận được sự cứu rỗi.

Nếu phát triển cá nhân bây giờ là phong trào đương đại thì quá trình tìm hiểu chính mình và kiềm chế các đam mê là cũ.

Đối với người kitô hữu thế nào là “phát triển”? Sự khác biệt với nhận thức bản thân là gì?

Thuật ngữ “phát triển cá nhân” có từ thời cổ đại. Câu “Biết mình” của triết gia Socrate được Platon đưa ra, sau đó là Aristote và tiếp theo là các Giáo phụ trong sa mạc đã làm thêm sắc thái. “Biết mình” là cốt lõi của truyền thống Hy Lạp và kitô giáo: tôi càng biết nhiều về bản thân, tôi càng đặt đời sống cá nhân tôi trong ơn gọi, một điều vượt ngoài tôi, để phát triển tất cả các chiều kích của con người tôi, kể cả sự cứu rỗi. Chúng ta khởi đi từ việc biết mình là ai để chúng ta được phát triển trong Chúa. Một cây không gốc rễ sẽ rớt xuống đất ngay khi có cơn bão đầu tiên.

Vì thế, phát triển cá nhân là một phát minh đương đại?

Nếu phát triển cá nhân bây giờ là phong trào đương đại thì quá trình tìm hiểu chính mình và kiềm chế các đam mê là xưa cũ. Triết gia Platon đã nói về điều này trong Đối thoại. Trong cuốn Đạo đức cho Nicomaque, triết gia Aristote nói đến “đạo đức của nhân cách”. Và đã được Thánh Tôma Aquinô, Thánh Gioan Cassien, một Giáo phụ sa mạc, khuyên các tu sĩ của mình “tìm cho được đam mê nào chi phối mình nhất: đam mê làm cho mình phản ứng ngay lập tức, ngăn mình suy nghĩ và làm người. Một khi chúng ta tìm ra đam mê này, chúng ta cố gắng hoán cải nó và làm sao để nó hướng về Chúa Kitô. Một khi chúng ta hoán cải được đam mê chi phối này, chúng ta tìm xem còn đam mê nào, chúng ta tập trung cố gắng để hoán cải nó”. Ngài khuyên tất cả tu sĩ nên cầu nguyện theo cách này. Ngài kêu gọi mọi người hoán cải phần nào tạo khó khăn cho mình nhiều nhất.

Làm thế nào để cơ thể, đời sống tâm lý và thiêng liêng ăn khớp với nhau?

Để hiểu các sự việc, đôi khi phải phân chia và có được sự tách biệt tùy tiện. Thật không khôn ngoan khi ngăn cách cơ thể, tâm lý hoặc đời sống thiêng liêng: chúng ta là một. Dù lối vào là gì, với sự phát triển cá nhân, đó là cách để hiểu sự toàn diện của tính nhân loại chúng ta. Tất cả đều liên kết với nhau. Chúng ta tất cả đều có kinh nghiệm, một sự lo lắng có thể được làm nhẹ đi qua việc tập luyện cơ thể. Chúng ta vừa cùng lúc không được phân chia các mệnh lệnh khác nhau tạo nên con người và cùng lúc phải tôn trọng chúng. Đôi khi có một trong các lãnh vực của chúng ta cho thấy có vấn đề: các chăm sóc cần thích ứng để công việc cứu rỗi của Chúa có thể được thực hiện trọn vẹn hơn.

Tôi thấy có hai nguy cơ: một kiểu “tâm lý hóa” tất cả, cắt đứt ơn gọi của con người là để được kết hợp với Chúa. Hoặc là một đạo đức bên ngoài, bị giam cầm trong sự kết hợp với Thiên Chúa, quên đi việc nhập thể.

Trong các điều kiện nào người tín hữu kitô rút được lợi ích từ việc phát triển cá nhân?

Tôi thấy có hai nguy cơ: một thực hành sẽ “tâm lý hóa” tất cả, cắt đứt ơn gọi của con người là để được kết hợp với Chúa. Hoặc là một đạo đức bên ngoài, bị giam cầm trong sự kết hợp với Thiên Chúa, quên đi việc nhập thể. Nguy cơ sau đó là con người rút lui, chỉ chờ công việc của ân sủng, quên đi phần ý chí, tự do là những phần thuộc về con người. Trong thực tế, sự phát triển cá nhân bắt đầu với những người chúng ta tiếp xúc: vợ / chồng, con cái, đồng nghiệp, láng giềng, đó là các tấm gương soi để chúng ta thấy các giới hạn của mình và giúp chúng ta cải thiện bản thân. Dù vậy chúng ta đừng quên, Điều răn của Chúa Giêsu không phải là: “Yêu người anh em như mình vậy”. Điều răn Chúa Giêsu là “điều răn mới”, điều răn thành tựu một cách trọn hảo: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Điều răn mới này buộc chúng ta dứt khoát từ bỏ chính mình và từ bỏ việc phát triển cá nhân của mình để chúng ta hướng về người khác và để chúng ta dấn thân cống hiến đời mình cho người khác, trong một tình yêu đến cùng để chúng ta có thể hy sinh chính mình, theo gương Chúa Kitô: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13: 1).

 

Marta An Nguyễn dịch (phanxico.vn)