Làm thế nào để phân biệt các dấu chỉ của Chúa trong cuộc sống của mình?

fr.aleteia.org, Maryvonne Gasse

 

 

Chúng ta thường có khuynh hướng nghĩ các sự kiện đặc biệt là các thông điệp thiêng liêng. Chúa có nói với chúng ta qua các dấu chỉ và phép lạ không? Nếu có thì làm thế nào chúng ta phân định tính xác thực của nó? Làm thế nào để giải thích chúng?

Nếu Chúa can thiệp vào cuộc sống chúng ta, làm thế nào chúng ta biết chắc chính Ngài là người hành động chứ không phải do chúng ta tự  phóng chiếu? Câu trả lời của Linh mục Olivier-Marie Rousseau, đan viện Camêlô ở Paris.

Một dấu chỉ là gì?

Linh mục Olivier-Marie Rousseau: Dấu chỉ là một thực tại hữu hình nói lên một thực tế vô hình. Và con người, cả về thể xác lẫn tinh thần, đều cần nó để thông hiệp. Chẳng hạn, qua nét đẹp của thiên nhiên, qua tính đa dạng, qua sự phức tạp của nó, cái đẹp tạo ngạc nhiên dẫn đến việc chúng ta đặt câu hỏi để rồi nhận biết được sự hiện hữu của một Thiên Chúa Tạo dựng. Điều này không áp đặt đức tin, nhưng thiết đặt để tâm hồn hướng đến việc thờ phượng ngợi khen. Đó là một thái độ tự nhiên, chưa phải là đức tin nhưng cần thiết cho đức tin. Vì ơn sủng không loại đi tự nhiên.

Trong thứ trật siêu nhiên, các dấu chỉ nào có thể khơi dậy đức tin?

Trong Tin Mừng theo Thánh Gioan, dấu chỉ đầu tiên cho thấy Chúa Kitô đang hành động là phép lạ Cana: theo lời xin của Đức Mẹ, Chúa Giêsu biến nước thành rượu. Như thế Ngài đưa ra dấu chỉ chứng thực Chúa nghe lời cầu nguyện của chúng ta và đáp trả dồi dào: Chúa làm phép lạ cho rượu ngon hơn! Thiên Chúa vĩ đại hơn trái tim chúng ta và trong suốt cuộc đời phục vụ công khai, Chúa Kitô đã có nhiều dấu chỉ (chữa lành, trừ quỷ, phục sinh) để đánh thức lòng tin và dẫn chúng ta đến mầu nhiệm Phục sinh, dấu chỉ cao cả tiêu biểu mà không có dấu chỉ này thì “lòng tin của anh em thật hão huyền” (1Co 15, 17). Chúa Kitô cho nhưng không và chờ đợi chúng ta đáp trả cũng nhưng không.

Như thế nào?

Khi Chúa Giêsu làm phép lạ cho có nhiều cá và bánh, (Ga 6: 12-15), Ngài đã làm một dấu chỉ cực mạnh làm cho đám đông muốn “tôn Ngài lên làm vua”. Nhưng Chúa Giêsu thoát khỏi vòng vây của họ, Ngài không muốn mình bị vướng trong loại hiệu năng của họ. Ngài xin họ “hành động để lương thực vẫn còn tồn tại trong đời sống vĩnh cửu”, trước khi Ngài bị họ hỏi ngược lại: “Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông?” (Ga 6, 30). Chúa Giêsu trả lời, Ngài không né tránh câu hỏi của họ nhưng đảo ngược lô-gic của họ: “Ta là bánh trường sinh” (Ga 6, 35). Như vậy, Ngài gợi ý cho các môn đệ đi từ thực tế hữu hình (bánh đầy rỗ) đến mầu nhiệm “Bánh trường sinh” mà đó là chính Ngài. Nhưng đó là một từ quá “khó” cho tinh thần, Tin Mừng nói: một số người sẽ làm theo, những người khác bỏ trốn.

Có những dấu chỉ khác nhạy bén hơn, dễ tiếp cận hơn không?

Bên cạnh bí tích trên bàn thờ, còn có bí tích của người anh em, đặc biệt là của người nghèo, “các vị thầy của chúng ta” theo thành ngữ tuyệt đẹp của Thánh Vinh Sơn Phaolô, các dấu chỉ nơi máng cỏ khó nghèo và Thánh giá, nhưng với điều kiện: lòng quảng đại của chúng ta không thể giảm xuống thành một dấn thân chỉ thuần túy mang tính nhân đạo. “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Co 13, 3). Để dấu chỉ tế nhị này mang ý nghĩa của Chúa Kitô thì phải được ơn Chúa lay động.

Thiên Chúa có thể can thiệp trực tiếp vào cuộc sống chúng ta không?

Tất nhiên! Chẳng hạn một cuộc gặp khó hình dung có thể làm thay đổi cuộc đời tôi và mở ra các cánh cửa bất ngờ, không do tôi quyết định hoặc do một xác quyết bên trong áp đặt và lặp đi lặp lại để đưa ra một sáng kiến đủ thực tế, để sự việc này không phải là hoa quả của ảo giác.

 

Làm thế nào chúng ta có thể phân định tính xác thực hoặc dấu chỉ của Chúa?

Dấu ấn của Chúa được nhận thấy qua thành quả của nó (Gal 5, 22). Nhưng chúng ta không thể nào là quan tòa, vì thế quan trọng là phải được xác nhận. Thánh Gioan Thánh giá đưa ra ba lý do cho việc này: kiểm chứng xem dấu chỉ có phù hợp với Lời Chúa, dựa vào người khác để khỏi quen thuộc với “cách thức của các giác quan” vì chúng sẽ không kéo dài, và “tâm hồn vẫn khiêm nhường, tuân phục và ăn năn”. Khi đi một mình, chúng ta có thể bị vướng vào tính kiêu ngạo, khi thấy mình có đặc ân qua các dấu chỉ. Một cái bẫy tinh thần ghê gớm.

Chúng ta có thể sai lầm ở điểm này không?

Nếu trái tim chưa được tôi luyện với các đức tính chủ yếu, được thanh luyện bởi các đức tính đối thần, được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa và giữ các bí tích, thì nó có nguy cơ chịu tác động của các đam mê, nạn nhân của sự thiếu thốn tình cảm, bị giam hãm trong hệ thống bù trừ. Đây là các rối loạn đến việc dùng tự do và làm sai lệch các dấu chỉ của Chúa, dùng nó theo ý mình thay vì để cho mình được hướng dẫn với lòng tin tưởng. Tất cả thách thức là ở đó. Nhưng Quỷ có thể làm rối mù các dấu chỉ, làm gây nhiễu ý nghĩa của nó.

Trong các cám dỗ của Chúa Kitô ở sa mạc (Lc 4: 1-13), Quỷ đòi các dấu lạ, nó phủ nhận tình trạng con người, đòi sự toàn năng, để chuyển hướng Chúa Kitô khỏi sự nhập thể và khỏi sứ mệnh của Ngài. Và chúng ta, khi chúng ta đi vào sa mạc, bằng sự hấp dẫn của lời cầu nguyện hoặc trong cô đơn phải chịu đựng, chúng ta không tránh khỏi các cám dỗ này. Sa mạc là không gian của ảo ảnh, của trí tưởng tượng phát triển không rào cản, cho đến khi chúng ta rơi vào niềm kiêu hãnh hoặc tuyệt vọng nếu chúng ta không ở trong tâm tình thờ phượng. Thái độ của tạo vật nhận biết mình hữu hạn, tội lỗi và phụ thuộc vào Đấng Tạo Dựng.

Chúng ta có nên chờ dấu chỉ của Chúa hay chúng ta nên xin Ngài ban?

Chúng ta có thể xin Ngài với tấm lòng khiêm nhường và sự khó nghèo tinh thần. Vì không nhất thiết Chúa sẽ gửi dấu chỉ mà chúng ta đang chờ đợi. Hoặc cũng có nhiều khả năng, Chúa sẽ đáp trả dồi dào đến mức trong lòng chúng ta có được nhận thức về sự cực kỳ nhỏ bé của mình khi đối diện với sự cao cả vô hạn của Ngài. Trong huấn dạy thiêng liêng của Ngài, Thiên Chúa nhẹ nhàng và cương nghị dẫn dắt chúng ta, Ngài thanh tẩy tâm hồn tham lam và tinh thần mù quáng của chúng ta, vì chúng ta chỉ muốn “đặt tay” trên ơn của Ngài, như Thánh Phêrô đã muốn dựng lều trên Núi Tabo khi Chúa Kitô biến hình. Chúa kêu gọi chúng ta rời khỏi đồng cỏ màu mỡ để đi lên các đỉnh cao khô cằn nhưng tinh khiết hơn, để dần dần giải tỏa chúng ta khỏi mọi cản trở cho sự kết hiệp của chúng ta với Ngài. Vì thế các thánh đều trải nghiệm đêm tối tâm linh, dù đó là đêm tối giác quan, đêm tối tinh thần hay đêm tối đức tin. Chúng ta biết vào cuối đời, Thánh Têrêxa Hài Đồng đã còn tự hỏi liệu Thiên đàng có thật không!

Vậy chúng ta có nên từ bỏ các dấu chỉ tế nhị này không?

Có, nhưng phải thận trọng. Khi chúng ta có ân sủng, các dấu chỉ này là “con đường Thiên Chúa dẫn dắt chúng ta, không có lý do gì để chúng ta coi thường con đường này”, Thánh Gioan Thánh Giá đã trấn an. Như thế cũng tự phụ khi chúng ta phủ nhận và cũng nguy hiểm khi chúng ta gắn bó vào đó hoặc đi tìm ơn này chỉ cho chính mình. Thánh Gioan viết trong Đường lên núi Camêlô: “Nếu Ta đã nói tất cả trong Lời của Ta, là lời Con của Ta, bây giờ Ta không còn gì để mạc khải hay để nói nhiều hơn”. Thánh Gioan Thánh giá nói tiếp: “Trong Giao ước cũ, các tiên tri và các thầy thượng cả mong muốn thấy các thị kiến và mặc khải thiêng liêng vì đức tin chưa được hình thành cũng như luật phúc âm cũng chưa được thiết lập. Nhưng trong mầu nhiệm Nhập thể, tất cả đều đã được nói lên, đã được ban cho. Ngài đã nói tất cả cho chúng ta trong cùng một Lời này: Vì vậy, Ngài không cần phải nói nữa.”

Có phải thánh thiện phải đi qua các dấu chỉ không?

Thánh Gioan Thánh giá chính xác nói: “Trước Thiên Chúa, một hành động duy nhất, một hành động ý chí duy nhất được thực hiện bằng đức ái, có giá cao hơn tất cả các thị kiến, mặc khải hoặc giao tiếp có thể đến từ Thiên Chúa”.

Giáo hội cho chúng ta các dấu chỉ chúng ta cần, nhưng Chúa Kitô chờ đáp trả đức tin của chúng ta, tự do và chắc chắn, để mau trở về với Ngài.

“Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”  (Lc 18: 8).

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch