CỦNG CỐ ĐỨC TIN CỦA MÌNH TRONG CUỘC SỐNG PHÁT TRIỂN NGÀY NAY

 Pt. Pierre Võ Tiết Cương

 

 

 

“Bạn và tôi phải làm gì để củng cố Đức Tin của mình trong cuộc sống phát triển ngày nay”. 

Nhân loại bước vào thế kỷ XXI đã gần 20 năm, một thế kỷ được xem là sự mở đầu kỷ nguyên của thời đại văn minh trí tuệ, hay còn gọi là thời đại của những phát minh khoa học và kỹ thuật đã làm cho cuộc sống con người ngày được nâng cao. Bên cạnh đó, giới trẻ ngày nay đang đứng trước cơn khủng hoảng về giá trị luân lý, đạo đức và đang có nguy cơ loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống. Vấn nạn này, không những là sự lo lắng cho các bậc làm cha mẹ mà còn là sự thách đố lớn lao của những người có trách nhiệm.

Trước hết, để củng cố Đức Tin của mình trong cuộc sống phát triển ngày nay, con xin nêu lên một số nguyên nhân dẫn tới sự giảm sút Đức Tin của những người Kitô hữu ngày hôm nay.

 

  1. Nguyên nhân bản thân.

 

Do ảnh hưởng của các “căn bệnh chủ nghĩa”: chủ nghĩa tự do (thích làm gì thì làm), chủ nghĩa cá nhân (chỉ biết sống cho mình mà không cần quan tâm đến những người khác), chủ nghĩa hưởng thụ (thích tiêu xài, hưởng lạc thú, thỏa mãn bản thân, tận hưởng sung sướng), chủ nghĩa duy lợi (lợi dụng người thân bạn bè, cái gì tốt thì giữ cho mình, còn cái gì xấu thì trút lên người khác, đánh giá cuộc sống theo những món lợi), chủ nghĩa tương đối (tất cả chỉ là tương đối: con người cũng tương đối, học hành cũng tương đối, tình yêu cũng chỉ tương đối, Thiên Chúa cũng tương đối, đạo nghĩa cũng tương đối thôi…) Chính vì thế mà tình tương thân tương ái, việc chia sẻ trong cuộc sống của họ đang dần dần biến mất đi. Giờ đây, vật chất đối với họ là trên hết, nên hậu quả là họ dễ dàng chểnh mảng, bỏ bê việc chăm lo đời sống thiêng liêng, là bổn phận rất cần thiết cho đời sống tâm linh của người mang danh Kitô hữu.

 

  1. Nguyên nhân từ gia đình.

 

“Gia đình là Giáo hội tại gia, là trường học tự nhiên và căn bản trong nền giáo dục Kitô giáo”(Thư chung của HĐGMVN, năm 2007, số 28). Thế mà nhiều gia đình ngày nay, việc cha mẹ dạy dỗ con cái sống đức tin là điều hiếm có. Ngay cả việc đọc kinh sáng tối cũng chẳng mấy ai giữ. Việc giáo dục đức tin cho con cái phó mặc cho nhà thờ, giáo xứ. Có những cha mẹ vì quá nhiều việc nên không còn thời gian nghĩ đến Chúa; thậm chí, một số cha mẹ còn không muốn cho con đi học giáo lý mà bắt con đi học thêm hay ở nhà học bài vì lý do bài vở quá nhiều. Cũng có một số cha mẹ cho con đi học giáo lý nhưng lại không quan tâm con cái mình học ra sao. Nhiều gia đình thấy con cái mình yếu kém về môn này hay môn kia, chẳng hạn như: môn Toán, môn Anh Văn hay Pháp Văn…, thì còn tìm cách mướn thầy kèm riêng cho con mình tại tư gia. Ở xã hội Âu Mỹ này, hỏi có mấy gia đình để ý dạy giáo lý cho con mình khi chúng bắt đầu học giáo lý để chuẩn bị được Rước Lễ lần đầu? Có nhiều gia đình đến than phiền với con, thầy ơi! con của con, tụi nó bỏ đạo hết rối. Con chỉ trả lời nhẹ nhàng và hỏi ngược lại, anh chị có bao giờ dạy đạo hay giáo lý cho con mình đâu mà nói tụi nó bỏ đạo. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự giảm sút đức tin ở giới trẻ là do sự giáo dục của gia đình còn quá lỏng lẻo, ít quan tâm tới các em.

 

  1. Nguyên nhân từ giáo xứ.

 

Ở xã hội Âu Mỹ hôm nay, đa số các giáo xứ chưa quan tâm tới việc giáo dục đức tin cho các bạn trẻ. Có những giáo xứ chỉ có phòng học giáo lý sơ sài, không trang thiết bị học tập, cha xứ chưa quan tâm đến giáo dục đức tin cho các bạn trẻ một cách đúng mức. Đồng thời, giáo xứ không tạo điều kiện cho các bản trẻ có cơ hội tham gia vào các hoạt động trong giáo xứ.

Kinh nghiệm cho thấy rất rõ những thiệt thòi do việc giới trẻ không được huấn luyện đức tin một cách kỹ càng trong giáo xứ vì thiếu vắng linh mục. Giáo xứ chỉ có thể tổ chức các lớp giáo lý, đủ “lẽ đạo” cho các em Xưng Tội và Rước Lễ lần đầu.  Việc dạy giáo lý cho trẻ em được phó thác cho những giáo lý viên. Việc huấn luyện đức tin dừng lại sau khi các em đã Xưng Tội và Rước Lễ lần đầu. Cách dây hơn hai năm, con có dạy giáo lý  cho 6 em nhỏ từ 8  đến 10 tuổi để chuẩn bị Xưng Tội và Rước Lễ lần đầu. Sau Thánh Lễ ngày 6 em được Rước Lễ lần đầu, thì có 3 em đến nói với con, Pierre (tên của con), ba đứa con sẽ không tiếp tục học giáo lý cho Thêm Sức! Con chỉ cười gượng và nghĩ rằng những gì mình dạy trong 2 năm vừa qua sẽ tan biến vào mây khói!!!

 

  1. Nguyên nhân từ xã hội.

 

Ngày nay, người ta đang bị thử thách bởi những cám dỗ của phong trào, của một nhóm người. Họ chạy đến Đức Mẹ hay các Thánh khi gặp khó khăn đau khổ, họ nghe ở đâu có dấu lạ hay Đức Mẹ hiện ra là họ tò mò chạy đến xem bằng được, nhưng tại nhà thờ, nơi có Chúa đang ngự trên bàn Thánh, nơi Chúa ngự trong nhà tạm, nơi nhận được ơn phúc dồi dào, thì họ lại không đến?

Bên cạnh đó, do khoa học phát triển làm cho con người trở nên thực dụng hơn, và họ cũng đòi những gì họ tin phải sờ được thấy được, kiểm chứng được mới tin. Chẳng hạn cầu nguyện thì cứ đòi Chúa phải nhận lời ngay, Chúa chưa đáp ứng thì bỏ nhà thờ. Đồng thời, do ảnh hưởng của thời đại toàn cầu hóa, hôm nay người ta dường như đang khao khát chờ đợi một điều gì đó khác hơn so với những lối cử hành Thánh lễ buồn tẻ. Điều này có thể thấy rõ vào những lễ Chúa nhật, một số bạn trẻ thường đi tới các giáo xứ có Thánh lễ long trọng, bài giảng thật hấp dẫn và sống động, ca đoàn hát hay… dễ thu hút họ.

Có thể nói, lối sống của thời toàn cầu hóa là lối sống ảo. Quan niệm về luân lý cũng biến đổi nhiều so với sự đổi thay của môi trường sống là nơi diễn ra những khác biệt về kinh tế xã hội, chủng tộc, văn hóa giới tính, v.v. tạo nên những thách đố khác nhau, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống đức tin của chúng ta.

 

Vậy để củng cố Đức Tin.

 

  1. Về phía bản thân.

 

Để củng cố đức tin, bản thân của chúng ta không những chỉ cố gắng học hỏi trau dồi về giáo lý, Kinh Thánh mà còn phải sống đức tin một cách sung mãn.

Hơn nữa, chúng ta siêng năng tới với Chúa, nhất là đến với bí tích Thánh Thể và bí tích Giải Tội, chúng ta sẽ gặp gỡ được Đấng mà chúng ta ngày đêm tôn thờ và hết lòng yêu mến, tha thứ cho chúng ta

Bên cạnh đó, chúng ta hãy noi gương các Thánh là những người đã đổ ra đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ đức tin của mình. Chẳng hạn như Chân Phước  Anrê Phú Yên đã dâng hiến cả tuổi trẻ của mình để bảo vệ đức tin. Trong hạnh các thánh, chúng ta có nhiều tấm gương của các thánh đã xây dựng cuộc sống của họ trên Lời Chúa. Tổ phụ Abraham là người đầu tiên trong số những người ấy. “Cha chúng ta trong đức tin” đã vâng phục Thiên Chúa, Đấng đã yêu cầu ông rời bỏ quê hương để tiến bước về một xứ xa lạ. “Abraham đã tin Thiên Chúa, và điều này làm cho ông được coi là công chính, và ông được gọi là bạn của Thiên Chúa” (Gc 2,23).

Vì Thiên Chúa là Tình Yêu cho nên “tin” là phải “yêu”, yêu người như Chúa yêu ta. Mời gọi chúng ta  cùng nhìn vào con người thật của Stêphanô: khi chấp nhận bị người ta xử tử bằng cách ném đá để làm chứng cho niềm tin vào Đức Giêsu, trước lúc trút hơi thở cuối cùng, thánh nhân đã ngước mắt lên trời mà nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này” (Cv 7,60). Mời các bạn trẻ chiêm ngắm cô thiếu nữ Maria Goretti, sau khi bị kẻ cuồng dâm 20 tuổi Alessandro đâm nhiều nhát dao vào người vì chống trả, đã nói: “Vì tình yêu Chúa Giêsu, tôi tha thứ cho anh ấy và muốn anh ấy sẽ ở trên Thiên Đàng với tôi.” Chúng ta hãy  nhìn vào con người linh mục Maximilian Kolbe đã tình nguyện chịu chết thay cho một người tù không hề quen biết trong trại tập trung Đức Quốc Xã năm 1941. Cựu Tổng Thống Nam Phi Nelson Mandela đã nói sau khi được ra tù năm 1990: “Khi tôi bước đến với tự do, tôi biết rằng nếu không bỏ lại nỗi đau và sự căm thù lại phía sau, tôi sẽ vẫn ở trong tù”. Cuối cùng, chúng ta chứng kiến hình ảnh Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đích thân xin nhà cầm quyền Ý tha cho người đã ám sát mình là Mehmet Ali Agca và vào tù thăm anh ta để nói với anh rằng: “Tôi tha thứ cho bạn.”

Một tình yêu thật sự phải xuất phát từ trái tim chỉ mong muốn điều tốt lành và hạnh phúc cho tha nhân. Đó là cách chúng ta sống đức tin và thể hiện niềm tin cho thế giới hôm nay. Hãy để Lời Chúa triển nở trong lòng chúng ta: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).

 

  1. Về phía gia đình.

 

Gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp chúng ta sống đức tin một cách sung mãn. Một gia đình mà trong đó cha mẹ và mọi người sống đạo đức, thánh thiện biết yêu thương lẫn nhau thì con cái sẽ noi gương cha mẹ. Hơn nữa, con cái cần được lớn lên trong bầu khí đức tin sống động của gia đình: “Thường xuyên nghe những lời cầu nguyện của cha mẹ, được cha mẹ dạy dỗ cầu nguyện, được nhắc nhở về những ơn lành thánh và sự hiện diện của Chúa, được khuyến khích học hỏi giáo lý, tham dự Thánh lễ, sinh hoạt hội đoàn, được chứng kiến đời sống đức tin cụ thể qua những chọn lựa yêu thương và hy sinh cho nhau mỗi ngày, con cái sẽ thấm nhuần lối sống đức tin đó vào cuộc sống của riêng nó trong xã hội. Nhiều người trưởng thành hiện nay rất xúc động khi nhớ về những kỷ niệm khó quên thời thơ ấu của mình được cha mẹ dạy cúi đầu trước bàn thờ, làm dấu thánh giá. Mẹ dạy cho đọc kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng. Lòng đạo đức bình dân đã tạo nên bầu khí đức tin bao trùm cả một ngày sống của gia đình.

 

  1. Về phía giáo xứ.

 

Giáo xứ đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng và hun đúc đời sống đức tin cho chúng ta. Nhiều bạn trẻ mong muốn giáo xứ nên quan tâm và nâng đỡ các bạn trẻ nhiều hơn. Đồng thời, giáo xứ nên tổ chức các lớp giáo lý đặc biệt cho các bạn trẻ, và những khóa dự bị hôn nhân để giúp họ xây dựng những gia đình Công giáo gương mẫu.

Hơn nữa, giáo xứ nên có những buổi học hỏi, hội thảo, thuyết trình về đời sống đức tin hoặc những cuộc thi tìm hiểu về giáo lý. Thiết nghĩ qua những buổi này, chúng ta có cơ hội không những củng cố đức tin của mình mà còn là cơ hội cho chúng ta học hỏi giao lưu với nhau.

 

  1. Về phía Giáo Hội.

 

Giáo hội nên tạo mọi điều kiện cho chúng ta có môi trường sinh hoạt. Hơn nữa, Giáo hội cũng ý thức rằng, để có một cộng đồng nhân loại như lòng mong ước, sự quan tâm giáo dục cho thế hệ tương lai phải đứng hàng đầu; giới trẻ là tương lai của của Giáo hội. Đồng thời, giới trẻ cũng là chủ nhân tương lai của nhân loại.

Bên cạnh đó, muốn đạt được một sự giáo dục mục vụ tốt, chúng ta cần hiểu biết người trẻ; nhất là muốn lãnh đạo người trẻ, chúng ta cần đi sâu vào đời sống người trẻ hơn, vì “vô tri bất mộ”. Và như thánh Gioan Don Bosco nói: “Hãy làm bạn trẻ hiểu rằng chúng ta yêu mến họ, rồi họ sẽ thực hành điều chúng ta muốn”. Hơn nữa, chúng ta vui mừng và hy vọng vào một lớp trẻ, lớp tuổi năng động, nhiệt thành, có thiện chí và yêu mến Chúa Giêsu, thần tượng của giới trẻ và của chúng ta trong mọi thời. Trong niềm vui và hy vọng ấy, chúng ta cần thêm sáng kiến để có cơ hội giới thiệu gương mặt Đức Kitô - một người trẻ hôm qua, hôm nay và mãi mãi cho giới trẻ.

 

Tóm lại

 

“Bạn và tôi phải làm gì để củng cố Đức Tin của mình trong cuộc sống phát triển ngày nay”

Để kết thúc, chúng ta nên sống có ý thức và trân trọng giữ gìn đức tin, dưới tác động của Chúa, tất cả mọi người cố gắng sống tốt hơn, góp phần tích cực vào công cuộc loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô cho mọi người như lời thánh Phaolô: “Chúng tôi không rao giảng chính mình, mà chỉ rao giảng Đức Kitô Giêsu là Chúa” (2Cr 4, 5). Hơn nữa, chúng ta nên cố gắng học hỏi và tự trau dồi về đời sống đức tin của mình mỗi ngày trong cuộc sống và như Thánh Giacôbê đã nói: “Đức Tin không có việc làm là Đức Tin chết.” (x.Gc 2,17).