Mùi hương của Đức Khiêm Nhường

 

 

 

Ronald Rolheiser,

 

Theo Isaac người Syria, giám mục và là nhà thần học nổi tiếng ở thế kỷ thứ 7, một người thực sự khiêm nhường là người tỏa ra một hương thơm nhất định nào đó mà người khác sẽ cảm nhận được và ngay cả động vật cũng cảm nhận đến mức mà các động vật hoang dã kể cả rắn cũng bị thu hút và không bao giờ dám làm hại người này.

Và đây là lập luận của ngài, ngài tin rằng một người khiêm nhường tìm thấy được mùi hương của thiên đàng, khi đứng trước một người như vậy, chúng ta không cảm thấy mình bị phán xét, không có gì để sợ, và điều này đúng với cả động vật. Họ cảm thấy an toàn bên cạnh người khiêm nhường và bị người đó thu hút. Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy những người như Thánh Phanxicô Assisi có thể nói chuyện với chim muông và kết bạn với chó sói.

Dù đẹp như thế nào, có phải đây là câu chuyện cổ tích ngoan đạo hay đây là một ẩn dụ phong phú và nguyên mẫu? Tôi thích nghĩ đây là ẩn dụ phong phú và có thể có một cái gì còn hơn nữa. Quả vậy, đức khiêm nhường có một mùi hương, mùi của đất mùn, đất thó, mùi của thiên đàng.

Nhưng như thế nào? Bằng cách nào mà một đức tính thiêng liêng lại tỏa ra một mùi hương vật lý?

Chúng ta có tâm thế, là những tạo vật vừa có thể xác vừa có tâm linh. Vì thế trong chúng ta, thể chất và tâm linh là một phần của một và cùng một thực thể mà nó không thể nào tách cái này ra khỏi cái kia. Cơ thể và tâm hồn chúng ta cũng giống như đường có màu trắng và có vị ngọt, độ trắng và độ ngọt không thể nào tách riêng ra được. Cả hai có bên trong đường. Chúng ta là một thực thể, không thể tách rời, là thể xác và tâm hồn, như thế luôn vừa là thể lý vừa là tâm linh. Vì vậy, trên thực tế, chúng ta cảm nhận những chuyện về thể chất một cách thiêng liêng, cũng như ngửi những chuyện thiêng liêng qua các giác quan thể lý của mình. Nếu điều này đúng, thì quả thật khiêm nhường tỏa ra mùi hương có thể cảm nhận được về mặt thể xác và khái niệm của Isaac người Syria không chỉ là một ẩn dụ.

Nhưng nó cũng là một ẩn dụ: chữ khiêm nhường có nguồn gốc từ tiếng la-tinh là mùn (humus) có nghĩa là đất: nếu chúng ta chấp nhận định nghĩa này thì người khiêm nhường mà chúng ta biết là người sát đất nhất và người có nền tảng nhất. Là người khiêm nhường là có bàn chân đạp đất, là tiếp xúc với đất, là mang mùi đất. Hơn nữa, khiêm nhường là lấy chỗ hợp pháp như một mảnh nhỏ của đất, chứ không phải như một con người hay một cái gì đó tách khỏi đất.

Nhà thần nghiệm và khoa học gia nổi tiếng Pierre Teilhard de Chardin đôi khi đã diễn tả điều này trong lời cầu nguyện của ngài. Trong nhiều năm, với tư cách là nhà cổ sinh vật học, ngài làm việc một thời gian dài trong các sa mạc hẻo lánh ở Trung quốc, có khi ngài soạn các lời cầu nguyện cho Chúa dưới hình thức mà ngài gọi đó là Thánh lễ cho thế giới. Nói chuyện với Chúa trong tư cách linh mục, ngài kết hiệp tiếng nói của mình với chính tiếng nói của đất, nơi sự sáng tạo vật lý chính là đất, nền của đất, để có thể mở ra và nói chuyện với Chúa. Là linh mục, ngài không nói cho đất; ngài nói như là đất, cho đất một tiếng nói, với những chữ có tác động:

Lạy Chúa, con đứng trước mặt Chúa như một sinh linh bé nhỏ của đất, để cho đất có tiếng nói: xin Chúa nhìn đến sự mở lòng ra của con, sự mở lòng ra của thế giới, sự bất trung của con, sự bất trung của thế giới; trong sự chân thành của con, sự chân thành của thế giới, trong đạo đức giả của con, trong đạo đức giả của thế giới; trong sự quảng đại của con, sự quảng đại của thế giới, trong sự quan tâm của con, sự quan tâm của thế giới, trong sự xao lãng của con, sự xao lãng của thế giới; trong ước muốn ca ngợi Chúa của con, trong ước muốn ca ngợi Chúa của thế giới, trong lợi ích riêng của con, trong sự quên lãng Chúa của thế giới. Vì con là đất, là chút đất nhỏ, chút đất mở ra hoặc khép lại qua cơ thể của con, tâm hồn và tiếng nói của con.

Đây là khiêm nhường, một biểu hiện của khiêm nhường đích thực. Khiêm nhường không bao giờ được nhầm lẫn với hình ảnh bản thân bị tổn thương như chúng ta thường thấy, với sự dè dặt quá mức, với sự rụt rè và sợ hãi hay với một nhận thức quá nhạy cảm về mình. Thường thường khái niệm một người khiêm nhường là khái niệm về người nhận lỗi khi mình có lỗi, người không nhận lời khen (dù mình xứng đáng), người quá rụt rè để không thể thân tình tin tưởng thổ lộ, hay người quá sợ hãi hoặc tự ti ý thức, lo lắng sợ xấu hổ để không bao giờ mở lòng đi tới trước và tặng cộng đoàn món quà của mình. Những điều này có thể là những điều của người hiền lành và quên mình, nhưng do chúng ta chê chính mình khi phủ nhận tài năng của mình, đây là khiêm nhường giả tạo và xét cho cùng, chúng ta biết điều này, vì vậy điều này thường làm cho một người nào đó che giấu sự giận dữ của mình sẽ dễ trở thành người gây hấn thụ động.

Người khiêm nhường nhất mà các bạn biết là người vững chãi nhất, có nghĩa là người biết họ không phải là trọng tâm của trái đất nhưng cũng biết họ không phải là một mẫu vụn đất hạng hai. Và người đó sẽ tỏa ra một mùi hương mang cả hương thơm của thiên đàng (món quà thần thánh) cũng như mùi hương của trái đất.

 

Marta An Nguyễn dịch (phanxico.vn).