Chúng ta tất cả đều có những ngày buồn bã, những ngày chúng ta không thể nào làm gì, không vươn lên được nỗi khắc khoải trong lòng, những ngày bị trạng thái suy thoái đè nặng làm cho chúng ta không thể nói chuyện được với người khác. Có giải pháp nào để vượt lên nỗi buồn và tìm lại được nụ cười không? Thánh Tôma Aquinô đề nghị năm lời khuyên đặc biệt hiệu quả để vượt lên giai đoạn buồn phiền này.

1. Phương thuốc thứ nhất là làm một cái gì mình thích. Cách đây bảy thế kỷ, nhà thần học gia lớn đã có trực giác xem “sô-cô-la là thuốc chữa cho chứng trầm cảm!”. Không ai có thể phủ nhận, sau một ngày làm việc chán nản, một cốc bia có thể làm lên tinh thần! Thánh Kinh cũng không nói khác. Chính Chúa Giêsu cũng tham dự vào các bữa ăn, các buổi lễ vui mừng, Ngài cũng thích những chuyện đẹp ở trần thế, cả trước và sau khi Ngài sống lại. Một Thánh vịnh còn nói, rượu thơm làm tâm hồn con người vui vẻ, tuy nhiên Thánh Kinh luôn lên án nạn chè chén say sưa.

2. Phương thuốc thứ hai là khóc. Theo Thánh Tôma Aquinô, “nếu chúng ta giữ những gì có hại trong lòng thì nó sẽ làm cho chúng ta đau hơn vì tâm hồn chú ý đến những chuyện tiêu cực này nhiều hơn; ngược lại, nếu chúng ta đem nó ra ngoài thì tâm hồn được phân tán và nỗi đau bên trong được giảm. Nỗi buồn phiền của chúng ta nặng thêm nếu chúng ta không có cách nào để giải khuây. Khóc là giúp tâm hồn giải khuây, nếu không nỗi buồn sẽ làm chúng ta tê liệt. Chúa Giêsu cũng đã khóc. Đức Phanxicô cũng đã nói, “có những chuyện trong đời sống chỉ có thể nhìn với cặp mắt đã được rửa với nước mắt. Tôi xin anh chị em mọi người tự hỏi: tôi có khóc được không?”

3. Phương thuốc thứ ba là chia sẻ nỗi buồn với một người bạn. Ở đây, trong đầu tôi hiện lên hình ảnh người bạn của Renzo trong tiểu thuyết của Manzoni, Những người đính hôn. Khi ông ở một mình trong căn nhà trống vắng bị tàn phá bởi nạn dịch hạch, khóc cho số phận khủng khiếp của gia đình mình, ông nói với Renzo: “Những gì xảy ra thì quá đau đớn, một cái gì mà tôi không bao giờ nghĩ mình có thể thấy trong đời mình. Nó quá khủng khiếp, nó đã lấy đi hết tất cả niềm vui sống cho suốt cuộc đời còn lại của tôi. Nhưng nói những chuyện này được với một người bạn sẽ được khuây khỏa rất nhiều”. Phải trải qua kinh nghiệm mới hiểu chuyện này được. Khi chúng ta buồn, chúng ta có khuynh hướng nhìn mọi chuyện trở thành đen tối. Trong những lúc như vậy, mở lòng ra với bạn là phương thuốc chữa rất hiệu nghiệm. Đôi khi chỉ cần một tin nhắn, vài lời qua điện thoại là đủ cho chúng ta lên tinh thần.

4. Phương thuốc thứ tư là nhìn sự thật. Nhìn ngắm “nét sáng chói của sự thật, fulgor veritatis” như Thánh Augutinô chỉ dẫn, nhìn nét huy hoàng của sự thật trong thiên nhiên, trong tác phẩm nghệ thuật, trong một bản nhạc hay cũng là một phương thuốc thần diệu để chống buồn bã. Một vài ngày sau cái chết của một người bạn thân, một nhà phê bình văn học có buổi diễn thuyết với đề tài “mạo hiểu phiêu lưu trong tác phẩm của Tolkien”. Ông bắt đầu bằng câu: “Nói những điều tốt đẹp với người khác đối với tôi là cả một niềm an ủi…”.

5. Phương thuốc thứ năm: đi tắm và đi ngủ! Có lẽ là phương thuốc lạ kỳ nhất đối với nhà thần học lớn thời Trung cổ như Thánh Tôma Aquinô, nhưng đó là một khía cạnh nhìn sâu đậm của tinh thần kitô giáo để xoa dịu nỗi đau tinh thần bằng cách nhờ đến các phương thuốc săn sóc cho cơ thể. Từ khi Chúa xuống thế làm người, từ khi Ngài nhập thể, sự phân chia giữa thể xác và tinh thần đã không còn chỗ đứng trong thân phận con người.

Người ta thường nghĩ sai khi cho rằng kitô giáo thường dựa trên sự chống đối giữa tâm hồn và thể xác, thể xác bị cho như một gánh nặng hay một cản trở cho đời sống thiêng liêng. Nhưng một tinh thần nhân bản kitô thật sự cho rằng, con người (thể xác và tinh thần) được trọn vẹn “tâm linh hóa” trong việc đi tìm sự hiệp nhất của nó với Chúa.

Thánh Thomas More đã nói: “Không ai thấy lạ khi họ đi tìm một bác sĩ đặt quan trọng vào thể xác để săn sóc bệnh tinh thần cho họ. Thể xác và tâm hồn gắn chặt vào nhau, cả hai hình thành một con người, mà nếu bệnh này đụng đến bệnh kia, thì đôi khi đụng đến cả hai cùng một lúc. Vì thế tôi khuyên ai bị bệnh về thể xác, một mặt nên đi xưng tội, mặt khác nên đi tìm một bác sĩ giỏi về mặt tâm linh để săn sóc cho tâm hồn của họ. Cũng vậy, khi tâm hồn bị bệnh thì ngoài việc được theo dõi về mặt tâm linh, thì cũng nên đi tìm bác sĩ để săn sóc về mặt thể xác.” 

Trích từ bài diễn thuyết của linh mục Carlo de Marchi, linh mục phó đại diện Opus Dei miền trung-nam nước Ý trong đại hội giáo sĩ quốc gia tổ chức ở Florence.

 fr.aleteia.org, Carlo de Marchi

 

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch (phanxico.vn)