Thiết tưởng không phải quá đáng khi chúng tôi xác quyết rằng: chín phần mười Ki-tô hữu giữ đúng luật Hội Thánh đều coi việc đời là một cái gì cản trở đường thiêng liêng. Mặc dù cố gắng làm việc với ý hướng ngay thẳng và không bao giờ quên lãng dâng ngày cho Chúa, con số đông đảo tín hữu đó vẫn âm thầm nghĩ rằng: những thời giờ ngồi bàn giấy, ở văn phòng, ngoài đồng ruộng hay trong nhà máy, tất cả đều ở ngoài phạm vi thờ phụng. Theo họ thật rõ ràng, con người không thể không làm việc. Nhưng cũng đừng hy vọng hão là có thể đạt được một đời sống tôn giáo sâu xa, một đời sống mà họ cho rằng chỉ được dành riêng cho những ai có nhiều thời giờ rỗi rãi để đọc kinh cầu nguyện, hay giảng đạo suốt ngày.

 

Trong đời sống, chúng ta chỉ có thể dành cho Chúa được năm ba phút, còn bao nhiêu những thời giờ quý báu khác thì bận rộn bởi trăm công nghìn việc, hay ít ra cũng bị giảm mất giá trị. Vì nhiều người Công giáo trong thực tế, sống một cuộc đời hai lòng, hoặc một cuộc đời ngột ngạt khó thở, họ cảm thấy như phải cởi bỏ bộ áo nhân bản. Chắc hắn trong những chuỗi ngày sống của chúng ta, có những giây phút thiêng liêng cao quý đặc biệt, những giây phút cầu nguyện và tham dự các nhiệm tích. Không có những giây phút tiếp xúc hiệu lực hoặc công khai hơn ấy, thì sự hiện diện của Thiên Chúa chan hòa khắp mọi nơi, và ý thức của chúng ta về sự hiện diện đó sớm muộn cũng sẽ bị suy giảm, đến nỗi đời sống trần gian của chúng ta, dù có tận tụy hết sức, thì đối với chúng ta, vẫn vắng bóng Thiên Chúa; dĩ nhiên đối với vũ trụ sự vận hành ấy không uống phí hoàn toàn. Nhưng, một khi cẩn thận giữ những giờ phút liên lạc mật thiết với Thiên Chúa, chúng tôi dám nói là đã được gặp gỡ Ngài ở “trạng thái thuần túy”; (nghĩa là trạng thái của Đấng Hiện Hữu riêng biệt, đối với tất cả những yếu tố của vũ trụ chúng ta). Vậy, có lý gì chúng ta lại sợ rằng những việc tầm thường nhất, hay hấp dẫn nhất buộc chúng ta phải lìa xa Thiên Chúa?

 

Chúng tôi xin nhắc lại điều này: nhờ công cuộc sáng tạo và hơn nữa, nhờ Mầu Nhiệm Nhập Thể, đối với những ai biết nhìn thì ở trần gian này, không một cái gì là phàm tục cả. Trái lại mọi sự đều linh thiêng đối với những ai biết nhận ra rằng: mỗi tạo vật đều có một phần nhỏ hữu thể, được lựa chọn để tuân theo sức hấp dẫn của Đức Ki-tô trên con đường hoàn tất. Nhờ Thiên Chúa soi dẫn, bạn hãy nhìn nhận có một mối liên quan, tôi dám nói là vật lý và tự nhiên, ràng buộc công lao vất vả của bạn với việc xây dựng Nước Trời. Bạn hãy nhìn xem chính Trời đang mỉm cười với bạn, và thu hút sự nghiệp của bạn. Và rồi trong lúc bước ra khỏi Thánh Đường để nhập vào đô thị ôn ào, bạn chỉ có một tâm tình là tiếp tục đắm mình trong Thiên Chúa. Nếu đối với bạn, công việc xem ra vô vị và mệt nhọc, bạn hãy lấy niềm xác tín này là: bạn đang xúc tiến vào việc phát triển đời sống thần linh, làm niềm sung sướng vô tận và an ủi bạn. Nếu công việc làm bạn say mê, bạn hãy dùng năng lực thiêng liêng mà vật chất đã truyền thông cho bạn, biến thành khát vọng đối với Thiên Chúa, Đấng đã được bạn nhận biết rõ ràng và trìu mến, đang tàng ẩn nơi các sự nghiệp của Ngài.

 

Trong bất cứ trường hợp nào “dù khi bạn ăn, dù khi bạn uống…” (1Cr 10,31), đừng bao giờ bạn làm một điều gì mà trước hết bạn không ý thức được và rồi sau đó, bạn không theo đuổi tới cùng ý nghĩa và giá trị xây dựng của chúng trong Đức Giêsu Ki-tô. Đây không chỉ là một lời khuyên bảo để được sự cứu rỗi tối thiểu, nhưng thật sự đây chính là con đường dẫn tới sự thánh thiện, tùy theo thân phận và nghề nghiệp của mỗi người. Thực vậy, đối với một thụ tạo nên thánh là gì nếu không phải là bám vào Thiên Chúa hết lòng hết sức? Và bám vào Chúa hết lòng hết sức là gì? Nếu không phải là chu toàn những phận vụ trong vũ trụ, đã được tổ chức chung quanh Chúa Ki-tô. Những phận vụ dù tầm thường hay cao trọng, đã được dành riêng cho mỗi thụ tạo tùy theo sứ mệnh tự nhiên hay siêu nhiên của mình.

 

Tác giả: Teihard De Chardin
Trích sách: “Ai là anh em tôi?”
Chuyển ngữ: Nữ Đan Viện Biển Đức