Tục ngữ có câu: “Thất bại là mẹ thành công”. Đối với tôi, những thất bại trong hành trình tu trì là những cơ hội để tôi lớn lên trong tình yêu Thiên Chúa.

Tôi xin thuật lại các thử thách trong hành trình đời tu của tôi như một lời tuyên xưng và ca ngợi tình yêu quan phòng của Thiên Chúa đã dành cho tôi.

Gia đình tôi rất đông, có đến 11 anh chị em, ở một miền quê thuộc tỉnh Nam Định. Bố mẹ tôi cả ngày tất bật, lo cho chúng tôi có cái ăn cái mặc cũng đã hết ngày giờ rồi. Việc học hành của chúng tôi chẳng được ai quan tâm. Hậu quả là: học hết lớp Năm mà tôi không viết nổi tên mình. Và tôi phải nghỉ học lúc 11 tuổi để lo việc chăn trâu, giã gạo, và ra đồng mò cua bắt cá.

Thời gian trôi qua, đã đến ngày tôi phải đi cày thay bố. Tôi làm việc này vì bổn phận, vì bát cơm của mình, và hài lòng với thân phận bé nhỏ ấy của mình.

Một ngày nọ, có ai đó gợi ý với bố tôi cho tôi đi học lại. Bố tôi đồng ý và không bao lâu sau, bố tôi tìm được một chỗ cho tôi học bổ túc. Sau ba tháng học trong mùa Hè, tôi đã có thể biết đọc, biết viết.

Năm học mới đã đến, tôi được khuyến khích trở lại nhà trường. Vấn đề là: trở lại nhà trường sau nhiều năm bỏ học, bây giờ tôi vào lớp mấy cho phù hợp? Mặc dù trước kia đã học hết lớp Năm, nhưng nay tôi quyết tâm học lại từ lớp Ba, sẵn sàng vượt qua mọi ngại ngùng, tự ti mặc cảm, để vui vẻ ngồi học chung với những đứa bạn nhỏ tuổi hơn mình.

Lúc ấy, tôi bỗng nuôi mộng ước làm tu sĩ. Điều này chỉ có tôi và Chúa biết. Những người khác chẳng ai hay biết điều này. Tôi vừa đi học, vừa đi làm, vừa âm thầm sinh hoạt tại chủng viện dự bị của giáo phận Bùi Chu trong suốt 8 năm.

Sau khi tốt nghiệp Trung học, nghe tin một người bạn sẽ đi vào Đan viện Châu Sơn ở Đơn Dương, Lâm Đồng, tôi xin đi theo, coi như đi chơi chứ không dám nói là đi tu.

Sau hai tuần lễ ở nhà khách, tôi được dẫn vào cộng đoàn. Bề trên cộng đoàn là Viện phụ Giêrađô Nguyễn Văn Thất đã khích lệ tôi rằng: “Con cố gắng qua cửa hẹp mà vào, vì đường rộng thì đưa đến diệt vong.” Ngài chúc lành cho tôi và giới thiệu tôi với cộng đoàn hôm đó. Thế là tôi vào lớp Thỉnh sinh của Nhà Dòng.

Lớp Thỉnh sinh của chúng tôi có 12 anh em. Có một anh gia nhập cộng đoàn Thỉnh sinh được đúng một ngày thì ra đi. Rồi thêm những người khác cũng ra đi. Mỗi khi có người rời bỏ cộng đoàn, tôi lại cảm thấy bồi hồi luyến tiếc và tự hỏi: Vì sao? Bao giờ đến lượt tôi?

Thời khóa biểu của cộng đoàn không khó thích nghi, vì ở nhà tôi đã từng thức khuya dậy sớm. Công việc của cộng đoàn cũng không khác công việc ở gia đình tôi bao nhiêu, chỉ khó ở cách thức làm việc, môi trường và khí hậu.

 Khó khăn nhất là mỗi vụ mùa gặt lúa, thường thì trời mưa dầm từ sáng đến chiều. Ban ngày anh em chúng tôi đi gặt, rồi đưa lúa về nhà. Ban đêm, anh em trẻ chúng tôi thay nhau sấy lúa. Lao động ở môi trường không thuận tiện về thời tiết, nhưng chúng tôi vẫn hăng hái vì có chung một mục đích, một lý tưởng: lao động vì lòng yêu mến Chúa và vì phần rỗi các linh hồn.

Mùa lúa qua đi thì mùa chặt mía, làm đường cát trắng lại đến. Chúng tôi, mỗi người một việc: chặt mía, ép mía, nấu mật, rồi phơi đường cát, đóng bao, nhập kho. Mỗi công việc có một cái khó, nhưng trong cái khó lại ló cái khôn, mang lại những bài học bổ ích cho tôi.

Tôi chịu ảnh hưởng của Đức nguyên Viện phụ Stephanô Trần Ngọc Hoàng. Ngài kêu gọi anh em cầm cầy không ngoái lại đằng sau… Ngài kể cho chúng tôi nghe về gương sáng của nhiều cha anh trong Dòng, làm cho tôi rất ngưỡng mộ những tấm gương sống động ấy. Trong một thời gian dài, tôi chỉ ăn cơm gạo lứt với muối mè, uống nước lọc. Hậu quả sau đó, sức khỏe của tôi suy yếu rất nhiều.

Hai năm nhà tập đã qua, tôi đã làm đơn xin được tuyên khấn sơ khởi. Nhưng sau đó, tôi được thông báo là không đủ sức khỏe, cần được chữa bệnh và gia hạn thời gian ở Nhà Tập. Viện phụ Phanxicô Phan Bảo Luyện đã cho tôi về gia đình nghỉ ngơi, điều trị. Ngài nói thêm rằng: “Khi nào con khỏe thì trở lại”. Tôi rời bỏ Đan viện mà tôi yêu mến, mang theo một tâm trạng u sầu.

Thấy tôi về, bố mẹ và gia đình rất vui mừng vì đã bốn năm chúng tôi không gặp nhau. Nhưng niềm vui đó chẳng thể thay thế cho nỗi u sầu trong tôi. Sau sáu tháng chạy thầy, chạy thuốc khắp nơi, bệnh tình không thuyên giảm. Tôi bắt đầu thích nghi với đời sống xã hội, hòa nhập với môi trường, vừa uống thuốc, vừa đi làm. Bắt đầu từ các việc vặt trong gia đình, ngoài đồng ruộng, rồi tôi được vào ở trong nhà xứ của cha cố. Ở đây tôi làm nghề quay phim chụp hình và rất yêu thích công việc này. Bạn hữu và thôn xóm rất ủng hộ, nhưng tôi luôn nuôi hy vọng trở lại Đan viện.

Thời gian cứ trôi qua, tôi cảm thấy ở trong nhà xứ cũng vô vị, vì nơi đó không thuộc về tôi. Tiền thì không có, bệnh thì chưa khỏi, thuốc cứ phải uống. Tôi lên Hà Nội xin việc làm. Một người bạn làm nghề dược sĩ đã hướng dẫn và giúp tôi làm trình dược viên, nhập thuốc vào bệnh viện. Công việc này nhiều tiền, nhưng bố mẹ và gia đình tôi không muốn tôi theo, vì việc này có liên quan đến lương tâm trong cách thức thúc đẩy bác sĩ tăng thêm lượng thuốc khi kê toa cho bệnh nhân. Mẹ tôi nói: “Con ở nhà, mẹ thổi cơm cho con ăn, xưa nay không làm việc đó, con cũng chẳng chết”. Nghe mẹ nói vậy, tôi đã bỏ việc, đi vào lò mổ trâu, bò, nhận thịt giao cho các nhà hàng mỗi buổi sáng sớm. Xong việc, tôi tranh thủ chạy xe ôm. Sau khi trả tiền thuốc, tôi còn dành dụm được chút ít tiền để học nghề lái taxi và chạy xe taxi một thời gian. Một công việc tự do, tôi có thể đi làm bất cứ khi nào, không kể ngày đêm.

Dù tôi đi làm kiếm được khá nhiều tiền, nhưng lòng tôi luôn ước nguyện trở lại Nhà Dòng, nơi thanh vắng bình yên. Mỗi khi có khách ngồi trên xe, tôi luôn thầm thĩ cầu xin Chúa đồng hành với tôi trong công việc tôi làm, và chúc phúc cho tôi được ơn nghĩa với Chúa.

Sau một thời gian vật lộn với đời, tiền trong túi đã có chút đỉnh, bạn bè ngày càng đông. Trong đó có những người bạn khác phái mà người nhà cũng như hàng xóm nghĩ là các bạn gái của tôi. Gia đình và bạn bè đều ủng hộ tôi tiến đến hôn nhân. Các chị tôi, ngồi đâu cũng giới thiệu với tôi hết cô này đến cô khác. Bố tôi có ý chuẩn bị vật liệu xây dựng, xây nhà cho tôi trước khi kết hôn. Cha cố của tôi nói đùa với tôi rằng: “Ông tìm ‘người’ đi thôi!”. Tôi trả lời cha cố rằng: “Con không quen ai, bố giới thiệu cho con một cô”. Cha cố cười trừ cho qua. Tôi chỉ thầm thĩ cầu nguyện, để biết ý Chúa như thế nào? Những lời giới thiệu của mọi người có phải là ý Chúa muốn cho tôi đi theo ơn gọi đó không?

Tôi đã làm hồ sơ xin đi lao động ở nước ngoài. Khi làm bài thi tiếng Hàn, trong tôi không ngừng vọng lên tiếng thì thầm: được lời lãi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn thì còn được ích chi? Cùng với tư tưởng Nhà Dòng cho tôi về chữa bệnh, chứ không phải cho tôi về đời luôn, tôi đã không làm bài thi và trở lại nhà xứ, ở với cha cố, nấu ăn và âm thầm tĩnh tâm. Tôi đã dùng nhiều giờ, đến trước Thánh Thể, đối diện với Chúa. Tôi kể lại với Người mọi hoạt động diễn ra trong những ngày tháng đã qua, những vui buồn tôi gặp trong cuộc đời, những thất bại của đời tu, ơn gọi tôi đang cân nhắc, những người bạn gái tôi được giới thiệu… Tôi dâng lên Chúa tất cả và xin Ngài đồng hành với tôi. Xin Người soi sáng cho tôi đi theo ơn gọi nào? Tôi tâm niệm và xác tín rằng: Ngài biết rõ tôi trước khi gọi tôi vào đời, Ngài biết rõ hiện tại, nội tâm con người của tôi. Ngài biết rõ ngày mai tôi sẽ ra sao? Ngài biết quá khứ, hiện tại và tương lai đời tôi. Sao cũng được, ơn gọi nào cũng tốt, miễn là có Chúa ở với tôi và hướng dẫn tôi chọn đúng ơn gọi mà Chúa biết là tốt cho tôi. Những ý nguyện này được lặp lại nhiều lần, sau những giây phút cầu nguyện và tâm sự với Chúa. Có đôi lần tôi cảm thấy run lên bần bật mà không biết tại sao mình run như thế.

Đã có những lúc tôi nghĩ đến ơn gọi sống đời hôn nhân gia đình. Mỗi khi ý tưởng đó đến trong tâm trí, tôi cũng cầu nguyện và lắng nghe, xin Chúa soi sáng cho biết ý hướng đó có đúng không? Nếu đúng, thì ai sẽ là người bạn đời đồng hành với tôi? Tôi cầu nguyện cho tất cả những người tôi quen biết, cách riêng đối với những người thương mến tôi, và làm ơn cho tôi cách này cách khác. Tôi quằn quại trước một quyết định, một chọn lựa: tiếp tục sống độc thân hay lập gia đình? Tôi bị giằng co, băn khoăn trước ngã ba đường. Tôi suy nghĩ trong lòng: ơn gọi nào cũng thuộc về Chúa. Một đàng, Chúa mời gọi: “Ai muốn theo Tôi phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo”. Đàng khác, hôn nhân là do Chúa thiết lập và nâng lên hàng Bí Tích. Tôi luôn trân trọng cả hai ơn gọi, nhưng đâu là ơn gọi phù hợp hơn mà Chúa muốn tôi đi theo? Chúa tôn trọng tự do của tôi.

Sau hơn 4 năm xa cách Đan viện, bệnh của tôi đã khỏi. Cha cố không thấy tôi có ý lập gia đình, ngài gợi ý với tôi làm một thầy xứ giúp việc trong nhà xứ không thời hạn. Tôi trả lời ngay: “Không, con sẽ trở lại Đan viện”. Cha cố không muốn tôi trở lại Đan viện, vì ngài thấy môi trường này lao động vất vả, dễ đau bệnh lại, Ngài thật sự lo cho tôi. Ngài hướng tôi đi một Dòng khác. Tôi cũng trả lời: “Không, vì Đan viện cho con về chữa bệnh, nay con khỏe rồi, con muốn trở lại nơi ấy.”

Tôi gọi điện thoại xin gặp Viện phụ, và trình bày với ngài về hành trình ơn gọi của tôi. Ngài nói: “Chờ cha ít phút”. Rồi ngài tham khảo ý kiến của cha giáo tập. Khoảng 30 phút sau thì ngài gọi lại, và nói với tôi: “Con thu xếp trở lại Đan viện, cha nhận con”.

Tôi xin làm lại từ đầu, như một thành viên mới. Sau một năm tập, cộng đoàn cho tôi khấn trước một năm. Sau khi khấn sơ khởi, tôi được học hai năm Triết học, rồi khấn trọn đời và đi học bốn năm Thần Học. Tốt nghiệp Thần học, tôi trở lại cộng đoàn nhận công tác giữ hiệu, kéo chuông, gõ mõ và đóng bình nước lọc. Những năm tiếp theo, tôi được nhận và chuyển đổi liên tục các công tác từ làm vườn cỏ nhà khách, làm vườn sầu riêng, rồi trở về nhà nước lọc và cuối cùng là lái máy cày.

Nhìn lại cuộc đời mình, tôi thấy những lúc tôi gặp thất bại, thử thách, những lúc tôi phải đau khổ, buồn sầu lại là những lúc tôi gần gũi Chúa Giêsu nhất, vì đau khổ là thập giá mà Chúa muốn tôi vác mà theo Ngài. Do đó, thất bại, thử thách và đau khổ trở nên cơ hội giúp tôi sống gần gũi với Chúa Giêsu, lớn lên trong sự hiểu biết và yêu mến Chúa hơn. Bởi vậy, niềm vui và hạnh phúc của tôi là bằng lòng với những gì tôi đã gặp, đang gặp và sẽ gặp trong cuộc đời này.

Tôi không luyến tiếc thời gian đã qua, không u buồn với bệnh tật, không than phiền vì sự tụt lùi. Bởi vì tôi tin rằng: tất cả những gì xảy ra trong cuộc đời của tôi đều nằm trong chương trình quan phòng đầy yêu thương của Thiên Chúa dành cho tôi.

Thời gian là của Chúa, ơn gọi nơi tôi cũng là của Chúa. Tôi xin dâng về Chúa tất cả. Tôi tin rằng Chúa có thể rút ra sự thiện từ những sự dữ xảy ra trong cuộc đời của tôi.

Tôi hết lòng cám ơn Chúa và chúc tụng Ngài vì đã cho phép những điều đó xảy ra trong cuộc đời tôi, để tôi nhờ đó mà hiểu biết và yêu mến Chúa hơn.