Giuse Maria Cao Gia An, S.J.

 

 

DẪN NHẬP
Thánh Giuse là một trường hợp kỳ lạ trong Kinh Thánh. Ngài được các Tin Mừng nhắc đến như một người đóng vai trò then chốt trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Nhờ có Ngài, Con Thiên Chúa làm người không chỉ được đón nhận vào một gia đình nhân loại mà còn được gắn liền với dòng dõi của vương triều Đa-vít. Qua dòng dõi ấy Thiên Chúa kiện toàn lời hứa với dân Người về một Đấng Mê-si-a. Thế nhưng xuyên suốt những trang Kinh Thánh, không một ai nghe được Thánh Giuse nói bất cứ lời nào. Không một Thánh Sử nào ghi lại dù chỉ là một câu nói của Ngài. Thánh Giuse làm người cộng tác tích cực với kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa bằng thái độ hoàn toàn thinh lặng. Ấy là sự thinh lặng tràn đầy ý nghĩa.
Thánh Giuse là người được gọi và được chọn. Ngài thinh lặng và vâng phục cộng tác với ơn gọi của đời mình. Với cung cách ấy, Ngài là mẫu gương sống đạo tuyệt vời trong thời đại ngày nay.

THÁNH GIUSE, NGƯỜI ĐƯỢC GỌI
Ở khởi đầu Tin Mừng Mát-thêu, Thánh Giuse xuất hiện như một người được chọn và được gọi. Sứ thần của Thiên Chúa đến, gọi đích danh và chỉ ra chính dòng dõi của Giuse: “Này ông Giuse, con cháu Vua Đa-vít” (1,13). Thánh Mát-thêu kể lại tất cả ba lần Thánh Giuse được gọi (1,18-25; 2,13-15. 19-23). Mỗi lần như thế, Thiên Chúa đều trao cho Thánh Giu-se một sứ mạng cụ thể. Trong tất cả những lần ấy, sáng kiến và phần chủ động hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Chúng ta không nghe Thánh Giuse đáp lại một lời nào. Hay nói đúng hơn, Thánh Giuse không có bất cứ một cơ hội nào để mở lời. Mọi sự chừng như đã được định sẵn. Con đường phía trước chừng như đã được vạch ra. Kết hoạch của Thiên Chúa đã bắt đầu khởi động. Tất cả những gì chàng trai Giuse làm là nhu thuận bước vào trong kế hoạch ấy.
Cách mà Thiên Chúa gọi Thánh Giuse gợi nhớ đến cách mà Thiên Chúa gọi tổ phụ Áp-ra-ham ở khởi đầu của dòng lịch sử cứu độ. Chính Thiên Chúa là người chủ động. Áp-ra-ham được mời gọi từ bỏ quê hương xứ sở và họ hàng thân thuộc để lên đường (St 12,1) đến với Đất mà Đức Chúa sẽ chỉ cho ông. Đó là một tiếng gọi kỳ lạ. Điều mà Thiên Chúa mời Áp-ra-ham từ bỏ thì rất hữu hình, gần gũi, thân thuộc, và dính liền với trái tim của con người. Điều mà Thiên Chúa hứa thì xa lăng lắc và không có gì hữu hình cụ thể cả. Suốt một hành trình dài kể từ lúc khởi đầu ơn gọi, Thiên Chúa không cho Áp-ra-ham một cơ hội nào để lên tiếng. Áp-ra-ham ra đi vì ông tin tưởng vào lời hứa của Đức Chúa. Chừng như Áp-ra-ham không cần biết mình đi đâu, không cần so đo tính toán mình đi thì sẽ được gì và mất gì. Chỉ cần biết người gọi mình chính là Thiên Chúa của mình. Vậy là đủ. Vậy là Áp-ra-ham đón nhận ơn gọi của mình và lên đường.
Thánh Giuse cũng vậy. Khi được gọi, Ngài hoàn toàn không có một cơ hội nào để mở lời. Khi ấy, Giuse hãy còn là một chàng trai trẻ, đã có nghề nghiệp và công việc ổn định. Chừng như Giuse cũng đã có một định hướng rất rõ ràng cho cuộc đời riêng của mình. Những lần sứ thần của Thiên Chúa đến, kế hoạch của chàng trai Giuse hoàn toàn bị đảo lộn. Giuse được mời gọi từ bỏ ý riêng của mình để đón nhận điều mà mình không thật sự hiểu rõ. Giuse được mời gọi từ bỏ ý định từ bỏ Maria, vị hôn thê của mình đang mang thai một cách kỳ lạ. Giuse được mời chỗi dậy trong đêm tìm đường trốn sang Ai-cập, được mời lìa bỏ Ai-cập để quay về quê hương xứ sở… Chàng trai Giuse đón nhận và thực thi tất cả những điều ấy trong thinh lặng.

THINH LẶNG THEO PHONG CÁCH GIUSE
Trong mọi biến cố được kể lại, Thánh Giuse không nói một câu nào. Thế nhưng chính trong sự thinh lặng tuyệt đối ấy, chúng ta có thể khám phá ra nhân cách tuyệt đẹp của Ngài.
Trong trình thuật đầu tiên về việc sứ thần truyền tin cho Thánh Giuse (Mt 1,18-25), Thánh Sử Mát-thêu đã vẽ ra chân dung Thánh Giuse như một người công chính. Sự công chính ở đây không thể hiểu theo nghĩa tuân thủ nhiệm nhặt luật lệ hay nguyên tắc. Nếu công chính theo nghĩa nệ luật, hẳn Giuse đã tố cáo và giao Maria cho người ta ném đá khi phát hiện Maria mang thai, và mình không phải là tác giả. Sự công chính của Thánh Giuse là sự công chính của một chính nhân quân tử. Và sự thinh lặng của Thánh Giuse là sự thinh lặng rất đáng mặt đàn ông. Không muốn tố cáo vị hôn thê của mình, Thánh Giuse chọn con đường mang lấy thiệt thòi về phía mình là “định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo”. Định tâm như vậy nghĩa là sẽ mang toàn bộ gánh nặng của thành kiến và gièm pha của xã hội vào mình. Bỏ Maria mà không công bố lý do, dù có kín đáo cách nào đi nữa, Giuse cũng khó thoát khỏi mang tiếng là vô tình, mang danh là phụ bạc. Lìa bỏ Maria cách kín đáo là một chọn lựa thiệt thòi. Nhưng chừng như với Giuse, chịu thiệt thòi về phía mình không quan trọng. Quan trọng là người khác được sống.
Không dính chặt vào toan tính tốt lành của riêng mình, Thánh Giuse sẵn sàng thay đổi và cộng tác khi được Thiên Chúa đề nghị một con đường khác.
Trong hành trình Đức Giê-su được nuôi dưỡng và lớn lên cũng không có một câu chuyện nào trực tiếp kể về thánh Giuse. Cả trong trường hợp Đức Giê-su ở lại trong Đền Thờ vào năm mười hai tuổi, sau ba ngày tìm kiếm, giây phút gặp lại con ở Đền Thờ người mở miệng là Đức Maria chứ không phải Thánh Giuse (Lc 2,48). Đặt mình trước câu nói của Đức Giê-su lúc ấy, mới hiểu được giá trị của sự thinh lặng của Thánh Giuse: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2,49). Có thể Thánh Giuse thật sự không hiểu hết về “bổn phận ở nhà của Cha con” mà Đức Giê-su nói tới. Nhưng sự thinh lặng của Thánh Giuse biểu hiện của một sự tôn trọng tuyệt đối. Thánh Giuse là người biết tự đặt mình lại phía sau để đẩy Đức Giêsu về phía trước. Nhờ sự tôn trọng ấy, Đức Giê-su được tự do bước đi trên hành trình sống cuộc đời của riêng mình với sứ mạng của riêng mình.
Trong thinh lặng, Thánh Giuse làm cho mình nhỏ lại để Thiên Chúa được lớn lên. Với Thánh Giuse, điều quan trọng là thánh ý của Thiên Chúa được thực hiện chứ không phải là tiếng nói của riêng mình.

VÂNG PHỤC THEO PHONG CÁCH GIUSE
Sự thinh lặng của Thánh Giuse không phải là một kiểu thinh lặng thụ động. Ngược lại, đó là thái độ thinh lặng của một người luôn sẵn sàng bước vào hành động. Hành động theo đúng như lời mình đã được nghe. Những trình thuật Kinh Thánh kể lại rằng Thánh Giuse không nói, nhưng Ngài làm. Và cách làm của Ngài là “ngay lập tức”. Đó là vâng phục theo phong cách Giuse.
Trong cả hai lần báo mộng ban đêm, để diễn tả phản ứng của Thánh Giuse, Thánh Sử Mát-thêu hai lần dùng cùng một công thức như nhau: “Ông Giuse liền chỗi dậy” (Mt 2,14.21). Liền chỗi dậy nghĩa là chỗi dậy ngay lập tức, không trì hoãn, không chần chừ, không ngần ngại, không kéo dài lê thê. Liền chỗi dậy nghĩa là ngay lập tức biến điều mình đã được lãnh nhận thành hành động cụ thể. Thánh Giuse đã không chấp thuận bước vào kế hoạch của Thiên Chúa một cách miễn cưỡng. Ngược lại, Ngài hành động với một sự cộng tác mau mắn và nhiệt thành.
Sự vâng phục của Thánh Giuse là vâng phục vô điều kiện. Ngài không đòi Thiên Chúa phải giải thích, cũng không chờ đến khi mình thật sự hiểu thấu thì mới vâng phục và hành động. Sau những lần được loan báo, Thánh Giuse bày tỏ sự quy phục hoàn toàn của con người trước mầu nhiệm của Thiên Chúa. Mầu nhiệm trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa luôn là điều vượt quá sức hiểu của con người, có khi đi ngược lại với ý muốn và dự tính của con người. Để Mầu Nhiệm cứu độ được thực hiện, Thiên Chúa luôn cần đến sự vâng phục cộng tác của con người.

GIUSE, TÊN LÀ NGƯỜI
Thế giới càng ngày càng nhiều tiếng ồn. Người ta nghĩ rằng càng nói nhiều thì càng làm cho mình nên quan trọng. Người càng nói nhiều thì càng có nhiều ảnh hưởng. Người ta thường đánh giá một con người qua khả năng ăn nói, qua cách thể hiện miệng lưỡi bề ngoài. Thinh lặng thường bị hiểu là không có tiếng nói. Người thinh lặng dễ bị người khác qua mặt và xem thường. Do vậy, xã hội hiện đại dạy người ta lớn lên theo cách phải biết khoa trương về chính mình và làm cho cái tôi của mình ngày một phình to.
Gương mẫu của Thánh Giuse chứng minh điều ngược lại.
Giuse là một tên có nguồn gốc từ tiếng Do-thái (יוסף), có nghĩa là “chính Người sẽ thêm vào”, “nguyện Đức Chúa thêm vào”. Ấy là một cái tên đẹp. Cái tên ấy trở nên đầy ý nghĩa khi được gắn vào cuộc đời của Thánh Giuse. Thực ra, trong suốt cuộc đời mình Thánh Giuse đã không làm được nhiều chuyện lắm. Những lần Tin Mừng kể lại cũng chỉ là câu chuyện Thánh Giuse làm theo ý của một ai đó sắp đặt sẵn cho mình. Thánh Giuse hầu như không có cơ hội làm theo ý riêng để xác lập dấu ấn hay giá trị gì cho riêng mình. Nói cho cùng, trong kế hoạch vĩ đại và kéo dài xuyên suốt dòng lịch sử cứu độ của Thiên Chúa, Thánh Giuse chỉ xuất hiện trong một vài khoảnh khắc nhất định. Tất cả những gì Ngài có thể làm chỉ là hoàn tất sứ mạng được trao phó cho mình.
Khi được trao sứ mạng, Thánh Giuse đã không đặt bất cứ câu hỏi gì về việc mình phải làm, cũng không thắc mắc liệu việc ấy sẽ đi đến đâu, kết quả sẽ như thế nào. Ngài cộng tác với kế hoạch của Thiên Chúa bằng cách làm hết sức mình, hết phần của mình. Tất cả những gì còn lại, chính Thiên Chúa sẽ ra tay. “Chính Người sẽ thêm vào”. Sau khi hoàn tất sứ mạng được trao, Ngài âm thầm rút lui và ẩn mình vào thinh lặng.
Biết đặt mình đúng vị trí của mình. Biết khiêm tốn đảm nhận vị trí của mình. Ấy là cách Thánh Giuse trở nên đặc biệt và bất khả thay thế trong kế hoạch của Thiên Chúa.
Được làm con cái Chúa, mỗi người đều được mời gọi sống một cuộc đời đặc biệt. Mỗi người đều có một cái tên đặc biệt, có một vị trí đặc biệt trong kế hoạch của Thiên Chúa. Sự đặc biệt này được làm nên không phải vì phẩm chất hay khả năng riêng của từng người, cũng không phải vì thành tích hay công trạng của người đó. Ai cũng có khả năng trở nên đặc biệt khi biết cộng tác hết mình với Thiên Chúa, làm hết những gì có thể trong khả năng mình, đồng thời luôn giữ được niềm tin rằng chính Thiên Chúa sẽ hoàn tất những gì Người đã khởi sự. Chính Người sẽ thêm vào. Điều quan trọng là niềm xác tín rằng chính mình được đóng góp một phần nhỏ bé nào đó trong kế hoạch của Thiên Chúa, và biết lấy đó làm đủ.
Khi mỗi người học được cách trở nên một Thánh Giuse khác cho cuộc đời, ngang qua họ, Thiên Chúa luôn có thể làm nên những kỳ công vĩ đại cho con người hôm nay.