Nhà thơ Mỹ Charles Wright: Foucauld và tôi

lejourduseigneur.com, Charles Wright, 04-2022

 

Sĩ quan kỵ binh, nhà thám hiểm, tu sĩ Dòng Trappe, ẩn sĩ, linh mục… Cuộc đời của Charles de Foucauld được đánh dấu bởi cuộc gặp gỡ với một Đấng hoàn toàn khác. Một vị thánh tương lai vẫn còn truyền cảm hứng cho ngày hôm nay: nhân dịp cha được phong thánh ngày 15 tháng 5 năm 2022, trong một bài báo độc quyền, nhà thơ, nhà văn Charles Wright nói về ý nghĩa của Thánh Charles de Foucauld trên cuộc đời của  ông.

Tôi đã 34 tuổi. Tôi vừa rời khỏi Tu viện Lérins, nơi tôi được mặc áo dòng. Trong một năm trên đảo Thánh Honorat, tôi đã cầu nguyện rất nhiều và cùng với các tu sĩ, tôi đắm mình một chút trong thời gian vĩnh cửu. Nhưng cứ đọc thánh vịnh, nhìn các mùa và thủy triều trôi qua thì tôi phải đối diện với sự thật: dù biển mênh mông nhưng tôi cứ quay vòng vòng như con sư tử trong lồng tu viện, đời sống khép kín trong tu viện không phải là đời sống của tôi.

Tôi thấy tôi rất buồn trên con thuyền đưa vào bờ: tôi sẽ làm gì với cuộc đời của tôi? Tôi sẽ ở đâu ngoài tu viện, tôi có thỏa mãn những khao khát tuyệt đối đã đưa tôi đến rẻo đất này ở Địa Trung Hải không? Vì sao sự tồn tại của tôi lại không thể ổn định ở một nơi và một trạng thái sống?

Chính trong giai đoạn mờ mịt này mà Foucauld bước vào đời tôi, nhờ tôi đọc tiểu sử của cha ở thư viện: Cuộc đời của Charles de Foucauld (La Vie de Charles de Foucauld) trong ấn bản “Sách của Cuộc đời”. Đọc hành trình này làm tôi choáng mắt. Đây không phải cuộc đời của một vị thánh như bao nhiêu vị thánh khác, đó là thần học miền viễn xứ, một câu chuyện nên thơ, một tiểu thuyết phiêu lưu… Từ cựu quân nhân vui chơi thành sĩ quan kỵ binh, sau đó là nhà thám hiểm, tu sĩ dòng Trappe, ẩn sĩ, cuối cùng là “người anh em của tất cả anh em” bên cạnh người Tuareg ở Hoggar, nhà dân tộc học và thành bạn của họ, đã ở bên cạnh họ 11 năm, nhà thám hiểm kitô giáo đã không ngừng tạo ra các bản sắc, mặc các bộ áo khác nhau, thay đổi khuôn mặt. Tôi cũng phát hiện ra cha cũng đã trải qua cùng giai đoạn với tôi, đã tự hỏi mình những câu hỏi như thế, mắc kẹt trong những thói quen cũ. Tôi vui vì thấy những điểm tương đồng về tiểu sử hoặc tương đồng về tính cách giữa chúng tôi: một thời niên thiếu bồn chồn, một trở lại muộn màng, một căn bệnh để không nhập ngũ được, bị giằng co không ngừng giữa những khát vọng mâu thuẫn – một tâm hồn Dòng Trappe và một trái tim Dòng Tên -, khao khát vĩnh viễn về một nơi khác viên mãn hơn, nơi mang lại cho cuộc sống chúng ta hình dáng của một câu chuyện có những khúc nổi bật, không quên một tình yêu cho cô độc, một hương vị tự do, một tiếng gọi của người xa lạ, dằn vặt của những người khác, khao khát sáng tạo cho đời mình nhưng vẫn trung thành với những đòi hỏi cao của lương tâm mình…

Khi khám phá có một tâm hồn gần mình như vậy, thì chúng ta bám vào đuôi họ. Trên thực tế, từ đó trở đi, tôi không bao giờ rời Charles một ly. Ở đâu tôi cũng thấy ánh sáng rạng rỡ của “ngọn hải đăng huyền bí” như hồng y Congar đã nói về Charles de Foucauld. Sôi sùng sục, tôi lùng tìm các bài viết, các thư từ trao đổi, đào sâu trong văn chương thông thái của cha, trong các kho lưu trữ, gặp gỡ các nhà sử học, thần học, các chuyên gia về sa mạc Sahara. Để tìm kiếm manh mối, dấu vết của cha, tôi lần theo những nơi cha đi qua. Năm 2019, tôi còn đi theo bước chân cha – đi bộ bảy trăm cây số, không một xu trong túi qua vùng Massif Central cho đến Tu viện Notre-Dame-des-Neiges, nơi cha ẩn mình một thời gian trước khi tiếp tục đi nơi khác, xa hơn, theo vận mệnh thiên thạch của ngài. Chuyến đi tuyệt vời ở miền Tây nước Pháp, được kể trong Con đường của những núi cao (Le chemin des estives) làm cho tôi cảm thấy gần với người anh này hơn. Tôi có ấn tượng người có tham vọng “vượt qua bóng tối trên thế gian như người lữ hành trong đêm” đã ở bên cạnh tôi trên những con đường Auvergne, cười thật lòng trước những câu nói đùa thời học sinh của tôi…

Bây giờ tôi biết đời của cha hơn đời của một số người thân của tôi. Tôi có dám thú nhận, người bạn vô hình vĩ đại này, người đã chết hơn một trăm năm trước, đối với tôi, người đó vẫn sống hơn nhiều người bạn cùng thời với tôi không? Nhắm mắt lại, tôi có thể biết vị tử tước này năm 1904 đã cho các con lạc đà của mình uống nước ở góc nào trong sa mạc Sahara, ai là những người bạn Tuareg thân thiết nhất của cha hay những giấc mơ, những dằn vặt của cha tháng 11 năm 1916, vài ngày trước khi cha bị giết. Với thời gian, một mối quan hệ đồng hành hiện sinh đã phát triển giữa chúng tôi, như thể cuộc sống của chúng tôi được kết nối bằng sợi dây vô hình bí ẩn. Foucauld không còn chỉ là đối tượng nghiên cứu; Foucauld là bậc thầy để sống, là ánh sáng soi đường cho tôi, là người giúp tôi tiến lên, tìm kiếm, để trở nên luôn vui tươi hơn, sống động hơn, nhưng trên hết là tự do hơn.

Ồ, chắc chắn, tình bạn của chúng tôi không thể không có bão tố! Charles, người có những ý tưởng và phong cách thời đại của cha đã làm tôi rất bực mình về xác tín của cha, nghĩ rằng văn minh phương Tây là đỉnh cao. Các bài suy niệm đầy cả lòng mộ đạo của cha rớt khỏi tay tôi. Thật là đau lòng khi cha nhường bước trước cám dỗ của điều thiêng liêng trong các dự án nhà dòng, dòng này dòng kia tất cả đều độc đoán và nhàm chán. Nhưng phần còn lại thì thật ngưỡng phục.

Việc phong thánh có nguy cơ biến cha thành bậc thầy cầu nguyện, một vị thánh trong khung kiếng, một hình ảnh ngoan đạo đẹp đẽ, che khuất con người thật của cha: nhà nghiên cứu, nhà thám hiểm, nhà phiêu lưu. Sự táo bạo mà nhờ đó, người tu sĩ khác thường, đơn độc này đã giải phóng mình ra khỏi mọi gông cùm, kể cả gông cùm tôn giáo, để tôi rèn cho mình một ơn gọi tương hợp với con người độc nhất của mình, thật đáng khâm phục. Cũng thật đáng khâm phục con đường ngài đi để thấy nơi mỗi người trong nhân loại là người anh em của mình, Charles de Foucauld, người được nuôi dưỡng trong đức tin của Công đồng Trent, một công đồng tuyên xưng ngoài Giáo hội công giáo, thánh thiện và tông truyền thì không có cứu rỗi nào…

“Chuyên gia về hồi giáo” đã truyền cảm hứng cho các tu sĩ  Tibhirine ở Algeria, nhưng ngài cũng là tiền thân của Gandhi, của Luther King và của Mandela. Là nhân vật hoàn hảo của phúc âm toàn nhân loại, ngài cho chúng ta thấy đến như thế nào là dịu dàng, là nhân hậu, là thánh thiện vui vẻ của một con người có thể vươn lên để buông mình cho một Thiên Chúa của các Mối Phúc nắm lấy.

Foucauld đã bị Người Galilê hớp hồn. Noi theo gương tình yêu của Người Này là công việc lớn nhất đời cha. Nhưng kinh nghiệm dạy cho cha, rằng không bao giờ được ngừng giống với “Gương mẫu độc nhất”, cũng như không bao giờ được ngừng yêu. Tình yêu là một đổi mới vĩnh viễn, một tiến trình không bao giờ ngừng. Một bước, lại thêm một bước. Không thể ngồi yên: Chúa, có nghĩa là tình yêu, là vĩnh viễn tìm kiếm.

 

Marta An Nguyễn dịch