Lm. Huệ Minh.

pv

Ở đời ai mà không thích làm “ông lớn, bà lớn.” Làm ăn thì mong được lắm tiền nhiều của. Có tiền của rồi thì nuôi tham vọng được thăng quan tiến chức, đạt được quyền lực và danh vọng. Thế nhưng Chúa Giêsu lại vạch ra “con đường chẳng mấy ai đi”, một lối sống mà không mấy ai nghĩ tới, đó là muốn làm lớn thì phải phục vụ, hầu hạ người khác, “làm đầy tớ” mọi người! Chính vì không đón nhận lối sống “nghịch lý” này của Chúa Kitô mà nhân loại đã và đang hứng chịu không biết bao nhiêu thảm cảnh do óc thống trị và hưởng thụ gây ra: Làm lớn để người khác bị “trị” còn mình thì được “hưởng”.

Tin Mừng hôm nay cho thấy Chúa muốn bộc lộ tâm trạng của Ngài trước cuộc khổ nạn sắp xảy ra. Các môn đệ vẫn theo đuổi giấc mơ làm lớn. Điều này làm khổ tâm Chúa không ít. Còn Chúa thì khác. Ai muốn làm lớn thì phải làm nhỏ, làm người phục vụ, làm đầy tớ, phải uống chén đắng, và có khi phải mất mạng vì và cho anh chị em mình! Bạn có muốn chia sẻ tâm sự này với Chúa không? Hay bạn vẫn cứ theo đuổi “giấc mộng vàng” cai trị kẻ khác, những người không xa lạ gì với bạn, mà là anh chị em của bạn đấy thôi?!

Chúa Giêsu đã trình bày lý tưởng của con đường Thập giá cho các môn đệ biết: "Này, Ta lên Giêrusalem, Con Người sẽ bị rơi vào tay các trưởng tế và các luật sĩ, họ sẽ luận xử tử Ngài. Rồi họ sẽ phó Ngài cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn, đóng đinh, song ngày thứ Ba Ngài sẽ sống lại" (Mt 20, 17-19). Nhưng các tông đồ thì nghĩ ngược lại: kẻ thì xin được ngồi bên tả, bên hữu Ngài. Kẻ thì ghen tị bất bình, vì muốn có phần vinh quang và quyền hành khi theo Chúa.

Chuyện đã xảy ra cho các tông đồ vào thời Chúa Giêsu cũng có thể xảy ra cho những kẻ tin Chúa ngày hôm nay. Có người muốn chọn con đường theo Chúa Giêsu với điều kiện không có Thập giá, nhưng cũng có kẻ lại chọn lấy Thập giá mà không có Chúa Giêsu Kitô. Sự đau khổ mà không có Chúa Kitô là một đau khổ không ý nghĩa cứu rỗi. Một sự đau khổ đè bẹp con người, một sự điên dại mà ai nấy đều muốn tránh xa.

Và thêm chuyện nữa là có lẽ mười môn đệ kia tức tối với hai anh em Giacôbê và Gioan là vì : mình không chạy nhanh, không tính toán bằng. Đó có thể là sự ganh tị... và Chúa Giêsu, nhân cơ hội này đã giảng một bài về phục vụ cho những người muốn làm thủ lãnh, làm đầu, làm nhất, làm lớn trong thiên hạ. Chúa trưng dẫn lối lãnh đạo theo Người đời : Lấy quyền thống trị, dùng uy cai quản (x. c. 25). Ngài khẳng định : Giữa anh em không được như vậy : làm lớn để phục vụ (c. 26). Làm đầu phải là đầy tớ (c. 27). Một lối sống đối nghịch với những gì người đời mong đợi.

Người môn đệ đích thực không thể và cũng không nên tách rời Thập giá ra khỏi Chúa Giêsu Kitô. Những đau khổ và những hy sinh chỉ có ý nghĩa, nếu biết liên kết với Chúa Giêsu Kitô, được lãnh nhận vì Chúa và với Chúa Kitô mà thôi.

Chúa Giêsu đã trình bày lý tưởng của con đường Thập giá cho các môn đệ biết: "Này, Ta lên Giêrusalem, Con Người sẽ bị rơi vào tay các trưởng tế và các luật sĩ, họ sẽ luận xử tử Ngài. Rồi họ sẽ phó Ngài cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn, đóng đinh, song ngày thứ Ba Ngài sẽ sống lại" (Mt 20,17-19). Nhưng các tông đồ thì nghĩ ngược lại: kẻ thì xin được ngồi bên tả, bên hữu Ngài. Kẻ thì ghen tị bất bình, vì muốn có phần vinh quang và quyền hành khi theo Chúa.

Chuyện đã xảy ra cho các tông đồ vào thời Chúa Giêsu cũng có thể xảy ra cho những kẻ tin Chúa ngày hôm nay. Có người muốn chọn con đường theo Chúa Giêsu với điều kiện không có Thập giá, nhưng cũng có kẻ lại chọn lấy Thập giá mà không có Chúa Giêsu Kitô. Sự đau khổ mà không có Chúa Kitô là một đau khổ không ý nghĩa cứu rỗi. Một sự đau khổ đè bẹp con người, một sự điên dại mà ai nấy đều muốn tránh xa.

Và rồi qua Tin Mừng ta thấy các tông đồ chưa hiểu đúng sứ mạng của mình: họ theo Chúa Giêsu nhưng để được vinh dự và địa vị; lời xin của 2 con ông Dêbêđê, sự khó chịu của các tông đồ kia. Để giáo dục họ, Chúa Giêsu làm hai việc: một là loan báo cho các ông biết Ngài sẽ bị nộp vào tay kẻ thù để hiến thân chuộc tội cho loài người; hai là dạy họ bài học phục vụ: “Ai muốn cầm đầu thì hãy làm đầy tớ...” “Con Người đến không phải để được phục vụ, mà để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người.”

Chúa Giêsu đã mang lại cho hai chữ "phục vụ" ý nghĩa đích thực của nó: phục vụ như Chúa Giêsu đã sống là sống như một người tôi tớ. Người tôi tớ trong thời phong kiến chỉ có một hiện hữu duy nhất, đó là sống cho và sống vì người khác. Như vậy, phục vụ đích thực chính là sống trọn vẹn cho tha nhân, vì tha nhân, chứ không vì bất cứ một tính toán lợi lộc nào. Phục vụ như thế cũng đồng nghĩa với quên mình và quên mình cho đến chết. Xét cho cùng, theo mẫu gương của Chúa Giêsu, phục vụ cũng đồng nghĩa với chết đi. Đó là bài học mà Chúa Giêsu đã muốn lặp lại trong Tin Mừng hôm nay.

Những dân chài Galilê đã bỏ mọi sự theo Chúa Giêsu, nhưng các ông từ bỏ mọi sự với một tính toán, đó là trở thành công hầu khanh tướng trong vương quốc tương lai của Ngài. Các ông cũng không thoát khỏi cái lý luận thường tình của con người: "Tôi cho đi để được lấy lại," "tôi từ bỏ mọi sự để được giầu sang hơn," "tôi phục vụ để được phục vụ lại." Quyền bính, danh vọng vẫn luôn là cám dỗ đối với Giáo Hội qua mọi thời đại. Dưới lớp áo thâm chùng của từ bỏ vẫn còn ẩn núp những tham sân si. Đội lốt tôn giáo, lời tố cáo ấy xem ra không phải là quá đáng, bất công đối với không biết bao nhiêu thành phần được gọi là người của Giáo Hội.

Ta thấy gồm những con người yếu hèn, tội lỗi, Giáo Hội Chúa Kitô luôn cần được thanh luyện trong ý tưởng, cũng như trong thể hiện của mình. Trong cuộc trở về chung của toàn Giáo Hội, mọi Kitô hữu đều được mời gọi để không ngừng hoán cải. Hoán cải là quay về với Chúa, là chỉ tìm kiếm và yêu mến một mình Ngài, là tham dự vào cuộc Tử Nạn của Chúa Kitô bằng những hy sinh và từ bỏ chính mình mỗi ngày.

Chúa mời gọi tất cả và từng người môn đệ hãy theo Ngài trên con đường Thập giá, nhưng không dừng lại ở đây. Vì ngày thứ ba Ngài đã sống lại trong vinh quang. Như vậy, đau khổ sẽ biến thành niềm vui và hy vọng. Chỉ có ai chấp nhận đi trọn con đường Thập giá với Chúa, vì Chúa, thì mới hưởng được niềm vui và bình an của Chúa Kitô Phục Sinh.

 

(vietcatholic.net)