Chuyển ngữ lời thánh nhân: Nữ Tu M.Anna Lê Thị An Bình, FMI.

Suy niệm & trình bày: Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

 

 

  • Lời Chúa

“Tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh” (1Cr 2, 2).

 

  • Lời thánh Henri Newman

Thờ phượng có nghĩa là tận hiến.

Chúng ta có thể hiểu điều này từ hình ảnh của một người con hoặc một người vợ tận tụy có nghĩa là gì. Đó là người mà mọi suy nghĩ đều tập trung vào người mình yêu mến; với sự dịu dàng âu yếm, sẵn sàng đi theo dù bất cứ nơi đâu, tìm mọi cách hoặc cơ hội để phục vụ cho dù đó là những việc nhỏ. Đặc biệt nếu như người mình yêu thương bị đau ốm hay nguy hiểm đến tính mạng, thì lại càng tận tâm hơn và sẵn sàng hy sinh cuộc sống mình.

Thánh Phaolô có một lòng thờ phượng, kính mến Chúa rất mạnh mẽ, ngài đã viết: “Tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh” (1Cr 2, 2) và ngài xác tín: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2, 20).

Nhưng dù lòng thờ phượng của Thánh Phaolô đối với Chúa Giêsu lớn đến đâu, thì lòng kính mến Chúa của Đức Maria còn lớn hơn nhiều. Bởi vì Mẹ là Mẹ của Chúa Giêsu, Mẹ đã sống ba mươi năm trong tình thân mật với Người, Mẹ đã thông phần chia sẻ cuộc sống và những đau khổ của Người.

Vì sự thánh thiện của Mẹ, Mẹ đã gần gũi và liên kết mật thiết với Con mình trong tinh thần một cách không thể nào diễn tả bằng lời được. Do đó khi Chúa Giêsu bị chế giễu, bị tra tấn, chịu đội mão gai và chịu đóng đinh vào thập giá, Mẹ đã cùng chịu một đau đớn ấy trên thân xác mình.

Đó là lòng trắc ẩn, là sự hiệp thông hoàn toàn của Mẹ vào cuộc Khổ Nạn của người Con Chí Thánh. Điều này xuất phát từ thực tế rằng Mẹ là Kho Tàng của lòng sùng kính - Vas Insigne Devotionis.

 

  • Cùng Anh Chị Em kính chào Mẹ - Ave Maria!

Mẹ Maria cưu mang Chúa Giê-su trong lòng, Mẹ dạy dỗ và chăm sóc cùng chia sẻ cuộc sống với Chúa Giê-su 30 năm, trước khi Chúa “ra khơi” để thi hành sứ mạng Chúa Cha trao.

Đặc biệt trên đường thương khó của Chúa Giê-su, Mẹ luôn đồng hành, ở bên và dưới chân cây thập giá Mẹ đứng đó trong thinh lặng, để chia sẻ với Chúa mọi khổ đau Chúa chịu.

Cuối cùng, khi thân xác Chúa được hạ xuống khỏi cây thập tự, Mẹ đã ôm Con vào lòng, tấm lòng dịu dàng và tràn đầy yêu thương của người Mẹ.

Qua đó, chúng ta nhận ra rằng, chắc chắn Mẹ Maria là người hiểu Chúa Giê-su hơn ai hết, và tình yêu của Mẹ dành cho Chúa Giê-su lớn lao vô cùng.

Tình yêu này của Mẹ dành cho Chúa Giê-su không ai có thể diễn tả được, như lời thánh Newman nói: “Vì sự thánh thiện của Mẹ, Mẹ đã gần gũi và liên kết mật thiết với Con mình trong tinh thần một cách không thể nào diễn tả bằng lời được”.

Tâm tình của Mẹ dành cho Chúa Giê-su như là lời mời gọi bạn và tôi nhìn lại tương quan của chúng ta với Chúa Giê-su. Chúa Giê-su là ai đối với bạn và tôi?

  

  • Hồn sống trong ngày: Hoa lòng dâng Mẹ

“Tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh” (1Cr 2, 2).

Đọc lại lời của thánh Phao-lô xin mời bạn cùng tôi nhìn lại xem, trong cuộc đời chúng ta, Chúa Giê-su hay ai đang chi phối, ảnh hưởng và làm chủ cuộc sống của chúng ta?

Hoa lòng dâng Mẹ hôm nay chính là sự thành tâm của chúng ta và xin Chúa giúp chúng ta biết xây dựng tương quan của mình với Chúa Giê-su một cách thân mật hơn.

Trong tâm tình đó, xin mời bạn cùng tôi lau dọn lại bàn thờ của gia đình.

Cầm Thánh Giá Chúa Giê-su chịu đóng đinh trên tay, bạn hãy thầm tâm sự với Chúa và đừng quên xin ơn này:

“Lạy Chúa Giê-su, con yêu mến và tin tưởng vào Chúa, xin Chúa giúp cho lòng yêu mến và tin tưởng của con được vững mạnh hơn”.