Ronald Rolheiser, 2022-01-17

 

Trong giới nghệ thuật, họ phân biệt giữa người tạo nên tác phẩm – họa sĩ, điêu khắc gia, tiểu thuyết gia – và người viết về nghệ sĩ và tác phẩm của họ. Có tiểu thuyết gia và nhà phê bình văn học, có nghệ sĩ và nhà phê bình nghệ thuật, cả hai đều quan trọng. Các nhà phê bình giữ cho nghệ thuật và văn học khỏi những dạng thức tồi, giật gân, thô tục, hào nhoáng, nhưng chính người nghệ sĩ và tiểu thuyết gia tạo nên thực thể nghệ thuật, không có họ thì các bài phê bình cũng chẳng làm được gì.

Ví dụ như quyển Nhật ký Anne Frank là một tuyệt tác. Vô số sách và bài viết đã viết về nó, nhưng chúng không phải là tuyệt tác, thực thể hay nghệ phẩm chạm đến tâm hồn hàng triệu con người. Chúng là những bình luận về nghệ phẩm đó. Dĩ nhiên, đôi khi có người có thể đóng cả hai vai trò đó, vừa là tiểu thuyết gia vừa là nhà phê bình văn học, vừa là nghệ sĩ vừa là nhà phê bình nghệ thuật, nhưng sự phân biệt vẫn rõ ràng. Có những kỹ thuật và nguyên tắc khác nhau.

Trong lĩnh vực thần học và thiêng liêng cũng vậy, dù người ta thường không nhận ra. Có người viết nên thần học và có người viết về thần học, cũng có người viết nên linh đạo và có người viết về linh đạo. Hiện giờ, tôi đang viết về thần học và linh đạo thay vì thật sự làm nên thần học hay linh đạo.

Có lẽ sẽ dễ hiểu hơn với ví dụ này. Linh mục Henri Nouwen là một trong những ngòi bút thiêng liêng nổi bật nhất trong 70 năm qua. Cha viết nên linh đạo, cha không hề viết về linh đạo. Cha không phải là nhà phê bình, cha viết nên những văn bản linh đạo. Nhiều người, kể cả tôi, đã viết về Henri Nouwen, về cuộc đời, tác phẩm và lý do vì sao cha tác động đến nhiều người như thế. Và xét một cách khắt khe, thì đó là viết về linh đạo, đối lập với viết nên linh đạo như cha Nouwen đã làm. Sự thật là, thời nay, chúng ta không có nhiều ngòi bút thiêng liêng có tầm vóc như cha Nouwen. Nhưng có nhiều ngòi bút phê bình về linh đạo, nhất là ở tầm mức học thuật.

Tôi đưa ra đây ví dụ về ngòi bút thiêng liêng đương thời là cha Henri Nouwen, nhưng sự phân biệt này có lẽ còn rõ ràng hơn nếu chúng ta nhìn vào những ngòi bút thiêng liêng kinh điển. Chúng ta đã có một “kinh điển” về các ngòi bút thiêng liêng: như các Giáo phụ và Giáo mẫu Sa mạc, Dionysius, Julian thành Norwich, Nicholas thành Cusa, Phanxicô thành Assisi, Đôminicô, Inhaxiô, Gioan Thánh Giá, Têrêxa thành Avila, Phanxicô Salê, Vinh Sơn Phaolô và Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Trong số các ngài, không ai viết những tác phẩm phê bình, họ viết nên linh đạo. Rất nhiếu tác giả đã viết vô số sách về các ngài, phân tích tác phẩm của các ngài. Những quyển sách đó có giá trị, phải, nhưng xét cho cùng, chúng không phải là sách linh đạo, mà là sách về linh đạo.

Với thần học cũng thế. Chúng ta có vô số sách viết về thần học hơn là những sách thần học thật sự. Từ “thần học/theology” phát xuất từ hai chữ Hy Lạp là Theos (Thần/Thiên Chúa) và Logos (lời). Do đó, về căn bản, thần học là “lời về Thiên Chúa”. Hầu hết sách thần học và khóa học về thần học chứa đựng một số “lời về Thiên Chúa”, nhưng thường quá ít ỏi so với “lời về Thiên Chúa”.

Đây không phải là phê bình, mà là diễn giải. Tôi đã giảng dạy và viết lách trong lĩnh vực thần học và linh đạo gần 50 năm, và gần như suốt thời gian đó tôi ngây thơ chẳng nhận thức sự phân biệt này, chủ yếu là vì chúng ta cần cả hai và cả hai quyện chặt vào nhau. Tuy nhiên, có lúc không được nhầm lẫn hay gộp chung sự đánh giá phê bình một tác phẩm với chính tác phẩm đó, và trong trường hợp của chúng ta, chúng ta nhận ra viết về thần học và linh đạo không đồng nghĩa với thật sự viết nên thần học và linh đạo. Tại sao lại thế? Tại sao lại phải nêu bật sự phân biệt này?

Bởi vì chúng ta cần những nghệ sĩ và nhà phê bình chạm đến những phần khác nhau trong chúng ta, và chúng ta cần nhận ra phần nào cần được nuôi dưỡng hoặc dẫn dắt. Nghệ sĩ nói với linh hồn theo một kiểu nhất định, cụ thể là tạo hứng khởi, thổi bùng, đào sâu, đem lại thấu suốt mới và cảm thúc cho chúng ta. Nhà phê bình thì nói theo kiểu khác, là hướng dẫn, giữ cân bằng, tỉnh táo, chừng mực, giữ nguyên tắc cộng đồng, mỹ học và tính chính thống. Cả hai đều quan trọng. Cái này giữ cho cái kia khỏi rơi vào tình trạng giật gân đa cảm quá đà, và cái kia giữ cho cái này khỏi trở thành một công việc trống rỗng. Nói đơn giản là thế này. Các nhà phê bình xác định luật chơi và giữ người chơi theo luật, nhưng nghệ thuật, thần học và linh đạo là trò chơi. Trò chơi cần có trọng tài, không thì sẽ sớm rối loạn.

Trong các giáo hội thời nay, thường có căng thẳng giữa những người cố tạo nên các thấu suốt mới, đem lại những ngọn lửa nhiệt thành mới, và nói thấm lòng người, đồng thời cũng có những người canh giữ nhưng lâu đài của học thuật, chính thống, phụng vụ và thẩm mỹ. Thần học hàn lâm thường căng thẳng với đời sống mộ đạo, các nhà phụng vụ thường căng thẳng với các mục tử, và các ngòi bút thiêng liêng thường căng thẳng với các nhà phê bình. Chúng ta có thể khó chịu vì cái này hoặc cái kia, nhưng xét tận cùng, cả hai đều là bạn chúng ta.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch