Các nhà tâm lý thực nghiệm nhận thấy đời sống tinh thần của con người diễn ra trong ba hoạt động nội tâm: lý trí, ý chí và tình cảm. Lý trí là khả năng nhận thức, tư duy và lý luận phân biệt điều hay điều dở, lẽ phải lẽ trái. Ý chí là khả năng quyết định và nỗ lực thực hiện điều mình đã lựa chọn. Tình cảm là những cảm xúc của tâm hồn như: mừng, giận, yêu, ghét, buồn, sợ và ước muốn (theo chữ Hán-Việt là ‘thất tình’: hỷ, nộ, ái, ố, ai, cụ, dục). Những hoạt động này diễn ra bên trong tâm hồn nhưng thường biểu lộ qua hành vi[1], và ít nhiều chịu tác động từ bên ngoài vì con người là sinh vật có tính xã hội. Vì thế, để có thể xây dựng cách tốt đẹp đời sống gia đình, vốn là sự  tương tác lâu bền giữa các cá nhân, người trẻ cần đạt đến mức độ trưởng thành về tâm lý[2], được thể hiện qua những khía cạnh : 1/ dám nhận lấy trách nhiệm của mình, 2/ có những đức tính cần thiết cho tương quan liên vị, 3/ biết cách ứng xử khi gặp những khủng hoảng và 4/ khám phá những đặc sủng giúp cho sự trưởng thành tâm lý.

1. Đảm nhận trách nhiệm.

            Người có tinh thần trách nhiệm ý thức được bổn phận của mình đối với bản thân, với cha mẹ, với gia đình, nhất là đối với Thiên Chúa và tự nguyện chu toàn. Người ấy nhận ra đó là việc của mình chứ không do luật quy định hay ai bắt buộc nên tự nguyện thực hiện, và thực hiện một cách chu đáo để đạt được kết quả tốt nhất. Người có tinh thần trách nhiệm sẵn sàng đón nhận cả những thất bại, và tìm cách sửa sai, không thoái thác hay đổ lỗi cho người khác.
            Trong xã hội đề cao sự hưởng thụ và ích kỷ cá nhân, tinh thần trách nhiệm trở nên một thách đố. Vì thế, để sống có trách nhiệm với chính mình, với gia đình và xã hội, đôi khi phải dám can đảm lội ngược dòng, nhờ đó mới tìm được nguồn hạnh phúc tinh ròng, không vẫn đục. Thiếu tinh thần trách nhiệm, người ta không còn là “trợ tá tương xứng”[3] của nhau, mà chất thêm gánh nặng vào cuộc đời nhau.
            Điều quan trọng giúp chu toàn trách nhiệm, là người ta phải biết chọn lựa những giá trị ưu tiên và tuân thủ bậc thang giá trị ấy. Ta hãy chiêm ngắm Đức Giêsu lúc mười hai tuổi và suy nghĩ về câu trả lời của Người cho Đức Maria và Thánh Giuse: Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?’ (x.Lc 2,41-50). Chúa Giêsu biết cha mẹ cực lòng tìm Người, nói cách khác, chính Người gây ra cho cha mẹ phải lo âu, đau khổ mấy ngày qua, nhưng Người vẫn nói lên một sự thật mà cha mẹ Người chưa biết, đó là Người còn phải có trách nhiệm đối với Chúa Cha nữa. Sau đó, thánh sử Luca kể tiếp: ‘Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài’ (Lc 2,51). Người lại tiếp tục tự nguyện chu toàn bổn phận làm con của Đức Maria và thánh Giuse. Kết thúc cuộc đời trên thập giá, Chúa Giêsu đã chu toàn bổn phận tại  thế của Người khi Người nói: ‘mọi sự đã hoàn tất’ (Ga 19,30).

2. Những đức tính cần thiết cho cuộc sống chung.

            Ngạn ngữ phương tây có câu nói : “Thà làm một con quỷ dễ thương, hơn là làm một vị thánh xấu tính”. Đời sống chung tự nó đòi hỏi mỗi người phải có những đức tính cần thiết để sống hài hòa các mối tương quan. Như thế, “khoa sư phạm khôn ngoan của gia đình phải nhằm đưa trẻ em tới chỗ khám phá ra rằng mình được phú ban một tâm lý vừa phong phú vừa phức tạp, được phú ban một nhân cách đặc thù, với những sức mạnh cũng như những yếu đuối riêng của mình.”[4]
            Tông huấn Niềm vui của Tình Yêu viết: ‘Công đồng chung Vatican II, trong hiến chế Mục vụ Vui Mừng và Hy Vọng (Gaudium et Spes), bày tỏ ưu tư về ‘sự thăng tiến phẩm giá của hôn nhân và gia đình’. Hiến chế này định nghĩa hôn nhân là một cộng đồng sự sống và tình yêu, đặt tình yêu ở trung tâm gia đình… ‘tình yêu đích thực giữa vợ chồng hàm chứa sự tự hiến cho nhau, bao gồm và hội nhập các chiều kính tính dục và tình cảm, phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa. Văn kiện còn nhấn mạnh việc đôi vợ chồng cắm rễ trong Đức Kitô: Chúa Kitô ‘đến gặp gỡ đôi vợ chồng Kitô hữu trong Bí tích Hôn phối’ và ở lại với họ.”[5] Vì thế, đức tính căn bản chính là sự xác tín con người là hình ảnh của Thiên Chúa theo mặc khải Sáng thế 1,26. Người chồng thấy Chúa trong người vợ và ngược lại. Chính Thánh Phaolô đã minh họa tương quan này trong thư gửi tín hữu Êphêsô: ‘Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa…. Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh…’(x.5,21-33). 
Thánh Kinh và giáo huấn của Giáo hội dạy chúng ta  tôn trọng phẩm giá con người vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa[6]. Tự bản chất con người đã có giá trị chứ không do giầu sang, quyền thế, hay phái tính. Tôn trọng phẩm giá người khác là lưu tâm tới danh dự của họ[7], loại trừ sự chê bai, khinh bỉ, công kích, nói hành, nói xấu sau lưng; là tôn trọng sự khác biệt của nhau về phái tính, thế hệ, tư tưởng, tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, phong tục…; là tôn trọng tự do chính đáng của mỗi cá nhân trong tương quan với cộng đồng. 
            Một đức tính khác cần thiết cho đời sống chung là sự cởi mở chân thành với khả năng lắng nghe và thấu hiểu tha nhân[8]. Nói cách khác, kỹ năng đối thoại là “một cách thức ưu việt và thiết yếu để sống, bày tỏ và làm triển nở tình yêu trong đời sống hôn nhân và gia đình[9]. Đời sống chung không bao giờ tồn tại chỉ những “đường một chiều” hay “độc thoại”, nhưng phải là muôn nẻo của đường đưa lối bước dẫn đến sự thấu hiểu tâm hồn và cuộc sống của nhau. Vì thế, cần “dành thời gian chất lượng để lắng nghe một cách kiên nhẫn và chú ý[10], vì rất nhiều khi người ta không cần một giải pháp, mà chỉ cần được lắng nghe[11].

3. Khả năng đối diện và giải quyết những khủng hoảng cuộc sống

Sự trưởng thành tâm lý để bảo đảm những thiện ích của đời sống hôn nhân, còn đòi hỏi người trẻ dám đương đầu với khó khăn, khủng hoảng và có khả năng để vượt qua[12]. Do đó, chuẩn bị người trẻ bước vào đời sống hôn nhân chính là giúp người trẻ sống trưởng thành, rèn luyện những khả năng sống chung trong các mối tương quan, khả năng đương đầu với nhưng khó khăn của bản thân cũng như của môi trường xã hội. Những khó khăn có thể gia trọng thành ‘khủng hoảng’. Thật vậy, ‘đời không như là mơ’. Bạn trẻ dễ rơi vào hụt hẫng khi gặp phải những nghịch cảnh có khi nghiệt ngã bởi từ nhỏ được cha mẹ ‘ấp ủ’ quá kỹ. Một người chưa kinh qua cảnh đau bệnh, chưa phải chịu đói khát, thiếu thốn… chưa bị mắng, bị xúc phạm, chưa từng bị thất bại …, thì hẳn sẽ dễ rơi vào khủng hoảng khi gặp nghịch cảnh. Do vậy, để em bé sau này có khả năng vượt qua được những khó khăn, cha mẹ cần dành cho con cái sự giáo dục thích ứng. Đứng trước những nhu cầu của con cái, cha mẹ cần cân nhắc, dẫn giải những lý do giúp con cái phân định đâu là những nhu cầu chính đáng. Thái độ chỉ dạy thân tình đi vào tâm hồn, mở mang hiểu biết và khích lệ người trẻ hướng lên những thực tại cao quý chân, thiện, mỹ.
Những khó khăn trong tương quan gia đình thường là sự mâu thuẫn,  xung đột tính cách hay quan điểm sống với nhau. Thực ra, con người là ‘bá nhân bá tánh’! Chính sự khác biệt giữa con người mới làm cho cuộc sống chung phong phú. Hơn nữa, nhờ sự khác biệt mới có tương quan, tôi cần người, người cần tôi, chúng ta nương tựa và bổ túc cho nhau. Vì thế, một người trưởng thành tâm lý cần có bản lãnh sẽ điềm tĩnh trao đổi khi xẩy ra xung đột trong tương quan[13]. Đức Thánh Cha Phanxicô, khi khai triển “bài ca đức ái” (1Cor 13, 4-7), để diễn tả một tình yêu đích thực, đã chia sẻ những tâm tình rất đáng để chúng ta suy nghĩ : “Nếu chúng ta không vun xới thái  độ nhẫn nại, chúng ta sẽ luôn luôn phải  hối tiếc vì cư xử giận dữ, và rốt cuộc chúng ta không thể sống chung với nhau..., chúng ta không có khả năng làm chủ được các xung năng của mình, và gia đình sẽ biến thành bãi chiến trường”.[14]

4. Đặc sủng cho sự trưởng thành tâm lý chính là ơn của bí tích Thêm sức. 

            Bí tích Thêm sức hoàn tất giai đoạn khai tâm Kitô giáo, hoàn tất ân sủng của bí tích Thánh Tẩy[15]. Với bảy hồng ân của Chúa Thánh Thần : khôn ngoan, hiểu biết, thông minh, lo liệu, sức mạnh, đạo đức và kính sợ Thiên Chúa[16], người tín hữu được ơn Chúa Thánh Thần để đạt đến độ trưởng thành. Đặc biệt, trong đời sống hôn nhân, “ơn của Thần Khí là luật sống cho đôi bạn Kitô hữu và đồng thời là hơi thở hướng dẫn họ để mỗi ngày họ phát huy được thể xác, tính tình, con tim, trí tuệ, ý chí, linh hồn, hầu biểu lộ cho Hội Thánh và cho thế giới thấy sự hiệp thông mới mẻ về tình yêu do dân sủng Đức Kitô ban tặng.”[17]Vì thế, Giáo luật qui định phải lãnh nhận bí tích Thêm Sức trước khi muốn lãnh nhận bí tích Hôn phối[18]. Nói cách khác, nếu bí tích Hôn nhân là một bước ngoặc quan trọng của đời người, để dẫn đưa những người nam nữ bước vào cuộc sống chung và đảm nhận những trách nhiệm của đời sống hôn nhân - gia đình, thì Hội Thánh minh nhiên đòi hỏi sự trưởng thành về ân sủng qua bí tích Thêm Sức.
            Do đó, có thể nói, người trẻ cần học biết cầu nguyện, đón nhận những ân ban của Chúa Thánh Thần, để mỗi ngày một lớn lên trong tình yêu, và xa hơn, “được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, dám đi ra khỏi chính mình để tuôn ban những thiện ích của mình cho người khác, và để quan tâm chăm sóc họ và tìm kiếm hạnh phúc cho họ.”[19]
 

[1] ĐTC Phanxicô, Tông huấn Niềm vui của Tình yêu “Amoris Laetitia”, số 143.
[2] Ibid., số 148.
[3] x. St 2, 18
[4] ĐTC Gioan Phaolô II, Tông huấn Những bổn phận của gia đình Kitô hữu “Familiaris Consortio”, số 66.
[5] ĐTC Phanxicô, Tông huấn Niềm vui của Tình yêu “Amoris Laetitia”, số 67.
[6] x.St 1, 26
[7] ĐTC Gioan-Phaolô II, Thông điệp Tin Mừng về sự sống  “Evangeliun Vitae”, số 41.
[8] ĐTC Phanxicô, Tông huấn Niềm vui của Tình yêu “Amoris Laetitia”, số 139.
[9] Ibid,   số 136.
[10] Ibid.,  số 137.
[11] Ibid.
[12] Ibid., số 209.
[13] ĐTC Phanxicô, Tông huấn Niềm vui của Tình yêu “Amoris Laetitia”, số 210.
[14] Ibid., số 92.
[15] Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1285.
[16] Tòa Giám Mục Xuân Lộc, Giáo lý “Lớn lên trong Chúa Thánh Thần”, câu 47.
[17] ĐTC Gioan Phaolô II, Tông huấn Những bổn phận của gia đình Kitô hữu “Familiaris Consortio”, số 19.
[18] Giáo luật, điều 1065.
[19] ĐTC Phanxicô, Tông huấn Niềm vui của Tình yêu “Amoris Laetitia”, số 324.
 
 
Nguồn: giaophanxuanloc.net