Đáng lý là sếp băng đảng nhưng lại làm linh mục.

Chúng tôi xin giới thiệu đến quý độc giả Linh mục René-Luc, một nhân vật ngoại hạng mà cuộc đời của cha như quyển tiểu thuyết. 

 

 

12. MỘT PHÁT ĐẠN VÀO TIM

 

Về Martial, chúng tôi không có một tin tức nào cho đến một buổi chiều tháng 11 năm 1979. Chúng tôi tất cả ở nhà: mẹ tôi, anh Cacou và hai em gái tôi. Anh cả tôi vẫn ở Toulouse. Bạn bè vừa đến ăn tối. Họ vừa đi thì có người bấm chuông. Tôi nhìn qua cửa sổ. Trời tối đen nhưng ánh sáng của ngọn đèn đường cho thấy được người khách đến thăm trễ này: Martial… Mẹ tôi cũng nhận ra ngay. Bà do dự nhưng cuối cùng bà đi xuống. Cùng với anh Cacou, chúng tôi vào phòng nhìn xuống sân, cẩn thận không bật đèn. Anh tôi lấy khẩu súng carbin ra. Chúng tôi ngồi xổm quan sát qua cửa sổ.

Mẹ tôi mở cổng nhưng bà thận trọng đứng trong sân còn Martial ở ngoài đường. Hai người trao đổi vài câu. Rồi mẹ tôi đóng cổng lại và vào nhà. Martial biến mất khỏi tầm nhìn của chúng tôi. Chúng tôi đứng dậy đi về phía mẹ tôi, mẹ đang lên cầu thang.

– Ông ấy muốn gì? Anh tôi hỏi.

– Mẹ không biết… Ông không được khỏe, ông đến chào từ giã mẹ. Mẹ sợ ông làm chuyện gì đó điên khùng.

Tôi bảo mẹ tôi đợi, tôi sẽ điện thoại…

Đột nhiên một tiếng nổ không khốc vang lên trong đêm tối.

Chúng tôi lặng người. Mẹ tôi chạy ra cửa sổ bếp đối diện với đường.

– Lạy Chúa tôi, Martial!

Mẹ tôi muốn chạy xuống nhưng hai anh em tôi chặn lại.

– Mẹ, mẹ không được đi, mẹ nghe không? Mẹ không được đi!

Chúng tôi rất cương quyết nên mẹ không nằn nì. Anh tôi ra cửa sổ nhìn, trong khi tôi chặn mẹ tôi lại. Rồi đến lượt tôi ra cửa sổ nhìn. Tôi thấy Martial ở vỉa hè đối diện. Ông ngồi dưới chân cột đèn đối diện nhà tôi. Hai chân duỗi dài theo rãnh lề đường. Đầu nghiêng xuống. Ông vừa bắn một phát vào tim. Chúng tôi gọi xe cứu thương và cảnh sát. Rồi chúng tôi xuống lề đường.

Chúng tôi đi nhanh đến gần Martial, vừa đi vừa sợ. Khẩu súng của ông ở gần đùi. Ông yếu ớt nói với mẹ tôi:

– Không phải lỗi của em, không phải lỗi của em…

– Lulu đi kiếm một xô nước, nhanh lên con!

Tôi mang theo cái khăn. Bà chặm máu cho ông. Bà nói với ông. Cảnh sát đến. Ánh đèn xe cứu thương nhấp nháy trên các bức tường của con đường, một con đường bình thường yên tịnh. Trong chốc lát, Martial nằm dài trên băng ca và mất hút trong xe cứu thương.

Mẹ tôi không còn hồn vía, bà đến đồn cảnh sát sau khi giao hai em gái tôi cho anh Cacou và tôi trông; hai em tôi hoảng sợ ở trong phòng. Chúng tôi về lại nhà. Tiếng phát súng nổ vẫn còn vang lên trong lòng tôi. Hình ảnh cơ thể đẫm máu của Martial quay vòng vòng trong đầu tôi. Ông có sống được không? Còn mẹ tôi thì sao? Cảnh sát sẽ làm gì với mẹ tôi? Tôi không ngủ được, một đêm thức trắng, đúng hơn là một đêm đỏ. Máu đỏ.

* * *

Sáng hôm sau mẹ tôi từ đồn cảnh sát về. Tôi chờ mẹ, tôi muốn biết:

– Chuyện gì vậy mẹ?

Bà ngập ngừng trả lời tôi. Bà biết mối dây liên hệ đặc biệt của tôi với Martial. Dù người đàn ông này đã làm cho nhà tôi khổ, nhưng với tôi, ông là người đàn ông duy nhất có những quan tâm của người cha:

– Martial đã chết. Ông chết trên xe cứu thương. Ông bắn một phát vào tim, ông biết chắc chắn là ông chết.

Tôi buồn, nhưng đó không phải là cảm giác chi phối tôi lúc đó. Trong thâm tâm tôi, tôi phải thú nhận là tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Lần này tôi biết, sẽ không còn những cú đấm, không còn những cơn sợ hoảng, không còn cảnh chạy trốn hay phải vào bệnh viện. Bóng của găng-tơ Martial không còn lởn vởn trong nhà.

* * *

Trong ngày hôm đó, nhân viên đồn cảnh sát đến tìm Cacou và tôi để đưa chúng tôi về đồn. Ông ấy thiện cảm, để làm chúng tôi khuây khỏa ông bật còi hụ chiếc xe Peugeot 204 đen của ông. Hai cái đầu tóc vàng, tóc nâu của chúng tôi nhô lên quá băng sau. Chúng tôi nghĩ mình là Starsky và Hutch.

Khi lấy lời khai chúng tôi, các nhân viên cảnh sát thay phiên vào văn phòng. Họ ngồi ở một góc bàn, tay cầm ly cà-phê, tay cầm điếu thuốc. Trông đẹp hơn trong phim!

Ngày hôm sau mẹ tôi nhờ tôi chùi vết máu ở lề đường. Một tay cầm xô nước, tay kia cầm bàn chải tôi xuống đường. Tôi đến gần cột đèn đối diện nhà. Tôi dừng lại trước vết máu.

Tôi nhớ lại cảnh này. Đúng hơn là tôi nghe. Một tiếng nổ chát chúa khô khan, một lời nói cuối cùng của Martial, đèn pha, còi hú… Lòng tôi thắt lại. “Khi tôi nghĩ ông muốn nuôi tôi, tôi xém mang tên họ của ông…”

Tôi làm việc để đuổi những tư tưởng này ra khỏi đầu. Chùi máu, chùi vết tích, xóa hẳn để có thể bắt đầu lại từ zéro. Tôi nhúng bàn chải vào xô nước, tôi kỳ cọ thật mạnh. Phần lớn máu chảy vào rãnh, nhưng vết dơ vẫn còn thấy rõ. Tôi kỳ cọ mạnh nữa, mạnh nữa… Nhưng không thể nào hơn được! Máu thấm vào xi măng và in lên như bức khảm. Một bức khảm bất hạnh.

Khi tôi vào nhà, mẹ tôi đang ở phòng ăn, bà xếp áo quần một cách máy móc.

– Con không tài nào xóa được vết máu, tôi khó chịu nói với mẹ tôi.

Mẹ không quay đầu lại, mẹ tiếp tục công việc máy móc của bà. Đầu óc bà ở chỗ khác.

– Mẹ, con đang nói chuyện với mẹ!

– Ồ, mẹ xin lỗi con, mẹ xin lỗi con, mẹ tôi hơi ngượng nghịu khi trả lời tôi. Vết máu không sạch à? Không sao, với thời gian nó sẽ sạch.

– Đúng… Hy vọng vậy… Mẹ, nói đi mẹ, mẹ có thấy những chuyện xảy ra với mình là khùng không?

Lần này thì mẹ tôi ngừng lại.

– Con muốn nói gì?

– Thì con muốn nói, tất cả những cảnh khổ não này… Với cha ruột của con cho đến chuyện Martial tự tử hôm qua… mẹ không thấy là nhiều sao?

Mẹ tôi ngừng xếp áo quần, bà im lặng. Rồi bà nhìn thẳng vào mắt tôi:

– Con thấy như vậy là quá nhiều sao? Con hãy nghĩ đến các em bé trong thời gian chiến tranh ở Việt Nam, các em đã thấy cả gia đình bị tiêu hủy dưới làn bom, các em trơ trọi một mình trên đời, không còn ai… Con đã sống bên cạnh các em này chưa?

Câu trả lời của mẹ làm tôi không nói gì được. Bức hình nổi tiếng của em bé gái Việt Nam trần truồng chạy trốn bom đến trong tâm trí tôi. Tội nghiệp em bé! Đúng, đúng, tôi không có quyền than phiền! Phải nghiến răng lại để sống, tôi phải cáng đáng số phận của tôi.

Còn tiếp ... Chúa ở trọn tâm hồn (11)