Đau khổ hay sự dữ luôn là nỗi sợ hãi của kiếp người. Không ai có thể tránh được nó, cho dẫu người đó là ai, ở địa vị hay cấp bậc nào. Chính lúc đối mặt với đau khổ, con người mới cảm nghiệm được sự nhỏ bé và yếu đuối của chính mình. Chính lúc ấy, trong lòng ta cuồn cuộn nổi lên một sự ngờ vực tại sao cuộc sống lại có nỗi đau và bất công? Thiên Chúa đã ở đâu? Tại sao Thiên Chúa lại để cho đau khổ xảy ra? Thiên Chúa có tồn tại hay không? Sống ngay chính, thật thà liệu có thua thiệt, sống công bình bác ái có ý nghĩa gì nữa không?

Thế là một loạt những câu hỏi vì sao cứ luẩn quẩn trong trí óc của chúng ta, bao nhiêu nhiệt huyết, nhiệt thành, những quyết tâm thánh thiện mà chúng ta ấp ủ đều bị dập tắt một cách nhanh chóng. Và chúng ta cảm thấy mình thật mỏng dòn, cô đơn, bị nhấn chìm vào trong một thế giới đầy hỗn độn và phức tạp, mà chúng ta thấy cuộc sống này chẳng có ý nghĩa gì cả. Có câu chuyện kể rằng: Một ngày kia, một người đàn ông đang trên đường đi đến một thành phố nọ, thì bắt gặp một con virus mang dịch bệnh. Người đàn ông hỏi con virus:

-“Ngươi định sẽ làm gì với thành phố này?

Con virus trả lời:

-Tôi sẽ tiêu diệt khoảng 5 ngàn người tại đây.

Nghe nói thế, người đàn ông cảm thấy sợ hãi và quyết định không đi đến thành phố đó nữa. Một thời gian sau, người đàn ông hay tin đã có ít nhất 50 ngàn người đã thiệt mạng vì dịch bệnh. Sau đó, người đàn ông lại gặp con virus đang trên đường đi đến một thành phố khác.

Người đàn ông đã hỏi và trách móc con virus:

-“Tại sao ngươi nói dối, ngươi đã nói với ta là chỉ giết 5 ngàn người thôi mà”.

Con virus ôn tồn trả lời:

-“Đúng là tôi chỉ giết 5 ngàn người. Tuy nhiên, số còn lại chết là vì do sợ hãi”.

Phải chăng câu chuyện trên đây có phần đúng nếu tính đến tình hình dịch bệnh trong thời buổi hôm nay. Nỗi sợ hãi của cơn đại dịch Covid-19 đang ám ảnh tất cả loài người trên thế giới. Và con người đang cảm thấy bất lực trước con virus nhỏ bé ấy. Sự xuất hiện của đại dịch là một thách đố lớn cho thế giới, và nó cũng là một thách đố cho đức tin của người Kitô hữu chúng ta. Chúng ta cảm thấy Thiên Chúa đang ở một nơi xa xôi nào đó và bất lực, có lẽ chẳng bận tâm gì đến những nỗi khốn khổ của chúng ta.

Tuy nhiên, Lời Chúa hôm nay lại là niềm an ủi cho chúng ta. Bởi vì Thiên Chúa đã hứa sẽ ban Thần Khí của Người cho tất cả những ai không ngừng kêu xin Người. Và Người cũng hứa ban “tặng phẩm cao quý nhất” của Người là chính Đức Giêsu Kitô. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa hằng yêu thương dân Người và muốn chăm lo cho họ bằng cách thiết lập với họ một tương quan thân tình nhằm cứu vớt họ khỏi mọi sự dữ. Thiên Chúa biết rằng cuộc sống nhân loại luôn đầy những cạm bẫy và đau thương. Cho nên, qua các ngôn sứ, Người khuyến khích họ đừng sợ và tin tưởng vào Người:

 

Kìa Đức Chúa quang lâm hùng dũng, tay nắm trọn chủ quyền.

Bên cạnh Người, này công lao lập được,

trước mặt Người, đây sự nghiệp làm nên.

Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa,

tập trung cả đoàn dưới cánh tay.

Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng,

bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt”. (Is 40, 10-11)

Vì thế, Thiên Chúa mời gọi con người hãy nhìn vào Người, và đừng sợ, bởi vì Người biết và làm chủ mọi sự, Người yêu thương mỗi người chúng ta bằng một tình yêu sâu thẳm nhất và chúng ta luôn có một vị trí đặc biệt trong trái tim nhân lành của Người. Chính vì thế, Người đã sai Người Con Một yêu dấu của Người là Đức Giêsu Kitô đến, đã sống và ở giữa loài người chúng ta, để cùng đồng cam cộng khổ và chung chia thân phận làm người của chúng ta. Ai tin Người, đi theo Người, sẽ nhận được Thánh Thần và biết nhìn cuộc sống, nhìn cuộc đời bằng con mắt của Thiên Chúa.

Hôm nay, chính Thiên Chúa cũng ban Thánh Thần cho chúng ta nhờ trung gian là Đức Giêsu Kitô. Không giống như những Tin Mừng khác, Thánh Luca không nhấn mạnh vào phép rửa, nhưng đặt nó vào trong bối cảnh bằng việc sử dụng cụm từ đơn giản: “Chúa Giêsu cũng đến chịu phép rửa”. Và những gì mà Tin Mừng nhấn mạnh đến là tư thế của Chúa Giêsu là “Người đang cầu nguyện”. Quả thật, Chúa Giêsu không ngừng dạy cho chúng ta cách để chiến thắng cám dỗ, cách để vượt thắng sự dữ và vượt qua những yếu đuối của đức tin bằng cách cầu nguyện. Vâng, chỉ có cầu nguyện mới là chìa khóa giúp chúng ta tìm về bên Chúa để lắng nghe và nhận ra được điều mà Chúa muốn nói. Để từ đó, mỗi khi chúng ta cầu nguyện Chúa sẽ ban Thánh Thần của Người xuống trên chúng ta và giúp chúng ta nhìn thế giới trong sự quan phòng của Chúa, và chúng ta sẽ không còn cảm thấy cơ đơn hay mất phương hướng nữa.

Như vậy, nơi Chúa Giêsu chúng ta học được cách cầu nguyện để vượt thắng mọi thử thách và cám dỗ, cũng như nhờ Người, mà mỗi người chúng ta cũng được gọi là những người con yêu dấu của Thiên Chúa. Vì thế, Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta và chúng ta có đầy đủ lý do để tin tưởng vào quyền năng của Người. Hơn nữa, chính nhờ phép rửa, chúng ta cũng được tái sinh và trở nên một thụ tạo mới. Và chúng ta được mời gọi ra đi để làm chứng cho Chúa, làm chứng cho tình yêu của Người trên trần gian này. Để từ đó, mọi người có thể nhìn thấy hình ảnh của Thiên Chúa qua niềm tin và cách sống của chúng ta.

Huỳnh Tấn Dũng

(dongten.net)