Linh hồn con đã khát khao Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông, như mảnh đất hoang khô cằn cỗi, không giọt nước.

Chúng ta thành tâm cầu nguyện với lời này. Có bao giờ chúng ta thật sự có ý như vậy chưa? Chúng ta có thể thành thực nói, những thao thức trong lòng làm chúng ta khuỵu gối thực sự là khao khát được thấy Thiên Chúa sao? Khi chúng ta bị ám ảnh vì cơn đau làm chúng ta không chợp mắt được, chúng ta có thành thực nói mình đang khao khát Thiên Chúa đó không? Mới nhìn qua thì không. Khát khao hiện sinh của chúng ta có xu hướng trần tục, tự quy, và cần khoái cảm đến độ khó lòng nói đó là khao khát Thiên Chúa. Chỉ có nhà thần nghiệm thuần khiết (hoặc chính chúng ta trong một lúc hiếm hoi nào đó), vào một thời điểm nhất định nào đó, mới có thể nhìn vào những khao khát cháy bỏng của mình mà thành thực nói, điều tôi mong muốn chính là Thiên Chúa. Tôi khao khát Thiên Chúa.

Tuy nhiên, chuyện này còn có một khía cạnh khác. Chúng ta cần phân biệt giữa cái chúng ta khao khát rõ ràng và cái khao khát ẩn tàng bên trong khao khát đó. Cho phép tôi dùng một ví dụ trần tục để minh họa. Cứ hình dung một người đàn ông cảm thấy bừng bừng trong đêm và tìm kiếm tình dục nơi một cô gái điếm. Người đó khao khát thấy dung nhan Thiên Chúa sao? Người đó khao khát được kết hiệp với thân thể Chúa Kitô sao? Rõ ràng là không. Đó là chuyện mà người đó ít nghĩ đến nhất, ít nhất là trong ý thức. Tuy nhiên, đồng thời lại có một điều khác nữa bên trong nhận thức của người đó, mà người đó biết nhưng lại không nhận thức rõ ràng. Khao khát của người đó vào đêm đó bung tỏa mạnh mẽ theo cách thức tình dục, nhưng ý định thực sự của nó là khao khát được thấy dung nhan Thiên Chúa và kết hiệp với những phần khác bên trong thân thể Chúa Kitô. Hàm ẩn trong những khao khát của người đó, chính là điều mà thánh Âugutinô đã mô tả trong câu nói trứ danh của ngài: Lạy Chúa, Ngài đã tạo nên chúng con cho Ngài, và tâm hồn chúng con khắc khoải mãi cho đến khi được nghỉ yên trong Ngài. Người đó khao khát thấy dung nhan Thiên Chúa.

Khi cố hiểu sự phân biệt giữa ý định rõ ràng trong một hành động và hàm ý trong hành động đó, chúng ta không nên viện đến quan niệm của chúng ta về ý thức và vô thức. Hai từ này thuộc về phạm trù tâm lý học, chuẩn và quan trọng trong phạm vi của nó, còn rõ ràng và ẩn tàng là từ ngữ triết học, hơi khác về ý nghĩa, với một thấu suốt riêng biệt về những gì bao hàm trong bất kỳ hành động nào. Một lần nữa, có lẽ ví dụ sẽ giúp chúng ta dễ hiểu hơn. Hãy hình dung bạn đang ra một phán đoán đơn giản, căn bản. Bạn nhìn vào một bức tường và nói bức tường này màu trắng. Đấy là cái bạn ý thức về rõ ràng ở thời điểm đó. Tuy nhiên, để bạn đưa ra phán đoán đó (bức tường này màu trắng), bạn đồng thời cũng phải biết, biết một cách ẩn tàng, chắc chắn, thật sự, một chuyện khác nữa. Trước hết, bức tường đó không phải màu xanh hay bất kỳ màu nào khác, và hơn nữa, bạn không thể nói rằng bức tường này màu trắng mà phủ nhận rằng bạn đang nhìn nó. Những chiều kích này là điều mà bạn biết, thật sự biết, nhưng lại không nhận thức một cách ý thức.

Giờ, hãy áp dụng điều này vào người đang bừng bừng tình dục muốn làm tình với cô gái điếm. Chúng ta thấy những gì rõ ràng nơi tâm trí người đó chẳng phải là khao khát thấy dung nhan Thiên Chúa hay kết hiệp với thân thể Chúa Kitô gì cả. Tuy nhiên, khi người đó thực hiện hành động đó, anh ấy biết một cách ẩn tàng rằng đây không phải là điều mà anh ấy thực sự tìm kiếm và là điều mà anh ấy không thể nào giả vờ được. Nhận thức ẩn tàng về các chiều kích này không chỉ là một chức năng của lương tâm mà còn là chức năng của nhận thức.

Chuyện này liên quan đến nhiều điều, không chỉ là không cảm thấy mặc cảm tội lỗi sai lầm vì việc hầu như chúng ta luôn thấy mình bẩm sinh bất lực chẳng thể nào biến Thiên Chúa thành mục đích chính, thành tâm điểm chú ý và thành mục tiêu tuyệt đối cho Tất cả khao khát của chúng ta. Hầu như chúng ta chẳng xem những ám ảnh và thao thức trong lòng là những điều hướng về Thiên Chúa. Tôi cho rằng điều này là vì chúng ta không xem Thiên Chúa có sức lôi cuốn, vẻ đẹp, sinh động và ái lực có thể khiến chúng ta yêu đến ám ảnh trong thế gian này. Tôi chẳng biết liệu có ai (trừ nhà thần nghiệm) từng ám ảnh về việc thấy dung nhan Thiên Chúa vì đã nhận thấy nơi Thiên Chúa có vẻ đẹp, sự lôi cuốn và ái lực còn lớn hơn những gì ta có thể tìm thấy trên trần gian. Chúng ta có bao giờ hình dung Thiên Chúa thú vị hơn và hấp dẫn hơn bất kỳ bạn tình nào của chúng ta trên thế gian, hơn xa đến vô tận không?

Đáng buồn là, Thiên Chúa của các tôn giáo quá khó để chúng ta khao khát! Thiên Chúa đó, dù hoàn hảo và lôi cuốn về mặt triết học, lại thiếu vắng vẻ đẹp và ái tình thật sự vốn ám ảnh chúng ta trên trần gian này.

Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, bác sĩ tâm hồn đã cho chúng ta lời cảnh báo này: Hãy cẩn thận, đừng tìm bản thân nơi tình yêu, vì như thế cuối cùng bạn sẽ mang trái tim tan nát. May thay, một nhận thức ẩn tàng về những gì chúng ta thật sự khao khát, có thể giúp chúng ta thoát khỏi cảnh đó.

J.B. Thái Hòa dịch