Lòng vị tha là tự nhiên nơi con người và là nguồn hạnh phúc, các bằng chứng của khoa thần kinh học đã chứng minh điều đó. Chính kỹ năng thích ứng đã đẩy chúng ta trở nên ích kỷ. Điều tra về những khám phá gần đây và các lời khuyên để có được đức tính tốt của việc cho đi.

 

lavie.fr, Anne Guion, 2021-04-26

Bạn có bao giờ chú ý đến cảm nhận khi mình rộng lượng chưa? Khi khuôn mặt sáng lên của người vừa nhận món quà bạn tặng hay khi bạn cho một món ăn cho người ngoài đường? Một ”trái tim ấm áp”, một niềm vui vỡ òa, một cảm giác hạnh phúc lẫn lộn làm chính bạn cũng ngạc nhiên. Do nhạy cảm ư? Bạn đừng lầm. Khoa thần kinh học đang chứng minh lòng quảng đại không chỉ là một đức tính.

Nhà kinh tế học thần kinh Philippe N. Tobler của Đại học Zurich Thụy Sĩ đã nghiên cứu mối liên hệ có trong não bộ giữa lòng quảng đại và hạnh phúc. Nhóm của giáo sư Marco Iacoboni, bác sĩ giáo sư tâm thần học, giám đốc Phòng thí nghiệm Kích thích Xuyên sọ của Đại học California (Ucla) đã phát hiện ra vai trò lạ lùng của tiền vỏ não trán khi chúng ta cho. Còn với bà Sara Konrath, nhà nghiên cứu tâm lý xã hội tại Đại học Indiana, Mỹ, bà đã nghiên cứu về hậu quả của việc cho đi đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta trong nhiều năm. Các kết luận của họ đang cách mạng hóa quan niệm chúng ta có về bản chất con người: không chỉ lòng quảng đại mới làm chúng ta thực sự hạnh phúc, nhưng lòng quảng đại còn là động lực tự phát, trọng tâm của quá trình xã hội hóa.

Một thực hành phi lý

Tất cả bắt đầu với câu hỏi mà nhiều triết gia đã đặt. Tại sao chúng ta cho? Cái gì thúc đẩy con người đỡ giùm cho người khác một gánh nặng, vì lợi ích của người khác, một vài đồng tiền, một đồ vật hoặc thời gian mà mình cần cho chính lợi ích của mình hoặc cho sự sống còn của mình? Một thực hành “phi lý”, thêm nữa nó lại làm cho cha đẻ của thuyết tiến hóa Charles Darwin nhức đầu, vì nhà tự nhiên học nổi tiếng nghĩ rằng chỉ những loài ích kỷ nhất mới có thể tồn tại.

Sau này các nhà sinh học dựng lên lý thuyết “chọn lọc theo quan hệ họ hàng” để khẳng định con người có lòng vị tha đối với những người giống mình, những người có cùng gen, để duy trì cấu tạo gen của mình. Nhưng ý tưởng này đụng với thực tế: thế giới đầy những người vị tha, những người cống hiến tiền bạc, thời gian và cả nội tạng của mình để cho những người họ không quen biết, những người họ biết rõ ràng sẽ không bao giờ hoàn lại tiền cho họ.

Những hành vi mà các nhà nghiên cứu xem là “vì xã hội” như lòng quảng đại, cũng có thể đó là những người làm cho Người Tinh khôn, Homo sapiens, trở thành loài duy nhất sinh sống trên toàn hành tinh. Tổ tiên săn bắn-hái lượm của chúng ta đã phải tụ lại với nhau để sống còn. Sự phụ thuộc lẫn nhau này đã thúc đẩy họ phát triển một lối sống cần thiết cho sự sống còn của mỗi người trong xã hội: công bằng chia sẻ thức ăn để duy trì sự thống nhất của nhóm, đồng ý về chiến lược săn bắn để có hiệu quả hơn có thể. Dần dần, chúng ta phát triển khả năng đồng cảm, khả năng đặt mình vào địa vị người khác, cảm nhận những gì họ đang cảm nhận và hiểu ý định của họ.

Rousseau chống Hobbes

Do đó, cho đi là một phần bản chất của chúng ta. Nếu đúng như vậy vì sao chúng ta không quảng đại hơn? Lỗi của hai vùng tiền  vỏ não trán (vùng lưng bên và vùng lưng giữa), một vùng não phát triển sau hết nơi con người và liên quan đặc biệt đến việc kiểm soát cảm xúc và xung động cũng như sự phát triển của những suy nghĩ phức tạp. Dù sao nhóm của giáo sư Marco Iacoboni trong một thử nghiệm, trong đó các nhà nghiên cứu ức chế hoạt động của hai khu vực này nhờ kỹ thuật kích thích từ trường xuyên sọ (rTMS), một kỹ thuật mới đặc biệt được dùng để trị các chứng trầm cảm. Kết quả là, việc ngăn chặn những khu vực tiền vỏ não trán đã làm tăng 50% lòng quảng đại nơi những người tham gia nghiên cứu.

“Có hai giả thuyết. Giả thuyết của triết gia Pháp Rousseau, ông cho rằng nhân chi sơ tính bản thiện và chính hoàn cảnh đã làm cho con người trở nên ích kỷ. Sau đó là giả thuyết của triết gia người Anh Hobbes, ông cho rằng bản chất con người là sói với nhau, con người có thể hòa nhập với xã hội qua giáo dục… Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng lòng quảng đại trước hết là một xung lực tự phát, sau đó, được kiểm soát bởi tiền vỏ não trán.” Tiền vỏ não trán hoạt động như một cái van làm điều hòa những xung động vị tha của chúng ta. Nói cách khác, chúng ta phải cố gắng làm việc đầu óc để trở nên ích kỷ…

Đối với giáo sư Marco Iacoboni, lòng quảng đại là lối diễn tả tự nhiên của “bộ não thiện cảm” của chúng ta. Là vì chúng ta có khả năng đặt mình vào vị trí của người mình cho. Do đó giáo sư Iacoboni đã quan sát não của những người tình nguyện trong hai thí nghiệm liên tiếp. Trước tiên những người này phải nhìn một đoạn video trong đó một người bị kim chích. Sau đó, các nhà khoa học cho những người tham gia nghiên cứu một số tiền để họ chia sẻ với những người họ không quen biết. Nhà khoa học phấn khởi: “Kết quả rất rõ ràng: đó là những người tỏ ra đồng cảm nhất trong lần thử nghiệm đầu tiên. Thậm chí chúng tôi còn có thể đoán số tiền được cho theo hình ảnh não bộ từ thí nghiệm đầu tiên!”

Vòng luân chuyển giữa phần thưởng và niềm vui

Chắc chắn đã có một cái gì. Nếu cho đi đơn thuần làm cho chúng ta hạnh phúc sao? Để trả lời câu hỏi này, nhóm của giáo sư Philippe N. Tobler, nhà nghiên cứu thần kinh học, đã nghiên cứu não của 50 người sử dụng phương pháp chụp cộng hưởng từ (MRI) mà các nhà khoa học cho họ biết họ sẽ nhận 23 âu kim mỗi tuần trong 4 tuần. Một nửa trong số họ phải dùng số tiền này cho chính họ, nửa còn lại phải tiêu tiền vì lợi ích của người khác.

Giáo sư Philippe N. Tobler giải thích: “Chúng tôi đã biết mối liên hệ giữa lòng quảng đại và hạnh phúc đã có trên quan điểm ứng xử, nhưng chúng tôi không biết điều gì đang xảy ra ở cấp độ não bộ. Cuối cuộc thử nghiệm, không những những người trong nhóm “quảng đại” nói họ hạnh phúc hơn những người còn lại, nhưng điều này còn thấy ở các hình ảnh trên não bộ của họ!” Thực tế của sự cho đi đã vạch một vòng hoa nhẹ giữa hai khu vực não khác biệt: ngã tư thái dương – đỉnh, vùng não bộ ở trên mỗi tai kích hoạt khi chúng ta thử đặt mình vào địa vị của người khác, và thể vân bụng là một phần của mạch phần thưởng và niềm vui. Từ đó có cảm giác hạnh phúc.

Nhưng đó không phải là tất cả. Lòng quảng đại cũng rất tốt cho sức khỏe. Năm 2012, một nghiên cứu của bà Sara Konrath, nhà nghiên cứu tâm lý xã hội người Mỹ đã phát hiện, những người lớn tuổi dành thì giờ làm tình nguyện có nguy cơ ít tử vong trong khoảng thời gian 4 năm hơn những người không làm thiện nguyện. Kể từ đó, bà Sara Konrath đã làm rất nhiều nghiên cứu về vấn đề này, bà giải thích: “Ngày nay, tất cả đều theo cùng một hướng. Điều mới nhất cho thấy, cho tiền có tác dụng tích cực với bệnh cao huyết áp cũng tương đương với việc điều trị bằng thuốc! Làm thế nào điều này lại có thể được? Không ai thực sự biết… Có lẽ lòng quảng đại giúp bớt căng thẳng.”

Dĩ nhiên hành động không tự nhiên của tiền  vỏ não có một tiện ích: hành vi hào phóng quá mức có thể bị vô hiệu hóa. Đó là trường hợp xảy ra cho ông Joao, người bán hàng rong ở Brazil. Ông bị đột quỵ làm hoạt động của tiền vỏ não trán bị gián đoạn, người đàn ông 49 tuổi đột nhiên cho tất cả những gì ông có, thậm chí ông còn không tính tiền món khoai tây chiên ông bán trước đây trên đường phố… Và dù cho tính hào phóng bốc đồng của Joao làm cho ông hạnh phúc (ông là người hạnh phúc nhất trên trái đất theo bác sĩ giải phẫu thần kinh của ông, người đã công bố một nghiên cứu về trường hợp của ông Joao), nhưng tính hào phóng này cũng mang lại cho ông không ít lo lắng, đặc biệt là ông gặp vấn đề với gia đình vợ: anh rể của ông là đồng chủ nhân chiếc xe bán khoai tây chiên với ông…

Không nhất thiết phải cho tất cả

Nhưng thường thì tiền vỏ não trán của chúng ta đạp thắng rất mạnh! Những xung động hào phóng của chúng ta bị cản trở do bối cảnh trong đó chúng ta tiến hóa và qua các kinh nghiệm xấu của chúng ta trong quá khứ. Giáo sư Marco Iacoboni giải thích: “Không phải bản thân tiền vỏ não trán ngăn chúng ta hào phóng nhưng ‘các giá trị’ xã hội ảnh hưởng đến vỏ não chúng ta. Nếu các giá trị này không cạnh tranh nhau, mỗi người chỉ lo cho mình, như trong trường hợp xã hội hiện nay, thì tất cả chúng ta đều có thể để cho bản chất quảng đại của mình tự do hành động.”

May mắn thay, chúng ta có thể mở van bộ máy: phát triển khả năng cống hiến và từ đó  hưởng hạnh phúc này và những lợi ích sức khỏe nó mang lại. Làm thế nào? Cứ làm như khi chúng ta tập thể dục, càng tập thì càng khỏe. Nghiên cứu của giáo sư Philippe N. Tobler cho thấy không có mối tương quan nào giữa tầm quan trọng của việc cho đi và niềm hạnh phúc cảm nhận. Vậy, không cần phải cho đi tất cả những gì mình có như ông Joao đã làm để có hạnh phúc hơn.

Tốt hơn chúng ta nên dùng năng lượng của mình để phát triển những khả năng giúp chúng ta quảng đại hơn: chẳng hạn lòng biết ơn. Trên thực tế, các nhà thần kinh học đang khám phá những lợi ích đáng kinh ngạc của lòng rộng lượng và lòng biết ơn đối với sức khỏe tinh thần của chúng ta. Giống như lòng quảng đại, lòng biết ơn kích hoạt mạch thần kinh của phần thưởng và niềm vui. Chúng giống như hai công tắc kích hoạt dòng cảm xúc tích cực trong não. Nhà thần kinh học Antonio Damasio, cùng với nhóm của Đại học Nam California giải thích: “Lòng biết ơn thưởng cho lòng quảng đại và từ đó nuôi dưỡng chu kỳ của các hành vi xã hội tích cực.”

Để thử nghiệm điều này, các nhà khoa học thu thập các câu chuyện của những người sống sót sau thảm họa diệt chủng Do thái mà trong thời gian bị trục xuất họ được hưởng những hành động quảng đại to lớn, họ đọc cho những người trong nhóm thử nghiệm nghe. Sau đó, các nhà nghiên cứu quan sát hoạt động não bộ của những người này khi họ tưởng tượng một kịch bản tương tự đang xảy ra với họ. Kết quả: cảm giác biết ơn cũng kích hoạt các vùng não liên quan đến kết nối xã hội, giải phóng oxytocin, một kích thích tố giúp gắn bó với người khác. Con đường thần kinh của lòng biết ơn mạnh mẽ đến mức nó hoạt động giống như bắp thịt: càng dùng nó thì nó càng phát triển. Bạn càng cảm thấy biết ơn, bạn càng cảm thấy cần phải rộng lượng.

Rõ ràng, lòng rộng lượng và lòng biết ơn là hai mặt của đồng tiền tạo ra hạnh phúc xã hội, một loại thức uống thúc đẩy chúng ta hướng về người khác và sống trong xã hội. Vì vậy, hãy để niềm hạnh phúc được cho đi phát triển trong tâm hồn bạn. Khi đó hạnh phúc bạn cảm nhận sẽ chứng minh cho lý do tồn tại của nó: cho đi, bạn thúc dục cho chính bạn, cho người khác một động lực của những cảm giác tích cực. Và nuôi dưỡng sự gắn kết bạn với người khác.

 

Marta An Nguyễn dịch

(phanxico.vn)