Dominique Auzenet

  1. Sống một tình yêu chăm chú và đoán trước...

     ... Ai trong chúng ta dám bảo rằng giáo dục kitô giáo không bao hàm việc tập luyện giúp đỡ tha nhân? Giúp đỡ những người chung quanh, sẵn sàng phục vụ... sự chú ý đến người khác được thức tỉnh và phát triển cho phép nhân cách bớt ích kỷ, song cởi mở hơn... Tất cả những sự giúp đỡ chúng ta làm cho nhau mỗi ngày đều là những biểu lộ hổ tương về Tình yêu của Thiên Chúa...

     Như thế, chúng ta quen chiều theo các nhu cầu tức thời, quan tâm đến những nhu cầu của người sống chung quanh mình... Mối quan tâm triển nở thành ân cần đoán trước, hiểu trước, và sự tế nhị nầy nuôi dưỡng và duy trì tình yêu, bất cứ thứ tình yêu nào : vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh chị em, bạn hữu... Phải chăng đó là một tìm kiếm thường xuyên, được diễn tả bằng những từ ngữ tiêu cực : "chẳng bao giờ bạn nói rằng bạn yêu thương tôi, bạn đi qua bên cạnh tôi mà chẳng hề thấy tôi" ?

  1. Dưới sự hướng dẫn của Thần Khí Chúa.

     ... Một số người có tính khí ích kỷ hơn, co rút vào mình hơn và việc giúp đỡ tha nhân đòi hỏi họ phải nổ lực thường xuyên mới mong ra khỏi mình được. Nếu họ cứ theo khuynh hướng tự nhiên của mình thì rốt cuộc cũng chỉ bo bo lấy mình. Một số người khác, với bản tính tự nhiên rất quảng đại, có khuynh hướng tự cảm nhận được mời gọi đáp ứng bất cứ sự nhờ vả nào. Dĩ nhiên mối nguy hiểm vì quảng đại thái quá là rơi vào tính náo động, và kết cục là họ "làm thái quá" đến múa may quay cuồng...

... Là những tín hữu đã lãnh nhận bí tích Rửa tội và Thêm sức, chúng ta là những người nam và những người nữ được Chúa Thánh Thần đổi mới. Chúng ta cố gắng sống lắng nghe Chúa Thánh Thần ở trong chúng ta. Điều đó luôn luôn giả thiết một cuộc trở lại và một khoảng cách đối với những chuyển động đầu tiên của bản tính chúng ta, nghĩa là chúng ta phải sống trong sự cầu nguyện. Càng cầu nguyện, chúng ta càng hiến mình cho sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Chúng ta càng trở nên ngoan ngùy đối với những tác động của Chúa Thánh Thần. Tùy theo tính khí của chúng ta, Ngài sẽ thúc đẩy chúng ta phục vụ nhiều hơn, hoặc ngược lại, Ngài sẽ hãm phanh để ngăn cản chúng ta chiếm lấy chỗ của các kẻ khác...

  1. Tránh những cạm bẩy của sự quảng đại thái quá.

     "Trong khi đi đường, Chúa Giêsu vào một làng kia và một người phụ nữ tên là Matta đã đón tiếp Ngài vào nhà mình. Bà nầy có một người em gái tên là Maria đang ngồi dưới chân Chúa Giêsu mà lắng nghe lời Ngài. Matta bận rộn nhiều thứ trong việc phục vụ.. Bà nói với Chúa Giêsu : Em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao ? Xin Thầy bảo em con giúp con với. Nhưng Chúa Giêsu trả lời bà : Matta, Matta, con lo lắng và ôm đồm nhiều việc quá, cần bận tâm ít hơn, ngay cả một việc thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy đi" (Lc 10,38-42).

     Ở đây chúng ta thấy rõ Matta lẫn lộn thế nào việc phục vụ Chúa với sự phô trương hoạt động do ý muốn ngay lành của bà. Matta lo lắng, lăng xăng hối hả... Ngày nay chúng ta nhận ra cái đó trong các công cuộc của Giáo Hội. Vậy Chúa đòi hỏi cái gì? Chúa yêu cầu chúng ta trước hết lắng nghe Ngài, như Maria đã làm. Chính Chúa sẽ chỉ cho chúng ta phải làm gì. Vậy chúng ta đừng coi đây là một sự đối nghịch giữa chiêm niệm và hoạt động, nhưng là qui tắc làm phong phú hoạt động : Chúa không đòi chúng ta làm điều thiện, nhưng là thực hiện thánh ý Chúa... Nói khác đi, không phải vì đó là việc tốt mà chúng ta phải làm việc đó. Điều cần thiết trước khi hành động là phải biện phân lời mời gọi của Chúa.

     "Vậy đó là tất cả những gì Chúa Giêsu đòi hỏi ở chúng ta : Ngài không cần những công trình của chúng ta, nhưng Ngài chỉ cần tình yêu của chúng ta thôi". "Công nghiệp không hệ tại chỗ làm hay cống hiến nhiều cho bằng đón nhận và yêu thương nhiều"

  1. Tránh những cạm bẩy của việc tìm kiếm tiện nghi bản thân :

     "Nhưng để biện minh cho mình, ông nói với Chúa Giêsu : Ai là cận nhân của tôi? Chúa Giêsu nói tiếp : Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô bị rơi vào tay bọn cướp, sau khi đập đánh và bóc lột hết của cải, chúng bỏ đi, để người ấy dở sống dở chết. Một tư tế đi xuống đường ấy, trông thấy nạn nhân rồi bỏ đi qua. Cũng thế, một trợ tế cũng đi qua chỗ ấy, trông thấy nạn nhân rồi cũng bỏ mà đi. Nhưng một người Samaritanô đi ngang qua đó đến gần, trông thấy nạn nhân và động lòng thương xót y. Ông tiến lại, băng bó các vết thương, đổ dầu và rượu, rồi vực người ấy lên ngựa của mình, đưa đến quán trọ và săn sóc y... Theo ý ông, ai trong ba người đó đã tỏ ra là cận nhân của người bị rơi vào tay bọn cướp ? Ông ta trả lời : Kẻ đã tỏ lòng thương xót người ấy. Và Chúa Giêsu nói với ông : Ông cũng hãy đi và làm như vậy" (Lc 10,29-37).

     ... Mọi lý do đưa ra đều tốt để nhắm mắt lại trước những như cầu của những người bên cạnh gần hay xa khởi đi từ lúc chúng ta không muốn bị quấy rầy rắc rối. Chúng ta đặt lên hàng đầu cái tiện nghi nhỏ bé của mình trước mọi đánh giá khác, bất chấp những gì còn lại... Phục vụ ? Dấn thân giúp đỡ kẻ khác ? Vâng, nhưng đúng theo liều lượng. Không được vượt quá liều lượng đã được chỉ định, lạm dụng là nguy hiểm ! Chúng ta xoay xở đặt một giới hạn cụ thể và chọn lựa (Ai là cận nhân của tôi ?) ở nơi mà Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta một tấm lòng phổ quát làm cho chúng ta trở thành cận nhân của tất cả những ai cần đến...

     ... Sự cứng lòng nầy dần dần đâm rễ sâu trong chúng ta và có thể vận hành như một bản năng sinh tồn... Thật là kinh khủng tình trạng thường xuyên điềm nhiên quay lưng lại với người anh em đang cần giúp đỡ... Đó là tính hà tiện và sự cằn cỗi của tình yêu...

  1. Chúa Giêsu tôi tớ của mọi người.

     Chính khi chiêm ngắm Chúa Giêsu trong cuộc Thương Khó của Ngài mà chúng ta hiểu được phục vụ là gì. Để giải thoát chúng ta khỏi ách tội lỗi và sự chết, Chúa Giêsu đã trải cuộc sống của Ngài trong phục vụ cứu chuộc : "Trước lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết giờ của Người đã đến để từ bỏ thế gian nầy mà về cùng Chúa Cha, Người yêu thương các môn đệ còn ở trần gian và Người đã yêu thương họ cho đến cùng. Trong một bữa ăn tối, khi ma quỉ đã gieo vào lòng Giuđa Iscariôt con ông Simon ý định nộp Người, vì biết rằng Chúa Cha đã trao phó mọi sự trong tay Người, và Người bởi Thiên Chúa mà đến và Người phải ra đi trở về cùng Thiên Chúa, Chúa Giêsu đứng dậy khỏi bàn ăn, cởi áo và lấy giải vải mà thắt lưng. Đoạn Người đổ nước vào một cái chậu và bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy giải thắt lưng mà lau. Vậy Người đến với ông Simon-Phêrô. Ông thưa Người : Thưa Thầy, Thầy mà rửa chân cho con sao ? Chúa Giêsu trả lời ông : Điều Thầy làm, bây giờ con chưa hiểu được, sau nầy con sẽ hiểu. Phêrô thưa với Người : Không, Thầy sẽ không rửa chân cho con, không đời nào ! Chúa Giêsu trả lời ông : Nếu Thầy không rửa chân cho con thì con sẽ không có phần với Thầy" (Ga 13,1-8).

     Chúa Giêsu dạy cho Phêrô hiểu rằng để trở nên một môn đệ đích thực và trước khi có thể phục vụ Ngài thì ông phải để được Ngài phục vụ cho. Không ai có thể là dụng cụ giải thoát nếu trước đó chính mình đã không kinh nghiệm được sự giải thoát là gì. Chúa Giêsu đã chết trên thập giá để phục vụ mỗi người trong chúng ta. Trong buổi canh thức, Ngài đã cho một dấu hiệu mạnh về việc phục vụ qua việc rửa chân. "Con Người không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống hầu cứu chuộc nhiều người" (Mc 10,45). Tình yêu phục vụ... Hãy để Chúa Giêsu phục vụ chúng ta, bằng việc đón nhận ơn tha thứ của Chúa Cha trong bí tích hòa giải chẳng hạn.

     "Tình yêu phục vụ. Tình yêu mà Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta là khiêm tốn và có đặc tính phục vụ... Ai trong các con muốn làm lớn thì hãy trở nên tôi tớ của các ngươi, và ai muốn làm lớn nhất trong các ngươi sẽ là tôi tớ của mọi người " (Mc 10,43-44). Dưới ánh sáng của gương mẫu khiêm tốn sẵn sàng đi đến sự phục vụ dứt khoát của thập giá, Chúa Giêsu có thể mời gọi các môn đệ : "Hãy mang lấy ách của Thầy và hãy học cùng Thầy vì Thầy hiền lành và khiêm nhượng thật trong lòng" (Mt 11,29)

  1. Phục vụ anh em theo gương Chúa Giêsu.

     "...Khi rửa chân cho các ông xong, Chúa Giêsu mặc áo lại, ngồi vào bàn và nói với các môn đệ : Các con có hiểu điều Thầy vừa làm cho các con không ? Các con gọi Thầy là Thầy và là Chúa, các con nói đúng vì Thầy là như thế. Vậy Thầy là Thầy và là Chúa mà đã rửa chân cho các con thì các con cũng hãy rửa chân cho nhau. Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng làm cho nhau như Thầy đã làm cho các con. Quả thật, quả thật, Thầy nói điều đó với các con, tôi tớ không trọng hơn chủ, kẻ được sai đi không lớn hơn người đã sai mình. Biết điều đó, hạnh phúc cho các con, nếu các con làm như vậy" (Ga 13,12-17).

     Với tư cách là tín hữu, chúng ta được Chúa Giêsu mời gọi đi vào trong chiều kích hiến tế chiều dọc của thập giá và phục vụ của Ngài. Như Mẹ Maria (dĩ nhiên ở mức độ khác nhau), Mẹ của Chúa Giêsu và là môn đệ đầu tiên của Ngài, Mẹ đã được hội nhập vào Mầu nhiệm Cứu độ bằng cách nhận lấy trong trái tim Mẹ đau khổ của Chúa Giêsu trên thập giá, sự đồng thương khó nầy đã được Siméon tiên báo : "Một lưỡi gươm sẽ đâu thâu lòng bà" (Lc 1,35).

     Ở vào mức độ đó, đối với mỗi người chúng ta, sự phục vụ tha nhân hệ tại việc, hiệp nhất với Chúa Giêsu, nhận lấy trách nhiệm về phần rỗi đời đời của họ : Cầu nguyện bền bỉ cho họ, Dâng chay tịnh nầy nọ hay hy sinh cố ý cho họ, chấp nhận những đau khổ hoặc thử thách trong cuộc sống liên kết với thập giá Chúa Giêsu cho họ, thiêu đốt và tiêu hao đời sống trong sự hiến mình liên lỉ xuyên qua tất cả những gì làm nên tấm thảm cuộc sống thường ngày của chúng ta.

     Và nếu được kêu gọi, hiến dâng mạng sống cho những kẻ bách hại mình. Sách Khải Huyền gọi tử đạo, tột đỉnh của việc làm chứng cho Chúa Giêsu, là "phục vụ". Các vị tử đạo tương lai là những "bạn đồng hành phục vụ" của những ai đã hiến dâng mạng sống mình.

  1. Và phục vụ Chúa Giêsu trong anh em.

     "Ai yêu mạng sống mình thì sẽ phải mất nó, ai ghét sự sống mình ở đời nầy thì sẽ giữ được nó trong cuộc sống đời đời. Ai phục vụ Thầy thì hãy theo Thầy, và Thầy ở đâu thì kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy thì Cha Thầy sẽ tôn vinh người đó" (Ga 12,25-26).

     Có thể người ta nghĩ rằng chúng ta ở xa việc phục vụ tha nhân trong cuộc sống mỗi ngày. Không, Chúa Giêsu đã nói rõ rằng chiều kích hiến tế chiều ngang của thập giá và phục vụ mà tất cả chúng ta được mời gọi tới hệ tại việc hiến mình cho những người bé nhỏ nhất, bị bóc lột nhất, nghèo khổ nhất.

Tinh thần phục vụ quan trọng đến đỗi Chúa Giêsu lấy làm tiêu chuẩn tối hậu cho cuộc phán xét các dân tộc vào ngày thế mạt, cho tất cả mọi người dù là tín hữu hay không. Chúa Giêsu tự đặt mình làm người rốt hết (Mc 9,35), và chúng ta yêu Chúa Giêsu trong mức độ chúng ta phục vụ tất cả những người rốt hết mà chúng ta gặp trên đường.

     "Ta đói và các ngươi đã cho ăn, Ta khát và các ngươi đã cho uống, Ta là khách lạ và các ngươi đã tiếp rước, Ta mình trần và các ngươi đã cho mặc, Ta đau yếu và các ngươi đã thăm viếng, Ta bị tù đày và các ngươi đã đến giúp đỡ... Trong mức độ mà các ngươi đã làm cho một trong những kẻ bé mọn nhất trong các anh em của Ta là các ngươi đã làm cho chính Ta" (Mt 25,35-40).

  1. Các Phó Tế là dấu hiệu của Chúa Giêsu tôi tớ.

     Đây là lúc nhắc lại cho chúng ta rằng có một tác vụ được tấn phong là dấu hiệu bí tích của Giáo Hội phục vụ, đó là tác vụ Phó Tế. Nếu linh mục đại diện Chúa Kitô Mục tử thì nhờ ân sủng riêng biệt của mình, phó tế nói lên một khuôn mặt thiết yếu khác của Chúa Giêsu : Đức Kitô Tôi Tớ. Phó tế được thụ phong cho việc phục vụ đức ái. Bởi đời sống và sứ mệnh của mình, phó tế phải là dấu hiệu thường trực của một Giáo Hội muốn nên nghèo khó, gần gũi với những người bị thua thiệt nhất, những người bệnh hoạn, những người khuyết tật, những người nghèo khổ nhất trong cuộc đời.

     Trong tất cả những gì họ làm, các phó tế muốn nói lên một điều mà Chúa Kitô nắm giữ trên hết mọi sự: tôi tớ mọi người... "Con Người đến không phải để được hầu hạ, nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống...". Cần phải được nhắc lại không ngừng rằng sự phục vụ mà Chúa Kitô muốn và đã sống không gì khác hơn là sự trao ban chính mình... cho đến chết... và chết trên thập giá! Theo gương Chúa Giêsu, tất cả mọi người trong Giáo Hội đều là tôi tớ. Đó là điều hết sức căn bản mà một tác vụ đặc biệt nhắc lại cho chúng ta tất cả: tác vụ phó tế, dấu hiệu của Chúa Kitô Tôi Tớ.

  1. Phúc cho những người có lòng thương xót.

     Làm sao không nghĩ đến lời nầy của Chúa Giêsu "phúc cho những người có lòng thương xót, vì họ sẽ được xót thương" mà có lẽ sự phục vụ được gồm tóm lại trong lời nầy ? Có lòng thương xót chính là giữ con tim mình rộng mở với sự khốn cùng của tất cả những ai ở chung quanh chúng ta. Và còn hơn thế nữa : "Ý nghĩa đích thực và độc đáo của lòng thương xót không chỉ hệ tại cái nhìn, dù là xuyên thấu và trắc ẩn nhất, hướng về sự dữ luân lý, thể lý hoặc vật chất : lòng thương xót được biểu lộ trong phương diện riêng biệt và đích thực của nó khi nó khôi phục giá trị, khi nó thăng tiến và khi nó rút ra điều thiện từ mọi hình thức của điều ác đang có mặt trong trần gian và trong con người".

 

     Suy niệm để lần hạt Mân Côi

     Tình yêu phục vụ. Vậy Người đến với ông Simon-Phêrô. Ông thưa Người : Thưa Thầy, Thầy mà rửa chân cho con sao ? Chúa Giêsu trả lời ông : Điều Thầy làm, bây giờ con chưa hiểu được, sau nầy con sẽ hiểu. Phêrô thưa với Người : Không, Thầy sẽ không rửa chân cho con, không đời nào ! Chúa Giêsu trả lời ông : Nếu Thầy không rửa chân cho con thì con sẽ không có phần với Thầy" (Ga 13,1-8). Chúc tụng Chúa vì sự phục vụ Cứu độ mà Chúa đã thực hiện cho mỗi người chúng con. Xin ban cho chúng con đón nhận trọn vẹn thập giá của Chúa trong cuộc đời của chúng con.

     Tình yêu phục vụ. "Ai muốn làm lớn giữa các con sẽ làm tôi tớ các con, và ai muốn làm đầu các con sẽ làm tôi tớ mọi người" (Mc 10,43-44). Lạy Chúa, Chúa kêu gọi chúng con phục vụ, xin giải thoát chúng con khỏi mọi tinh thần thống trị và kiêu ngạo.

     Tình yêu phục vụ. "Matta, Matta, con lo lắng và ôm đồm nhiều việc quá, cần bận tâm ít hơn, ngay cả một việc thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy đi" (Lc 10,38-42). Lạy Chúa, Chúa mời gọi chúng con phục vụ, xin giúp chúng con phân định cái gì Chúa đòi hỏi, và để được như vậy, xin cho chúng con trước hết biết lắng nghe Chúa.

     Tình yêu phục vụ. "Theo ý ông, ai trong ba người đó đã tỏ ra là cận nhân của người bị rơi vào tay bọn cướp ? Ông ta trả lời : Kẻ đã tỏ lòng thương xót người ấy. Và Chúa Giêsu nói với ông : Ông cũng hãy đi và làm như vậy" (Lc 10,29-37). Lạy Chúa, Chúa kêu gọi chúng con phục vụ, xin ban cho chúng con trái tim phổ quát để làm cho chúng con trở nên người thân cận của tất cả những ai đang cần giúp đỡ...

     Tình yêu phục vụ. "Trong mức độ mà các ngươi đã làm cho một trong những kẻ bé mọn nhất trong các anh em của Ta là các ngươi đã làm cho chính Ta" (Mt 25,35-40). Lạy Chúa, Chúa kêu gọi chúng con phục vụ, xin ban cho chúng con được nhìn thấy Chúa hiện diện trong mỗi anh em của chúng con, đặc biệt trong những người bé nhỏ trên đường đời chúng con.