Giữa một xã hội in hằn nhiều vết sẹo, mang trên mình những vết thương của sự ích kỷ, hận thù, chia rẽ và chiến tranh; điều này đã và đang làm cho đời sống của con người, nhất là người nghèo rơi vào thảm cảnh của sự đau khổ, đói khát và nguy cơ bị gạt ra bên lề của xã hội. Hơn thế nữa, lối sống vô cảm, thờ ơ trước những thương tích mà con người gây ra cho thiên nhiên, như hồi chuông báo động về sự xáo trộn các giá trị đạo đức, luân lý đang bào mòn đi căn tính con người và làm cho hình ảnh Đức Ki-tô nơi tha nhân dần biến dạng.

Hơn bao giờ hết, lời của Thầy chí ái Giê-su đã từng khuyên bảo chúng ta: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12). Đây như một lời mời gọi, một sự nhắc nhở của Chúa Giêsu dành cho mỗi người chúng ta, hãy ý thức hơn về sự hiện diện của mình. Đó là sự hiện diện mang lại sự bình an chứ không phải chia rẽ, đối thoại chứ không phải đối chọi, và yêu thương chứ không phải hận thù. Bởi vì nơi nào có yêu thương, chúng ta dễ dàng nhận thấy hình ảnh Đức Ki-tô ngang qua việc phục vụ và chăm sóc tha nhân. Chính nghĩa cử đó như phương thế giúp mỗi chúng ta đi vào mối tương quan mật thiết với Chúa, để nhờ Người mà mỗi người vững vàng hơn trên con đường nên thánh trong thời đại hôm nay.

Ý thức được điều đó, tối ngày 12/03/2021, chúng tôi những con người trẻ đã đến hiện diện, thăm viếng và trao ban hơi ấm Giê-su cho những người vô gia. Đây như nghĩa cử của tình người, tình liên đới và tình huynh đệ trong những dư âm mà Covid 19 gây ra cho con người. Hơn nữa, đây như sợi dây nối kết mọi người lại với nhau để cùng nhau kiến tạo một thế giới văn minh tình thương.

 

Lặng nhìn những tia nắng cuối cùng đang dần thu mình sau một ngày chiếu sáng, nhường lại cho những đám mây đen nhuốm màu cả bầu trời. Từng đoàn người đang xô bồ, tấp nập trở về những ngôi nhà thân thương sau một ngày mệt nhọc; nơi đây, họ đắm chìm trong tình yêu, tình thương và sự ấm áp của tình người, đó như phần nào vơi đi mọi áp lực, lo toan và sự mệt nhọc. Tuy nhiên, đâu đó chúng ta vẫn thấy những hình bóng đang dần ẩn mình theo màn đêm của tiết trời, họ đang cố tìm cho mình một nơi chốn, một điểm tựa và một chút tình thương. Họ là những cụ già đến những đứa trẻ đang phải từng ngày, từng giờ chống chọi với cái đói, cái rét và cái khắc nghiệt mà cuộc sống đem đến. Mỗi con người là những câu chuyện mang trên mình những nỗi ưu tư, khắc khoải và đôi chút đượm buồn. Nỗi cô đơn, sợ hãi đang từng ngày, từng đêm đeo bám và bủa vây họ suốt chặng đường dài của cuộc sống trần gian. Nơi đây, họ vắng đi tình cảm thiêng liêng của gia đình, người thân, bạn bè và xóm làng yêu dấu.

 

Suốt chiều dài của lịch sử, cái nghèo cái đói luôn là nỗi ám ảnh và sợ hãi của con người qua mỗi giai thoại phát triển của xã hội. Nó từng giây, từng phút cướp đi vô số sinh mạng của biết vô người, phá tan đi những giấc mơ đến trường của bao triệu trẻ em và vô tình hay hữu ý đã đẩy không ít người ra khỏi sự phát triển của xã hội. Đáng buồn hơn, giữa những thương tích đó, con người ngày nay dường như vô cảm và phớt lờ đi những tiếng than khóc, cầu xin hay đợi chờ từ người nghèo. Chính điều này đã làm không ít người tự hỏi về truyền thống đạo lý tốt đẹp mà cha ông đã gầy dựng, đó là tinh thần tương thân, tương ái hay “lá lành đùm lá rách”, đang dần mất đi hay sao? Con người ngày nay liệu có còn yêu thương nhau nữa không?

 Thiết nghĩ, đó là những câu hỏi như hồi chuông nhắc nhở về sự hiện diện của mỗi chúng ta đang “Sống” hay là đã “Chết”. Truyền thống đạo lý mà cha ông đút kết như là kim chỉ nam hướng dẫn và thôi thúc mỗi người hãy đi ra khỏi chính bản thân, khỏi sự an toàn của bản thân để đi đến với những người nghèo khổ, đói khát và thiếu bóng tình người. Hãy đến bằng sự hiện diện chân tình để trao ban đi yêu thương và xoa dịu những thương tích mà họ đang phải gánh chịu. Chính những thương tích đó mà mỗi người chúng ta biết mở rộng đôi mắt, trái tim và tâm hồn để sẻ chia, đồng cảm và nâng đỡ những người nghèo khổ. Đó như phương thức giúp chúng ta hàn gắn các mối tương quan với nhau và liên đới với nhau trong tình huynh đệ đại đồng. Nói cách khác, yêu thương chính là linh hồn, hơi thở giúp con người có thể tồn tại được trong thế giới.

Dưới nhãn quan Đức tin Ki-tô giáo, Giáo hội là Mẹ luôn tha thiết mời gọi mỗi tín hữu: : “Hãy liên đới giữa những người nghèo với nhau, giữa người giàu và người nghèo…”(x. GLHTCG, số 1941). Đây là lời mời gọi mỗi người hãy ra sức để liên đới tất cả mọi người xích lại gần nhau hơn, không phân biệt giàu nghèo, màu da, sắc tộc và tôn giáo. Tất cả đều có mẫu số chung là nhân vị, và chính mẫu số chung đó giúp chúng ta ý thức hơn trong việc bảo vệ, tôn trọng và nâng đỡ mọi người nhất là người nghèo. Hơn thế nữa, nếu chúng ta biết liên đới với nhau thì đó là con đường giúp mỗi người tiệm cận với Đức Ki-tô trên con đường nên thánh.

Bên cạnh đó, yêu thương giúp chúng ta tái khám phá được hình ảnh “Giê-su” đang ẩn mình nơi những người nghèo khổ, già cả và bệnh tật. Qua sự hiện diện và viếng thăm với tấm lòng chân thành, chúng ta bắt gặp được Đức Ki-tô đang ở nơi đường phố, bệnh viện hay công trường. Ngài đang sống với chúng ta, và đợi chờ chúng ta trong ánh mắt lặng thinh của người vô gia cư, nơi những vết thương của người đau yếu và nơi sự đau khổ của những người bị loại bỏ; bởi chính Chúa Giê-su đã nói: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một người trong những anh em nhỏ bé nhất của Ta đây, là các ngươi làm cho Ta vậy” (Mt 25, 40). Điều này, như một lần nữa minh nhiên cho chúng ta thấy được sự hiện diện của Chúa nơi người nghèo, nếu chúng ta biết lưu tâm và giúp đỡ họ. Ngang qua sự giúp đỡ người nghèo, mỗi người chúng ta được Chúa biến đổi để như hiện thân của Đức Ki-tô sống và làm chứng cho Ngài trong thời đại hôm nay.

Nhà giáo dục người Mỹ William Arthur Ward đã từng nói: “Yêu không chỉ là một danh từ – nó là một động từ – nó không chỉ là cảm xúc – nó là quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ, hi sinh”. Ngày hôm nay, vẫn có biết bao nhiêu triệu người phải chết vì đói; nhiều trẻ em không được đến trường; người nghèo không được tôn trọng và nâng đỡ. Ước mong rằng, thế giới sẽ phần nào vơi đi đau khổ và đói khát nếu chúng ta biết yêu thương, quan tâm, chia sẻ và nâng đỡ nhau trên bước đường trần gian.

Gioan

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)